Đứa cháu tuổi 9X học hành dở dang, việc làm bập bõm thì đã lấy chồng. Sinh được thằng con bụ bẫm, nó cứ nựng lấy, nựng để nhưng tuyệt nhiên chẳng ru con được lời nào. Thằng bé khóc. Nó vội vơ lấy chiếc điện thoại, mở mấy bài hát cho nghe. Nhạc nào có hay, cứ như ngồi cạnh xưởng cưa xẻ còn thấy sướng lỗ tai hơn. Thế mà lúc nào nó cũng khen là hết xảy!. Gặp lúc trái gió, thằng bé khóc đến khản cả tiếng. Nó vỗ vỗ mấy cái không được. Nó quát lên. thằng bé giật mình im bặt. Thấy vậy tôi bảo:
- Con khóc thì hát ru chứ! Cứ mở nhạc loại ấy thì làm sao nó nín được!
Nó cau có đáp lại:
- Cháu có biết ru đâu mà hát!
Cháu đã vậy, đến đứa con gái tôi hơn em đến cả chục tuổi tuổi cũng chẳng hơn. Từ lúc nó có con, chẳng thấy hát ru bao giờ. Tôi giục:
-Ru cho con dễ ngủ.
Nó cũng bẳn gắt:
- Con không biết ru! Sao bố cứ lắm chuyện, lặng im để cho cháu nó ngủ.
Thật buồn về thế hệ các bà mẹ trẻ không còn biết đến lời ru!.
Quê tôi không phải vùng sông nước hay rừng thẳm núi cao, hình thế như chuyện cổ tích. Nhưng cũng đủ cả sông, suối, núi đồi, ruộng đồng thoáng đãng lên thơ. Con người yêu lao động lẫn yêu cả giọng ca, câu hò. Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, đất nước còn chiến tranh, nghèo nàn đủ thứ, nhưng rất giàu những vần thơ, điệu hát, câu hò. Đặc biệt là lời ru của các bà, các chị bên cánh võng kẽo kẹt mùa hè, sao mà tha thiết thế!.
“Cái ngủ mày ngủ cho ngoan/ Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con cá rô xề / Buộc cổ lôi về cho cái ngủ ăn…”
Hoặc:
“Cái ngủ mày ngủ cho say / Để mẹ đi cấy, để cha đi cầy
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa…”
Những lời ru ngọt ngào ấy đã vẽ ra bức tranh âm thanh đầy vẻ thanh bình trong tâm tưởng của trẻ thơ, hằn sâu vào ký ức và mang theo suốt cuộc đời. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng: lời ru của các bà mẹ cộng với sự vỗ về yêu thương hoặc nhè nhẹ xoa trên đầu, làm hạ hoả trong cơ thể tí hon, dịu đi tính khí cục cằn, nuôi dưỡng tính bản thiện.
Lời ru còn là mạch nguồn gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, dẫu phải trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc để đất nước tồn tại đến ngày nay. Tác dụng của lời ru kể sao cho xiết. Ngày nay, trình độ văn hoá gấp bội, nhận thức của con người cao hơn nhiều lần mà sao lời ru lại thưa vắng?. Bây giờ có rất nhiều phong trào dành cho nữ giới, cho Đoàn thanh niên và cả của Ngành văn hoá nữa, tuyệt nhiên không có phong trào khôi phục hát ru rèn luyện kỹ năng cho các bà mẹ tương lai…
Cách đây nửa thế kỷ, giọng hò là một thứ văn hóa dân gian rất đặc trưng, được thanh niên dùng để giao duyên với lời lẽ đằm thắm, trữ tình và chỉ có ở những vùng thôn quê. Mỗi khi tát nước, nhổ mạ đêm trăng, nam nữ cùng nhau hò để quên đi mệt nhọc. Sau mỗi việc cộng đồng hay hội làng, họ còn nán lại và cất giọng hò. Trai làng nọ muốn níu giữ gái làng kia. Đám cưới khi tổ chức cũng cử ra Trưởng trò, phó trống cùng nhau bắt nhịp câu hò, mới rôm rả làm sao. Ở đám đông, nam nữ thường trêu trọc nhau cũng cất giọng hò:
“Hò ơ hò đến đây không hát thì ơ hò
Không phải con cò, ngóng cổ nghe mà nghe ơ hò”.
Hoặc:
“Chim kia ai đuổi mà ơ bay…
Người kia ai đuổi một ngày xa cành xa ơ hò…”
Lúc đó, máy thu thanh rất hiếm. Cả xóm mới có một vài chiếc. Năm thì mười hoạ đội chiếu bóng của huyện mới về phục vụ, xa vài cây số thanh niên cũng cố rủ nhau cuốc bộ đi xem. Còn truyền hình thì mãi sau giải phóng miền Nam mới có. Văn nghệ ở thôn xóm thì diễn toàn vở cũ, nên câu hát, giọng hò đã trở thành nét sinh hoạt tự nguyện của nhiều lớp thanh niên thời ấy.
Hò mang đầy tính nhân văn, không gây hiềm khích, đố kỵ, không gây mếch lòng. Nam nữ, ai cũng thuộc một vài điệu, phòng khi bị bàn bè trọc ghẹo có vốn mà đối đáp. Những đêm trăng sáng sau sinh hoạt chi đoàn, nam nữ thường chia bè để hò đối đáp. Bên nữ là những giọng hò cự phách cao vút, lanh lảnh, khi cất lên làm đắm say bao trái tim của đám trai làng. Họ luôn là bên đa thanh và đối đáp tài tình. Bên nam cũng chọn người đứng ra hò đối lại. Nghe đối phương hò, cả nhóm vội vàng chắp vần, chắp ý sao cho hợp rồi giục hò đáp lại. Những buổi xem phim, trời tối phải đốt đuốc, câu hò cứ theo chân người từ bãi chiếu bóng về các ngả đường, ánh đuốc xa dần, xa dần và khuất sau mỗi rặng tre. Nhưng giọng hò vẫn vút cao như níu giữ người ở lại. Có những buổi câu qua, lời lại, trăng khuya đã xế mà chưa ai muốn tàn. Rồi thấy những giọng hò nổi tiếng vắng mặt lâu lâu, cũng là lúc cả làng được mời đến ăn trầu. Qua giọng hò, họ đã lên vợ lên chồng.
Khi công trường 300 ở tỉnh Hà Bắc làm tuyến kênh Bảo Sơn. Những đội dân công từ Hà Nam, Nam Định, Hải Hưng mang theo những điệu chèo, tay sáo cừ khôi. Đặc biệt là những giọng hò ngọt lịm làm cho phong trào hò ở vùng quê tôi thêm sôi động. Những đêm làm tăng ca để nhanh thông tuyến, thì câu hò, điệu hát vang lên khắp vùng. Mến vùng đất mới, nhiều người đã lấy quê tôi làm nơi lập nghiệp và giọng hò trong những buổi trăng thanh, gió mát luôn làm đắm say lòng người...
Thời gian đã ngót nửa thế kỷ, bây giờ mọi người chỉ tập trung vào làm ăn, mua cái này, bán cái kia, lỗ lãi với vàng, đô la, cổ phiếu... chả ai còn nhớ đến những lời ru, những giọng hò thưở trước. Rồi các phương tiện nghe nhìn: đài, loa đủ các loại công suất, máy thu hình có mặt hầu hết các gia đình, điện thoại di động đã mang tính phổ cập. Mẹ trẻ thời nay, con khóc thì mở đài, mở điện thoại di động, không nín thì quát, hoặc khóc mãi mệt cũng phải nghỉ, chẳng cần phải dỗ nhiều. Cuộc sống hiện đại, làm cho con người sống như cố co mình vào cái vỏ bọc hào nhoáng với những bộ cánh hợp thời trang, nhưng không thể lấp đầy một tâm hồn với những khoảng trống.
Ông lão cạnh nhà, trước kia là giọng hò có tiếng, tuy răng lợi móm mén thỉnh thoảng cũng cố hò vài câu cho khuây khoả. Có lúc ông chép miệng thở dài:
- Lớp trẻ bây giờ không biết thế nào là hay là đẹp nữa. Đấy ông xem, nghe nhạc thì loa như trống lệnh. Hát Ô Kê như là gào, như là đọc văn tế cúng cụ. Quát mắng thì chúng hậm hực tắt đi, nhét cái tai nghe điện thoại vào lắc la lắc lư như lên đồng, nói gì cũng có vào tai đâu, toàn mang thứ nhố nhăng về nhà. Biết rằng cuộc sống phát triển phải thế, nhưng thương nhất là những đứa trẻ còn ẵm ngửa. Lớp mẹ thời nay lời ru còn chẳng biết, thì làm sao dạy nó lên người.
Bây giờ khi trăng thanh, gió mát trai làng cũng ít dám đi chơi. Cần đi đâu đã có xe máy, ra đường vít ga chạy một mạch, không dám nhìn ai. Nếu nhìn đâu đó vào ai rễ bị cho là nhìn đểu, bị gây sự có khi ăn đòn. Đám thanh nữ cũng không dám đến chỗ hẹn hò, vì sợ bị trêu trọc quấy quả hoặc bị“bế quan toả cảng”. Không ít thanh niên bị đánh hội đồng để cạch đến già, vì dám đến tìm hiểu gái làng. Vắng giọng hò, lời ru như khẳng định thêm, sau luỹ tre đã có nhiều thay đổi. Trong mắt ông lão hàng xóm vẫn đau đáu ẩn chứa một nỗi niềm khôn tả. Phải rồi, hãy ngoảnh lại và lắng nghe, luỹ tre làng đâu còn là nét thân quen. Những bờ tường, nhà cao tầng xám xịt. Người ta đang bê tông hoá làng quê. Luỹ tre, cây đa, rặng mồng tơi và nhiều hiện vật khác làm nên hồn cốt làng quê đã trở thành hoài niệm. Phải chăng không gian và những giá trị văn hoá ở nơi ấy đang dần bị tắt, để lại khoảng trống trong tâm hồn mỗi người. Khoả lấp nó, buộc người ta phải sống xô bồ, vô cảm. Và sau luỹ tre làng, nhiều người đã thầm ước:“bao giờ mới được nghe lại lời ru, giọng hò”.