Ký ức chiến tranh: Vào trận - P55

Tôi viết lại kỷ niệm này như một sự tri ân đối với đồng đội. Và một điều quan trọng khác là bài học về sự gắn bó, sẵn sàng chia lửa cho nhau ở những thời khắc gian nan và ác liệt nhất của những trận đánh. Đó là yếu tố làm nên chiến thắng và tình đồng đội máu thịt.

Trước đó, trong một trận đánh khác, chúng tôi đã có cuộc đọ súng với một đơn vị của Sư đoàn 22 nguỵ. Cả buổi sáng hôm đó, chúng sợ không dám nống ra. Mãi đến hơn 14 giờ, mới dò dẫm men theo lộ 21 lên hướng Lương Hoà hòng thực hiện kế hoạch giải toả căn cứ này. Đại đội tôi nhận nhiệm vụ khoá đuôi, vu hồi. Địch đã tiến được khá xa mà không thấy động tĩnh gì cả. Chúng trở nên dè dặt hơn, tốc độ hành quân chậm lại. Có quãng chúng co cụm, không rõ để làm gì. Chờ cho tốp đi đầu lọt vào đội hình phục kích, đại đội một và hai nổ súng chặn đánh.

b1td1as-1688565905.jpg

Đồng đội Vũ Duy Tòng (áo màu sẫm) trong lần đến thăm tác giả, đồng đội Vương Khả Sơn (anh Vũ Duy Tòng mất ngày 29/9/2022 tại quê nhà Diễn Hoàng, Diễn Châu, Nghệ An thọ 71 tuổi)

 

Chúng tôi xuất kích khoá đuôi. Từ chỗ xuất kích đến đội hình quân địch khoảng 300 mét. Từ xa, các loại vũ khí phát huy tối đa hoả lực. Cối 82ly và 60 ly dội xuống. Tiếp theo là B41, B40, trung liên, AK đồng loạt quất vào đội hình quân địch. Tôi đã bắn hết 4 trái B40 vào bọn đang tháo chạy. Quãng đường xuất kích khá xa, phải băng qua một quãng bưng lại vừa xuất kích vừa la hét, xung phong nên ai nấy đều muốn đứt hơi. Lúc này trời đã chạng vạng tối. Tôi vừa băng lên, chợt thấy một khu lăng mộ trước mặt liền chạy ngay đến đấy để lấy chỗ tránh đạn và đón đợi bọn địch tháo chạy trở lại. Đánh mắt sang bên phải chếch lên phía trước, tôi chợt phát hiện một tốp 7 - 8 bóng đen đang lao tới. Tôi vội kê súng lên bờ gạch của ngôi lăng, bình tĩnh kéo búa đập xuống, chuẩn bị… Chờ cho mấy bóng đen đó vào gần một đoạn nữa, tôi nghếch nòng B40, há miệng, siết cò. Tiếng nổ chói tai, quả đạn lao vút đi.

b2td2as-1688566062.jpg

Tác giả Vương Khả Sơn đến thăm và tặng quà đồng đội Chu văn Lương (Thương binh bị thất lạc giấy tờ không được hưởng chế độ thương binh)

 

Trong khoảnh khắc một quầng lửa da cam nhoáng lên kèm theo một tiếng nổ lớn phía trước tốp người đang chạy. Tôi bỗng nghe tiếng hét, giọng Nghệ Tĩnh: "Đừng bắn! Đừng bắn! Bộ đội đây!". Tôi giật mình hoảng hốt, "Chết rồi! Mình bắn nhầm vào đồng đội!". Tôi hỏi lớn, "Có ai làm sao kh...ô..ông?" Có tiếng đáp: "Kh...ô…ng". Rất may, trời nhá nhem tối nên tôi căn cự ly không chính xác. Quả đạn nổ phía trước mặt tốp người kia khá xa. Nếu không, tôi đã "thui chín" mấy đồng đội của mình rồi! Tiếng trả lời đó là của Đinh Văn Luận, đại đội phó, người tôi đã kể về trận anh Đông bị mìn hy sinh mà tôi đã trao B40 cho Luận giữ để vào bế Đông ra và tình huống buồn cười khi Luận rơi từ trên cây cao xuống hồi chúng tôi đánh bốt Rạch Nhum (Tân Phú) năm 1974. Lúc đó, Luận có mặt trong đội hình của tốp người này. Tôi chạy ngay đến chỗ họ. Không ai bị làm sao cả. Không hiểu sao lúc đó tự nhiên như có ai bảo tôi bắn sớm? Cứ như mọi lần, chờ họ vào thêm một đoạn nữa mới nổ súng thì chẳng còn một ai. Hú vía!

b3td3ad-1688566106.jpg

Nghĩa tình đồng đội Vương Khả Sơn và Chu Văn Lương.

 

Trận đánh này có một tình huống rất buồn cười. Đó là lúc xuất kích, một đồng chí đuổi theo một tên địch. Khoảng cách hai người chỉ cách chừng 25 - 30 mét nhưng không làm sao đuổi kịp, bắn mãi cũng không hề trúng. Đồng chí ấy chạy thì nó chạy. Đồng chí ấy đi, nó cũng đi. Lúc dừng, cả hai cùng dừng. Thằng lính không còn đủ sức để xách súng nữa nên kéo lê trên mặt đất. Cậu ấy đưa súng lên ngắm bắn bao nhiêu lần cũng không hề trúng. Vì cả hai đã mệt đứt hơi. Hệt như trò mèo đuổi chuột. Đuổi mãi, đuổi mãi, khi thấy đã quá xa, tên lính cũng đã lết về gần tới bốt Rạch Mương, đồng chí ấy đành phải quay lại. Tên lính ngoái nhìn rồi thất thểu bước về hướng bốt…

Đêm 27- 4, chúng tôi nhận lệnh vượt sông Vàm Cỏ Đông để phối hợp với với Sư đoàn 5 thuộc Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) đánh chiếm Chi khu Thủ Thừa, thị xã Tân An và Chi khu Bến Lức, nhằm khai thông hành lang cho đại quân tiến về Sài Gòn từ hướng Tây - Nam. Nhiệm vụ và mục tiêu cuối cùng của Đoàn 232 trong chiến dịch Hồ Chí Minh là đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát và Biệt khu Thủ đô để cùng với các quân đoàn bạn hợp điểm tại Dinh Độc Lập vào trưa 30 tháng 4.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 28 tháng 4, chúng tôi nghe nhiều loạt tiếng nổ lớn từ hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Phía ấy, nhiều cột khói đen lớn bốc cao, rồi cả một vùng trời bị che phủ bởi khói lửa. Đơn vị báo tin chiến thắng. 17 giờ chiều cùng ngày, không quân ta đã dùng một phi đội năm chiếc chiến đấu cơ A37 cướp được của địch do một trung uý phi công nguỵ phản chiến dẫn đầu, dội bom Tân Sơn Nhất, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống sân bay này (sau này chúng tôi mới biết đó là trung uý phi công Nguyễn Thành Trung, một chiến sỹ tình báo của ta được gài vào hàng ngũ địch). Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, không quân ta đã xuất trận trực tiếp dội bom vào đầu quân nguỵ, lập chiến công xuất sắc, làm tiêu ma những hy vọng cuối cùng của chúng. Chính từ thời khắc lịch sử ấy, chế độ nguỵ quyền Sài Gòn rơi vào hoảng loạn, dẫn đến kết cục sụp đổ nhanh chóng, không gì cứu vãn nổi….

… Chúng tôi không được vinh dự có mặt ở Sài Gòn trong ngày 30-4-1975 bởi mệnh lệnh cấp trên giao phải ở lại chiến trường Long An để cùng đơn vị bạn bảo vệ hành lang cho đại quân tiến đánh Sài Gòn và làm nhiệm vụ quân quản. Trong những ngày 28, 29 tháng 4 vừa chiến đấu, chúng tôi vừa bám sát tin chiến sự từng giờ. Đài tiếng nói Việt Nam liên tục đưa tin chiến thắng và diễn biến thần tốc của chiến dịch.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính