Ký ức quê hương

Ngay nơi này xưa lắc xưa lơ là nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ tôi đấy! Những ngày còn bé teo thỉnh thoảng được theo mẹ về quê thì còn lụp xụp lắm, mà lại quá lâu và quá bé nên tôi không nhớ nổi cái căn nhà tranh đơn sơ xưa của ngoại. Nhưng sau này to to một tí với lại mỗi lần về được ở lại khá lâu nên những hình ảnh còn khá rõ.
que-huong-1656324288.jpg
Tác phẩm: Nắng cổ tích bằng sơn dầu của Lê Anh Thanh

 

Nội ngoại ở gần nhau, mỗi lần nghỉ hè về là tôi lại khoái ở bên ngoại vì cậu có ba ông con sàn sàn tuổi nên dễ đàn đúm với nhau phá làng phá xóm. Trẻ ở quê xưa mà nghịch thì hết biết rồi, chẳng thiếu trò gì không tường nên kể làm chi cho tốn pin, ngồi bàn nhậu ôn lại thì đã hơn.

Mùa hè mà, lê la khắp đầm đìa, góc làng ngõ xóm từ sáng tới tối,khuya mệt thì  trải chiếu ra hè ngủ cho mát, hồi đấy làm gì có máy lạnh quạt điện như bây giờ. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, nằm lăn ra vật nhau một lúc thì ngáy khò khò cả, vài con muỗi goá có xá chi, muỗi cắn no thì cũng lăn đùng ra ngủ chung thôi chớ tha cái bụng căng tròn bay sao nổi.

Khoái nhất là cứ vài hôm, cậu thông báo hôm nay đi lặn hến.  Lặn hến thì phải đợi nước sông thuỷ triều rút vào buổi trưa, vào cái lúc cạn nhất ấy. Mực nước thấp và không chảy xiết.  Năm bố con cậu cháu bận mỗi cái quần cộc, đầu đội trờ chân đạp đất mang chậu thau xong méo ra sông, thả xong chậu nổi bập bềnh giữa dòng ngoi lên hụp xuống cứ như cơm sôi trong nồi.

Ngày đó hến nhiều lắm, lại to nữa. Mỗi lần rẽ nước hụp xuống như Yết Kiêu ấy, hai tay nhanh chóng cào sục trong bùn,trong cát dưới đáy sông cứ thấy cục tròn tròn cưng cứng là nắm vào, mỗi lần hụp vậy phải được 4-5-6 con nắm chặt trong tay. Hết hơi ngoi lên thả hến vào cái chậu nổi trước mặt, ngắm trời ngắm mây một chút, lại hít một hơi thật căng chìm vào lòng sông, mà đáy sông cũng đủ thứ trên đời, nhiều nhất là miểng sành vỡ, chắc các loại chum vại từ thời Đinh, Lý,Trần…đánh nhau với Đường,Tống, Nguyên vỡ  nên dân gian đổ xuống sông,kể mà mò được cái còn lành thì sau khỏi đi mò hến.  nhiều lúc mò phải quần áo rợn hết cả người, chắc của mấy chị đi giặt ngoài bến, lo tám chuyện với nhau hay nói xấu chồng rồi tuột tay trôi mất.

Hụp lặn ngoi ngóp cứ trôi theo cái chậu, nước đẩy tới đâu lặn theo tới đó, khi lưng lửng chậu và xong hến thì cũng trôi khá xa, ước chừng đủ ăn thì leo lên bờ trút dồn hến rồi về chuẩn bị công đoạn ẩm thực cho bữa tối.

 Mang về hến rửa sạch, luộc cho bung miệng rồi vớt ra đãi lấy cơm, vỏ bỏ đi nha,ăn là dư canxi đấy. nước luộc hến thì dùng để nấu cháo, nhà đông người lại toàn lao động nên ăn rất khoẻ. Cháo phải nấu vào nồi to, nấu thật đặc để khi nấu xong thì san sang một nồi khác thêm nước sôi vào quấy lên thành hai nồi ăn mới đủ.

Cơm hến đãi xong, bắc chảo phi hành thật thơm, mà phải hành tăm mới nhức mũi. Xào hến nêm nếm chín thì trút vào nồi cháo. Thế gọi là cháo Hến.

Mà đúng ăn khoẻ thật, nhoắng nhoằng nhoằng cái hết hai nồi cháo. Cậu có cô con gái đầu, hơn tôi 3 tuổi, lúc đó đã là nữ sinh trung học rồi, rõ là xinh gái, tôi để ý thấy cũng nhứt nhì trong làng chứ chả chơi, mà rất siêng năng cần cù và học giỏi nữa. Ngoài những buổi đi học là biến thành thôn nữ ra đồng véo von như chim sơn ca. Mà trời ơi coi bả ăn cháo hến kìa, đúng là nữ thực như voi, có ai thấy gái 18 mà ăn 3 tô cháo chưa? Lúc dọn còn vét nồi sồn sột ra điều tiếc rẻ, ăn xong phải nghỉ một lúc cho sút bụng rồi mới ngồi rửa bát được. Ăn cỡ đó mà eo vẫn như con ong mới lạ các ông các bà ạ, vẫn xinh vẫn ngoan hay lam hay làm. Vậy mà thấm thoắt đã mấy chục năm giờ chuẩn bị lên bà ngoại rồi kia đấy.

Chuyện làng quê