Lạng Giang (Bắc Giang): Nâng tầm tinh hoa nông sản địa phương

Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP” sẽ mở ra cơ hội phát triển, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã tập trung cao trong công tác chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
xoi-1722668969.jpg
Huyện Lạng Giang hiện có có 27 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao.

“Trái ngọt” từ Chương trình OCOP

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Trong đó, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tại huyện Lạng Giang, sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, những sản phẩm mang tính bản địa, đặc trưng của địa phương đã thực sự được nâng tầm vị thế, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà những sản phẩm này còn trở thành những “đại sứ” quảng bá cho tinh hoa văn hóa của đất và người Lạng Giang.

Huyện Lạng Giang xác định 5 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: nông sản - thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; ẩm thực - đặc sản; dịch vụ du lịch và các sản phẩm khác. Trong đó, nông sản - thực phẩm và thủ công mỹ nghệ là những nhóm sản phẩm chủ lực.

Theo chia sẻ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạng Giang, toàn huyện hiện có 27 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao tập trung ở 18 xã (Quang Thịnh, Mỹ Thái, Tân Dĩnh, Tân Thanh, Nghĩa Hòa, Tân Hưng, Thái Đào, Đại Lâm, Xuân Hương, Tiên Lục, An Hà, Mỹ Hà, Đào Mỹ, Hương Sơn, Nghĩa Hưng, Xương Lâm, Dương Đức, thị trấn Vôi) và có 19 chủ thể là HTX và hộ gia đình.

Riêng năm 2023, toàn huyện có thêm 04 sản phẩm công nhận mới gồm: Mì gạo Hương Lạc, mật ong Yên Mỹ, thịt chưng mắm tép Quyết Thắng, xôi sắc màu Hương Sơn; 5 sản phẩm công nhận lại là: Đông trùng hạ thảo Adeco, rượu men lá Thủy Thượng, thịt lợn sạch, chả lụa, bưởi Quang Thịnh.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Lạng Giang sẽ nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận OCOP như: Rượu Thuỷ Thượng, gạo nếp thơm; nấm đông trùng hạ thảo, giò lụa của HTX kinh doanh Thao Thanh và có thêm 10 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Đồng thời ưu tiên phát triển các HTX, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% chủ thể OCOP là hợp tác xã; 10% là hộ gia đình cá thể.

Khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP huyện khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ theo chuỗi giá trị, nhằm phát huy sức sáng tạo và nội lực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.

ruou-thuy-thuong-1722668969.jpg
Rượu men lá Thuỷ Thượng tinh chế từ gạo kết hợp với men lá cổ truyền tạo nên hương vị đặc trưng.

Vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương

Từng nhiều lần thất bại, thế nhưng với khát khao, hoài bão vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Lương Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO, thôn Hồng Giang, xã Đức Dương, huyện Lạng Giang đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng thương hiệu, qua đó đem đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc dược liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe, trong đó nổi bật là sản phẩm đông trùng hạ thảo. 

Sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO là sự lựa chọn yêu thích của người tiêu dùng.

Theo chia sẻ của anh Tú, nấm đông trùng hạ thảo là loại dược liệu khó trồng, yêu cầu kỹ thuật khắt khe và vốn đầu tư lớn. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Công ty đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhờ đó, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của doanh nghiệp có màu vàng cam đậm, đẹp, sợi nấm to, đều từ trên xuống dưới, hàm lượng hoạt chất hoá sinh cao nhất.  

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong Đông trùng hạ thảo, rượu Đông trùng hạ thảo đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận, thị trường tiêu thụ hiện đã mở rộng hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của ADENCO cũng đang là 1 trong 8 sản phẩm được đề nghị tham gia bình chọn cấp khu vực và các cấp quốc gia.

nam-dong-trung-ha-thao-1722668969.jpg
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO là sự lựa chọn yêu thích của người tiêu dùng.

Cùng với sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO, sản phẩm nấm rơm sơ chế Tân Thanh của HTX Nông nghiệp Tân Thanh cũng là một trong những sản phẩm OCOP nức tiếng của huyện Lạng Giang. 

Nấm rơm xuất hiện từ nhiều đời nay trong mâm cơm của người Việt. Nấm rơm tự nhiên được mọc trên các bó rơm, rạ ẩm ướt, được người dân thu hoạch và sử dụng chế biến món ăn. Nấm rơm chế biến khá nhiều món ăn như sào cùng với thịt động vật, sào tỏi ớt, sốt cà chua, nấu canh, lẩu... khá quen thuộc đối với nhiều người. Ai từng được thưởng thức nấm rơm một lần chắc hẳn sẽ không quên mùi vị nồng nàn, vị ngọt tự nhiên.