Nhớ lại ngày ấy sao “ lận đận” đến vậy, để rước dâu, nhà trai phải ngủ trọ ngang đường, hôm sau, đón dâu về tới nơi thì nhà nhà đã lại đỏ đèn. Quê mình có tục lệ đi đưa dâu là phải " đi đến nơi về đến chốn " không được " đi ngang về tắt " nên một vài bà con, bạn bè của mình từ Hà nội về nếu muốn đưa dâu thì khi đến Bắc ninh lại phải vòng về nhà cô dâu tận Hưng Yên rồi sau đó họ mới từ Hưng yên đi Hà Nội ... chả biết ai đã phát minh ra sáng kiến khi nhà trai đến đón dâu tới gần đầu làng HỌ nhập đoàn cùng nhà trai sắm vai người đi rước dâu luôn để vừa có mặt vừa không phải vòng đi vòng lại .
Chặng đường gần 70 km lúc đó sao vời vợi, đò sông cách trở, chú rể đèo cô dâu được vài cây số thì cô dâu lại phải tự đạp xe một mình để chú rể còn phải chở ông già. Cả đoàn xe đạp rồng rắn, hầu như là toàn xe cố vấn (vỏ bục dùng ruột xe cắt ra vấn, buộc lại) rồi còn mang theo cả cái bơm dự phòng nữa chứ. Đến phố Thứa, vào địa phận Bắc ninh, đoàn dừng chân, mỗi người được thưởng thức một que kem mút. Đạp xe dọc triền đê, chiều về ngắm bãi mía, vườn ngô bên sông lúc hoàng hôn xuống sao thấy lòng dạ ngổn ngang nỗi nhớ quê mình nao lòng đến vậy ... Đoàn tới bến đò Ngăm qua sông Đuống thì trời vừa xẩm tối ...
Đúng là không hoa, không nhẫn chẳng áo dài, không hình, không ảnh chẳng phấn son. Nhà gái chỉ vài ba mâm cơm khách đơn giản mời nhà trai và bà con họ mạc thật thân thiết trong phạm vi gia đình còn dân làng được mời ăn giầu, uống nước, hút thuốc lá cuốn từ tối hôm trước mà thôi.
Đất Bắc Ninh đãi người đưa dâu bằng một đêm dài quan họ.
Sáng sớm hôm sau, cơm nước xong, nhà gái ra về , tôi xắn tay cùng gia đình dọn dẹp. Trên nhà, dưới bếp, không mảy may còn chút gì dấu vết của một nhà vừa qua đám cưới bởi gia đình đông con, nghèo khó trong thời buổi khó khăn ... ngày kế tiếp sáng cả nhà có nồi cháo trắng lót dạ còn ra đồng ( tôi vốn sợ cháo nhất vì ăn vào là nôn, ói ). Chả lẽ lại không ăn thì cả nhà nghĩ sao ??? ăn vào ói ra thì lại càng ... sao nữa, may quá có vại dưa muối đã khú rồi song cũng đưa môi được chút ít ... và sau đó là những bữa khoai độn cơm của cả gia đình ngót chục người khi ấy ...
Ơn Giời, đã qua được hơn bốn mươi năm.
Theo Chuyện làng quê
Bùi Thị Lịch
10:41 13/10/2021
Cám ơn Tạp chí Văn Hóa & Phát Triển đã chia sẻ, lan tỏa kỷ niệm một thời Văn Hóa Việt mình là như thế.