Ký ức chiến tranh: Vào trận - P50

Trận Bình Đức (Bến Lức) diễn ra sau đó không lâu. Đó là những ngày cuối năm 1974. Lúc này chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh địch để chia lửa cho các chiến trường, đồng thời tiêu hao, tiêu diệt một lực lượng của chúng nhằm bức hàng, bức rút những đồn bốt lấn chiếm trái phép. Đặc biệt là những căn cứ, đồn bốt dọc hành lang sông Vàm Cỏ Đông để chuẩn bị lộ trình cho đại quân ta tiến công trong chiến dịch mùa Xuân 1975 sau này.

Hôm đó, chúng tôi được lệnh mai phục để chặn đánh bọn địch càn ra thăm dò, giải tỏa. Tôi cùng Vũ Duy Tòng chung một công sự. Trận địa phục kích của chúng tôi nằm ngay trong những ruộng khóm (dứa) đang vào mùa thu hoạch. Nơi ấy rất ít các loại cây gỗ để chúng tôi có thể chặt lát công sự. Tôi và Tòng chỉ đốn được một số cây bình bát lèo tèo như que gậy, không đủ lực chịu đựng để đổ đất lên. Do vậy, công sự hết sức sơ sài. Tôi bảo Tòng: "Thôi, tất cả phó mặc cho số phận."...

Nằm phục đã hai ngày mà địch không ra. Cứ gần trưa và cuối buổi chiều, hai đứa chúng tôi thay nhau trườn ra bẻ khóm chín rồi lại trườn về công sự ngồi ăn. Mùi khóm thơm ngào ngạt. Vì thèm, nên chúng tôi ăn nhiều quá, chảy cả máu lưỡi. Bèn nghĩ cách là vắt lấy nước, cho vào bi đông rồi uống.

b1td1ad-1688135485.jpg
 

Ngày hôm sau, khoảng 8 giờ, từ xa qua ống nhòm, chợt chúng tôi phát hiện ra hai người đang đi vào trận địa phục kích. Họ gồm một nam, một nữ. Càng vào gần, nhìn kỹ thì đó là một ông già và một cô gái. Chờ cho bọn họ lọt vào trận địa phục kích, Nguyễn Văn Thường (Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An) ra chặn đường rồi mời vào xét hỏi. Họ khai là hai cha con đi làm đồng (vì ruộng gần đấy, ông già chỉ tay về phía đám ruộng) không biết bộ đội giải phóng về đây nên đã đi lạc vào. Họ xin được tha cho về, nhưng để đảm bảo bí mật cho trận phục kích, chúng tôi không thể để họ về được. Rất may, suốt cả ngày hôm đó địch vẫn chưa ra. Nếu chúng càn ra thì chắc cha con ông già cũng phải hứng chịu bom đạn như chúng tôi. Chiều tối hôm đó, sau khi thả họ, chúng tôi khẩn trương chuyển trận địa phục kích đến một địa điểm khác để đợi địch ra.

b2tdafh-1688135591.jpg

Hai ảnh trên: Tác giả với vợ chồng Vũ Thanh Thường và Bảy Bé từ Thủ Thừa, Long An ra thành phố Hà Tĩnh thăm khi biết tác giả bị trọng bệnh phải phẫu thuật tại bệnh viện ở  Hà Nội về dịp sau Tết Quý Mão (2023)..

 

Tuy nhiên, điều kỳ lạ và ít ai ngờ nhất là sau ngày giải phóng, khi chúng tôi chuyển quân đến ấp 3, xã Nhị Bình (Thủ Thừa, Long An), Thường và An cùng hai người khác tình cờ được bố trí ở ngay trong nhà hai cha con ông già bị bắt hôm đó. Nhưng, vẫn chưa hết những điều ngạc nhiên là sau đó, chính cô gái bị Thường bắt giữ làm "tù binh" trong trận ấy lại đem lòng yêu Thường và đã được Thường "đáp trả" bằng tình yêu say đắm và mãnh liệt của mình. Ngày được xuất ngũ, Thường đã quyết định không trở về Bắc nữa mà quay lại Nhị Bình vì nỗi nhớ người yêu. Một thời gian sau, được gia đình cho phép, họ xây dựng hạnh phúc với nhau. Hai "tù binh" dạo nọ, giờ đây một người là "phu nhân" Bảy Bé yêu dấu, một người là "nhạc phụ" đáng kính của Thường. Bây giờ thì Thường đã trở thành dân Nhị Bình rồi. Vì cưới nhau xong, cậu ta không về Bắc nữa mà ở rể luôn tại gia đình bên vợ. Nghe nói, sau đó hai vợ chồng Thường và Bảy Bé có 3 mặt con. đời sống của Thường khá vất vả. Không rõ, hiện nay, hoàn cảnh ra sao? Đã 30 năm chưa một lần tái ngộ.

Lại một điều nữa nằm ngoài quy luật thông thường đã xảy ra!

... Đại đội di chuyển trận địa phục kích đến một nơi khác. Chúng tôi không phải chờ đợi lâu. Ngày hôm sau, địch cho một tiểu đoàn nống ra càn quét. Đại đội một chặn đánh địch ngay trên đường hành quân của chúng. Trận ấy có mấy đồng chí phóng viên mặt trận B2 cùng tham gia để quay tại trận những thước phim tư liệu phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của cấp trên. Rất may cho họ, lần này bọn địch đi đúng ý đồ chiến thuật của ta. Tổ quay phim gồm 2 phóng viên nằm gần công sự với hai đồng chí của đại đội một. Khi một tốp 7 tên đi đầu hướng vào trước công sự của họ. Ống kính quay phim vẫn xè xè quay rất nhỏ, thu lại hình ảnh của đám lính này. Cách chừng 30 mét, chúng đột ngột dừng lại rồi giở bản đồ ra để tìm đường. Một tên đeo Col 12, chống gậy, một tên khác mang máy thông tin PRC 25. Tên chống gậy chắc chắn là chỉ huy. Nó dùng tay chỉ trỏ rồi nói gì với bọn lính đang dồn lên. Đột nhiên, nó chỉ thẳng vào chỗ chiếc máy quay phim đang xè xè quay, nói gì đó vẻ hốt hoảng. Cả bọn nhìn theo tay của thằng sỹ quan (chắc nó đã phát hiện ra điều gì). Chỉ chờ có thế, ánh chớp màu da cam do trái B40 của đồng chí bên cạnh đã trùm lên tốp lính. Ở đó không còn dấu vết gì, còn lại chỉ là một cột khói đen hình nấm bốc lên. Tiếng nổ là hiệu lệnh của trận đánh. Tất cả các loại súng ở các cánh thi nhau trút đạn vào đám tàn quân tháo chạy thục mạng về hướng Bến Lức. Trong khi chúng tôi đồng loạt xung phong truy kích địch, nhóm phóng viên mặt trận cũng lao lên ghi lại những hình ảnh sống động nhất của trận đánh. Chúng tôi hoàn toàn làm chủ thế trận. Gần như không có tiếng súng đáp trả. Trận đánh diễn ra chóng vánh. Địch bị tiêu diệt phần lớn, chúng tôi bắt sống 13 tù binh; thu 4 máy thông tin vô tuyến điện PRC 25 và phải dùng đến 3 chiếc xuồng mới chở hết số súng thu được.

Thất bại nặng nề, bọn tàn quân tháo chạy về hướng Bến Lức rồi gọi pháo bắn ra bưng, nơi trận đánh vừa xảy ra. Đồng thời gọi trực thăng quần thảo và phóng hoả tiễn xuống trận địa. Chúng tôi chui xuống công sự tránh đạn. Tiểu đoàn ra lệnh không được nổ súng bắn trực thăng vì dễ gây lộ mục tiêu. Thấy ta im lặng và không có phản ứng gì, mấy chiếc "cán gáo" chủ quan, liều lĩnh sà thấp xuống để phát hiện mục tiêu và bắn đại liên vào những chỗ nghi ngờ. Đồng chí Viện, người gầy như que củi quê Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng ở đại đội tôi (C3, D7), thấy "ngon lành" quá liền chĩa nòng AK ra khỏi miệng hầm hướng vào bụng chiếc trực thăng gần nhất khi đang sà xuống phóng rốckét, siết cò "pằng, pằng, pằng..." Cả ba viên đạn găm vào sườn chiếc "Cán gáo". Lửa nhanh chóng bật ra từ hông nó. Theo đà, chiếc trực thăng đâm sầm xuống bưng, cách công sự tôi chừng 200 mét. Tôi trông rất rõ 3 tên nhào ra rồi chạy thục mạng trong khi hai chiếc còn lại bắn như xối đạn xung quanh chiếc "Cán gáo" đang cháy với bán kính khoảng vài ba trăm mét, nhằm bảo vệ cho ba thằng kia. Một trong hai chiếc còn lại liều mạng đáp xuống vớt ba thằng đó rồi vội cất lên, bay nhanh về hạ xuống cái bốt cách đó chừng 3 cây số. Chiếc "cán gáo" đó cũng bị dính đạn của ta, tuy nhiên nó đã chạy thoát. Một cột lửa và khói khổng lồ bốc lên cao cùng với tiếng nổ loạn xạ của các loại đạn, lựu đạn, rốckét trong chiếc "cán gáo" bị bắn cháy. Khoảng hơn hai giờ sau, đám cháy mới lụi dần. Nghe nói bọn lính nguỵ trên cầu Bến Lức khi thấy trực thăng cháy liền vỗ tay reo hò! Thật khó hiểu (?!)

(Còn tiếp)

Trái tim người lính