Ký ức chiến tranh: Xẻ dọc Trường Sơn - P3

Khác với trước đây, để chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho bộ đội hành quân trên Trường Sơn, các đơn vị hậu cần của Bộ Tư lệnh 559 lo làm kho, lán dự trữ. Bộ đội đi đến đâu, tự giác lấy theo nhu cầu của mình. Đến giai đoạn này, quân vào đông, nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ đã cạn.

Tần suất các vụ oanh tạc của không quân Mỹ càng dày đặc và ác liệt. Mặt khác, một số kho lại bị bọn thám báo, biệt kích đốt cháy hoặc qua các mùa mưa đã bị mục nát. Do vậy, việc tiếp tế chủ yếu là dựa vào những chuyến xe đó. Những chuyến xe "mồ côi" như vậy khó có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu hàng ngày cho bộ đội Trường Sơn...

b3td3q-1683172609.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Rời binh trạm 36, chúng tôi tiếp tục hành quân... Lại vượt dốc, trèo đèo, đêm nghỉ ngày đi... Tôi và Đính lại có một kỷ niệm đáng nhớ với nhau ở binh trạm 40. Vốn trước đó, do mang vác nặng, hành quân đường trường, lại đèo dốc, vực thẳm, tôi bị bong gân bàn chân phải, đau đớn vô cùng. Vậy mà trên vai vẫn bàn đế cối 82 ly, vẫn ba lô, bao gạo... Tôi cắn răng, cố lê từng bước để theo kịp đơn vị. Đang đi, bàn chân phải vốn bị bong gân của tôi bỗng vấp phải một cái rễ cây to nổi lên giữa lòng đường. Ôi! Đau! Một cái đau không có ngôn ngữ để diễn tả. Có lẽ những lần bị thương sau này cũng chưa lúc nào có cái cảm giác đau đớn hơn thế. Tôi ngã chúi người về phía trước. Nước mắt trào ra. Chiếc bàn đế rời vai tôi lao thẳng vào gót chân của Đính. Một mảng gân trắng hếu lòi ra. Tiếp theo là máu. Ôi, nhiều máu quá! Đính đau điếng, ngã theo. Cái nòng cối 82 đè lên cổ cậu ta. Còn chiếc bàn đế của tôi lăn xuống mép dốc, thiếu tý chút nữa thì rơi xuống vực. Tôi hoảng hồn, chợt nghĩ và hình dung ngay đến mức độ kỷ luật dành cho mình sẽ như thế nào nếu như chiếc bàn đế đó nằm dưới đáy vực? Cả đại đội được lệnh tạm dừng, chờ đợi để băng bó cho Đính. Xong mới tiếp tục hành quân. Phải mất hai tuần sau, Đính mới cà nhắc, vác được nòng pháo theo đơn vị. Còn cái chân phải của tôi đã thành mãn tính không lành được nữa. Tối tối, sau mỗi ngày hành quân trèo đèo, vượt dốc trong đau đớn, tôi phải ngâm chân bằng nước muối nóng cho đỡ đau để ngày hôm sau tiếp tục theo kịp đơn vị. Đau mấy cũng phải cố gắng theo, bước đi mà phải giấu dòng nước mắt chảy tràn trên má vì đau. Bởi nếu chỉ một biểu hiện nhỏ về sự nhụt chí sẽ bị xem là "có vấn đề về tư tưởng... (!?)"

... Chúng tôi vượt sông Xê Công khi trời đã về chiều. Mùa khô nên nước sông không sâu, cá ở con sông này nhiều vô kể. Binh trạm đóng gần sông. Tôi thấy ở gần chỗ trú quân là nơi uốn khúc của con sông, nước xoáy khoét sâu vào phía hữu ngạn tạo nên những cái vực sâu. Hôm ấy, một đồng chí trong đại đội (tôi không nhớ rõ tên) đã ném xuống một trái thủ pháo. Không biết cơ man nào là cá. Đại đội chúng tôi đã vớt được mấy bao tải (loại bao cát của Mỹ dùng để làm công sự dã chiến). Đồng chí này sau đó bị kỷ luật cảnh cáo vì vô kỷ luật, không đảm bảo bí mật hành quân Nhưng chúng tôi thì được ăn cá thoả thích, còn chia phần cho các đơn vị khác...

Mấy ngày sau, chúng tôi vượt dốc 2001 (2001 mét so với mặt biển). Dốc dựng đứng. Đầu người này chạm đáy ba lô người kia. Bộ đội công binh đã căng sẵn hai bên hai sợi dây song (mây) to gần bằng bắp tay. Không biết cây song mọc từ đời nào mà dài đến thế? Nếu không vì nặng mà để nguyên cả cây có lẽ nó phải dài đến cả cây số. Họ phải chặt ra nhiều khúc, căng ra cho bộ đội bám vào để leo lên. Dưới đất, công binh và giao liên binh trạm 559 phải làm cấp, lát gỗ, nẹp chặt lại để định vị. Có đến hàng chục nghìn bậc như vậy ở cả hai sườn dốc. Quả là kỳ diệu! Ở binh trạm này, bộ đội phải cõng nước từ dưới suối lên đỉnh dốc để nấu cơm tối ăn và nghỉ lại trên đó. Vì leo từ sáng đến 5 giờ chiều mới tới được đỉnh dốc. Đêm treo võng ngủ lại, sáng hôm sau mới từ đỉnh dốc leo tụt xuống.

Cứ thế... chúng tôi lại mải mốt đi... Lại vượt dốc, trèo đèo, vượt suối... Thấm thoắt đã gần 2 tháng trời hành quân, chúng tôi đã vượt không biết bao nhiêu ngọn núi chót vót của Trường Sơn, qua bao nhiêu sông rộng và chảy xiết nữa như Xê Bang Hiêng, Xê Rê Pốc... Gian khổ, ác liệt là thế nhưng tất cả vẫn lạc quan, yêu đời. Ở những thời điểm nghỉ giải lao 10 phút, giữa hai chặng hành quân, tiếng hát lại vang lên giữa núi rừng điệp trùng với đá tai mèo, dốc đứng:

Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn. Ta đi nhằm phương Nam, gió ngàn đưa chân ta về quê hương. Quân về trong gió đang dâng triều lên. Máu thắm đường ta đi, lẫn mồ hôi rơi, tình quê tha thiết. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...

...Trên con đường ta đi lũ trào, thác xối, muỗi rừng, vắt núi. Ôi miền Nam đó giang tay gọi ta. Núi vút thành vách đứng, nắng hè khét đá, rừng khuya mất lối. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...

Hay: "Miền Nam kêu gọi ta, vượt Trường Sơn bay vọng ra. Ôi! Tiếng quê hương như thúc giục chúng ta. Mười mấy năm đã qua, giặc tàn phá trên quê nhà; gieo tóc tang điêu tàn xóm làng. Miền Nam yêu dấu ta ơi! Xin hiến dâng cả trái tim chúng tôi đang sục sôi. Miền Nam ơi! Một tiếng của Người gọi, chúng tôi sẽ lên đường về ngay chống quân thù...".

Chúng tôi hít căng lồng ngực, hát say sưa, tha thiết quên cả mệt nhọc gian khổ và đau đớn! Cái thời tuổi trẻ của những năm đánh Mỹ ấy, nào ai có thể dễ quên? Thật xúc động và tự hào!

Hành quân Trường Sơn có những kỷ niệm rất vui, rất đáng nhớ nhưng cũng cười... ra nước mắt. Đó là việc nghỉ giải lao, ăn cơm trưa của bộ đội. Không rõ từ lúc nào, ai đã đặt ra cái từ "ca nhạc" (ăn cơm). Cứ khoảng hơn 9 giờ sáng đã bắt đầu có tiếng "ca nhạc đi thôi". Vậy là cả một khoảng chiều dài rừng Trường Sơn nối nhau râm ran cái tiếng hấp dẫn ấy. Bởi khi cái tiếng ấy cất lên là báo hiệu sắp được nghỉ ăn trưa. Điều quan trọng không phải được nghỉ mà là được ăn. Ở Trường Sơn rất đói. Mặc dù buổi sáng, vừa mới ăn xong nhưng chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ sau đã đói cồn cào. Bởi vào đến đây, thực phẩm dự trữ của từng người trong ba lô đã cạn. Ngoài suất cơm ít ỏi ra, thức ăn chỉ có một dúm ruốc bông nấu với môn thục (rất hiếm) hay một thứ lá rừng, nước lõng bõng, nêm một chút mỳ chính là xong. Chúng tôi thường gọi đùa là "canh toàn quốc". Buổi trưa mỗi người một nửa hăng-gô cơm, vậy mà ăn xong vẫn nghĩ, ước gì còn sẽ ăn hết một hăng-gô nữa... Tôi nhắc lại một kỷ niệm cười ra... nước mắt ấy ở binh trạm 49 bởi ăn canh lá rừng. Hôm ấy, tôi và Đính đến phiên nấu cơm. Chiều hôm trước khi hành quân đến binh trạm, vừa nấu cơm xong, nhìn lên tán cây, tôi chợt phát hiện thấy lá cây "mỳ chính" (tôi tưởng cây "mỳ chính" thật. Bộ đội Trường Sơn gọi là cây "mỳ chính" vì lá của nó ăn ngọt như nêm mỳ chính). Tôi gọi Đính và chỉ cho cậu ta, nhưng vì trời chiều muộn rồi nên chúng tôi không trèo hái nữa. Sớm hôm sau, Đính nhóm bếp thổi cơm, tôi trèo hái xuống rửa sạch cho vào nồi nấu canh cho bộ đội (hành quân Trường Sơn mỗi trung đội tổ chức một bếp). Cơm sáng xong, đơn vị được lệnh hành quân.Vừa đi được một quãng, tôi bỗng thấy bụng quặn đau, sau đó đau quằn quại rồi nôn mửa. Tôi báo cho trung đội trưởng Lê Văn Thuần, (quê Diễn Châu, anh hy sinh trong trận đánh ngày 16-6-1972 tại Long Khốt, Kiến Tường-Long An cùng 4 đồng chí khác). Liền sau đó, rất nhiều người trong đó có cả Thuần cùng kêu đau bụng và nôn thốc, nôn tháo... Người đi đầu đội hình mới leo được một đoạn dốc cũng ôm bụng kêu đau, rồi tất cả những ai ít nhiều ăn canh đều bị ngộ độc. Cả trung đội nằm la liệt trên triền dốc. Đại đội báo lên tiểu đoàn, Tiểu đoàn gọi lên Trung đoàn. Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn phải khẩn trương tập trung các y tá, y sỹ của tiểu đoàn về đại đội chúng tôi tìm cách giải độc cho mọi người. Tôi ăn khá nhiều canh nên nôn mật xanh, mật vàng, mắt hoa lên, tai ù đặc. Tuy nhiên nhờ nôn sớm, nôn hết nên không ai bị làm sao cả, chỉ mệt lử thôi. Hú vía! Trung đội chúng tôi buộc phải dừng lại, ngày hôm sau mới lên đường đuổi theo đơn vị. Lần ấy tôi và Đính bị khiển trách. Tuy nhiên, nào ai muốn thế! Bởi chính chúng tôi cũng là nạn nhân đầu tiên của nồi canh ấy mà. Cái thứ lá mà tôi nhầm tưởng lá "mỳ chính" ấy có tên gọi là lá bét. Từ đó trở đi, đơn vị cấm hẳn, không cho bất cứ ai nấu canh lá rừng nữa, trừ môn thục và rau tàu bay. Nhưng loại này ở Trường Sơn là "hàng xa xỉ, quý hiếm", dễ gì tìm được!

Cái đói vẫn cứ đeo đẳng, bám theo chúng tôi trên mỗi chặng đường hành quân. Cũng vì thiếu gạo và muốn cải thiện thêm chút ít cho đỡ đói lòng nên suýt nữa thì tôi bỏ mạng trên sông Xê Rê Pốc - con sông duy nhất trong các con sông mà chúng tôi vượt qua trên Trường Sơn, chảy ngược sang đất bạn Lào. Hôm ấy, đơn vị chúng tôi dừng chân ở tả ngạn con sông này. Trước đó, đoàn thuyền chở gạo của hậu cần binh trạm đi trên sông, không may, một chiếc đâm phải đá ngầm chìm xuống, bị nước cuốn trôi. Nước sông chảy xiết, các bao gạo sau khi ngấm nước liền cuốn theo dòng rồi giắt kẹt vào các lèn đá giữa sông. Các đơn vị khác qua đây đã có người mò vớt rồi. Tôi đến sau, khi được tin liền chạy ra bờ sông cởi ngay quần áo nhảy xuống. Tôi men theo một ghềnh đá giữa dòng nước xiết. Dưới tảng đá là một lỗ hổng to. Hai tay tôi bám trên đỉnh tảng đá ấy, thả người xuống thăm dò. Thật bất ngờ, như một ma lực, tôi bị dòng nước hút ngay vào lỗ hổng đó. Chân tôi chạm phải một bao gạo nhưng đuối tầm quá không có cách gì vớt được.Tôi cố đu người để kéo mình ra khỏi hút nước ấy, nhưng không thể vì sức lực của hai cánh tay không sao thắng nổi dòng nước xiết. Tôi nghĩ ngay đến cái chết. Chỉ cần bất cẩn, trượt tay hoặc chùng cơ là dòng nước chết người ấy sẽ hút tôi giắt vào kẽ đá dưới lòng sông như những bao gạo kia. Và vĩnh viễn tôi gửi lại bộ xương của mình dưới đáy sâu của dòng sông Xê Rê Pốc dữ dằn đó. Nghĩ như vậy, tôi cố gắng lấy hết nghị lực và sức lực của mình trong nỗ lực lần cuối một cách tuyệt vọng... Thật bất ngờ, hai cánh tay như có phép lạ, chúng kéo tôi lên được một đoạn, nhờ đó mà bàn chân chạm phải một gờ đá. Chỉ chờ có thế, tôi vội bám chân vào đó và nghĩ nhanh: "Thế là sống rồi!". Lấy chỗ đó làm điểm tựa, tôi đạp mạnh, rút người lên. Mặc vội quần áo rồi chạy ngay về nơi đóng quân không ngoái đầu lại. Về tới chố trú quân, tôi kể lại cho mọi người nghe, ai cũng tròn mắt, lắc đầu. Tôi thoáng nghĩ: "Có lẽ tổ tiên đã phù hộ, độ trì cho mình trong lần ấy và kể cả sau này, khi lâm trận"...

...( còn nữa )

Trái tim người lính