Lão bạn già cùng khoá (Kỳ 2)

Đã mấy lần sang đến bờ Nam sông Thạch Hãn thuộc làng Vĩnh Hòa Phương nằm phục, chờ thời cơ. Tổ chiến đấu phải ém, dấu quân chờ đến tối mới tiếp cận mục tiêu.

 

dt1hq2c-1711937259.jpg

Anh hùng LLVTND Trần Quang Khải.

 

Giấu minh trong cát

Họ tìm một ví trí tốt nhất, ít người qua lại, cát hoặc đất mềm, có cây cối hoặc vật che phủ để dấu mình. Đầu tiên Lão dùng xẻng bới một hố sâu đủ để ngồi xuống, sau đó bới cát phủ hai chân, dần dần dấu thân, dấu vai, dấu đầu. Cuối cùng là dấu mặt, chỉ để hở mũi để thở. Nằm im không cựa quậy nhiều giờ đã là khó chịu, còn phải nhịn ăn. Đi đánh tầu cũng chỉ có một vắt cơm hoặc 1 thanh lương khô mang theo người. Nhịn uống và nhịn đái ỉa. Sợ nhất là dấu mình trong cát mà ngược gió. Gió thổi cát vào hai lỗ mũi hoặc côn trùng như kiến, sâu bọ muỗi, đốt vào cánh mũi, chui vào trong mũi, gây sặc, gây ho. Nếu ho là bị lộ.

dt1hq1bc-1711937215.jpg

Trần Quang Khải (bên trá) và tác giả.

 

Lão kể, có một lần dấu mình thì địch đi càn. Lão nghe tiếng địch ước chừng chỉ cách 3 m. Có lẽ nó phát hiện ra vết cát mới do khi chuyển vị trí Lão xóa chưa kỹ. Tiếng hét thị uy:

- Mấy thằng Việt cộng nằm đâu? Lên ngay không tao bắn chết bây giờ!

Tiếng dùi sắt thuôn ( chọc ) vào cát nghe ràn rạt. Lão nghe tiếng chân thằng Lính tiến gần sát mình, có lẽ chỉ hơn một mét. Lão rút chốt quả lựu đạn, ép sát mình. Nếu nó dẫm, đập hoặc xiên trúng, Lão sẽ thả quả lựu đạn. Dù hy sinh nhưng cũng tiêu diệt được bọn địch.

Thật may, không hiểu vì sao? bọn lính gọi nhau í ới rồi bỏ đi, ra hướng khác.

Lão nói đúng là sống trong lòng địch, không có dân che chở thì khó mà thoát được. Dù Lão dấu người rất kỹ nhưng không qua được mắt nhân dân. Họ tiếp tế cơm, nước và bảo vệ chiến sỹ đặc công. Lão nghe tiếng hai người phụ nữ nói với nhau:

- Cứ để đồ ăn chỗ này, họ ( Chiến sỹ đặc công ) sẽ ra lấy ăn. Sau này Lão được nghe 2 phụ nữ ấy kể lại:

- Chúng em biết các anh ém mình quanh đây. Khi sáng bọn lính đi càn gần vào chỗ anh nằm. Hai đứa em giả vờ ngồi nói chuyện để chúng không thuôn sắt tìm chỗ anh.

Chúng tôi hỏi:

- Sau nay ông có đi tìm các cô gái ấy không?

Khải bảo:

- Đã mấy lần vào đó kiếm mà không được.

Lão dấu mình trong cát nóng chờ tối đến. Mồ hôi và cả nước tiểu ướt đẫm người. Đói, mệt làm Lão lả đi..

Vợ Lão gọi:

- Thôi chuyện để sau, mời các bác vào ăn bữa cơm rau với nhà em!

Thằng Tuấn vốn là "Nhiếp ảnh gia ", nó bảo:

- Chị Nhộng vào thay áo đẹp. Anh Khải vào mặc quân phục Hải quân vào. Ta chụp cái ảnh kỷ niệm rồi hãy ăn cơm.

Chụp xong, cả bọn vào nhà, ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu trải góc nhà. Trên mâm cơm, món bầu luộc chấm muối tiêu là hết đầu tiên. Bầu nhà trồng, hái xuống luộc luôn, ngọt lừ. Chén rượu nâng lên lại đặt xuống nhường cho tiếng nói, tiếng cười. Lão cười tít mắt. Lão uống, lão đọc thơ.

Chúng tôi còn nhớ, học ĐHKTQS đến năm thứ ba Lão về cưới vợ. Chúng tôi gom tiêu chuẩn đường, thuốc lá cho vào đầy ba lô của Lão. Ngày đó đám cưới đơn giản lắm. Chỉ có thuốc lá, nước chè xanh và bánh quy gai quy xốp gia công.

Lão cười khà khà đọc lại bài thơ thằng Tuấn viết tặng ngày cưới:

Đầu xuân con nhện đưa tin

Anh Trần Quang Khải kết duyên tơ tằm

Anh Khải tuổi đã ba lăm

Không lấy chị Nhộng anh nằm với ai

Chị Nhộng tuổi đã ba hai

Không lấy anh Khải, lấy ai làm chồng ?

Ngày vui bè bạn rất đông

Anh Khải Chị Nhộng tồng ngồng suốt đêm

Cả mâm cười nghiêng ngả, vỗ tay, vỗ vai lão. Lão tự tay rót rượu cho anh em rồi quay sang Thành Định ngồi sát bên:

- Có được ngày hôm nay tôi vô cùng biết ơn đảng, quân đội BTL Hải quân và đặc biệt... lão nhìn sang Thành Định. Định vỗ vai lão tiếp lời:

- Chúc sức khỏe anh Khải và cả nhà!

Mắt lão chớp chớp, rân rấn.

Đến nay vợ chồng Lão đã có 2 con trai và 5 cháu nội. Thằng con thứ hai theo nghiệp bố ở đang phục vụ quân đội ở Lữ 131 Hải Quân trong TP HCM.

Ăn cơm xong, ngồi uống nước. Câu chuyện đánh chìm tầu dầu lại tiếp tục. Khải kể:

Khi tôi và Hổ tiếp cận được tầu dầu. Tôi bỏ ống thở, lặn xuống dùng dao găm cạo vỏ tầu dưới mớn nước khoảng gần một mét để quả mìn bám chắc. Gắn được quả mìn rùa vào sườn tầu Mỹ, mìn đã được hẹn giờ từ trước, đâu như 3 tiếng ấy, để đủ thời gian bơi vào bờ.

Lão giải thích sơ bộ nguyên lý cấu tạo và làm việc của mìn rùa. Mìn rùa ( giống con rùa) khi đó do Liên Xô chế tạo. Khối thuốc nổ khoảng 6 đến 7kg, có cơ chế chống tháo. Quả mìn mang từ tính, khi đã gắn vào vỏ sắt của tầu không thể tháo ra được.

Bọn Mỹ rất sợ loại mìn này.

Để bảo vệ con tầu, Mỹ luôn bắn pháo vòng ngoài, tầu tuần tiễu lượn quanh, ném lựu đạn vào bất kỳ vật nào khả nghi. Thả pháo sáng, biển sáng như ban ngày. Lão và Hổ bí mật, nhẹ nhàng bơi tiến gần tầu mà địch không phát hiện ra. Càng vào gần tầu thì càng an toàn vì máy bay, tầu tuần tiễu không dám bắn gần tầu, sợ dính vào tầu dầu.

Lão gắn mìn vào mạn phải, Hổ gắn vào mạn trái của khoang chứa dầu. Sau khi gắn xong, hai chiến sỹ đặc công bơi vào bờ.

Khoảng nửa đêm một tiếng nổ long trời lở đất cùng vầng lửa sáng lóa làm bừng mặt biển đêm. Bà con ở thị trấn Đông Hà nói ở đó họ còn nghe thấy.

Chuyện được phong AHLLVT của Lão cũng ly kỳ và đầy tính nhân văn. Một người bạn học cùng khóa có mặt hôm nay là phó tổng thanh tra quân đội. Học với nhau, từng nghe về những chiến công của Khải.

Một hôm anh làm việc với Bộ trưởng bộ Quốc phòng, lúc nghỉ giải lao, anh đã kể cho Bộ trưởng nghe câu chuyện, hoàn cảnh của chiến sỹ đặc công đánh chìm tầu Mỹ năm xưa. Bộ trưởng xúc động đã nói anh viết " Giấy phát hiện, đề xuất" sau đó ông chỉ thị cho BQP, BTL Hải quân làm thủ tục đề nghị, xét... năm 2015 Trần Quang Khải( người thứ hai trong tổ 3 người ) đánh chìm tầu Mỹ ngoài khơi biển Cửa Việt năm 1969 đã vinh dự được phong tặng danh hiệu AHLLVT.

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2024.

T.H.Q