Lai Châu: Giữ gìn văn hóa dân tộc Thái, Khơ Mú

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái, Khơ Mú luôn được huyện Than Uyên (Lai Châu) quan tâm, chỉ đạo bằng việc phục dựng các lễ hội truyền thống, thành lập các câu lạc bộ đàn tính-hát then, duy trì hoạt động của đội văn nghệ quần chúng.
dan-toc-thai-kho-mu-1628803039.jpg
Nghệ nhân Lò Văn Sơi (dân tộc Thái) hướng dẫn học viên nhỏ tuổi về kỹ năng sử dụng đàn tính của dân tộc Thái

Qua đó, tạo điều kiện để hạt nhân văn nghệ, quần chúng được sáng tạo, giao lưu, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Chúng tôi có mặt tại lớp truyền dạy nghệ thuật hát then - đàn tính dân tộc Thái ở xã Mường Cang khi nghệ nhân, diễn viên đang truyền dạy cho học viên bài múa, điệu hát, cách cầm, gảy đàn tính. Học viên là những trẻ em, người có đam mê đang say sưa tiếp thu từng làn điệu và nhạc cụ; rèn kỹ năng xây dựng, dàn dựng các tiết mục đàn ca, dân vũ dân tộc Thái. Ngoài ra, học viên còn được hướng dẫn các bước xây dựng, thành lập đội văn nghệ quần chúng; câu lạc bộ văn hóa văn nghệ; xây dựng các chương trình văn nghệ, tổ chức các hội thi, hội diễn để duy trì, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ.

Em Hà Khánh Ly (dân tộc Thái, xã Hua Nà) tâm sự: “Từ nhỏ em được xem, nghe tiếng đàn tính tẩu, tiếng hát Then vang vọng, thiêng liêng, do đó em rất tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc Thái. Nhận thức sâu sắc văn hóa là cội nguồn của dân tộc, là thế hệ trẻ, chúng em nguyện tiếp bước truyền thống cha ông, nêu cao trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Tham gia lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, em hứa sẽ cố gắng học tập để góp phần nhỏ bé vào công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh”.

Với nghệ nhân ưu tú Lò Văn Sơi (Câu lạc bộ hát then - đàn tính xã Mường Cang) được tham gia nhiều chương trình biểu diễn, trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ và biểu diễn nhạc cụ dân tộc; đồng thời nhiều năm sưu tầm nghiên cứu về văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Ông vẫn trăn trở, hiện nay nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc không được duy trì, nhất là với thế hệ trẻ hầu như không nắm được phong tục tập quán. Ông Sơi chia sẻ: “Là nghệ nhân, tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng dân tộc mình để giữ gìn phong tục tập quán. Ngoài lớp đang truyền dạy nghệ thuật hát then - đàn tính, múa Then; trước đây tôi tham gia mở lớp truyền dạy học hát, dân ca, dân vũ cho người dân. Tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện xây dựng các nội dung và truyền dạy các điệu múa, điệu hát, nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Huyện Than Uyên có 10 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng thể hiện qua trang phục, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, tiếng nói làm cho Than Uyên phong phú về bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Những năm gần đây, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc nói chung và dân tộc Thái, Khơ Mú nói riêng được huyện quan tâm, chú trọng. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức Nhân dân về việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa. Phục dựng các lễ hội truyền thống như: Lùng Tùng, Xòe Chiêng, đua thuyền đuôi én, Hạn Khuống, làn điệu của dân tộc Khơ Mú… Đồng thời, thành lập và phát triển các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian điển hình là 2 câu lạc bộ đàn tính-hát then của dân tộc Thái. Khuyến khích các bản, khu dân cư thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên của 129 đội văn nghệ quần chúng.

Hằng năm, huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc gắn với tết Độc lập (2/9) với nhiều hoạt động nghệ thuật; chợ vùng cao; lễ hội đường phố; không gian văn hóa dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú; thi trình diễn trang phục các dân tộc. Đây là dịp để huyện giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn và dân tộc Thái, Khơ Mú nói riêng.

Trong 10 dân tộc, với người Thái, hát then-đàn tính là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, đặc sắc gắn với đời sống tinh thần của người dân từ bao đời nay; đó là sự kết hợp vẻ đẹp con người với vẻ đẹp thiên nhiên, giữa giá trị nghệ thuật đặc sắc với yếu tố tinh thần và tâm linh. Với dân tộc Khơ Mú, nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Khơ Mú là loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo, đặc trưng với các đạo cụ từ nguyên liệu tự nhiên, chủ yếu là: ống tre, nứa; âm nhạc dân tộc Khơ Mú luôn sôi nổi, lôi cuốn. Có thể thấy, các loại hình nghệ thuật của dân tộc Thái, Khơ Mú nói riêng, cộng đồng các dân tộc nói chung đều bày tỏ khát vọng về cuộc sống bình yên, khát vọng vươn tới ấm no, hạnh phúc.

Bà Hoàng Thị Liễu - Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Than Uyên cho biết: “Phòng tham mưu cho huyện tổ chức mở các lớp học tập, nghiên cứu, truyền dạy, tìm hiểu các giá trị về văn hóa, nghệ thuật dân tộc Thái, Khơ Mú nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, hiểu biết cho hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ. Hiện nay, huyện đang mở lớp truyền dạy nghệ thuật hát then-đàn tính dân tộc Thái và nghệ thuật trình diễn dân tộc Khơ Mú cho trên 100 học viên chủ yếu là lứa tuổi thanh thiếu niên. Học viên được tiếp thu bài hát, thực hành điệu múa dân gian cơ bản, giao lưu các điệu múa, hát tập thể, nắm kỹ năng các loại nhạc cụ. Giúp học viên trở thành hạt nhân nòng cốt, lan tỏa trong nhà trường, cộng đồng, xã hội, góp phần phát triển gìn giữ văn hóa dân tộc Thái, Khơ Mú”.

Uyên Linh