Lan man chuyện cái tên

Đúng ra tên đầy đủ của mình là Lê Trọng Kim. Rút gọn lại Lê Kim, nhưng trong làng Phây cũng có iem Lê Kim. Nên mình gọi ngược lại là Kimle cho khỏi đụng hàng ( Họ trước tên sau, bắt chước cho nó giống Hàn Quốc ). Các cụ đặt cho mình cái tên Kim là vàng. Nhưng mình chỉ thấy vàng mắt thôi à. Nhiều lúc chán, lại cứ nghĩ mình chỉ là cái " Kim khâu bao tải ".

 

tan-man-mua-thu-1663659174.jpg
 Ảnh: NAG Nguyễn Bích Hợp

 

Mình xin viết một bài luận về "cái tên" để hầu bà con đọc vui cuối tuần nha.
Trên đời này, dù là kẻ đại phú hay người bần hàn, dù là bậc đế vương cung ngọc điện vàng hay kẻ hành khất đầu đường xó chợ,   ai ai cũng phải có một cái tên để gọi, để phân biệt. Đó là cái danh xưng của mình.  Cái tên đã gắn bó với con người từ khi oe oe chào đời, cho đến lúc thăng thiên về nơi chín suối. Yêu thương nhau thì âu ếm thỏ thẻ, bốn mùa gọi tên nhau. Ghét bỏ nhau thì hết ngày dài đến đêm thâu réo tên nhau ra mà nguyền mà rủa. Vì vậy, cái tên của mỗi người cực kỳ là quan trọng !
Trên sân khấu chèo, mỗi khi có nhân vật ra diễn đều xướng " Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ ?", tiếng đế " Không xưng danh thì biết ai vào với ai ?". Vợ chồng giận nhau nói trống không "  ấy ơi về ăn cơm " ( ấy không phải là tên, gọi thế cho bõ ghét ).
Trong một đám cưới, thấy một người quen lâu ngày không gặp, nếu ta quên tên người ấy thì cái bắt tay sẽ vô cùng hờ hững. Nhưng ta nhớ tên anh ta " Xin chào anh Quang ! " Thì niềm vui sướng của anh Quang sẽ lộ ra trên nét mặt và cái bắt tay sẽ rất chặt,  còn kèm theo một cái ôm vô cùng thân thiết nữa ( anh Quang sẽ tủm tỉm: Mình phải thế nào thì người ta mới nhớ tên mình chứ ! ).  Qua đó, có thể khẳng định một cách chắn chắn rằng: Tâm lý chung,  cái tên của mỗi người là quan trọng nhất ! Cái tên của mình, nghe mới êm ái dịu dàng làm sao, thân thương trìu mến,  mới ngọt ngào làm sao !
Điều tối kỵ mà chúng ta hay mắc khi gặp người quen là " Xin lỗi !  Tên anh (chị ) là gì nhể ? Lâu ngày tôi quên mất  ! ".  Anh ( hoặc chị ) sẽ sa sầm nét mặt, khỉ gió ở đâu, mình đối với hắn chả là cái đinh gì cả, có mỗi cái tên mà không thèm nhớ !.
Cha mẹ sinh con thường chọn tên đẹp, tên hay. Nhờ Thày xem tuổi, " xem mặt đặt tên" có hợp với phong thủy không. cái này gọi là tên húy. ( ngày xưa, Thày U thường đặt thêm tên tục để tránh Quan Ôn bắt, những  Hĩm, Cu, Tèo, cò, Tí, Thẹo  vv...
Trẻ con thành phố thường có tên gọi thân mật , nào là Bốp, Bin,  Ben, Bun, Gấu, nhím, Bông, Xu Hào, Cải Bắp, Hồng Xiêm vv.... ( Những tên này chỉ gọi khi còn bé ). Tôi có người quen, ông ta phản đối đặt tên tục ( tên thân mật ) cho cháu của ông vì sợ gọi quen thành ra mất tên chính.  Riêng tôi, khi gọi các baby bằng cái tên thân mật mới thấy ấm cúng, gần gũi,  thân thương làm sao. Còn tên chính của cháu lưu giữ tại hồ sơ sẽ đi cùng cháu suốt cuộc đời, làm sao mà mất được !? 
Có ông bố tên là Tương đặt luôn tên con gái là Cà. Có ông bố tên là Tửu đặt tên con trai là Lạc. Rồi vỡ kế hoạch,  đặt tên con là Thêm, là Nếm, là Nhỡ.   Có người lại đặt tên con cái cho đủ bộ Ấm, Chén, Tích, Siêu. Có ông Nho học, đặt tên con theo bộ tứ linh  Long, Ly, Quy, Phượng.  Tứ quý Mai, Lan,Cúc, Trúc.
Có chàng trai tên là Thế Anh, nhưng tên thân mật ở nhà gọi là Cu Bé ( người anh tên là Cu Nhớn ). Một buổi, có hai cô bạn đến chơi, hỏi ông bố đang ngồi chơi ngoài cửa: Chào bác ạ ! Bác cho cháu hỏi, Thế Anh có nhà không ạ ?  Ông bố nhìn hai cô gái gật đầu, xong ngoái cổ vào trong nhà gọi to: Cu Bé ơi....! Ra có khách nhá !. Hai cô gái bấm nhau, không dám cười. Chàng trai ở nhà dưới chạy lên, nhìn thấy bạn gái liền chững lại,  gãi đầu gãi tai, mặt đỏ tưng bừng. Khi hai bạn gái ra về, chàng trai trách bố, ông bố cười : Bố quen mồm mất rồi...hề hề...!

Lại có nhiều người bảo,. con gái mang tên các loại hoa đa phần  long đong về đường chồng con.  Nhiều người tên xấu đổi tên khác cho đường làm ăn sự nghiệp có hanh thông không ? Cái tên nó vận vào người, có đổi tên cũng không thoát được. Mình có ông bạn tên là Ngang, ông ta đổi tên là Thuận ( cho nó khỏi ngang). Nhưng cái tên đổi, cái tính không đổi ( Giời sinh tính ). Ông ta vẫn ngang phè phè, đến vợ con, anh em còn không chịu được huống chi người ngoài.

Nhiều nhà nghiên cứu  thường nói:  Danh xưng thường đi đôi với số Phận.  Điều này có đúng không ? gồm có hai phần Tâm lý và Tâm linh  (  về phần tâm linh thì nó dông dài trừu tượng quá, nên tôi chỉ nói về phần tâm lý thôi nha ). Con trai mang tên Nhung, Hạnh, Hòa, Vân, Thủy, Hà, Ngọc vv... những cái tên trung tính nặng về nữ giới đa phần nảy sinh tâm lý tự kỷ ám thị nghiêng về âm tính nhiều. Ngược lại, con gái mang tên Thành, Chung, An, Sơn, Thi, Hữu, Lợi vv...Thì nặng về Dương tính, thành ra cương nhiều mà nhu ít. Cha mẹ đặt tên cho con cái đều chọn tên hay tên đẹp, để mong con sau này sẽ vinh hiển trên đường đời, rạng rỡ tổ tông.  Những Nguyễn Bắc Son ( màu son là màu của niềm tin và hy vọng ).Trịnh Xuân Thanh ( âm thanh mùa xuân ). Những cái tên mới đẹp làm sao nhưng kết cục số phận của những cái tên ấy đều trở thành...gỗ mục !

Thế mới biết, tất cả chỉ là tương đối. Còn phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhân cách và đạo làm người nữa.

Chuyện quê