Ký ức Vị Xuyên

Đêm hôm trước khi lên đường, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được bởi chiến tranh, nơi chiến trường ác liệt mà ngày mai tôi và đồng đội sẽ đến, chúng tôi phải tạm xa thành phố, để vợ, con và gia đình ở lại phía sau…
hang-rao-da-ha-giang2-1626703705.png
 

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu từ ngày 17 tháng 2 năm 1979 nhưng thực chất đã kéo dài trong 10 năm. Mặt trận Vị Xuyên là điểm chính diện cho cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra ác liệt nhất từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 5 năm 1989.

Lúc này, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, hàng vạn thanh niên đã xung phong lên đường,với khẩu hiệu “Tất cả vì Vị Xuyên thân yêu”. Trong khí thế hào hùng đó có cán bộ, giáo viên của Học viện Quân y cùng tham gia. Tháng 4-1987, tôi cùng hai đồng nghiệp được lệnh cấp trên đi thực tế vùng biên giới Vị Xuyên. Nhiệm vụ của chúng tôi là đến các trạm Quân y tiền phương để nắm bắt tình hình tư tưởng, công tác đảng, công tác chính trị với mục đích gắn thực tiễn sinh động của chiến trường vào công tác giảng dạy ở nhà trường. Lúc này ở biên giới phía Bắc tuy có giảm bớt căng thẳng so với các năm trước, song mặt trận Thanh Thủy, Vị Xuyên được gọi là “ Lò vôi thế kỷ” vẫn chưa hề hạ nhiệt.

Đêm hôm trước khi lên đường, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được bởi chiến tranh, nơi chiến trường ác liệt mà ngày mai tôi và đồng đội sẽ đến, chúng tôi phải tạm xa thành phố, để vợ, con và gia đình ở lại phía sau…

Rạng sáng một ngày cuối tháng 4, thời tiết lúc bây giờ đã cuối Xuân, trời không còn lạnh ngồi trên xe ba chúng tôi cùng ngân nga bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới, quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương…”. Mãi mê với bài hát, xe qua cầu Long Biên ra quốc lộ số 2 hướng về Phù Lỗ mà chúng tôi không biết. Lúc này, trời vẫn còn tối, chưa có người đi lại, thỉnh thoảng có một vài chiếc xe thồ của người dân chở rau từ ngoại thành vào Hà Nội. Khoảng12giờ, chúng tôi đến thị xã Tuyên Quang, xe dừng lại khoảng 30 phút ăn trưa rồi lại tiếp tục lên đường. Ra khỏi Tuyên Quang đường ghồ ghề, khúc khuỷu. Đồng chí lái xe dường như đã được tôi luyện nhiều trong các chuyến dã ngoại nên tay lái rất vững vàng. Vật lộn với tuyến đường đèo dốc vất vả. Khoảng 21 giờ chúng tôi cũng đã đến được “Hà Giang mến yêu của ta”.

Thị xã Hà Giang về đêm không một ánh đèn, không có người dân qua lại, thỉnh thoảng bắt gặp một vài chiến sĩ đang tuần tra trên đường. Qua ánh đèn của chiếc ô tô, bất chợt chúng tôi nhìn thấy tấm pa nô lớn bên vách núi có in dòng chữ “ Khu vực tuyến lửa”. Bỗng dưng,  tôi có cảm giác bồi hồi, khó tả…

Đến 22 giờ, xe chúng tôi đã đến được trạm khách của Quân khu II. Đón tiếp chúng tôi là hai chiến sĩ Kim Hoa và ThanhThủy, trên cầu vai đeo quân hàm Trung sĩ, nhìn khuôn mặt còn “trẻ măng tơ”. Họ vui vẻ trêu đùa chúng tôi: “Chắc các thủ trưởng lần đầu ra trận à”. Câu hỏi thật giản dị nhưng cũng là lời động viên chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Qua trò chuyện chúng tôi biết được hai “ chiến sĩ gái” đã ở trạm khách gần hai năm nay. Kim Hoa quê Tuyên Quang còn Thanh Thủy quê Phú Thọ.Tháng 2 năm 1985 Hoa và Thủy nhập ngũ và huấn luyện tân binh ở Yên Bái, sau 3 tháng huấn luyện họ được phân công về trạm 44 Quân khu II ở Hà Giang.Thủy cho biết khi mới được phân công lên tuyến lửa chúng em cũng “ hốt lắm”, nhưng mãi thành quen. Từ khi lên Hà Giang vì chiến sự ác liệt nên cả hai chưa một lần được về quê thăm nhà. Thủy nói nhiều khi nhớ bố mẹ và các em lắm nhưng vì nhiệm vụ đành gác lại…nhưng được cái là trạm khách thỉnh thoảng gặp đồng hương nên cũng  phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà. Em mong hết chiến tranh để về thi vào sư phạm làm cô giáo làng. Còn Hoa lại muốn được làm điều dưỡng viên ở các bệnh viện…Tối hôm đó, chúng tôi được ngủ một giấc yên lành, sau một ngày vất vả vượt quảng đường hơn 300 cây số.

 Buổi sáng thị xã Hà Giang trông thật đẹp, những cành phượng đỏ rực và những tiếng ve râm ran báo hiệu một mùa hè đã đến. Những con đường dốc ngoằn ngoèo chạy ven con sông “đỏ nặng phù sa” giữa lòng thị xã. Không có tiếng động nào ngoài tiếng ve kêu và thỉnh thoảng là tiếng pháo nổ từ phía bên kia bắn sang…

Ở Trạm 44 được một ngày, khoảng 2 giờ sáng hôm sau, chúng tôi được lệnh lên mặt trận Vị Xuyên. Ngồi trên chiếc ô tô U Woat, đồng chí lái xe phải bật đèn gầm, vì sợ địch phát hiện. Đi ra khỏi thị xã khoảng chục cây số, chúng tôi nghe tiếng rít của đạn pháo địch và những tiếng nổ chát chúa. Đồng chí lái xe thỉnh thoảng phải dừng lại nghe ngóng rồi lại đưa chúng tôi đi tiếp. Bỗng chốc, trước mắt chúng tôi, những ánh lửa lóe lên từ phía núi cao, cùng với đó là nhiều tiếng nổ dữ dội.Ở phía trước mảnh đạn pháo và đất đá rơi chắn cả một phần lối đi.Tất cả chúng tôi vội vàng nhảy xuống xe nằm úp mặt, lấy ba lô che đầu. Sau khi tiếng pháo ngớt, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Đấy là thử thách đầu tiên của tôi khi vào mặt  trận. Có lẽ địch đã phát hiện được đèn xe của chúng tôi lúc leo dốc nên đã tập trung hỏa lực bắn dữ dội như vậy.

Gần sáng chúng tôi đã đến được Làng Pinh, nơi Chỉ huy sở đóng quân. Nói là làng nhưng chẳng thấy làng đâu chỉ có lán và công sự cheo leo hai bên vách núi. Tiếp chúng tôi là đồng chí Chuẩn, trợ lý Quân y của  Sư đoàn 356- Mặt trận Vị Xuyên. Sau vài câu giới thiệu, Trung úy Chuẩn nhận ra chúng tôi và nói:“em cũng vừa mới đi học lớp nâng cao tại phân hiệu Học viện quân y ở Sài Gòn về mấy tháng nay”( Chuẩn là bác sĩ thực hành hệ cao đẳng quân y nên sau hai năm về đơn vị phải đi bổ túc thêm). Chuẩn quê ở Phú Thọ, anh  đã có vợ và một con gái, vợ là giáo viên của một xã miền núi của tỉnh, nghe nói đời sống kinh tế hai vợ chồng khá khó khăn. Chuẩn đã gắn bó với mặt trận Vị Xuyên gần 3 năm rồi.

Trung úy Chuẩn mời chúng tôi thưởng thức những món “đặc sản”lương khô, thịt hộp và ấm chè tuyết Thanh Thủy nổi tiếng, sau đó, đưa chúng tôi lên Quân y Sư đoàn.

Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn giới thiệu tình hình chung với chúng tôi: Lần này, Trung Quốc không tấn công trên diện rộng mà tập trung tấn công, lấn chiếm một phần đất ở khu vực biên giới Vị Xuyên với khoảng 20km chiều dài và 5 km chiều sâu, nghĩa là nếu mất Vị Xuyên thì biên giới của chúng ta sẽ lùi sâu vào 5 km. Vị Xuyên là nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt nhất- Có những đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực  từ Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang. Ác liệt đến mức mà anh em gọi đây là “Lò vôi thế kỷ” bởi núi đá vôi bị bắn phá không khác gì những lò vôi đang nung…Địch ở trên cao, ta ở dưới thấp, có nơi ta và địch chỉ cách nhau 30-40 mét. Đặc biệt về hệ thống quân y của ta gặp rất nhiều khó khăn cả con người và phương tiện cứu chữa, địa hình hiểm trở, chiến sự ác liệt nên việc tổ chức chiến thuật quân y ở cơ sở còn nhiều bất cập. Nhưng bù lại đội ngũ y,bác sĩ của ta có chuyên môn nghiệp vụ cao tinh thần lạc quan, được cấp trên rất quan tâm.

Sau đó, Chủ nhiệm giới thiệu chúng tôi đến thực tế một số đơn vị Quân y của các Trung đoàn 148, 149, 153…Địa điểm đầu tiên, chúng tôi đến là Hang Dơi, Làng Lò. Vì để phân tán tránh bị địch phát hiện nên ba chúng tôi chia làm ba mũi đi cách nhau thời gian 15 phút. Tôi được đi mũi đầu tiên, người dẫn đường cho tôi là chiến sĩ Trung, quê ở Hải Phòng. Trên đường đi, tôi được biết Trung tuổi mới đôi mươi, nhập ngũ đầu năm 1985 và đã gắn bó với mặt trận Vị xuyên gần 2 năm Trung tâm sự: “Mùa hè năm 1984, tốt nghiệp phổ thông em thi vào Đại học Y Hà Nội nhưng không đạt điểm chuẩn, em định tiếp tục học lại để thi tiếp năm nữa thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Nhưng đầu năm 1985 em nhận được giấy gọi nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện tân binh  đơn vị của em được điều động tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên và được biên chế vào đội tải thương. Em đành gác lại giấc mơ trở thành bác sĩ, tạm biệt “thành phố hoa phượng đỏ”, tạm biệt gia đình và người “bạn gái” ở dưới em một lớp để ra trận”. Trung còn kể tôi nghe, đêm chia tay trước lúc nhập ngũ, dưới ánh trăng sáng mùa xuân bên hàng dương xanh mướt hai đứa ngồi bên nhau thổn thức: “Mai anh đi rồi em có nhớ không?”Trung khẻ hỏi. Bạn gái ngước nhìn Trung với đôi mắt ngấn nước: “Lại không à”…Và cứ thế đôi bạn trẻ đã trao cho nhau những lời yêu thương nhất và hẹn ngày về cùng xây tổ ấm.  Trung thật thà kể: “ chỉ nắm tay thôi vẫn chưa dám hôn”... Trung kể tiếp: “ Bạn gái của Trung nay đã vào khoa ngữ văn đại học sư phạm Hà Nội I rồi. Viết thư gửi Trung bạn ấy nói ước một lần được đến Vị Xuyên thăm anh, nhưng thủ trưởng biết đấy chiến sự thế này làm sao ước mơ trở thành hiện thực. Trung nói nhiều lúc nhớ người yêu anh muốn chạy ù về Hà Nội để được gặp, nhưng có lẽ đó vẫn chỉ là ý định mà thôi…

Khi chúng tôi bước xuống chiến hào,Trung dặn tôi: Thủ trưởng phải cúi người thấp xuống để địch không phát hiện được. Nếu bị phát hiện là chúng mình “ăn no” đạn pháo đấy. Trung nói chưa dứt lời, từng loạt pháo cày lên mặt đất mùi khói nồng nặc và khó thở. Trung động viên tôi: “Ở đây chúng nó bắn thường xuyên, bọn em quen lắm rồi”. Ra khỏi Làng Pinh chúng tôi đi qua Đỉnh Cốc Nghè nơi diễn ra những cuộc tranh chấp ác liệt giữa ta và địch thời gian trước, lúc này tiếng pháo vẫn dội không ngớt. Phía dưới là thác Âm phủ (chiến sĩ ta đặt địa danh này), do nơi đây trận lũ lịch sử năm 1984 đã cuốn trôi nhiều chiến sĩ của ta ở dưới thác. Qua Cửa Tử và một số địa danh ác liệt khác của mặt trận Vị Xuyên, chúng tôi luôn phải cúi người đi lom khom dọc theo chiến hào khúc khuỷu, dưới những làn đại bác gầm rú của địch. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Hang Dơi, nơi trạm Quân y của Trung đoàn Bộ binh 153 đang đóng quân.

Bên ngoài nhìn vào cửa hang hơi bé, nhưng lúc vào hang mới thấy sự kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng cho con người. Hang Dơi khá rộng có nhiều tầng nhưng không bằng phẳng như những động đá vôi khác mà tôi đã từng đến, trong hang có nhiều tảng đá lô nhô đan xen vào nhau. Vì vậy bộ đội ta phải đặt các tấm phản gỗ theo nhiều hướng khác nhau để làm giường nằm. Ba chúng tôi được đơn vị ưu tiên cho nghỉ ở những tấm phản đặt nơi bằng phẳng nhất phía trong hang để bảo đảm an toàn.

Đêm đầu tiên chúng tôi ngủ ở Hang Dơi là đêm 30.4.1987, lúc này cả nước ta đang tưng bừng kỷ niệm 17 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và kỷ niệm ngày quốc tế lao động 1.5. Chúng tôi cùng với các chiến sĩ “áo trắng” nơi tuyến đầu cũng tổ chức ngày lễ lớn bằng cách của riêng của mình. Chủ nhiệm  quân y Thắng tuyên bố hôm nay vừa có các thầy từ Hà Nội lên lại là ngày lễ lớn của dân tộc, tôi đặc cách cho phép anh nuôi được lấy một ít cồn y tế pha nước thay rượu để uống mừng. Tất cả mọi người đều tán thưởng. Khi mâm tiệc gồm lương khô, thịt hộp và “rượu cồn” được mang ra mọi người đang nâng chén chúc nhau, bổng phía ngoài hang vang lên tiếng của đồng chí cảnh vệ: “ Báo cáo các thủ trưởng có thương binh về”. Tất cả chúng tôi đều bỏ bữa để tập trung vào công tác cứu chữa thương binh. Đồng chí chủ nhiệm quân y ra lệnh: “Đội phẩu chuẩn bị làm nhiệm vụ”, tất cả các y, bác sĩ vội vàng choàng áo và chuẩn bị dụng cụ để phẩu thuật. Một chiến sĩ do bị thương quá nặng vào đầu đã hy sinh ngay sau đó, hai đồng chí bị thương nặng được xử lý kịp thời và chuyển về tuyến sau.

 Xong xuôi mọi việc, tôi liếc nhìn đồng hồ đã gần 2 giờ sáng, chúng tôi vừa lên giường chưa ấm chỗ lại tiếp tục có thương binh về, mọi người lại tất bật với công việc của mình. Đêm ấy, liên tục còn mấy đợt thương binh về nữa…nên cả Hang Dơi gần như  thức trắng đêm.

Chủ nhiệm quân y Thắng chia sẻ với chúng tôi: Hồi mới lên Hang Dơi tôi cũng băn khoăn lắm, không biết mình bám trụ được bao lâu, tuổi đã lớn sức khỏe giảm sút nhiều lại sống trong điều kiện vật chất thiếu thốn, chiến sự ác liệt. Nhưng rồi khi nhìn thấy đồng đội bị thương vong nhiều, anh không thể không cố gắng được. Từng đêm anh cùng tập thể nhân viên y tế phải giành giật sự sống cho từng chiến sĩ, để bảo toàn lực lượng cho trận chiến đấu lâu dài. Rồi anh Thắng kể về đời tư của mình. Anh lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Hải Hưng, 18 tuổi anh nhập ngũ quân đội và sau đó được cử đi học y sĩ. Năm 1972 anh được điều động vào chiến trường Quảng trị ác liệt để cứu chữa thương binh. Sau miền Nam  giải phóng anh được về học ở Trường Đại học quân ý ( sau này là Học viện quân y). Sau khi tốt nghiệp anh được điều động lên mặt trận Vị Xuyên. Anh đã có vợ và hai con nhỏ. Vợ anh ở quê sớm hôm tần tảo nuôi con và chăm sóc bố mẹ chồng. Có lẽ do lao động kiệt sức nên bị suy nhược cơ thể và thoát vị địa đệm. Ba năm rồi kể từ khi lên biên giới anh chưa một lần được về phép thăm nhà. Nhiều lúc anh cảm thấy xót xa vì đã không đỡ đần được cho vợ, cho con và báo hiếu với bố mẹ. Nhiều đêm vì lo lắng anh không sao ngủ được. Anh tâm sự rất thật: Nếu sau này hết chiến tranh   còn sống trở về, anh sẽ xin chuyển ngành về công tác ở bệnh viện ở quê để có điều kiện chăm sóc cho vợ con và bố mẹ. (sau này tôi cũng được biết anh Thắng đã được chuyển ngành về một bệnh viện huyện của tỉnh Hải Dương).

Hơn một tháng cùng ăn, cùng ở trong Hang Dơi, ba chúng tôi chứng kiến sự hy sinh, gian khổ, vất vả của các đồng chí Y, Bác sĩ làm việc trên tuyến đầu. Sự hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng biết. Khó khăn lớn nhất là phương tiện, y cụ thiếu thốn trong khi đó thương bệnh binh từ tuyến trước chuyển về với số lượng khá nhiều. Mặt khác, phía ngoài hang ngày cũng như đêm không lúc nào ngớt tiếng pháo kích của địch, nhiều quả pháo trúng ngay miệng hang, khói đen nồng nặc bay vào trong hang uy hiếp tính mạng cán bộ, chiến sĩ.

Rời hang Dơi, chúng tôi chuyển sang các trạm phẩu thuật và các cơ sở Quân y khác ở Làng Lò, cùng với một số điểm khác ở Vị Xuyên. Lúc này, tôi cũng vừa nghe tin chiến sĩ Trung người dẫn đường cho tôi đã hy sinh trong một lần đi tải thương binh, bị trúng pháo kích của địch. Tôi bàng hoàng không thể tin vào tai mình nữa. Suốt đêm đó, tôi không thể nào chợp mắt. Hình ảnh của Trung, người chiến sĩ tải thương, hai mươi tuổi đời mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ Vị Xuyên. Ước mơ trở thành bác sĩ của em đã không thành hiện thực, giấc mơ về Hà Nội ôm người yêu vào lòng để được yêu thương, nũng nịu không còn nữa…( Mãi đến năm 1997 tôi được biết người yêu của Trung sau khi tốt nghiệp đại học đã xung phong lên Hà Giang công tác nơi Trung đã mãi mãi để lại tuổi thanh xuân).

Ở lại mặt trận Vị Xuyên thêm một thời gian nữa, đi đâu chúng tôi cũng được chứng kiến công việc vất vả, sự chịu đựng gan dạ, dũng cảm của các chiến sĩ Quân y nơi biên cương của Tổ quốc. Điều mà chúng tôi nhận ra đó là tinh thần lạc quan tin tưởng, yêu đời của các chiến sĩ quân đội dù là trực tiếp chiến đấu hay phục vụ chiến đấu, họ luôn tin tưởng nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi. Trong thời gian thực tế ở mặt trận Vị Xuyên, chúng tôi đã chứng kiến sự hy sinh, mất mát, sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nhường cơm, sẽ áo. Và hơn hết là tinh thần chiến đấu “Vì độc lập, vì tự do”; “một tấc không đi, một ly không rời” của những người chiến sĩ trên mặt trận Vị Xuyên.

Trước khi rời Vị Xuyên về lại làng Pinh, chúng tôi thật xúc động khi biết tin trước đó ít ngày Trung úy Chuẩn đã bị thương mất một chân và chuyển về tuyến sau điều trị. Thật xót xa, mới ngày nào khi chúng tôi đến đây, Chuẩn còn đón chúng tôi với đôi chân lành lặn…Tôi chợt nghĩ: chiến tranh quá khắc nghiệt, chỉ mấy tháng trời mà chúng tôi phải vĩnh biệt bao đồng đội, phải chứng kiến bao chiến sĩ phải để lại một phần cơ thể nơi nơi tuyến đầu. Tôi chợt liên tưởng đến mấy câu thơ mà các chiến sĩ thường nói về tính chất ác liệt ở Vị Xuyên: “Thác Âm phủ  chôn vùi bao tử sĩ, Đỉnh Cốc Nghè vùi lấp tuổi thanh xuân”…

Thấm thoắt đã 34 năm trôi qua kể từ chuyến đi thực tế ấy, bây giờ mỗi lần nhắc đến Vị Xuyên, trong ký ức tôi lại ùa về kỷ niệm của những ngày tháng ác liệt đó. Giờ đây trong cuộc sống thời bình chúng ta không quên và không thể quên được những chiến sĩ đã ngã xuống vì cuộc chiến tranh biên giới để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Phải nói cho con cháu chúng ta biết được sự hy sinh mất mát to lớn đó, để khơi dậy lòng tự hào truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Những người chiến sĩ Quân y dù là chiến tranh hay thời bình họ đã luôn đứng vững trên tuyến đầu để bảo vệ tính mạng cho đồng đội và nhân dân. Đặc biệt trong những ngày này, khi cả đất nước ta đang phải chống chọi với “Đại dịch covid-19”, những người chiến sĩ “áo trắng” trong cả nước, trong đó có các chiến sĩ quân y đang phải gồng mình “chống dịch như chống giặc”. Tôi lại bồi hồi nhớ về những ký ức từ mặt trận Vị Xuyên năm xưa./.

                                                                               Hà Nội, tháng 8-2011 - TAT