Chiến sĩ đồn Biên phòng Ba Sơn và người dân xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” để ngăn ngừa tội phạm xuất nhập cảnh trái phép, đồng thời phát triển kinh tế - Ảnh: Bích Nguyên
Lạng Sơn là tỉnh miền núi Đông Bắc tổ quốc, với phần diện tích đồi núi chiếm đến 80%. Đường biên giới của tỉnh này dài 231,74 km, tiếp giáp khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo điều tra dân số năm 2019, Lạng Sơn có trên 78 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 84%, mật độ dân số chỉ 96 người/km2. Tỉnh có 3/10 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/ NQ-CP của Chính phủ và 83 thôn đặc biệt khó khăn tại 24 xã khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135.
Sở hữu 2 cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu quốc gia là Chi Ma, 9 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở sang Trung Quốc, Lạng Sơn có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - thương mại, là cửa khẩu quan trọng bậc nhất phía Bắc trong việc kết nối giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các tỉnh thành của Việt Nam với Trung Quốc.
Song đường biên giới dài với nhiều đường mòn, lối mở khiến các loại tội phạm và tệ nạn xã hội cũng phát sinh, diễn biến phức tạp, trong đó có mua bán người và xuất nhập cảnh trái phép. Một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế khó khăn, học vấn thấp, công ăn việc làm không ổn định. Áp lực mưu sinh, tiền bạc và sự cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật khiến họ dễ sa vào bẫy của những kẻ buôn người và dẫn mối việc làm, lao động trái phép qua biên giới.
Hoạt động tổ chức đưa, đón người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và ngược lại thường do các đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc sống gần biên giới, thông thạo địa hình thực hiện. Những đối tượng này sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook, wechat để tìm người có nhu cầu xuất cảnh trái phép. Một bộ phận người dân hai bên không có công ăn việc làm đã tham gia vào đường dây mà không nhận thức được hậu quả.
Tuy nhiên những năm qua, Lạng Sơn hạn chế đáng kể tội phạm mua bán người và xuất nhập cảnh trái phép nhờ các biện pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chuyên môn của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và các đồn biên phòng đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý hình sự 15 vụ với 41 đối tượng phạm tội tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép, xử phạt vi phạm hành chính 128 vụ với 580 đối tượng về hành vi tự ý xuất nhập cảnh trái phép, thu nộp ngân sách nhà nước trên 2,1 tỷ đồng.
So với năm 2021, 2022, số vụ bắt giữ, khởi tố giảm đi đáng kể. Nguyên nhân đến việc tăng cường tuyên truyền hiểu biết pháp luật tới người dân, đi sâu, bám sát cơ sở và gần gũi với nhân dân, dựa vào dân trong việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống mua bán người cũng được đẩy mạnh theo Kế hoạch số 40/KH-BCĐ do Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lạng Sơn ban hành đầu năm 2023.
Mục tiêu của kế hoạch là phấn đấu bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận và phân loại, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Những giải pháp đồng bộ hiệu quả, bền vững và nhân văn
Nhiều giải pháp đồng bộ đã được đặt ra để thực hiện bản kế hoạch trọng yếu số 40/KH-BCĐ như: xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống mua bán người; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng chống mua bán người; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh đó, công tác tăng cường truyền thông phòng ngừa tội phạm mua bán người, đưa người trái phép qua biên giới được đặc biệt chú trọng.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được trên 15.000 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật với trên 1 triệu lượt người nghe, trong đó có nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và xuất nhập cảnh trái phép. Riêng các đồn biên phòng đã phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể cơ sở tổ chức tuyên truyền tập trung trên 800 buổi cho hơn 40.000 lượt người dự nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ cho trên 25.000 lượt người; phát hơn 31.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người và các văn bản pháp luật liên quan.
Hội Liên hiệp Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở của Lạng Sơn đã tổ chức tuyên truyền được gần 1.800 cuộc với hơn 80.000 lượt người tham dự về Luật phòng, chống mua bán người, đưa người trái phép qua biên giới, cung cấp các kiến thức cho người tham gia, nhất là phụ nữ và trẻ em, nhận biết thủ đoạn, hành vi dụ dỗ của loại tội phạm này.
Bên cạnh các sự kiện tuyên truyền, các đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh còn triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt”, cùng người dân trồng 15.100 gốc tre Bát Độ với tổng chiều dài 12,486 km. Lũy tre biên giới là một hình thức quân và dân cùng phối hợp tự quản đường biên, mốc giới, ngăn ngừa tội phạm xuất nhập cảnh trái phép, đồng thời hỗ trợ người dân trồng rừng, phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn còn lập một trang thông tin trên mạng xã hội Zalo phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc liên quan thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.