Lá thư chung

Dì Pig

02/01/2022 09:01

Theo dõi trên

Đầu tiên là lá thư của người yêu thằng Tiến: "Em nhớ anh sắp chết rồi đây". Cười, cô gái Cao Bằng học lớp Ba mà. "Lúc này hàng xóm đang ngon lành vào giấc ngủ ngàn thu", lần này thì cười như phá nhà:" Tiến ơi cả làng mày chết hết rồi à"... thế là nó xé luôn bức thư, rồi nó khóc. Tiếc...

Vào tháng 10 năm 74 trung đội tôi có lá thư thứ hai. Thằng Vũ quê Phú Thọ đến với Tây Nguyên và lá thư người yêu nó trở thành báu vật của đơn vị. Vũ cùng tuổi mười tám với tôi nhưng gọi tôi là anh, nó kém tôi hai năm tuổi quân nhưng lại hơn tôi là có người yêu nơi quê nhà và bằng chứng là có hẳn một lá thư, cô ấy gửi ngày nó đang huấn luyện. Tôi phải lấy quyền trung đội trưởng quyết: một thằng đọc cho cả trung đội nghe, không chuyền tay nhau, nát mất. Sau màn đọc thư ấy là mặt mũi tất cả sáng bừng lên, lá thư lại nằm túi ngực trái của Vũ.

la-thu-chung-1641088814.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp

Lá thư ấy như động lực, như lời tâm sự thủ thỉ của người con gái thân yêu nơi đất Bắc, nó nâng bước chúng tôi những ngày hành quân chiến đấu, nó thôi thúc chúng tôi ngang dọc trước bom đạn chiến trường, là nguồn động viên những ngày mùa mưa gian khổ trong rừng. Nó được đọc đi đọc lại rất nhiều, đến nỗi gần nửa thế kỷ rồi, tôi vẫn còn nhớ nguyên từ nét chữ tới những lời ngọt ngào, yêu thương của Lan như không dành cho riêng Vũ, mà dành cho tất cả trung đội tôi ngày ấy.

    "Anh thân yêu.                                         

 Đơn lẻ trên chiếc ghế công viên, nơi dành riêng cho hai đứa mình mỗi khi màn đêm buông xuống, nhìn những đôi trai gái ôm nhau thật hạnh phúc, em như nghẹt thở. Cơn gió bắc lướt nhẹ trên mái tóc em, vẫn như ngày nào nhưng không có anh ở bên giờ em thấy lạnh giá vô cùng. Trong em làn gió ấy như cơn lốc, đem hơi lạnh dưới không độ lùa tận trái tim trống trải của em. Em nhớ anh vô hạn...

    Em mơ ngày thống nhất, em sẽ ra tận cửa toa tàu đón anh, anh đưa ba lô em đeo. Em sẽ là làn gió mát, xua hết những khói bụi chiến trường còn đọng lại quanh anh. Em sẽ không ngượng mà ôm hôn anh ngay giữa sân ga. Rồi sẽ có một đám cưới to nhất thị xã mình, em sẽ sinh cho anh một đội bóng như anh vẫn ước mơ, em sẽ là bác sỹ, chữa lành và xoa dịu vết thương của anh khi trái gió trở trời, anh bị thương đâu cũng được, nhưng không được làm mất đội bóng của em đâu nhé. Giờ thì em ước mình trở thành cánh chim, luôn bay bên anh, nhìn nụ cười của anh, nhìn ánh mắt yêu thương như khi hai đứa nhìn nhau, em sẽ bay cùng anh khắp chiến trường, che chở cho anh trước bom đạn của quân thù... Và cuối cùng, trăm năm em vẫn đợi, ngàn năm em vẫn chờ... Người yêu bé nhỏ của anh. Hương Lan.  

  Hôn anh ngàn lần, ngượng quá".

Chắc Lan không tưởng tượng nổi bao "hội thảo" của mười lăm anh lính trung đội tôi quanh lá thư của em đâu. Chúng tôi gọi đó là bức thư tình hay nhất và "điêu" nhất. Hay thì rõ rồi còn điêu vì "ai mà sống ngàn năm vẫn chờ chứ". Rồi phân tích câu "anh bị thương ở đâu cũng được nhưng không được làm mất đội bóng của em", thằng thì bảo em "giao" Vũ không được để bị thương cái "của quý", thằng khác bảo ý em là Vũ không được chết...

Còn lính Tây Nguyên có khi nào có thư đâu.

Tôi cũng có tình yêu, Phương, cô gái binh trạm 5 gần đó. Đúng như câu hát "đưa em đi hái cái măng rừng". Mùa mưa Tây Nguyên, trắng trời mưa không dứt. Không đánh trận được nữa, đường như ruộng lầy xe không sao đi nổi, vận tải tắc nghẽn. Nuôi chúng tôi là phần lương thực ít ỏi đồng bào Tây Nguyên san sẻ. Muối cũng hết rồi. Chỉ nghĩ kiếm gì cho vào bụng, chúng tôi tìm măng lồ ô, thằng Tiến thở hổn hển mừng khi đào được củ cọc rào sâu hơn mét.

 Mùa mưa là buồn nhất của lính, thèm thuốc, nhớ người anh trung đội trưởng khi chia đôi điếu thuốc dành tôi phần nhiều hơn. Trận bản Đôn thấm máu anh rồi.

Đi Kong Tum bốn ngày lấy được chút gạo, mệt nhoài và buồn nữa, sao không thấy Phương đến chỗ hẹn nhỉ, đến binh trạm em thì tôi "không dám". Nhặt đoạn cáp cánh lái xe kéo nhau để lại, đoạn cây lồ ô phạt nửa, ống thịt hộp nửa cân, tôi làm cây đàn bầu. Tiếng đàn réo rắt trong lòng mỗi thằng một khác, riêng tôi là nỗi nhớ Phương.

Hôm nay chút nắng hửng, tôi gặp được em rồi. Xanh gầy mà mắt tươi rói: "Anh nhìn hoa phong lan đẹp không kìa!".

"Chẳng đẹp bằng em đâu", tôi trả lời mà tự ngạc nhiên, vì bụng tôi nghĩ: "Hoa có ăn được đâu em"! Trông Phương gầy quá.

Và tôi đã biết sao em không đến chỗ hẹn, ngày "con gái", em chẳng có quần mặc nữa. Là con trai mà chúng tôi còn sợ cái ướt nhớp nháp trong rừng. Tôi đem cho Phương hai cái quần đùi "Mao Trạch Đông" và mắt ướt khi em chịu nhận.

Còn món quà của em khi tôi sốt rét là quả tai chua rừng mà vị chua vẫn còn trong tôi đến bây giờ. Thằng Tiến dìu tôi đi viện và nó vui vì được ăn ké bữa canh rau sắn của bệnh viện, cả năm trong rừng không chút rau.

May sao sau hai mươi ngày nằm viện, dứt cơn sốt, chân còn tập tễnh vì mũi tiêm Quy nín rất đau, nhưng tôi đã kịp hoà bước hành quân trong chiến dịch Tây Nguyên. Đón mùa khô đỏ lửa 1975.

Thị xã Cheo Reo giải phóng sau trận chiến khốc liệt. Đơn vị tôi ở lại đó hai ngày. Chẳng bao giờ quên cảnh hoang tàn, mùi xú uế. Nỗi lòng tôi nặng trĩu thương thằng Tiến, chia cho tôi một cái quần đùi, còn một cái nó mặc và ngã xuống nơi Cheo Reo này.

Trận Đồng Dù 29/4/75. Nhiều người lính nằm lại trên "cửa mở", trong đó có Vũ. Anh đã không giữ được "đội bóng" như lời hẹn với Lan. Lá thư trên ngực cũng tan theo anh, chẳng đợi ngày mai cờ đỏ rợp trời. "Lan ơi"...

Cô gái Việt Trì ơi, Chiến thắng có chút công em đấy.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Lá thư chung" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn