Làng quê mùa ổi chín

Lão Dần có ông bạn tri kỷ từ tấm bé, hiện đang định cư ở nước ngoài, hôm nay bạn về thăm cố hương. Lão Dần chuẩn bị xe ô tô, tự lái lên sân bay Nội Bài để đón bạn.
anh-mang-1658292032.jpg
Ảnh minh họa 

 

Xe qua cầu Thanh Trì, rẽ vào đường đi Văn Giang, Hưng Yên. Hai bên đường người làm vườn bán rất nhiều ổi, những mẹt ổi chín vàng ươm rất bắt mắt.

Ông bạn đề nghị lão Dần dừng xe, để bạn mua ổi (vì đã mấy chục năm bạn lão chưa được ăn ổi quê). Chị bán ổi nhanh nhảu chào mời “mời hai ông anh nếm thử ổi găng quê chính hiệu, không ngon không lấy tiền”. Bạn lão Dần nếm thử gật đầu luôn, lão Dần cũng nếm thử “đúng ổi găng rồi giòn và ngon lắm!”. Bạn lão Dần mua luôn hai cân, trả tiền cho chị hàng ổi, hỏi thêm “nhà chị có ổi mỡ không?”. Chị bán ổi ngạc nhiên “bây giờ ai ăn ổi mỡ hả bác, nhạt lắm”.

Lão Dần giải thích cho chị hàng ổi “thế thì chị không biết rồi! Ổi mỡ nhạt hơn ổi găng, nhưng mùi thơm của nó thì không ổi nào sánh bằng, bạn tôi xa quê lâu rồi nên muốn ngửi lại mùi thơm của ổi mỡ ”. Bạn lão Dần tâm đắc “ông đúng là bạn quê nối khố của tôi mới hiểu tôi đến vậy”.

Trên đường về nhà, bạn lão Dần đề nghị “sáng mai ông phải cho tôi đi chợ huyện mua mấy quả thị chín đấy nhé, mùa này thị đang chín mà”.

Đúng là người gốc quê, nên xa quê cũng không thể quên được mùa nào, thứ ấy…

…..

Làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, cuối tháng sáu, đầu tháng bẩy âm lịch (mùa Vu Lan) cũng là mùa ổi chín, thị chín. Buổi sáng sớm tinh sương, đi dọc đường làng…Tiếng chim hót véo von trong các vườn cây, nhà nhà, người người thức dậy chuẩn bị công việc cho một ngày mới. Người quê đã quen với mùi hương của hoa trái vườn nhà, như mùi mít chín, mùi thị chín không giấu được ai, rồi mùi thơm của hoa cau…nhưng mùi thơm của ổi chín (nhất là ổi mỡ) thì người phải có khứu giác nhạy cảm mới cảm nhận được.

Ngày xưa ở quê lão Dần nhà nào cũng trồng vài cây ổi, đủ loại ổi găng, ổi mỡ, ổi châu, ổi dọc, ổi đào, ổi nghệ…quê lão có rất nhiều ao. Người ta trồng ổi ở bờ ao, vì ổi có bộ rễ ăn sâu, bám chắc giữ bờ ao không bị nở đất. Có những cây ổi cổ thụ gần trăm năm tuổi, cành và tán lá che nửa cái ao rộng khoảng một sào (360m2). Mùa ổi chín chủ nhà hái bán được hơn chục thúng quả.

Ổi chín trên cây mà không hái kịp sẽ rụng xuống ao, những hôm ổi chín rộ rụng nổi kín mặt ao. Trẻ con cả xóm được bữa ổi miễn phí ai mà không thích.

Thích nhất là được trèo lên cây ổi hái quả chín ăn ngay và luôn, sướng phải biết! Nhưng cây ổi thân vỏ rất nhẵn (có cây nhẵn bóng), người không có kinh nghiệm trèo cây thì không thể trèo lên được. Nhưng cành ổi lại rất dẻo, có thể đánh đu được.

Nhớ ngày còn bé, vào mùa này lão Dần thường theo U đi chợ Mét bán rau. Lão Dần thích nhất là ngắm hàng ổi, hàng thị chín…những thúng ổi, mẹt thị bày bán cạnh nhau san sát, mùi thơm của chúng hoà quyện với nhau thật quyến rủ. Bán rau xong U mua cho mấy chị em hơn chục quả ổi, vài quả thị. Quà chợ chỉ có thế thôi, nhưng thích lắm! Ổi thì chén luôn, thị thì để ngủi thơm mấy ngày liền. Bây giờ nghĩ vẫn thấy thèm và nhớ hương vị ấy!

Ngày nay người nông dân trồng ổi chuyên canh, giống ổi cũng đa dạng hơn, trái to năng xuất hơn nhiều so với giống ổi bản địa (có giống ổi trái to như cái ấm pha trà, nặng hơn nửa cân).

Người trồng ổi áp dụng khoa học, kỹ thuật để cây ổi ra trái quanh năm, tứ mùa. Chất lượng cũng rất ngon và được giá.

Những giống ổi bản địa, như ổi găng, ổi mỡ, ổi dọc, ổi châu, ổi đào, ổi nghệ…quả nhỏ như quả quýt thôi (nhỏ đến mức, có thể ăn một miếng hết cả quả). Nhưng mùi vị thì thơm, ngon đặc trưng…đang dần mai một.

Chắc chỉ có những người cùng lứa tuổi như lão Dần và bạn của lão Dần đã trải qua tuổi thơ, gắn với mùa ổi chín, mùa thị chín ngày xưa…mới không thể quên được mùi thơm của ổi, của thị mỗi dịp chuẩn bị vào mùa Vu Lan tháng bẩy âm lịch.

Chuyện Làng Quê