Ký ức chiến tranh: Xẻ dọc Trường Sơn - P6

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

07/05/2023 10:49

Theo dõi trên

Trên đầu chúng tôi vẫn vè vè tiếng OV10 và L19. Ở phía Đông, tiếng đại bác vẫn ùng... oàng... dội lại rồi có tiếng gào rít của chiến đấu cơ và tiếng bom. Phía ấy, chắc bộ đội ta đang chống càn...

Vượt sông Xê San, chúng tôi tới binh trạm ở ngã ba biên giới. Đây là nơi tiếp giáp của ba nước Việt, Lào, Campuchia. Có một câu nói rất hay: "Một tiếng gà gáy, cả ba nước đều nghe". Nước con sông Tà Ngâu trong vắt.

b1td1as-1683430290.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Hai năm sau, năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết không lâu, nhà thơ Tố Hữu trong một chuyến "kinh lí" đã qua đây. Khi trở ra Bắc, ông viết bài thơ Nước non ngàn dặm nổi tiếng. Thi phẩm có đoạn nói về nơi này:

Tà Ngâu trong vắt mắt gương

Xốn xang trong lửa chiến trường mà cay

Xê San tan nát đạn cày

Trống trơ rừng khộp, khô gầy rừng le

Bằng lăng bạc nắng trưa hè

Nghe như cưa xé, tiếng ve rít dài

Cỏ vàng lạc bước hươu nai

Sóc, buôn thấp thoáng bóng xoài đu đưa

Vườn ai cháy trụi ngọn dừa

Mái chùa cong, gẫy nét xưa diệu huyền...

Kế hoạch của đoàn chúng tôi là tập kết tại "cứ" (căn cứ) của một khu rừng phía Tây tỉnh Tây Ninh (Tân Biên). Nơi đây thường gọi là "cứ Chính phủ". Để đến được nơi này, phải hành quân qua đất Campuchia, thuộc địa phận tỉnh Côngpôngchàm. Tiếp xúc với dân Campuchia, ngôn ngữ bất đồng nên có nhiều kỷ niệm buồn cười lắm. Chúng tôi đi qua một số phum, sóc (làng, xóm, ấp) khi khát nước, chẳng biết nói thế nào để xin. Gặp mấy người lính hậu cần của R. (Bộ Tư lệnh Miền) thuộc Phân khu 23, sống ở đất bạn đã lâu, lẽ ra khi xin nước thì nói: "Oi khơ nhum xum tức phấc" (Cho tôi xin nước uống) hoặc "Ôn ơi, miên tức phấc, oi khờ nhum ..." (Em ơi, có nước uống cho tôi xin) thì họ lại bày cho "Ôn ơi! Ôn miên xờ lanh boòng tê?". Chẳng hiểu sao khi mình xin nước uống thì các cô gái đỏ mặt lên, cười rồi bỏ chạy vào nhà trốn biệt (!?) Thì ra, chúng tôi đã mắc lỡm cánh lính cũ. "Ôn, miên xơ lanh boòng tê" nghĩa là: "Em có yêu anh không?". Xin nước mà hỏi: "Em có yêu anh không" chắc chắn cô gái nào cũng phải đỏ mặt, bỏ chạy (!?) Một chuyện khác: Cũng xin nước uống, nhưng nói mãi mà họ không hiểu, bộ đội ta quay lại nói với nhau "thật tức chết đi được". Không ngờ, thấy ông già gật đầu "ờ. ờ..." rồi lặng lẽ vào trong nhà khệ nệ bưng ra một ấm nước cùng một nải chuối to cho chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau không hiểu!? Thì ra ông đoán chúng tôi xin nước và chuối nên bèn bưng ra mời. Sau này chúng tôi hiểu và nói sõi tiếng Miên, nhớ lại, cười chảy cả nước mắt. Trong câu nói ấy có hai từ: "tức" và "chết". Tiếng Campuchia "tức" là nước và "chêếch" là chuối. (bộ đội ta nói chệch là "chết". Do vậy, hôm đó, chúng tôi mới được ăn chuối và uống nước. Một câu cáu gắt do bực mình, xem ra lại có hiệu quả và được việc!

Tình cảm của nhân dân nước bạn đối với chúng tôi thật đáng trân trọng. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng nhưng thực sự họ rất quý mến và kính phục chúng tôi. Bởi trong mắt họ, chúng tôi là những người lính cách mạng, có văn hoá; là "Bộ đội Cụ Hồ" được học tập, rèn luyện, thử thách và có bản lĩnh nên ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh chính sách quốc tế của Đảng và kỷ luật quân đội khi sang nước bạn. Chúng tôi đã hành quân qua nhiều thị trấn, thị tứ như Tà Xăng, Tà Nốt, Ô Răng Âu... Lần đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy cây thốt nốt. Đó là một loại cây đặc sản của nước bạn. Thoạt nhìn, nó giống cây cọ Phú Thọ nhưng lá nhỏ, dày, các cạnh sắc nhọn hơn. Vào mùa này, người dân bắt đầu khai thác mật. Đơn giản, họ bắc những cây tre dài, để nguyên các cành hai bên thân tre để làm bậc leo. Trên ngọn thốt nốt là những cuống trái như cuống dừa. Cách khai thác: cắt ngang cái cuống ấy rồi hứng vào đó một ống bương đã xông khói. Sáng mai, trèo lên dỡ xuống là có đầy một ống nước ngọt. Mỗi cây như vậy treo cả chục ống bương (tương đương 10-12 lít mỗi cây một đêm) Sau đó, họ chỉ cần gom lại, cho vào chảo gang, nấu cạn đi là sẽ thành đường. Đường thốt nốt ngọt, thơm, hàm lượng xaccaro cao. Có những vùng, cây thốt nốt nhiều như cọ ở Phú Thọ.

Chúng tôi dừng chân bên một cái bến của con sông Mê Kông hùng vỹ. Bốn giờ chiều, tất cả bộ đội xuống tàu. Từ đây phải xuôi dòng MêKông hơn 120 km đường sông nữa mới tới địa điểm tập kết để hành quân sang đất Tây Ninh. Chúng tôi đi qua địa phận của các tỉnh Côngpôngchàm, Prâyveng và Xvâyriêng (đông bắc Campuchia). Sông Mê Kông đoạn này trở đi rộng khoảng trên 2 km, nước chảy không xiết. Có thể nói chưa bao giờ và chưa ở đâu cá lại nhiều như ở sông Mê Kông! Loại cá gì không rõ, từng đàn lớn nổi đầu lên như đầu nghé con, hụp lặn trên sông. Tàu đang đi bỗng nghe "khục" một tiếng, quay lại nhìn, một con cá to bằng tàu lá chuối loại nhỏ, nổi lên phía sau. Thì ra con cá kia bị chân vịt của tàu quay, va vỡ đầu, nổi lên. Chẳng ai vớt cả. Bến sông mà chúng tôi dừng lại hồi chiều để xuống tàu thuộc thị trấn Crachiê (bộ đội ta thường gọi là Cần Ché), cá rẻ ơi là rẻ! Chỉ cần 3 rieal (ria - tên gọi đồng tiền Campuchia) là ngư dân không ngần ngại cho rổ vào khoang xúc đầy, trao cho bộ đội, chừng 12 đến 15 kg cá (3 rieal tương đương với 3 đồng tiền miền Bắc lúc ấy).

Khoảng 2 giờ sáng, đơn vị đổ bộ lên tả ngạn sông MêKông. Chúng tôi nhanh chóng ổn định đội hình hành quân, kịp tập kết vào trạm "Rừng Tre" (gọi là "Rừng Tre" vì trạm này toàn tre, không một loại cây nào xen lẫn). Ở đây, vừa trải qua một trận B52 rải thảm. Hố bom dày đặc nham nhở, mùi thuốc bom còn phảng phất đâu đây. Xen lẫn trong gió thoang thoảng mùi tanh của xác chết. Chúng tôi cứ nghĩ có lẽ là mùi của chim chóc hay chồn cáo bị chết (trời tối, nào có thấy gì?). Lúc này, đã gần 4 giờ sáng, nuôi quân tranh thủ đào bếp Hoàng Cầm chuẩn bị cơm sáng và cơm nắm buổi trưa cho bộ đội. Nơi đây, ban ngày không thể nấu cơm và hành quân được mà phải ém lại trong rừng tre. Tối đến mới có thể lên đường, vì lũ trinh sát L19, OV10 và trực thăng UTiTi (UTT) quần thảo suốt ngày. Biệt kích, thám báo rất nhiều. Chúng cũng mang súng AK, áo quần Tô Châu, "dép râu" (cách gọi của người Nam Bộ, chỉ dép cao su bốn quai do Trung Quốc trang bị cho bộ đội) và đội mũ tai bèo như chúng tôi. Hễ phát hiện ra chỗ trú quân của ta, là chỉ ít phút sau, pháo từ các căn cứ ở Tây Ninh như Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu, Củ Chi, Sa Mát, Thiện Ngôn hay tiểu khu Tây Ninh rót tới. Sau đó là trực thăng vũ trang cùng chiến đấu cơ từng đàn bay đến xả rốc két dội bom và xả đạn 20 li như vãi trấu xuống chỗ trú quân. Không lâu sau là B52 rải thảm. Đó là cái công thức mà Mỹ - nguỵ áp dụng cho vùng chiến thuật này. Còn nếu phát hiện thấy quân ta ít thì chúng cho trực thăng đổ chụp, càn quét, tiêu diệt rồi bắt sống những người còn lại.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Xẻ dọc Trường Sơn - P6" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn