Chủ trương của Nhà nước là các trường đại học và cao đẳng phải chuyển sang tự chủ và thích ứng với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hiện các trường nghệ thuật thì nhiều nơi gần như chưa làm được điều này với nguyên nhân là thí sinh dự tuyển phải có năng khiếu. Liệu rằng có giải pháp nào để khắc phục?
Khi còn niên thiếu, đứa trẻ nào cũng có năng lực nghệ thuật
Chắc chắn, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là với số đông lứa tuổi học trò, đứa trẻ nào cũng có thể hát hay và vẽ đẹp. Tuy nhiên, càng trưởng thành thì những năng lực này ngày các bị thui chột. Thay vào đó, các em sẽ bước vào các ngã rẽ cuộc đời để theo đuổi các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế, kỹ thuật… Và chỉ có một số rất ít là đam mê nghệ thuật với yếu tố năng khiếu nổi trội.
Vậy nguyên nhân vì đâu? Cũng dễ hiểu thôi vì giáo dục phổ thông ở Việt Nam về cơ bản là không đào tạo toàn diện và các môn nhạc, hoạ chỉ là thứ yếu với lượng cho nó rất thấp. Thêm vào đó, các bậc cha mẹ cũng không tiếp tục đầu tư cho con cái về nghệ thuật mà thay vào đó là định hướng về kinh tế, kỹ thuật… cho con đường tiếp tục sau khi các em kết thúc chương trình phổ thông.
Như vậy, có thể nói, việc năng lực nghệ thuật của học sinh bị thui chột đi về cơ bản là do giáo dục và không nên đổ lỗi cho nhà trường mà phần nào cũng do chính các bậc cha mẹ. Vì thế, bên cạnh việc cải thiện môi trường đào tạo trong và ngoài nhà trường thì phải có những giải pháp phù hợp để việc tuyển sinh và đào tạo các ngành nghệ thuật bớt phụ thuộc vào yếu tố năng khiếu.
Đào tạo nghệ thuật cần có giải pháp khoa học mới thay vì lối mòn truyền thống
Theo ý kiến của một chuyên gia đề nghị không nêu tên, giải phẫu người là một việc chắc chắn là rất khó. Thế những hàng trăm năm nay, các trường đại học của ngành y tế đã đào tạo ra với một số lượng rất lớn bác sĩ ngoại khoa để làm được công việc này. Khó đến như thế mà còn làm được thì cần phải khẳng định rằng việc đào tạo các ngành nghệ thuật mà không đòi hỏi yếu tổ năng khiếu chắc chắn phải có cách để làm được.
Hiện nay, giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đây là cuộc cách mạng không ai đợi ai và nếu nơi nào chủ động tiếp thu các thành tựu khoa học thì chắc chắn sẽ vượt trội và đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao với đầu vào có thể chưa đạt ngưỡng đặt ra như trước đây.
Trước hết, xin nói đến các trường mỹ thuật. Hiện tại, có 8 trường đại học đào tạo ngành này là Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật TPHCM, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, Đại học Nghệ thuật Quân đội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Mở Hà Nội. Tuy nhiên, mức độ tự chủ của các trường này còn chưa cao vì tuyển sinh đầu vào đòi hỏi yếu tố năng khiếu.
Song cũng có một thực tế khác là rất nhiều trường ngoài công lập cũng mở mã ngành đào tạo về mỹ thuật và thiết kế với nguồn tuyển sinh đầu vào là những thí sinh không đủ năng lực với các trường nói trên. Hiện tại, chưa có ai đứng ra khảo sát, điều tra về chất lượng sinh viên tốt nghiệp các trường mỹ thuật của 2 khối công lập và ngoài công lập nên cũng chưa thể đánh giá được chất lượng thực tế ra sao.
Tuy nhiên, với nhu cầu thị trường rất lớn về thẩm mỹ công nghiệp cho mọi sản phẩm, hàng hoá thì nguồn nhân lực cho nó là cần tới đông đảo sinh viên tốt nghiệp ngành mỹ thuật và thiết kế. Vì thế, bên cạnh hệ thống đào tạo chính quy của các đại học, không ít cơ sở đào tạo bên ngoài cũng tham gia thị trường này với thời gian đào tạo ngắn hơn rất nhiều. Giải pháp là phải ứng dụng toán học và vật lý trong đào tạo mỹ thuật và thiết kế và theo một chủ cơ sở đào tạo thì với giải pháp này thì học viên theo học không còn quá bị phụ thuộc vào năng khiếu. Còn về các kiến thức toán học và vật lý cho nhu cầu này thì chỉ cần hệ thống hoá lại sách giáo khoa phổ thông là xong.
Và cũng lại có một thực tế khác là sinh viên của Học viện Ngoại giao cũng rất có năng lực làm diễn viên. Đây là thực tế mà các đạo diễn điện ảnh hết sức bất ngờ khi có dịp tiếp xúc tình cờ với họ và một đạo diễn đã cho biết: thay vì quá phụ thuộc vào nguồn diễn viên ở các trường về sân khấu và điện ảnh, chính họ có thể sẽ đi tìm các tài năng diễn xuất ở môi trường ngoại giao đầy tiềm năng này.
Vậy tại sao các sinh viên của ngành ngoại giao lại có có thể trở thành diễn viên? Cũng thật dễ hiểu vì để trở thành nhà ngoại giao thì họ phải được đào tạo bài bản về rất nhiều kiến thức mà trong đó không thể thiếu về khả năng ứng xử trong giao tiếp thực tế. Bản thân những người trong ngành này cũng thừa nhận, ngoại giao là nghề diễn và thậm chí không biết trước kịch bản. Và những nhà ngoại giao phải là những vai diễn thật đạt yêu cầu. Hiện nay, Học viện Ngoại giao có một số lượng sinh viên rất đông đảo và chỉ có một thiểu số rất nhỏ là có thể được Bộ Ngoại giao và các Sở Ngoại vụ địa phương tuyển dụng. Vì thế, việc tham gia các vai diễn cho thị trường điện ảnh và truyền hình biết đâu cũng là một hướng lựa chọn rất hay cho sinh viên ngành ngoại giao.
Qua những thực tế trên đây của ngành mỹ thuật và sân khấu điện ảnh cho thấy, bản thân các trường đại học của các lĩnh vực này cần có sự đổi mới về chất cho chính mình và sớm có những cập nhật tri thức về khoa học công nghệ nhằm cải thiện tình hình để việc tuyển sinh bớt bị phụ thuộc vào yếu tố năng khiếu. Làm được việc đó thì mới là thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0 và đào tạo ra thế hệ nghệ sĩ mới của thời đại này.