Ký ức không quên

Thân tặng các bạn Lớp 7, trường Tân Lập, Đan Phượng.
ky-uc-khong-quen-1622280441.jpg
Anh chụp tháng 5/ 1970, tác giả chụp cùng 2 người anh trai trong đợt về phép trước khi đi B

Hai chiếc phản lực Mỹ gầm rú, bay thấp, ầm ầm lướt qua làng. Rồi sau đó là hai quả tên lửa từ trận địa Phùng phóng vút lên bắn chặn ngay. Có một vật thể gì đó bốc cháy rồi rơi xuống cánh ruộng Con Giông. Tiếng kẻng báo động thúc liên hồi gấp gáp. Dân quân, du kích rầm rập kéo đến tập trung cả đầu làng Đông, nơi ông cán bộ xã đang đứng chỉ trỏ.

 Tôi cũng vọt ra ngay để xem “chuyện gì”, thậm chí còn sớm hơn cả một số anh chị, cùng một số người dân hiếu kỳ chen vào. Ông cán bộ xã (ông Chu – thương binh mất một tay) đang vung cái tay còn lại lớn tiếng chỉ đạo ra mệnh lệnh, đại loại là bắt phi công nhảy dù vì có máy bay rơi…

Chợt thấy thằng nhóc tôi, ông chỉ ngay mặt: “- - -   Thằng kia!  con nhà tư sản… mày ra đây làm gì?

Tôi choáng người (không biết sao ông lại biết mình, thằng oắt mới 13 tuổi, lại cả thành phần nữa chứ).

Các anh chị du kích cùng ông Chu chạy về phía ấy. Một lúc sau, họ quay lại. Thì ra đó là cái đuôi tên lửa rơi thôi.

Cuối năm 1965, tôi cùng các em và các cháu đi sơ tán về quê theo chủ trương lúc đó. Khi đó, tôi mới 13 tuổi, lếch thếch kéo theo nửa tiểu đội  là các anh, em tâm phúc ở số nhà 52 Quán Sứ đi cùng. Lần đầu biết quê là gì. Chúng tôi về ở trọ nhà cụ thông gia với bố mẹ tôi – cụ Mục Thế, xóm làng Đông, thôn Hạ Hội, Đan Phượng (cụ là mẹ của chị dâu cả). Cả một thiên đường tự do rộng mở cho cái thằng tôi ham chơi, chỉ tội khó khăn nhất là cái đói rách, thiếu thốn quá… Nhưng thôi… chuyện nhỏ thời ấy.

Rồi vài năm học cũng qua đi, tình người cưu mang nơi sơ tán chẳng thể quên.

Tháng 1 năm 1970, tôi khấp khởi vui mừng được đi bộ đội, tạm biệt những lo lắng đời thường như cơm áo, gạo tiền thiếu thốn, học hành hay thành phần.

Học trò mặc áo lính với đằng đẵng gần bảy năm đầy cam go, gian khổ, ác liệt bao lần thương tích, chết hụt... rồi đơn vị cũng nhắc tôi làm đơn gia nhập Đảng. Vài lá đơn qua tay, cái nào cũng đậm nét thành phần tư sản. Tháng 9 năm 1971, đánh Pô-lô-ven rồi về lại BT32. Một ngày anh em đi công gạo Q300 về, Đức – đồng chí cùng đơn vị gọi tôi:

- Rồng ơi, mày có thư này. Ngoài đường tuyến có cả chục bao tải thư, sợ xe cháy nên họ bỏ vào rừng.

Nhìn bì thư dày cộm, nét chữ anh Thịnh tôi đây rồi. Chắc chả có ai có được thư như tôi. Ra là bản lý lịch tự thuật, phía dưới có xác nhận: “Ông Nguyễn Đình Tác tuy được chấp nhận công - tư hợp doanh nhưng không phải là tư sản công thương nghiệp”. Cái ách kỳ thị thành phần (vốn nặng lắm) đã chấm dứt  với gia đình và anh em tôi!

Thế là tôi viết đơn và gửi kèm theo bản lý lịch anh trai gửi. Lần thứ sáu viết  đơn. Lần lữa vì vướng vào vụ B40 ở Mộ Đức, tháng 3 năm 1974 cuối cùng tôi cũng được chuẩn y kết nạp sau cả chục lần viết đơn. Đó như một thử thách trong đời. Một phần cũng nhờ người lính lái xe đó đã dũng cảm, liều mình đưa các bì thư vào rừng trước khi có chuyện xảy ra. Không biết họ còn hay mất…

Số là do làm ăn cần cù, Trời giúp bố mẹ tôi có được ngôi nhà và ruộng vườn khá giả ở quê, cùng nghề cung ứng sợi thô cho làng dệt màn xô. Năm 1947, Thầy tôi bán toàn bộ tài sản ở quê, ra Hà Nội lập xưởng dệt, mua nhà… mà thành tư sản. Năm 1958 vào công tư hợp doanh. Sau 1960, Thầy tôi chính thức thành “tư sản nghèo” với đàn con đông đúc. Cũng là noi gương Thầy đã cống hiến cả sự nghiệp của ông cho ngành dệt kim Hà Nội, anh em chúng tôi lớn lên, mỗi người mỗi nơi, cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Ngoài anh thứ ba của tôi - anh Dầu đã nằm lại chiến trường K năm  1970, ơn Giời các anh của tôi cũng thành đạt lắm. Còn về phần mình, tôi không đòi hỏi gì hơn những gì mình đang có…

Đôi dòng tự sự, cũng chẳng ân hận hay trách móc ai, chỉ để nhớ lại một giai đoạn thăng trầm, từng trải của đời người, của một gia đình Cách mạng với xã hội, với đất nước mà thôi.

Hà Nội 26/5/2021 - CCB NĐR - Trái tim người lính