Tuy nhiên nhờ có trận mưa vàng đó, giá tiền đi khách của cánh xe ôm tăng theo giờ, bình thường một cuốc xe 50 ngàn còn bị khách mặc cả chán chê, trong sáng nay giá rẻ nhất cũng phải 80 ngàn, thậm chí nhiều khách sẵn sàng trả 120 ngàn vẫn không có người phục vụ. Gần trưa có hai bố con thuê chở về gần làng Văn Xá nên tôi lấy giá mềm hơn chút, dù sao cũng tiện đường về nhà nghỉ trưa rồi đầu giờ chiều lại tiếp tục phơi mặt trên từng cây số.
Chạy kẹp ba nên con xe ọp ẹp của tôi được một phen oằn mình, là chủ xe nhiều kinh nghiệm, vì vậy tôi biết nếu không sa xuống ổ gà, chắc chắn con xe không có vấn đề gì. Bữa cơm trưa có thêm chén rượu thuốc khiến tôi buồn ngủ díp mắt, trời se lạnh cộng thêm bầu trời xám xịt bên ngoài như cùng đồng lõa ru tôi say giấc nồng.
Tiếng lợn kêu eng éc từ ngoài ngõ vọng vào khiến tôi khó chịu, bình thường mọi người hay gọi cân lợn từ lúc sáng sớm, nhưng hôm nay mấy nhà rủ nhau đụng lợn để gói bánh chưng nên họ chọn đầu giờ chiều chia thịt gói bánh cho kịp đến lúc trời tối sẽ bắt đầu nổi lửa đun bánh. Cầm trên tay thanh đóm diêm chưa kịp châm lửa để bắn một bi thuốc lào, bất chợt tôi nhìn thấy ba người ăn mặc như phường chèo nhưng quần áo rách bươm xuất hiện ngay cửa nhà. Hai người đàn ông có vẻ ngại ngần, họ khẽ đưa tay đẩy người phụ nữ lên phía trước. Thoáng thấy tờ giấy người phụ nữ cầm trên tay, không để họ kịp mở lời trình bày, tôi gõ nhẹ điếu cày xuống nền nhà rồi nói ngay:
-Chắc mấy vị ở bên Mặt trận đi quyên tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt đúng không, vậy sang nhà khác cho tôi nhờ, nhà này đóng cho trưởng thôn từ đầu tháng rồi.
Người phụ nữ tiến lại gần, lúc này nhìn kĩ tôi thấy thị cũng mỏng mày hay hạt, dù không trang điểm phấn son nhưng có duyên ngầm, đã vậy nhìn tướng lại mắn đẻ.
Người phụ nữ cất tiếng khoan thai nói:
-Chúng ta là Đông Trù Tư Mệnh Cửu Linh Nguyên Vương Định Phước Thần Quân, chuyên cai quản việc bếp núc. Hôm 23 tháng chạp gia chủ nhà ngươi keo kiệt nên cúng có một con cá chép bé tẹo khiến chúng ta phải kẹp ba lên Thiên Đình. Cá thì bé lại chở nặng vì thế bị chậm trễ, không những vậy hiện nay các táo đều bị cách ly chưa biết ngày về.
Nghe giọng người phụ nữ quả khác người, lúc thánh thót như chuông ngân, lúc lại lên bổng xuống trầm có vần có điệu khiến tôi thấy hoang mang. Sau một phút định thần lại, tôi khẽ hỏi nhỏ để xác minh cho chắc chắn:
-Quần áo các táo mới được tôi cúng, sao mặc được vài ngày đã rách te tua như vậy rồi.
Hai vị đàn ông im lặng đứng vuốt râu từ lúc vào bất ngờ lên tiếng. Gia chủ có lòng thành sao không mua cho chúng ta bộ quần áo tử tế, bộ này hôm 23 chắc gia chủ nhặt bờ rào bờ giậu đem cúng nên chưa mặc đã rách rồi. Người phụ nữ chợt nhớ ra điều quan trọng, bà này dí vào mặt tôi tờ giấy cầm trên tay rồi ôn tồn giải thích:
-Tờ sớ này gia chủ nhà ngươi cũng viết sai be bét, chính vì thế ở trên đó không ai đọc nổi, chúng ta đem trả lại cho gia chủ.
2
Đang còn mơ màng bỗng nhiên có tiếng bà vợ gọi dậy đi làm, hóa ra ngủ mơ giữa ban ngày là có thật. Dù chạy xe ra khỏi cổng làng nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi giấc mơ kì lạ đó, mọi việc có lẽ bắt nguồn từ việc tôi thay vợ đi chợ mua cá cùng đồ vàng mã về cúng táo quân. Của đáng tội ra chợ đúng ngày 23 không nhanh tay cá chép không có để mua, nhìn ba con cá chép chỉ bé bằng hai ngón tay bị người bán hét giá 200 ngàn khiến tôi xót tiền, sau một hồi suy nghĩ tôi quyết định mua một con cá chép nhỏ và hai con trắm cỏ, mỗi con nặng gần 2 cân. Do ngày 23 vợ đi vắng nên mọi việc mua sắm đều do tôi đảm trách, bộ quần áo vàng mã cúng táo quân hôm nay cũng bị thổi giá gấp rưỡi mọi ngày, sau khi chọn lựa cuối cùng tôi mua một bộ do cửa hàng tồn từ năm ngoái tuy hơi cũ nhưng vẫn đúng chuẩn đồ vàng mã xanh đỏ vàng. Đúng như lời vợ dặn, ngay khi bày chậu nhựa có con cá chép cùng hai con trắm cỏ tôi liền thắp hương khấn vái còn việc thả cá cho các táo quân về trời sẽ phải thực hiện trước 12 giờ. Tôi biết dạo này đời sống khấm khá, riêng làng Văn Xá lượng cá chép cõng táo quân bay rợp trời cũng đủ tắc cả Thiên Đình. Hương tàn tôi nhanh tay hóa vàng mã rồi đi thả cá, đến lúc này chợt nhớ quên mất tờ sớ để hóa cùng, biết là đi mua cũng không ai bán nên tôi xé tạm tờ lịch treo tường sau đói dùng bút bi viết mấy gạch đầu dòng cho có lệ.
Đúng 11 giờ 20 tôi khệ nệ bưng chậu cá ra thả ngay ao làng, là dân xe ôm nhiều lúc tôi hay kẹp ba người luồn lách đánh võng, chính vì thế tôi quyết định cho ba vị táo quân nhà mình cưỡi chung con cá chép vàng bé tẹo, hai con trắm cỏ được bưng vào bếp rán giòn một con nhắm rượu, con thứ hai được om dưa cùng cà chua. Buổi trưa hôm đó tôi khoan khoái thưởng thức món khoái khẩu của mình, việc cúng táo quân coi như hoàn tất mĩ mãn.
Mọi việc có lẽ chìm dần vào quên lãng nếu không có giấc mơ kì lạ trưa nay, nghĩ đến cảnh các táo nhà mình ăn mặc rách rưới đi chậm không hẹn ngày về, tự nhiên tôi thấy hối tiếc. Buổi tối đi làm về ngay khi dắt xe vào nhà, vợ tôi đã thông báo chuyện lạ, bếp nhà tôi suốt buổi chiều không sao đỏ lửa được mặc dù đống củi khô xếp kín tới nóc, mấy bao trấu khô cùng đống rơm nếp cũng không chịu bén lửa, những diêm cứ cháy lại tắt ngấm còn bật lửa không sao dùng được. Liên hệ giấc mơ trưa với câu chuyện này khiến tôi thấy lạnh sống lưng, tôi đoán đó là lời cảnh cáo của mấy vị táo quân gửi đến cho nhà mình. Tối hôm đó còn phích nước sôi nên nhà tôi ăn tạm món mì tôm cho nhanh, chính lúc ngồi ăn tôi quyết định ngày mai sẽ gặp một thầy nổi tiếng cao tay ấn để nhờ hóa giải.
Sáng 29 tết tôi không chở khách như mọi ngày, vừa rời khỏi làng tôi phi xe một mạch tới khu Đền Lừ, sau một hỏi đi quanh co hỏi đường, cuối cùng tôi đến được nhà thầy Kiệm, một thầy pháp sư nổi tiếng ông là người chuyên ra tay xử lí những việc động chạm đến thần linh ba cõi. Nhà thầy Kiệm khác với nhiều nơi tôi từng ghé qua, thầy không lập điện thờ hay mở phủ, duy nhất trên bàn thờ có bước hình của Thái Thượng Lão Quân đang vuốt chòm râu bạc và nhìn như thấu tâm can của những kẻ đến hành lễ. Đợi cho tôi đặt tờ 200 ngàn lên chiếc đĩa dùng để dâng lễ, thầy Kiệm thắp ba nén hương sau đó lim dim mắt nghe tôi trình bày giấc mơ lạ. Tôi vừa dứt lời, thầy Kiệm e hèm một tiếng rồi ôn tồn nói. Cậu mạo phạm đến Đông Trù Tư Mệnh Thần Quân là chuyện lớn rồi, nhưng việc này muốn em xuôi không dễ chút nào. Ngày mai cậu hãy mang đến đây một con gà sống thiến, thầy sẽ nuôi trong nhà đúng ba ngày để nó ngấm đủ âm dương địa khí, chiều mùng ba khi trời tắt nắng cậu quay lại, lúc đó thầy sẽ tiến hành buổi lễ giúp cậu giải trừ tai ương. Dù tiếc đứt ruột nhưng tôi vẫn mua con gà mang đến nhà thầy, thôi đành đâm lao đành phải theo lao vậy.
3
Đúng chiều mùng ba tkhi việc đi chúc tết họ hàng nội ngoại đã hoàn tất, nhớ đến buổi hẹn làm lễ, tôi từ chối mấy cuộc nhậu để chạy xe đến nhà thầy Kiệm. Dù ba ngày tết qua nhanh nhưng kịp làm tôi tiêu gần hết số tiền kiếm được trong 10 ngày trước đó, trong túi còn mấy tờ 200 ngàn theo dự tính sẽ chi nốt vào buổi lễ, ngày mai tôi lại quay về công việc hàng ngày.
Con gà tôi mang đến nhà thầy Kiệm sáng ba mươi tết, sau ba ngày đã xuất hiện trong diện mạo mới, gà luộc chín ngậm bông hoa hồng nằm chễm chệ trên đĩa xôi, khác với những con gà luộc tôi từng xem, con gà của tôi có đôi chân được buộc lủng lẳng ngay bên cạnh. Đến lúc này thầy Kiệm giải thích ngắn gọn; Việc của cậu phải coi bằng chân gà mới linh nghiệm để từ đó thầy có hướng giải quyết. Trước khi hành lễ, thầy Kiệm liếc nhìn mấy tờ tiền đặt trên chiếc đĩa sứ giả cổ với vẻ mặt hài lòng, một triệu đồng là số tiền tôi vừa bỏ ra đặt lễ. Thắp mấy nén hương xong, thầy bắt đầu thỉnh chuông gõ mõ rồi khấn:
“Đầu năm ra mắt mùng ba
Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
Bói giò phải bói cho tinh
Xem tường màu sắc chân hình rủi may
Đôi giò cần để thẳng ngay
Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
No bồi chân móng khít khao
Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang…”
Tiếng khấn vừa dứt, thầy Kiệm cầm đôi chân gà đưa ra trước mặt tôi sau đó giải thích. Cậu xem việc cầu tài sẽ chọn chân gà phải, xem bản mệnh sẽ chọn chân gà trái. Hôm nay do cần hóa giải tai ương nên tôi xem cả hai chân gà. Sau một hồi ngắm nghía xem xét kĩ lưỡng, thầy Kiệm thỉnh tiếp ba tiếng chuông rồi phán như khấn:
“Đỏ mà gân máu nổi loang
Là điềm tán của tan hoang cửa nhà
Khe chân gà hở tơi bời
Tiền vô rồi cũng phủi rồi tay không…”
Buổi lễ kết thúc, thầy Kiệm đưa cho tôi ba lá bùa màu vàng cùng đôi chân gà được bọc trong tờ giấy đỏ. Mặc cho tôi lộ vẻ căng thẳng, thầy vẫn thong thả trút đĩa xôi gấc vào chiếc túi nylon, tiện tay thầy bẻ thêm hai quả chuối và nhặt một quả cam cho vào túi đưa tôi gọi là chút lộc thánh. Thầy Kiệm căn dặn, Cậu dán bùa từ trên nhà xuống đến bếp cho thầy, sau đó đặt đôi chân gà về bày trên bàn thờ. Sau vài phút trầm ngâm như cân nhắc, thầy Kiệm bắt đầu giải thích rõ hơn. Để hóa giải được việc này của cậu, thầy đã phải dùng công lực nhiều năm tu luyện để thỉnh đủ các chư vị thần thánh bốn phương về diện kiến, rất may mấy ngày đầu năm mới nên không có vị nào đi chơi xa. Chính các vị đều nhất trí khuyên nhà cậu thay ba ông đầu rau bây giờ bằng bếp ga cho tiện lợi, có như vậy mới giữ lửa trong gia đình. Nói chưa dứt lời, thầy Kiệm liền dúi vào tay tôi một tờ danh thiếp, trên đó có ghi địa chỉ và số điện thoại của đại lí bán bếp ga ngay ngoài phố huyện.
Nhìn tên của đại lí bếp ga KIỆM THANH không mấy khó khăn tôi đoán ngay đây là cửa hàng của vợ chồng nhà thầy. Tự nhiên chi tiền triệu đặt lễ lại tốn thêm con gà béo mẫm khiến tôi xót ruột, hết buổi lễ chỉ nhận được túi lộc lèo tèo cùng lời khuyên không có gì gọi là tâm linh làm tôi bực mình, đúng như các cụ nói mất tiền mua sự lo âu. Tranh thủ lúc thầy Kiệm nghe điện thoại của ai đó đang hỏi đường tới nhà thầy, sau đó thầy đi ra ngoài cổng đón khách, không chút chậm trễ tôi đứng ngay dậy vơ hết số tiền mình vừa đặt lễ cho vào túi. Thoáng liếc nhìn con gà béo khiến tôi không cam lòng về tay không, vơ vội chiếc túi nylon ở dưới bàn thờ tôi bê luôn con gà luộc nhét vào túi sau đó móc vào xe.
Lúc chạy xe ra đến ngoài ngõ vừa lúc gặp ngay thầy Kiệm đứng đợi khách, đoán biết tôi đang vội nên thầy dặn với theo:
-Cậu nhớ thay bếp ngay chiều nay nhé.
Tôi không ngoái lại nhưng vẫn hét to đáp lời:
-Biết rồi, tôi sẽ đổi thành Đông Trù Tư Mệnh Bếp Ga.
Theo Chuyện quê