Rạng sáng ngày 17/2/1979, quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, trong đó tại tỉnh Quảng Ninh chúng đánh vào Pò Hèn- Thán Phún (Móng Cái), Đồng Văn, Hoành Mô (Bình Liêu) và Quảng Đức (Hải Hà). Mặc dù tương quan lực lượng rất chênh lệch, phía ta chỉ có lực lượng công an vũ trang, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhưng đã kiên cường chống lại các mũi tiến công rất đông người của quân chủ lực và lính sơn cướcđược trang bị vũ khí tối tân gồm:xe tăng, đại bác, cối 82 mm. Với tinh thần cảnh giác cao độ và chiến đấu anh dũng, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã đánh lui được toàn bộ các đợt tiến công của quân xâm lược.
Một ngày đầu Xuân năm 1979, khi vừa mới ăn tết xong, trong các lán trại của chiến sĩ vẫn còn thơm mùi bánh chưng và rượu tết, chúng tôi bất ngờ nhận mệnh lệnh hành quân “thần tốc” lên đường ra biên giới phía Bắc. Mấy chàng lính trẻ măng tơ, binh nhất, binh nhì, mặt còn búng ra sữa ngơ ngác hỏi nhau: “chiến tranh biên giới là gì?; “Vì sao chúng ta phải chiến đấu?”... Những câu hỏi đó cứ xoáy sâu vào tâm trí của tôi trên đường hành quân.
Giờ đây tôi vẫn còn nhớ và sống lại cảm giác của không khí ra trận của những ngày đó khi chúng tôi được nghe ca khúc “Chiều biên giới”của nhạc sĩ Trần Chung phỏng theo lời thơ của Lò Ngân Sủn, người dân tộc Giáy, quê ở Lào Cai với những ca từ mượt mà, đằm thắm: “Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây cỏ lá/ Như tình yêu đôi ta...”. Bài hát nhanh chóng được truyền cho nhau và được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị say sưa hát. Sự say sưa và lãng mạn đó đã trở thành nguồn động viên to lớn theo suốt cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc cho đến hôm nay.
Trước khi đơn vị chúng tôi đến đây, được biết trên toàn tuyến biên giới giáp với Trung Quốc của tỉnh Quảng Ninh chỉ có bộ đội cấp huyện, mấy đồn công an vũ trang cửa khẩu với quân số rất ít và dăm ba Tiểu đoàn bộ đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế chứ chưa hề có một đơn vị quân chủ lực nào của ta cả.Phía bên kia biên giới, từ sáng tinh mơ đến tối, ngày nào cũng vậy nhiều chiếc loa phóng thanh công suất rất lớn của Trung Quốc ra rả những lời bịa đặt khiến bà con người Việt gốc Hoa hoang mang, dao động, nao núng tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống lao động sản xuất.
Trước tình hình đó, đơn vị đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ đi đến từng thôn bản để tuyên truyền vận động bà con không nghe theo những lời kích động nói xấu của kẻ địch. Dọc đường số 4, đoạn từ thị trấn Tiên Yên lên Móng Cái dày đặc những đoàn gia đình người Hoa kéo nhau đi.Họ đi nhưng không biết đi đâu? về đâu?. Sự căng thẳng trên tuyến biên giới mỗi ngày lại tăng lên đến đỉnh điểm…
Trong một lần đi vận động bà con người Hoa, tôi cùng một số anh em mới đến chưa thuộc địa hình, trời lại tối đen như mực, thỉnh thoảng những cơn mưa rừng xối xả ngày một to, nước suối đổ về như dòng thác, tôi không may bị trượt chân đập vào vách đá, toàn thân đau buốt. Rất may, lúc đó đồng đội đi cùng đã kịp thời, nhanh chóng đưa tôi vào Bệnh viện Quân y - 51, đóng ở khe Tù, cách thị trấn Tiên Yên chừng 5 km (nơi đây trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng đã giam cầm tù đày và tra tấn dã man chiến sĩ cách mạng của ta). Trong những ngày nằm viện, tôi chứng kiến hầu như ngày nào cũng có mấy chiếc xe chở bộ đội bị thương từ các mặt trận Pò Hèn - Thán Phún, Cao Ba Lanh, Đồng Văn, Hoành Mô và Quảng Đứcvề cấp cứu.
Trong cơn đau vật vã và choáng váng, tôi nghe mang máng tiếng Bác sĩ trực ca hôm đó nói với Y tá điều dưỡng: “Bệnh nhân bị đa chấn thương, gãy hai xương sườn bên phải, đầu tụ máu, cần phẫu thuật gấp”. Vì đau và quá mệt nên tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Sáng ra, khi màn sương còn đọng trên những cánh rừng bao la, trùng điệp, tôi cố gượng đứng dậy vươn vai tập thể dục như mọi ngày, thấy vậy Y tá Lan từ ngoài cửa chạy vào vội kéo tôi nằm xuống:
- Anh vừa bị ngã hôm qua, vết thương nặng lắm.Bác sĩ bảo phải nằm bất động mấy tuần đấy.
Y tá Hoàng Thị Lan, sinh ra và lớn lên ở miền quê lúa Thái Bình, học xong cấp 3 cô xung phong vào quân đội, được đơn vị cử đi học lớp Trung cấp Y ở thị xã Sơn Tây. Khi tiếng súng quân xâm lược Bắc Kinh nổ ra ở biên giới phía Bắc, chưa học hết chương trình nhưng Lan đã xung phong tình nguyện lên biên giới để chăm sóc thương, bệnh binh.
Hàng ngày, Lan chăm sóc tôi như người mẹ hiền, từ việc cho ăn uống, thay bông băng và vệ sinh cá nhân. Thú thật, lúc đầu tôi rất ái ngại, mỗi lần như vậy, nước mắt tôi cứ chảy giàn giụa, nhớ đến mẹ và em gái ở quê. Bỗng một làn hơi ấm và bàn tay nhỏ nhắn, xinh xắn của Lan đặt lên ngực tôi rồi động viên:
- Anh đừng ngại, ở đây ngày nào bọn em chăm sóc thương binh quen rồi…
Đôi mắt đen nâu huyền và những lời âu yếm chia sẻ nhẹ nhàng, ngọt ngào của Lan cứ thấm dần vào lòng tôi tạo nên một cảm xúc mạnh liệt đối với em trong những ngày, tháng điều trị tại Bệnh viện Quân y - 51, Tiên Yên, thuộc Đặc khu Quảng Ninh.
Cùng nằm điều trị chung một phòng với tôi có chiến sĩ Trần Văn Sơn, quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Hà - Nam - Ninh (nay thuộc tỉnh Ninh Bình).Sơn nhập ngũ tháng 8/1978, chưa đầy một tuổi quân. Sơn bị thương mất rất nhiều máu, lúc tỉnh, lúc mê nhưng có lẽ hôn mê nhiều hơn.Mỗi lúc tỉnh dậy, Sơn lại la hét lên, tôi cứ dằn lòng không sao chợp mắt được. Mấy tuần sau, khi hết cơn đau, Sơn cảm thấy như có lỗi với đồng đội vì những cơn la hét trong cơn đau…anh nhìn tôi với cặp mắt ái ngại như muốn nói “Anh và đồng đội thông cảm cho em nhé”. Sơn kể cho tôi nghe về trận đánh của anh và đồng đội: Sau Tết năm 1979, tình hình chiến sự ở khu vực Pò Hèn - Thán Phún (thuộc thị trấn Móng Cái) khá căng thẳng, phía bên kia biên giới từng đoàn xe quân sự của Trung Quốc liên tục đưa quân ra áp sát vùng biên. Chiều 16/2/1979, đơn vị của Sơn định tổ chức giao lưu bóng chuyền và liên hoan văn nghệ, dự kiến mời nhiều đồng đội từ các trạm kiểm soát về để cùng tham gia. Nhưng trận giao hữu bóng chuyền và văn nghệ ngày hôm sau đã không diễn ra.Đêm hôm đó,đúng vào thứ bảy,ngày 16-2-1979 sau cái tết vẫn còn dư âm mùi bánh chưng và rượu phảng phất trong phòng trực ban. Sơn nhận ca gác từ 3 đến 5 giờ sáng. Một ca gác nặng nề như có linh cảm. Thỉnh thoảng,Sơn nghe vọng vào tai mình những âm thanh rất lạ. Âm thanh mỗi lúc lại to dần lên, rồi những tiếng kẻng báo động khua dồn dập cùng với những hồi còi vang lên réo rắt. Lúc ấy là 5 giờ 30 phút, Sơn vừa mới đổi gác. Rất khó chịu vì đấy là sáng Chủ nhật, mà những buổi sáng Chủ nhật mọi ngày cánh lính thường được ngủ đến 6 giờ 30 phút. Nhưng hôm nay sao lại báo động hành quân gấp gáp vậỵ?. Trong đầu Sơn lúc này thoáng hiện lên biết bao suy tư, linh cảm với những chuyện gì sẽ xảy ra.Mới sớm tinh mơ, một lớp sương mù dày đặc, bao phủ núi rừng trùng điệp và những hạt mưa xuân lành lạnh nhập nhòa, bỗng vang lên tiếng hô của Tiểu đoàn trưởng Thanh nghe khàn cả giọng:
- Bộ Tư lệnh Sư đoàn vừa điện khẩn.Quân bành trướng Trung Quốc đã bắn pháo vào các vị trí tiền tiêu, yêu cầu Tiểu đoàn sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu.
Buổi sáng đầu tiên của cuộc chiến đấu chống quân xâm lược trên tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc diễn ra như thế. Lòng căm thù của Sơn và đồng đội cứ dâng trào uất nghẹn.
Rạng sáng, đơn vị của Sơn đã phát hiện hàng nghìn lính Trung Quốc được sự yểm trợ của pháo binh, súng cối và xe tăng, bao vây kín khu vực nằm ở sườn núi. Khoảng 6 giờ kém 15 phút, địch dùng các loại hỏa lực súng cối 120 mm, 82 mm bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đấu của đơn vị. Sau chừng nửa giờ pháo kích, khoảng hàng ngàn lính bộ binh của địch ào ào tràn sang như biển người bao vây áp sát đơn vị.Cuộc chiến đấu mỗi lúc càng ác liệt hơn. Trung đội trưởng Trần Đình Hoan kêu gọi các chiến sĩ quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng biên cương của Tổ quốc. Đạn hết, sau khi lao ra khỏi giao thông hào đánh giáp lá cà, nhiều chiến sĩ tiếp tục ngã xuống…
Theo lệnh của chỉ huy, Sơn và đồng đội nhanh chóng vào chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu bắn chặn và ngăn quân địch tràn lên. Mọi người mang theo súng CKC nhảy xuống chiến hào đánh trả quân địch. Hàng chục cán bộ thương nghiệp, lâm trường Hải Sơn cùng với bộ đội kiên cường chiến đấu đẩy lùi các đợt tấn công của quân Trung Quốc xâm lược. Sau hàng giờ chiến đấu ác liệt, một loạt đại bác bắn trúng vào công sự, có 5 chiến sĩ anh dũng hy sinh, Sơn bị thương nặng ở ngực và gãy cánh tay trái do mảnh đạn pháo của địch. Toàn tiểu độiđã dựa vào địa hình đồi núi hiểm trở, vừa đánh địch vừa men lên đồi, đến hôm sau mới thoát khỏi vòng vây của quân địch. Lúc này, Sơn bị ngất đi,đồng đội đã kịp thời băng bó vết thương và đưa anh về cấp cứu ở bệnh viện tuyến sau. Khi tỉnh dậy, mở mắt ra, Sơn đã gào thét lên:
- Quân địch…Quân địch…bắn…bắn...!
Những lúc như thế, Y tá Trần Thị Hải rất thương Sơn, một chàng lính trẻ rất điển trai, dáng vẻ thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, có duyên ngầm. Những lúc tỉnh, Sơn thì thầm tâm sự với tôi: Y tá Hải, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Nhập ngũ cùng năm với em, học sơ cấp Y sĩ tại Quân khu III và được điều động về công tác ở Bệnh viện - 51.Nhận nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho Sơn, Y tá Hải rất cảm phục về sự kiên trì và sức chịu đựng đau đớn tột cùng của Sơn. Biết Sơn rất thích văn hóa, văn nghệ, yêu ca hát, Hải luôn cất vang lời ca động viên: “Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương/ Lịch sử đã trao cho Người một sứ mệnh thiêng liêng/ Mang trên mình còn lắm vết thương, Người vẫn hiên ngang ra chiến trường/ Vì một lẽ sống cao đẹp của mọi người - Độc lập - Tự do…”.
Sau đợt điều trị dài ngày, vết thương tạm ổn, tôi trở về đơn vị công tác ở bộ phận cơ quan tham mưu Trung đoàn. Bẵng đi một thời gian, vào buổi chiều mùa Đông giá rét, đồng chí giao liên đưa cho tôi bức thư. Mở ra, tôi hơi bất ngờ khi nhận ngay dòng chữ của Sơn, chiến sĩ cùng nằm Bệnh viện- 51 với tôi mấy năm trước. Trong bức thư Sơn khoe: “ Anh kính mến! Mới đó mà anh em mình đã xa nhau hơn 5 năm rồi. Anh còn nhớ cái Hải (Hải Phòng)điều dưỡng chăm sóc em hồi ở Bệnh viện không?. Bây giờ chúng em đã thành vợ chồng và có một cháu trai kháu khỉnh. Vợ em làm nhân viên Y tá ở Bệnh xá của xã. Em chuyển về công tác ở phòng thương binh của huyện…”. Tôi được biết, hai người gặp nhau lần đầu tiên ở Bệnh viện 51 - Tiên Yên, Quảng Ninh. Sơn bị thương ở Pò Hèn (Móng Cái) và được đưa về cấp cứu tại đây. Sau những chuỗi ngày điều trị ở đó, đôi bạn trẻ cảm thấy tình yêu gắn bó, bền chặt nên đã quyết định đi đến hôn nhân. Bất chấp những lời đàm tiếu, cô gái người đất Cảng xinh đẹp lại yêu một người lính thương binh. Nhưng Hải luôn động viên Sơn: “Em yêu anh, có nghĩa là em sẽ yêu và sát cánh bên anh ngay cả những lúc tồi tệ nhất. Yêu ngay cả những lúc anh tuyệt vọng, bất lực và khi chúng ta vui vẻ bên nhau”. Hải cũng chia sẻ rằng:Sơn chính là định mệnh của cuộc đời mình. Dù đám cưới không được như mong đợi, nhưng Sơn cũng hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho biết bao đôi đang yêu nhau và gặp nhiều định kiến. Hơn 40 năm sống hạnh phúc bên nhau nhưng nỗi nhớ về những trận đánh trên mảnh đất Quảng Ninh vẫn chứa chan kỷ niệm, luôn cồn cào, da diết trong tâm hồn chàng trai vùng chiêm trũng Kim Sơn - Ninh Bình và cô gái thành phố hoa phượng đỏ.
Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979, Đồn biên phòng Pò Hèn thuộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là một khúc tráng ca về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong những ngày tháng bảo vệ từng tấc đất nơi tuyến đầu của Tổ quốc.Hiện nay, nơi diễn ra trận đánh cũng là mảnh đất thấm đẫm máu của quân và dân Pò Hèn năm xưa đã được xây dựng một Đài tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về và những ngày trọng đại của đất nước, đặc biệt ngày 17/2 nhân dân khắp mọi miền đến làm lễ dâng hương tưởng niệm với tấm lòng tri ân những anh hùng đã ngã xuống. Bức tượng đài vừa là để ghi nhớ tinh thần yêu nước của những người con đất Việt và cũng để nhắc nhở chúng ta bài học luôn cảnh giác với quân Trung Quốc xâm lược./.