Lái xe taxi ấm ức

Còn bây giờ thiết kế đã vô lý, thi công lại bớt xén nên cống thoát chỉ sâu 60 centimet, rộng 80 centimet thôi, lại bị cát và rác bồi lên nên gần như kín mít. Thế là cần gì mưa to, cứ mưa nho nhỏ như bò đái là đã ngập rồi.
nuoc-ngap-duong-pho-1653448047.jpg
 

 

Xem ảnh trên Facebook về nước ngập khắp nơi ở Hà Nội, ở Đà Lạt… tôi bỗng nhớ đến lần năm 2008 đi taxi từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài.

Hôm ấy tôi suýt chậm giờ bay vì đường Phạm Văn Đồng kẹt cứng do ngập nước. Cậu lái xe taxi làu bàu:

- Anh là quan chức à?

Hãnh diện quá, mình vênh mặt lên:

- Hì hì… Nhìn tớ có dáng quan hả?

- Cũng có tướng quan… tài ạ.

Biết gã nói sỏ xiên mình, nhưng tôi làm lơ:

- Cảm ơn nhé, nhưng mình là nhân viên quèn thôi.

Trong lúc kẹt xe, hai anh em chuyện trò cho đỡ sốt ruột, cậu hỏi:

- Nhìn cảnh này anh có tức không?

- Hic, tức thì làm gì được? Mình thấp cổ bé họng mà! 

- Bé họng vẫn cần gào lên như ễnh ương chứ?

- Mà nếu cậu làm chủ tịch Hà Nội thay ông Thảo thì cậu làm gì để dân bõ tức?

(Dịp ấy ông Thảo vừa lệnh chặt nhiều cây xanh)

Mãi nửa phút cậu lái mới bảo:

- Bao nhiêu điều vô lý là bấy nhiêu ấm ức trong lòng dân, nhưng các sếp cứ lờ đi.

- Họ trình độ kém à?

- Không họ biết tất nhưng vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm trước mắt mà cứ làm sai đi.

- Nghe bẩu có hàng chục đề tài tiến sĩ về chống ngập cho Hà Nội đấy?

- Đề tài tiến sĩ bị tống tất vào tủ khoá rồi, vai trò của nó đã hết sau khi lý lịch người viết đã được ghi thêm chữ "Tiến sĩ".

Tôi vẫn kiên quyết bảo vệ sự nỗ lực của chính quyền:

- Người ta đã lập rất nhiều dự án chống ngập, đang triển khai thực hiện mà.

- Vâng ạ, nhưng càng chống càng ngập, dự án chỉ để tiêu ngân sách thôi ạ.

- Cậu nhìn vấn đề bằng cặp mắt đen tối quá!

- Vâng, còn anh nhìn màu hồng, nếu anh mà làm sếp thì thành phố còn ngập nhiều hơn nữa.

- Cảm ơn một lời khen thật lòng của cậu.

Chẳng đợi tôi biện hộ thêm, cậu ta tưng tửng hỏi:

- Cái Hà Nội xưa của Pháp xây có ngập không anh?

- Không?

- Sao vậy nhỉ?

- Cống thoát sâu mấy mét, rộng mấy mét, lấy “cốt không” chuẩn thì ngập sao được.

- Còn bây giờ thiết kế đã vô lý, thi công lại bớt xén nên cống thoát chỉ sâu 60 centimet, rộng 80 centimet thôi, lại bị cát và rác bồi lên nên gần như kín mít. Thế là cần gì mưa to, cứ mưa nho nhỏ như bò đái là đã ngập rồi.

Tôi vẫn kiên quyết chống chế giúp các quan chức thành phố:

- Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan cũng ngập mênh mông cả tháng đấy.

- Cả trăm năm họ mới bị một lần như vậy, khác ta tháng nào, năm nào cũng bị nhập chứ!

Chỉ một khu nhà cao tầng xa xa, cậu bảo:

- Cái khu kia vốn là ruộng rau muống với bèo tây, người ta lấp nhưng chưa đủ nên thể nào cũng ngập. Hơn thế, chỗ ấy là nơi xưa nay tích nước mưa của cả khu vực này, giờ lấp đi thì chỗ này hết nơi chứa nước, sẽ ngập tiếp.

- Tít mù nó lại vòng quanh nhỉ?

- Vâng, nản lắm! Rồi anh sẽ thấy, sang năm sẽ ngập nhiều hơn, cứ thế mãi...

Để thoát khỏi những bực bội, tôi lái cậu ta sang chuyện khác:

- Nhìn ra ngoài ngắm các em xinh tươi đi cho đỡ stress em ạ.

- Có thấy gì đâu, các nàng mặc áo chống nắng kín như nin-gia thế kia mà! Toàn thấy dây điện chằng chịt, vỉa hè lổn nhổn, phô xá lôm côm.

- Thôi đừng nói những cái xấu xí ấy nữa, mở nhạc Trịnh mà nghe cho đỡ bực.

Cậu ta cố ý hay mở nhầm thế nào đó, lại sang tin tức giao thông, chỗ Ngã Tư Sở đang bị tắc đường. Rồi chẳng biết vì sao lại vang lên bài hát nhái:

"Hà Lội mùa này phố cũng như sông... Con đường lớn giờ thành con sông nhỏ... Ai đó chờ ai, ướt đẫm bên thềm... ".

Rõ chán cái sự quy hoạch, cái sự phát triển bạt mạng!

 

Theo chuyện làng quê