Ký ức chiến tranh: Vào trận - P51

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

02/07/2023 06:01

Theo dõi trên

Trận ấy, Viện được đề nghị tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì. Sau giải phóng, năm 1976 cậu ta trở lại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1980, tình cờ tôi gặp Viện tại trường Đại học Sư phạm Vinh khi trên đường vào thành phố Hồ Chí Minh nhận công tác.

Vì rất vội nên chúng tôi chỉ tâm sự với nhau được mấy phút rồi đành phải chia tay để Viện ra ga cho kịp chuyến tàu. Hai mươi lăm năm, kể từ ngày ấy đến bây giờ, tôi chưa một lần gặp lại Viện. Có lẽ anh đã định cư tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 01 năm 1975, Trung đoàn 271 cùng quân đoàn 4 cùng các đơn vị bạn thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, huy động một lực lượng quân sự đủ mạnh nhằm tiến công giải phóng thị xã Phước Long và tỉnh Phước Long để thăm dò phản ứng của Mỹ- nguỵ. Trước đó, tại địa bàn Long An, Tiểu đoàn 7 chúng tôi cũng được học tập chính trị và nghị quyết của cấp trên về tình hình và nhiệm vụ chiến lược mới. Được quán triệt tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương:"Quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Tuy nhiên nếu thời cơ đến sớm thì sẽ chớp lấy và huy động tổng lực nhằm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975".

b1td1qas-1688212661.jpg

Tác giả Vương Khả Sơn trong một sự kiện.

 

Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của một thi sỹ nói lên cái cảm xúc đau đáu, khắc khoải khi nghĩ về đất nước trong đằng đẵng chiến tranh:

Đất nước ba mươi năm cầm súng

Mà vầng trăng còn xẻ làm đôi...

Những vần thơ ấy vừa là sự ám ảnh vừa như nỗi niềm và động lực thúc giục chúng tôi xốc tới để góp phần giải phóng miền Nam. Vì đây là thời cơ không có sự lặp lại! Lịch sử dân tộc đang chuyển mình sang một bước ngoặt mới! Một ngày bằng mấy mươi năm!

Phước Long là tỉnh thứ hai sau Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Mất Phước Long, Tổng thống nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu hô hào: "Tràn ngập lãnh thổ", "Tái chiếm"... Nhưng những nỗ lực quân sự và ngoại giao của chúng đều bị vô hiệu hoá. Thiệu đành cay đắng chấp nhận mất Phước Long và kêu gọi để tang cho tỉnh này ba ngày. Đồng thời một mặt làm mình làm mẩy với chủ Mỹ, mặt khác yêu cầu Mỹ đưa quân trở lại miền Nam và tái oanh kích miền Bắc. Quả là "chó cùng dứt giậu". Tuy nhiên thế và thời lúc ấy không cho phép Mỹ thực hiện được ý đồ đó nữa. Mỹ hoàn toàn không có phản ứng quân sự sau khi Phước Long thất thủ.

Còn ta, xem đó là một bước ngoặt của cuộc chiến tranh giải phóng. Chiến thắng Phước Long đã mở ra một thời cơ mới, một cục diện mới, đẩy thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển về chất lên một bước mới. Sau chiến thắng Phước Long, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh và xây dựng lực lượng quân đội, chúng ta nhanh chóng thành lập những quân đoàn để tạo những “quả đấm thép” quyết định trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược: "Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước!"

Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là tiếp tục đứng chân trên địa bàn thuộc các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức và Thủ Thừa... Tiếp tục tiến công giải phóng toàn bộ hệ thống đồn bốt dọc sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây để khai thông hành lang nhằm tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực và các phương tiện vũ khí, khí tài kể cả vũ khí hạng nặng như chiến xa T54, pháo tự hành... mở hướng tiến công Sài Gòn từ hướng Tây nam và Tây bắc. Có thể nói lịch sử sẽ không có sự lặp lại. Hai mươi mốt năm dồn lại cho trận đánh cuối cùng! Trong những ngày này, chúng tôi như đang sống trong không khí hội quân. Cả nước ra trận. Mặc dù chiến sự vẫn diễn ra dồn dập, càng lúc càng ác liệt. Đêm đêm tiếng hú của những giàn ĐKB (một loại hoả tiễn được cải tiến, đặt trên máng đẩy, có sức công phá rất mạnh), cùng với tiếng nổ kinh hoàng của nó trong các căn cứ địch, được xem là tiếng chuông cáo chung cho chế độ nguỵ quyền Sài Gòn thối nát, đang điểm.

Những thắng lợi quân sự trên khắp các chiến trường, đặc biệt chiến thắng của chiến dịch Buôn Ma Thuột

(từ 4-3 đến 3-4-1975) trận mở màn then chốt chiến lược đã tạo một phản ứng dây chuyền về sự đổ sụp nhanh chóng của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn thối nát, đồng thời là hồi kèn xung trận thôi thúc chúng tôi quyết tâm chiến đấu, góp phần đẩy nhanh mục tiêu giải phóng đất nước đến đích cuối cùng.

Bị thảm bại ở Tây Nguyên, các sư đoàn quân nguỵ đặc biệt là sư đoàn 22 cùng một số sắc lính như thuỷ quân lục chiến, biệt động quân... tháo chạy về vùng ven hòng lập một tuyến phòng thủ từ xa, bảo vệ Sài Gòn. Bởi vậy, nhiệm vụ chiến trường lúc này trong đó có đơn vị chúng tôi là chặn đánh chúng, bảo vệ và giữ vững tuyến hành lang mới được khai thông, tạo điều kiện để đại quân ta mở hướng đột kích tiến đánh Sài Gòn. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với một lực lượng nhỏ bé, trang bị vũ khí thiếu thốn như chúng tôi. Nhưng với ý chí tất cả cho chiến thắng, tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc nên nó đã biến thành sức mạnh vật chất. Chúng tôi, ai cũng xác định quyết tâm chiến đấu và quyết thắng.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P51" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn