Lắng đọng cùng tập thơ “Sóng đời”

Phạm Văn Hoanh, Hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi

14/12/2022 20:34

Theo dõi trên

Ấn tượng đầu tiên của người đọc là nhan đề tập thơ: “Sóng đời”. Có lẽ đây là dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Hồng Anh. Đọc bài thơ cùng tên ta mới nhận ra lối nói ẩn dụ của tác giả. “Cuộc người đi qua dâu bể/ Sóng đời nhuốm bạc thời gian” (Sóng đời). Nghệ thuật ẩn dụ còn được tác giả sử dụng trong tập thơ này rất nhiều.

bia-tap-tho-song-doi-1671024783.jpg
 

 

Nguyễn Hồng Anh, quê ở Hành Đức, Nghĩa Hành, là hội viên Hội VHNT tỉnh. Năm 2021 anh trình làng tập thơ đầu tay “Sóng đời” do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Tập thơ có hơn 70 bài, là những cảm xúc của anh về tình đất, tình người.

Ấn tượng đầu tiên của người đọc là nhan đề tập thơ: “Sóng đời”. Có lẽ đây là dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Hồng Anh. Đọc bài thơ cùng tên ta mới nhận ra lối nói ẩn dụ của tác giả. “Cuộc người đi qua dâu bể/ Sóng đời nhuốm bạc thời gian” (Sóng đời). Nghệ thuật ẩn dụ còn được tác giả sử dụng trong tập thơ này rất nhiều.

Đọc “Sóng đời” ta thấy Nguyễn Hồng Anh đã tạo được một hệ thống từ ngữ mang nét riêng vừa da diết, ngọt ngào; vừa chân thành, đằm thắm. Ạnh cũng khéo léo trong cách sử dụng thanh điệu để thể hiện cảm xúc của mình: “Dẫu biết rằng tim chẳng quên đâu/ Một mối tình thơ thuở ban đầu/ Dòng đời nghiệt ngã trôi định mệnh/ Trọn cả kiếp người lỡ mất nhau” (Chạnh lòng). Những câu thơ này đã diễn tả những hoài niệm của tác giả về cuộc chia tay của mối tinh đầu. Phải chăng kỷ niệm ấy đã thôi thúc anh không thể nào không tìm lại em của một thời xa xôi: “Ta về soi lại dòng thương nhớ/ Tìm dấu ngày xưa đã nhạt màu/ Bến cũ còn đây thuyền đâu thấy/ Gởi lại hồn ai nặng nỗi sầu” (Dòng thương nhớ). Vẫn biết con thuyền đã trôi đi lâu rồi nhưng anh vẫn cứ tìm về bến cũ. “Chiều nay trở lại bờ xưa văng/ Dòng nước buồn trôi gió thẫn thờ” (Dòng thương nhớ). Với thủ pháp ẩn dụ và nhân hóa, những câu thơ trên đã nhấn mạnh nỗi nhớ thương của anh về một mối tình dang dở. “Mùa thu về khóc cuộc tình dang dở/ Vành trăng nghiêng soi bóng dấu nhạt nhòa/ Nơi hẹn hò bờ cỏ cũ phôi pha/ Sương thấm ướt cánh vạc buồn đêm lạnh” (Mùa thu về). Những câu thơ mang âm hưởng buồn da diết đã khiến người đọc phải ngậm ngùi.

Âm hưởng chính trong tập thơ “Sóng đời” của Nguyễn Hồng Anh là những giai điệu trầm, nhẹ, đằm thắm. Ngôn ngữ thơ tự nhiên nhưng giàu cảm xúc nên đã khơi gợi lòng đồng cảm nơi người đọc. “Nơi bến cũ ai ngồi thầm mong đợi/ Giữa chiều rơi nghe gió gọi ngang trời/ Phía xa khơi một cánh buồm mòn mỏi/ Trĩu nặng hoàng hôn mờ mịt chơi vơi” (Bến đợi). Những câu thơ trên với đại từ phiếm chỉ “ai” cùng với những từ láy “mòn mỏi”, “mờ mịt”, “chơi vơi” đã diễn tả tâm trạng buồn, cô đơn của nhân vật trữ tình khi người yêu đã bỏ bến theo chồng. Một số câu thơ. bài thơ viết về tình yêu lứa đôi trong tập thơ này của Nguyễn Hồng Anh gây ấn tượng trong lòng bạn đọc bởi những hình ảnh rất lãng mạn. “Đêm tĩnh mịch tiếng côn trùng rả rích/ Trái tim hồng dâng nỗi nhớ vấn vương/ Ta tìm em lòng khát khao tha thiết/ Giữ lấy vì sao lạc lối giữa đêm trường” (Lắng sâu).

Trong tập thơ này, Nguyễn Hông Anh có nhiều bài thơ viết về mẹ rất ấn tượng: “Thế là hết! mẹ đã đi mãi mãi,,,/ Chiều thu buồn một chiếc lá vàng rơi/ …Để chiều nay mây về giăng ngập lối/ Tiễn người đi về phía cõi thiên thu” (Về või thiên thu). Viết về mẹ cha, Nguyễn Hồng Anh viết những gì mình cảm, mình nghĩ một cách chân thành, mộc mạc: “Đời nhọc nhằn chai sần đôi tay mẹ/ Gánh lo âu nặng trĩu trên vai cha/ Biển chan hòa như tình mẹ thiết tha/ Nghĩa ân cha nặng dày cao hơn núi” (Nghĩa sinh thành).  Những câu thơ viết về đấng sinh thành của Nguyễn Hồng Anh rưng rưng, ngấn lệ, thấm đẫm sự nhớ thương, lòng biết ơn và nièm tự hào. Đọc những câu thơ trên hỏi ai chẳng nao lòng.

Và những câu thơ anh viết về quê hương cũng chạm được vào trái tim người đọc bởi những nét đẹp yên bình như được lan tỏa từ trái tim nồng ấm, đôn hậu của anh: “Quê hương ơi! Con nhớ mãi vần thơ/ Từ muôn thuở câu ca dao của mẹ…/ Nôn nao lòng hỡi đất mẹ dấu yêu/ Thương nhớ quá lệ tràn cay khóe mắt” (Đất mẹ). Yêu quê hương anh dành những vần thơ trân trọng ngợi ca: “Bình minh về rạng rỡ cánh đồng thơm/ Hương lúa mới ấm áp tình quê mẹ/ Làn gió đồng ru hồn tôi thật khẽ/ Tha thiết yêu thương mỗi sớm làng tôi.” (Làng tôi).

Những nơi anh đã từng đi qua cũng để lại trong lòng anh những tình cảm tha thiết, mặn nồng. Tất cả đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ và đi vào thơ như một sự trải lòng. Đọc “Nhớ về Hà Nội”, “Một lần đến Huế”, “Sài Gòn tháng tư”, “Chiều sông Hoài”, “Tạm biệt Tam Đảo”… ta sẽ thấy được điều đó.

Tập thơ “Sóng đời” của Nguyễn Hồng Anh đã chạm đến cung bậc cảm xúc của người đọc, chuyển tải những điều muốn gửi gắm, sẻ chia đến trái tim người đọc. Chắc chắn tập thơ không tránh khỏi những khiếm khuyết, nhưng những gì tác giả gửi gắm trong tập thơ này là đáng trân trọng. Tin chắc tập thơ “Sóng đời” sẽ lắng đọng trong lòng người đọc.

Bạn đang đọc bài viết "Lắng đọng cùng tập thơ “Sóng đời”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn