Nguyễn Trực (1417-1474) hiệu là Hu Liêu, tự là Công Dĩnh. Ông sinh ra và lớn lên ở quê mẹ là thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai, Hà Nội) nhưng quê gốc ở Bối Khê, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Theo gia phả ghi lại, đến ông, gia tộc đã có đến 4 đời liên tiếp đỗ đại khoa. Trong đó, cụ nội, ông nội, bố ông đều là những tiến sĩ lừng danh đương thời.
Từ nhỏ Nguyễn Trực đã được khen là siêng năng, chăm chỉ. Ông đi chăn trâu luôn mang theo sách bên mình để tranh thủ học, được người đương thời mệnh danh là “thần đồng chăn trâu”. Tương truyền, chưa đầy 10 tuổi, ông đã nổi tiếng là hay chữ. Năm 12 tuổi đã thích làm thơ và thuộc làu kinh sử. Đến tuổi thành niên, kiến thức của Nguyễn Trực đã làm cho người trong vùng, kể cả nhiều vị danh nho phải ngưỡng mộ, khâm phục.
Vào năm vừa 18 tuổi, Nguyễn Trực đỗ thi hương. Năm ông 25 tuổi thi đỗ Trạng Nguyên khoa thi Nhâm Tuất (1442), đích thân vua Lê Thái Tông ra đề, quan Hành khiển Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trãi chấm thi. Bài văn của Nguyễn Trực không những kiến văn uyên thâm mà vào đề rất khéo: “Xưa nay, bậc thánh nhân trị nước, dẫu sự nghiệp có khác nhau, nhưng tấm lòng của họ, trước sau vẫn là một. Tiến cử người quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân, ấy là bản tâm của bậc thánh nhân trị nước…”. Theo sách Những người thầy trong sử Việt, nhận trọng trách của vua giao chấm thi, Nguyễn Trãi chăm chú đọc kỹ từng quyển thi, ông sửng sốt khi bắt gặp những kiến giải độc đáo, sâu sắc và có tính thiết thực với việc trị nước của thí sinh và chấm điểm cao nhất. Nguyễn Trực trở thành Trạng nguyên đầu tiên của triều đại nhà hậu Lê.
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông sai Thân Nhân Trung soạn bia ghi danh tiến sĩ khoa thi 1442. Đây chính là tấm bia đầu tiên được dựng tại Văn miếu Quốc tử giám. Bài văn bia này nổi tiếng với câu văn truyền đời “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Vừa thi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Trực đã phải chịu tang cha. Mấy năm sau lại chịu tang mẹ. Cuộc đời làm quan của ông đều đều không có vinh thăng tột bậc, nhưng cũng không có bị giáng cấp. Sự nghiệp công danh của ông chủ yếu gắn với các chức quan: Quốc tử giám tế tửu, Hàn lâm viện thị giảng, Thiếu trung đại phu, Hàn lâm thiêm tri nhập thị học sĩ, Ngự tiền học sinh nhị cục... Ông là vị quan kiến thức sâu rộng, đức tính thanh liêm, được ba đời vua Lê đều rất quý trọng.
Lưỡng quốc Trạng nguyên
Đời vua Lê Nhân Tông, được cử đi sứ nhà Minh, Nguyễn Trực ứng đối sắc sảo đã khiến vua quan nhà Minh nể phục.
Đời vua Lê Thánh Tông Nguyễn Trực lại được cử làm Chánh sứ. Vua Minh muốn thử tài sứ thần nước Việt mời Nguyễn Trực và bạn ông là Trịnh Thiết Tường cùng tham gia kỳ thi ở Trung Quốc và ông đỗ đầu. Ông được vua Minh phong làm Lưỡng quốc trạng nguyên. Khi về nước, cả hai ông được vua Lê Thánh Tông thăng làm thượng thư, ban cho 8 chữ vàng: Thành công danh Nam Bắc triều danh ngã (nghĩa là: Hoàn thành công danh ở cả hai nước)
Khoa bảng Việt
Khi ông mất, triều đình cho dựng đền thờ ông ở cả hai địa phương quê cha và quê mẹ. Hiện nay, lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực thờ tại làng Văn Khê (xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai) quê mẹ. Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực ở Bối Khê được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Trái Tim Người Lính