Ký ức tháng 7 – Trong tim những người lính Vị Xuyên

Vũ Đạo

26/07/2023 22:50

Theo dõi trên

Đã 39 năm trôi qua, nhưng ký ức về cuộc chiến đấu anh hùng để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên vẫn vẹn nguyên trong tim những người lính.Tháng 7 mùa tri ân và báo ân của người còn sống đối với các anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống trên khắp cả nước. Riêng với Vị Xuyên chuyến xe tháng 7 lên biên giới còn là dịp để tưởng nhớ đồng đội trong một trận đánh quyết tử vì tổ quốc.

picture1-1690385143.jpg
 

Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ nằm tại điểm cao 468 (xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) nơi đặt một cây hương nhỏ những ngày đầu tiên để đồng đội và thân nhân các gia đình liệt sỹ nhằm ngày 12/7 ( Dương lịch) hàng năm lên đặt chút lễ mọn vái vọng đồng đội, người thân. Cây hương bây giờ đã trở thành một quần thể tâm linh trang nghiêm, thành tịnh, nằm bên vách núi đá dựng đứng tại điểm cao này. Nơi đây nguyên là sở chỉ huy tiền phương tại mặt trận Vị Xuyên. Từ đây có thể nhìn sang các điểm cao 772, 685 và hướng tầm mắt đến các điểm cao 1509, điểm phân giới mốc biên giới Việt – Trung.

picture2-1690385195.jpg
 

Tháng 7 về, đất trời biên cương lại đón một cuộc “hành hương” hướng về Vị Xuyên của những người lính, cựu chiến binh (CCB), gia đình và thân nhân của các hùng liệt sỹ… từng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 – 1990, cuộc chiến ở Vị Xuyên khốc liệt nhất vào giai đoạn 1984 – 1989.

Mỗi người một quê, xa xôi về khoảng cách địa lý, khác nhau về đơn vị chiến đấu, nhưng trong mỗi câu chuyện đời thường họ luôn hẹn nhau ngày 12/7 bằng giá nào cũng phải lên với Vị Xuyên. Nếu ngày xưa, họ gắn bó, đoàn kết, sát cánh chiến đấu trên từng chiến hào, thì đến nay, cái tên “Lính mặt trận Vị Xuyên” là cầu nối gắn kết họ lại với nhiều các hoạt động tri ân thời bình.

picture3-1690385233.jpg
 

Ngày 12/7/1984, trận đánh mang bí danh MB84 nhằm chiếm lại các điểm cao trong địa phận của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép tại biên giới Vị Xuyên, Hà Tuyên đã làm hơn 1.000 chiến sĩ thuộc các sư đoàn 312, 316, 313, 314, 422, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Sư đoàn 325 và Sư đoàn 356 hy sinh. Trong đó Sư đoàn 356 tổn thất lớn nhất với 593 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại núi rừng Vị Xuyên. Từ đó, ngày 12/7 được coi là ngày “giỗ trận” của Sư đoàn.

picture4-1690385273.jpg

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng – quyền bí thư tỉnh uỷ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang tiến hành dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên sáng ngày 12/7/2023

picture5-1690385318.jpg

ông Cháng Văn Dùi – nguyên chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên giai đoạn 1980 – 1990

Trong ký ức của ông Cháng Văn Dùi – nguyên chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên giai đoạn 1980 – 1990 vẫn còn khắc ghi rõ nét sự ác liệt của chiến trường Vị Xuyên năm 1984: “Tết năm 1984 tôi lên chốt đón giao thừa cùng sở chỉ huy ở cao điểm 812. Đài quan sát ở đấy có thể thấy được hết các cao điểm. Cứ mình (Việt Nam) bắn một phát thì nó (Trung Quốc) bắn mười phát trả lại. Mười phát thì nó trăm phát. Pháo của nó nhiều lắm. Chỗ nào có cao điểm, có bộ đội là nó bắn.”

Ông lặng người khi nói về sự hy sinh gian khổ của những người lính khi chiến đấu ở một địa hình đặc thù như Vị Xuyên. Thời điểm diễn ra các trận chiến ác liệt nhất nhất, quân Trung Quốc đã chiếm toàn bộ các điểm cao trong phần lãnh thổ nước ta nên có nhiều lợi thế phản công, bộ đội ta gặp nhiều bất lợi về mặt quân số, địa bàn lẫn đạn dược, vũ khí. Khoảng cách giữa sự ác liệt, gian khổ và chết chóc của chiến địa, nơi dường như sự sống không còn bởi đạn pháo kẻ thù nung chảy đá vôi – chỉ cách thành phố Hà Giang chưa đầy 20km. Những người lính thường nói đùa với nhau là “Sự sống cách nhau chừng 20km”.

Ông chia sẻ thêm: “Cuối tháng 4 năm 1984 khi địch bắt đầu tấn công điên cuồng vào các tuyến phòng ngự tại biên giới Vị Xuyên, dân cư náo loạn di tản hết để nhường nhà cửa, đất đai lại cho bộ đội. Tôi cùng các đồng chí vào xã giúp đỡ và vận động bà con đến nơi ở mới, khó khăn vô cùng. Điều mà tôi đau xót nhất chính là chứng kiến những cái chết thương tâm của người dân vô tội trúng pháo bắn sang, như một gia đình ở Phong Quang, chạy vào hang đá ẩn nấp nhưng cũng không tránh khỏi. Pháo Tàu bắn thân xác không còn nguyên vẹn người chồng.” Kể đến đây, giọng ông trùng xuống.

picture6-1690385352.jpg
 

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này CCB Lê Hồng Mai cùng những đồng đội mình đều lên đài hương 468 Nậm Ngặt – Thanh Thủy dâng bó hoa tươi thắm, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ các đồng đội trước Đài Tổ quốc ghi công, CCB Lê Hồng Mai nguyên là chiến sĩ bộ binh của sư đoàn 356 – người từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại mặt trận Tây sông Lô. Vị Xuyên, vẫn nhớ như in từng diễn biến khốc liệt của cuộc chiến:

“Tôi từng trực tiếp 2 lần đánh cửa mở ở đây. Ngày 12/7/1984, mặt trận mở chiến dịch MB84, nhiệm vụ của tôi là đánh cửa mở ở D372. Mình đánh vận động tấn công, địch thì ở trên các cao điểm ném hỏa lực dày đặc xuống. Lúc quân ta bắt đầu ém vào chiến hào để chuẩn bị đánh cửa mở thì pháo địch bắn xuống xối xả, chúng tôi lên, bên đó bắn, chúng tôi lại lùi. Hai bên giành giật nhau từng tý một. Lính chúng ta đều chiến đấu ngoài mặt đất, không có công sự, không giao thông hào, trời lại mưa, hoả lực của địch bắn vào tử vong, thương vong rất nhiều, trong đêm hôm ấy đã có gần 600 anh em hy sinh.

Ngay sau trận đánh MB84, CCB Lê Hồng Mai là một trong hai người của sư đoàn 356 được phân công trực tiếp về quân khu báo cáo lại cấp trên chi tiết trận đánh trên sa bàn cho các thủ trưởng, có sự tham gia của hai phóng viên báo Quân đội nhân dân. Nếu ai đã từng một lần đến đài hương 468 sẽ nhìn thấy bức thư ngỏ với nguyện vọng tha thiết của cựu binh Lê Hồng Mai được gặp lại những nhà báo ấy một lần.

Đến tháng 10/1984, khác với chiến dịch MB84 là đánh cấp chiến dịch toàn tuyến, tháng 10/1984 ta đánh cấp sư đoàn. Tiểu đoàn 17 công binh của sư đoàn 356 phối thuộc với trung đoàn 153 được giao nhiệm vụ đánh cửa mở ở 685, trung đội cảm tử làm nhiệm vụ vừa xây dựng công sự, bố trí các bãi mìn, rồi dò cửa mìn cho bộ đội, và trước khi trận đánh diễn ra, ông nhớ như in kỷ niệm hôm đó:

Trước khi vào trận, đồng chí Sư trưởng ( Sư đoàn trưởng) Bùi Thành Điếm có gọi trung đội của tôi đến bàn giao. Sư trưởng rót cho mỗi người một bát rượu và chạm bát với tất cả mọi người, uống xong ai nấy đều lặng lẽ cầm khẩu súng ra trận, không ai bảo ai một lời nào. Bởi lẽ ai cũng biết lần này đi làm nhiệm vụ sẽ không có ngày trở về (vì đơn vị đánh cửa mở là cửa tử, không thể tránh khỏi hy sinh).

Sau khi Sư trưởng giao nhiệm vụ xong, tôi cử người lên đấy (cao điểm 685). Phía ta anh dũng chiến đấu và đã chiếm được hết tất cả các mỏm E1, E2, E3, E4, E5 của 685. Đến 5h sáng, chúng tôi bàn giao lại cho trung đoàn 153 phòng ngự nhưng đến 9h ngày hôm sau cấp trên báo xuống các trận địa phòng ngự của mình xây dựng được địch đã bắn tan hết và đã chiếm lại.”

Cựu chiến binh Lê Hồng Mai bùi ngùi khi nhớ lại khoảnh khắc nhận được tin báo.

picture7-1690385404.jpg
 

Để đương đầu với quân Trung Quốc trên những điểm cao tại mặt trận Vị Xuyên, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần bất tử. Trong dòng người đổ về Vị Xuyên tháng 7, chúng tôi gặp bất cứ người lính nào đã từng chiến đấu tại mặt trận này, họ đều nhớ như in tinh thần quả cảm và chấp nhận hy sinh của đồng đội mình khi đối mặt với kẻ thù.

Vượt hơn 200km từ Cốc Lếu – Lào Cai sang nghĩa trang Vị Xuyên, CCB Dương Quốc Trung – nguyên là lính của tiểu đoàn D3 E174 F316 lặng người trước hàng dài bia mộ khi nhớ về những đồng đội đã nằm xuống trên cao điểm 233:

Những ngày chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên này, chúng tôi không có thời gian suy tư cho những chuyện cá nhân mà chỉ toàn lực tập trung cho trận đánh phía trước. Những câu chuyện ít ỏi mà chúng tôi nói là cùng nhau ôn lại kỷ niệm quê nhà, trêu đùa nhau sau mỗi trận đánh đôi lúc vô tư đoán “dại”xem mai này ai còn ai mất, chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì danh dự của tổ quốc, và sẽ ở lại và tiếp tục chiến đấu để bảo vệ dải đất biên cương này.”

picture8-1690385456.jpg
 

Không chỉ dừng lại ở mặt trận phía Tây Sông Lô với tâm điểm Thanh Thuỷ – Vị Xuyên; phía Trung Quốc còn huy động thêm 2 sư đoàn bộ binh đánh mở rộng ra khu vực Đông Sông Lô ở các điểm cao như 1030, Si Cà Lá, Pha Hán (Minh Tân)… Giao tranh kéo dài dai dẳng chưa có khi nào ngớt tiếng pháo, đạn, súng cối từ bên kia biên giới rót sang, nhưng không có nơi nào quân Trung Quốc tiến sâu được hơn vào lãnh thổ Việt Nam quá 5km, dù quân địch đông hơn ta nhiều. Ta và địch vẫn tiếp tục giành giật các cao điểm này cho đến tận năm 1986.

Chiến trận năm ấy đã tạo ra nhiều địa danh với những cái tên “rợn người” như “Ngã ba cửa tử”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”…

picture9-1690385485.jpg
 

CCB Trần Văn Minh – nguyên lính  C11 D3 E2 F3 Quân khu 1 và CCB Trần Văn Hoà – nguyên lính vận tải nhớ lại chính xác từng chi tiết về người đồng đội đã mất của mình, những điều ấy đã đi theo các anh suốt cuộc đời này để tháng 7 năm nào cũng phải về thăm “Thằng Hoà” đang nằm lại đây.

“Hoà ơi, Tao Minh, cùng chiến hào năm xưa với mày đây, cùng ở D1 E2 F3 sang đây phối thuộc với 356 để cùng đồng đội bên này chiến đấu giữ mảnh đất biên giới Vị Xuyên, Hà Tuyên đây. Lúc đồng đội hy sinh, Hoà Dô ở vận tải của trung đoàn nó đưa đồng đội xuống tắm cho đồng đội tại Thác âm phủ rồi đưa đồng đội về.” CCB Trần Văn Minh có dáng người nhỏ khắc khoải cất tiếng gọi trước mộ đồng đội khi ký ức dội về.

CCB Trần Văn Hoà kể thêm. Những ký ức về sự hy sinh của những người đồng đội mà thân xác không toàn vẹn vì đạn pháo của kẻ địch mãi day dứt trong tâm trí của ông.“Chính thức Xuân chết chỉ còn lại 1 cái chân, chính tay tôi vốc cho nó 2 vò, vừa đất vừa thịt được 2 vốc, tôi mới lấy thêm 1 quả tim. Tôi bảo: “Thôi đồng đội ơi, giờ đây không biết ai còn ai mất, không biết quả tim này là của ai, tôi để cho đồng đội quả tim này”.

Ông bật khóc nức nở trước ống kính chúng tôi !

Xe băng trên những con đường biên giới rộng lớn, đi qua những hầu khắp những bản làng biên giới của xã Phong Quang, Minh Tân chúng tôi cùng các đồng đội lữ đoàn 299 dừng lại trước cây hương đặt tại thôn Hoàng Lỳ Pả xã Minh Tân – Vị Xuyên thành kính nghiêng mình thắp nén hương tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống tại mặt trận Đông sông Lô. Cũng chính tại mặt trận này, lữ đoàn 299 được giao nhiệm vụ mở con đường biên giới chiến lược từ Phong Quang sang Minh Tân, Tả Ván của Quản Bạ.

picture10-1690385527.jpg
 

Năm 1985, khi lữ đoàn công binh 299 nhận chiến dịch MD85, 3 tiểu đoàn được giao nhiệm vụ làm con đường từ sân bay Phong Quang lên điểm cao 1030. Con đường men theo núi cao, địa hình hiểm trở, chạy men theo biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc 

Gần 40 năm trôi qua, mặc dù cảnh vật đã thay đổi rất nhiều nhưng các cựu chiến binh vẫn nhớ rất rõ hành trình mở đường gian khổ ngày ấy, dưới chân là đá sỏi, vách núi cheo leo, trên đầu đạn nổ rền trời nhưng không ngăn được quyết tâm phải tiến lên, mở tuyến đường giao thông quan trọng cho bộ đội ta.

picture11-1690385556.jpg
 

CCB Đặng Hữu Trung đi trên con đường biên giới hôm nay nói“Ngày xưa đường bé tí, nói đúng ra chưa có đường, chúng tôi đi đến đâu phải cho nổ mìn, đánh bộc phá, cài thuốc nổ TNT đánh đến đó. Có những đoạn đường dài phải dùng kíp điện giăng mấy chục quả nổ cùng một lúc. Mà muốn nổ mìn phải nhờ pháo binh của ta bắn hàng loạt ngụy trang không cho kẻ địch phát hiệnĐịch bắn pháo ầm ầm khiến bộ đội ta hy sinh rất nhiều nhưng anh em không hề nao núng, nhiều đồng đội trúng pháo Tàu chết bên cạnh mình nhưng chúng tôi vẫn phải tiến lên...

picture12-1690385585.jpg
 

Quyết tâm giữ trận địa bằng mọi giá, kể cả là mạng sống của mình. Đó là tinh thần vệ quốc bất khuất của những người lính Vị Xuyên đến nay vẫn lưu danh như câu chuyện của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Trần Mãn – người đã gọi pháo bắn trùm lên trận địa tại chính nơi mình bị thương nặng trong lúc chiến đấu với câu nói nổi tiếng “Xin mưa, xin mưa lên đỉnh E5”. Liệt sỹ Lê Trần Mãn đã anh dũng hi sinh khi dang dở lời hứa với người vợ trẻ.

Chị Nguyễn Thị Thạo – vợ liệt sỹ Lê Trần Mãn bồi hồi nhớ lại những ký ức của năm 1984. Lúc ấy 2 người vừa mới kết hôn vào ngày 10/4/1984, đến ngày 17 anh đã vội trở lại chiến trường để tham gia chiến đấu cùng đồng đội. Bằng linh cảm của một người vợ, sợ rằng có chuyện chẳng lành, chị khuyên chồng: Hôm ấy là ngày 17, mà tôi thường rất kiêng kỵ ngày lẻ, tôi mới bảo anh để hôm sau nữa hẵng đi. Anh mới bảo tôi rằng em ơi bây giờ thời buổi chiến tranh đừng quan trọng chẵn lẻ gì cả. Anh đi rồi hết chiến tranh anh sẽ về.”

“Thế rồi anh đi, đi mãi, chẳng về.” – nói đến đây giọng chị nghẹn lại, đôi mắt đỏ hoe vì nhớ đến ký ức ngày đó. “Từ ngày anh mất, nhiều lần anh báo mộng về đều bảo “Anh chưa về được vì đồng đội ở đây còn bị thương nhiều quá.” Cho đến gần đây, anh báo mộng rằng anh đã về nghĩa trang cùng các đồng đội rồi.

Lúc ấy trái tim người vợ mới nguôi ngoai phần nào dù phần mộ của Liệt sỹ Mãn vẫn chưa được tìm thấy. Bằng giao cảm tâm linh qua những giấc mơ chị nghĩ rằng anh đang nằm đâu đó cùng đồng đội trong hàng ngàn ngôi mộ chưa biết tên ở nghĩa trang rộng lớn này.

picture13-1690385629.jpg
 

Sau 10 năm kể từ ngày phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979 – 1989) và 5 năm lấn chiếm biên giới Vị Xuyên (1984 – 1989), Trung Quốc mới ngừng bắn và rút hết quân khỏi đất Việt. Mưu đồ vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam khoảng 5km bất thành. Trong hơn 5 năm (1984-1989), số lượng pháo Trung Quốc bắn vào Hà Tuyên là trên 2 triệu quả.

Vị Xuyên có tổng chiều dài đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc là 31,252km, với 44 cột mốc quốc giới, nằm trên địa bàn 5 xã biên giới gồm: Minh Tân, Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải và Lao Chải. huyện có vị trí địa lý, chính trị, quân sự chiến lược quan trọng trong đảm bảo Quốc phòng – An ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Giờ đây màu xanh đã trở lại trên chiến địa năm nào. Bom đạn khói lửa, mất mát hy sinh đã lui vào quá khứ, Lịch sử sẽ mãi khắc ghi vào lòng mỗi người dân Việt Nam về chủ quyền biên giới, sự toàn vẹn lãnh thổ hôm nay được đánh đổi bởi xương máu của những người đã nằm xuống tại đất Mẹ Vị Xuyên.

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức tháng 7 – Trong tim những người lính Vị Xuyên" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn