Lập nghiệp ở chốn tâm linh huyền bí

Ghi chép của Nguyễn Viết Hiện

19/05/2023 20:46

Theo dõi trên

Mang trong mình dấu tích một thời kỳ lịch sử của dân tộc với biết bao câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, Côn Đảo nay là “viên minh châu” sáng giá giữa lòng đại dương, thu hút hàng chục vạn khách du lịch trong nước lẫn quốc tế mỗi năm. Vừa qua trong lần đến Côn Đảo viếng mộ người anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, đoàn chúng tôi được ông Nguyễn Văn Lánh, một cựu chiến binh người Hải Dương, doanh nhân “đáng nể” trong phát triển kinh tế đón tiếp nồng hậu. Hàng chục năm qua ông Lánh  đã góp phần nhỏ bé của mình cho huyện đảo Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp...

con-dao-1-1684503757.jpg
 

Tay trắng

Trên tầng thượng khách sạn 2 sao Tuấn Ninh 1 bên ấm trà thơm ngát hương sen ở ngay trung tâm Côn Đảo, ông chủ khách sạn Nguyễn Văn Lánh và mấy anh em chúng tôi trò chuyện về những ngày tháng lập nghiệp ở Côn Đảo. Biết chúng tôi là người cùng quê Hải Dương ra viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, ông rất mừng, khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo đã cho xe đón tận nơi về khách sạn. Quê ở xã Tuấn Việt, Kim Thành, mấy chục năm lập nghiệp ở đây, biết được đoàn khách nào từ quê ra ông đều đón tiếp nồng hậu như thế. Lập nghiệp ở Côn Đảo nhiều năm, dù không phải dân "gốc" ở đây, nhưng với chúng tôi ông như một cuốn từ điển "sống" về Côn Đảo. Ông say sưa giới thiệu với chúng tôi về bức tranh kinh tế khởi sắc từng ngày, những tuyến phố chính gắn với tên tuổi các cựu tù Côn Đảo lừng lẫy sau này là các lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… Ở những tuyến phố này, những năm gần đây đã mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng lộng lẫy của các khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất hoặc buôn bán dịch vụ. Theo tay ông Lánh chỉ, cách khách sn ch 1 cây số là nghĩa trang Hàng Dương, nơi có mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu mà người dân thường gọi một cách kính cẩn là “cô Sáu”. Cách đó hơn chc km là dãy núi phía đông gần cảng bến Đầm, nơi ghi lại dấu tích 198 người tù năm 1952 vượt ngục bất thành bị thực dân Pháp xử bắn, nơi này nay đã dng bia ghi danh 198 lit sĩ. Cách đó không xa là bãi tắm trải dài khoảng 1 km có tấm bia ghi dấu những chuyến tàu không số của quân ta tiến vào giải phóng Côn Đảo trong mùa xuân năm 1975. Để có được Côn Đảo phát triển như hôm nay, cấp ủy, chính quyền huyện Côn Đảo đã ngày đêm vượt khó để thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an toàn biển đảo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có một phần đóng góp của gia đình ông Lánh.

Lần theo hồi ức, ông Lãnh kể, ông tên là Nguyễn Văn Lánh sinh năm 1968 ở thôn Phạm Xá, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành. Năm 1986 chàng thanh niên Lãnh nhập ngũ và trở thành chiến sĩ  của sư đoàn 329, Quân khu 3. Trong suốt thời gian quân ngũ, ông hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của người chiến sĩ, được ra quân cuối năm 1989 và về quê lập nghiệp. Đến năm 1990, ông xây dựng gia đình với bà Vũ Thị Phông, quê ở xã Bắc An, nay là TP Chí Linh. Lúc đầu vợ chồng ông làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ, dù vậy cuộc sống khá chật vật. Năm 1993, ông Lánh theo sự giới thiệu của một người quen đến huyện Côn Đảo để tìm việc làm. Với bản chất cần cù của người nông dân lại được rèn luyện trong môi trường quân đội không sợ gian khổ nên ông không nề hà bất cứ công việc gì từ phụ hồ, thợ xây, vận chuyển vật liệu xây dựng…, miễn là có thu nhập để gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Khi ấy cơ sở vật chất của huyện đảo còn nghèo nàn, dân cư thưa thớt, cả huyện đảo chỉ có chừng vài ngàn người, mọi việc đi lại, giao thương với đất liền rất khó khăn nên không phải ai cũng muốn lập nghiệp nơi này…

Bén duyên với đảo

Ở Côn Đảo được vài năm, ông Lánh nhận thấy nhiều tiềm năng, lợi thế ở Côn Đảo. Nơi đây dân cư thưa thớt, thời điểm năm 1993 cả huyện mới có khoảng gần 3000 người (hiện tại dân số toàn huyện đảo khoảng 12.000 người), đất đai rộng, huyện đang đầu tư nhiều công trình để phát triển cơ sở hạ tầng. Ông Lánh dự đoán sau này nơi đây sẽ phát triển về du lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái kết hợp nghỉ ngơi, an dưỡng. Nghĩ là làm, ông trở về quê, bàn bạc với gia đình và quyết định đưa vợ con vào Côn Đảo lập nghiệp. Chưa có nhà, vợ chồng ông phải mượn đất làm nhà cấp bốn, ngày ngày ông đi làm xây dựng, vợ ở nhà mở quán buôn bán nhỏ. Sau đó vợ chồng ông liên kết với huyện đội thành lập trang trại ở mảnh đất thuộc huyện đội quản lý để nuôi dê, bò, lợn, gà. Cứ như thế sau gần 9 năm vợ chồng ông đã tích lũy được một khoản tiền kha khá cùng lúc đó huyện đội lấy lại đất để xây dựng cơ quan quân sự huyện. Sau khi trả lại đất và bàn giao trang trại cho huyện đội, vợ chồng ông quyết định mua đất, vợ ông mở quán bán hàng hóa, còn ông vẫn làm nghề xây dựng.

Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, ông Lánh còn hăng hái tham gia công tác xã hội. Ông được người dân khu dân cư số 7  tín nhiệm và được lãnh đạo khu dân cư cử làm công an viên. Năm 2009, ông Lãnh vinh dự được chi bộ kết nạp vào Đảng và bầu làm Phó Bí thư chi bộ khu dân cư số 7 (do đặc thù cả huyện đảo có 10 chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện).

Trở thành doanh nhân tiêu biểu

Năm 2012, vợ chồng ông mua được mảnh đất rộng khoảng 1000 m2 ở đường Hồ Thanh Tòng làm nhà ở. Lúc này nhận thấy nhu cầu về vật liệu xây dựng của huyện đảo ngày càng tăng, vận chuyển từ đất liền ra chi phí cao, ông quyết định mua máy ép gạch và thành lập doanh nghiệp tư nhân sản xuất gạch không nung, làm nhôm kính và buôn bán vật liệu xây dựng như sắt thép, cát đá, sơn, ống nước... Bắt "trúng" nhu cầu thị trường, xưởng sản xuất của vợ chồng ông dần trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trên đảo, kinh tế gia đình cũng ngày một khởi sắc. Doanh nghiệp ngày một ăn nên làm ra, lúc đầu chỉ có hơn chục người thợ mà đến nay, ông Lánh đã có trong tay hơn 100 công nhân, việc làm không xuể, bình quân lao động có thu nhập từ 12-18 triệu đồng/người/tháng. Lăn lộn với nghề xây dựng trong nhiều năm, ông Lánh có trong tay một đội thợ xây dựng chuyên nhận thầu các công trình của huyện đảo như công sở, trường học, đường giao thông, kè ven biển, lát gạch vỉa hè các tuyến phố. Các công trình do công ty ông thi công đều bảo đảm chất lượng nên được chính quyền ghi nhận, mỗi năm ông luôn được huyện chỉ định thầu từ 5-7 công trình. Tự hào về điều này, ông tâm sự: "Trong 60 doanh nghiệp lớn nhỏ của huyện, đến nay công ty tôi là một trong hai công ty xây dựng mà huyện "tín nhiệm” nhất".

Với đôi mắt nhạy cảm của một doanh nhân, ông Lánh dự đoán Côn Đảo ngày một phát triển nên ông đã tập trung đầu tư vào du lịch. năm 2012, vợ chồng ông mua mảnh đất rộng khoảng 200 m2 trên đường Phạm Văn Đồng, xây khách sạn 2 sao Tuấn Ninh1và đưa vào khai thác năm 2014 để thu hút khách du lịch. Bài toán làm dịch vụ du lịch đã có hiệu quả, trên đà thắng lợi vợ chồng ông mua tiếp mảnh đất hơn 500 m2 xây tiếp khách sạn 2 sao Tuấn Ninh 2 trên đường Hồ Thanh Tòng và đưa vào khai thác năm 2022. Hiện tại vợ chồng ông có 2 khách sạn 2 sao với 80 phòng và 2 cơ sở karaoke giải trí. Chỉ nhìn vào bảng đánh giá xếp hạng khách sạn Tuấn Ninh 1, Tuấn Ninh 2 trên bản đồ du lịch Côn Đảo của du khách là thấy ngay kết quả, sự hài lòng của du khách đối với khách sạn của ông chủ, doanh nhân Nguyễn Văn Lánh. Khách sạn có đội ngũ quản lý, nhân viên vệ sinh, nhân viên chăm sóc khách hàng rất chuyên nghiệp. Là một người năng động, nắm bắt nhanh xu hướng thị trường nên doanh nghiệp của ông chủ Nguyễn Văn Lánh đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động. Hàng chục năm khởi nghiệp gian nan, không ít lần ông đứng trước nguy cơ phá sản, phải vay mượn khắp nơi để trả lương cho nhân viên. Gần đây nhất là đại dịch Covid-19 khiến các mảng kinh doanh của gia đình ông ngừng trệ.

“Những lúc như vậy thế tôi tự động viên mình kiên trì, phát huy phẩm chất kiên cường vượt qua gian khó của người lính cụ Hồ. Tôi nghiêm túc sắp xếp lại lao động, tái cơ cấu, bố trí nguồn vốn hợp lý để vững bước đi lên sau đại dịch”, ông Lánh nhớ lại những thời điểm khó khăn nhất trong con đường kinh doanh. Đến nay các mảng kinh doanh của gia đình ông dần trở về quỹ đạo ổn định, tạo thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Một điều đáng ghi nhận về tâm huyết của người cựu chiến binh, doanh nhân này là trong suốt 10 năm làm công an viên, phó bí thư chi bộ khu dân cư số 7 (2 nhiệm kỳ), ông Lánh không nhận lương theo chế độ và rất tích cực đóng góp tiền của, vật chất cho các phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt, thiên tai do khu dân cư và MTTQ các cấp phát động. Ngay đối với quê nhà, đã nhiều lần ông gửi tiền về ủng hộ do MTTQ thôn, xã phát động để ủng hộ quỹ khuyến học, chăm sóc các gia đình chính sách… Ghi nhận những đóng góp của người CCB, doanh nhân Nguyễn Văn Lánh, ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Côn Đảo nhận xét: “Ông Nguyễn Văn Lánh là tấm gương tiêu biểu của CCB huyện Côn Đảo vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Ông có nhiều đóng góp cho phong trào CCB nói chung và tất cả các phong trào do MTTQ huyện Côn Đảo phát động. Cá nhân ông Lánh đã được các đoàn thể như Hội CCB, MTTQ, UBND huyện nhiều lần khen thưởng”.

Vươn lên từ con số "không", cựu chiến binh người Hải Dương đã có đóng góp không nhỏ nhằm phát triển Côn Đảo thành "viên minh châu" sáng giá như hôm nay, tỏa sáng thêm phẩm chất người lính bộ đội cụ Hồ.

 

Bạn đang đọc bài viết "  Lập nghiệp ở chốn tâm linh huyền bí" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn