Lễ hội đình ông Nguyễn

Tôi không sinh ra ở Việt Nam nhưng tuổi thơ tôi gắn liền với các vùng quê ở miền Bắc, Việt Nam nên các làn điệu dân ca, quan họ và các lễ hội xứ Kinh Bắc đã thấm đẫm trong tâm hồn tôi.

Tôi đã từng viết về Lễ hội làng Thổ Hà để rồi bạn đọc nhiều nơi và cả những người con xa xứ của làng Thổ Hà đều mong ước có dịp hoặc mong ước trở về tham dự lễ hội. Tôi cứ ngỡ chỉ có ở miền Bắc Việt Nam, nơi có nhiều chùa và phong cảnh hữu tình mới tồn tại những lễ hội hoành tráng, kéo dài từ mùa Xuân cho đến tiết Thu. Tôi đã nhầm, đã ngộ nhận cho đến khi tôi được đến miền Tây Nam Bộ. Tôi đã ngỡ ngàng khi lần đầu được đến thăm TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, một thành phố ven biển ở cực nam tổ quốc. Những đường phố rộng dài thẳng tắp, trải nhựa phẳng lỳ; những khu biệt thự lấn biển đẹp lung linh, được quy hoạch rất hợp lý; những quảng trường rộng thênh thang và một công viên đẹp chạy dài theo bờ biển. Đồ ăn, thức uống của Rạch Giá ngon khỏi chê và rẻ vô cùng, không khí thì luôn tinh khiết với mật độ dân cư vừa phải – Rạch Giá theo tôi là một thành phố xanh, sạch, đẹp, rất đáng sống.

b1nvnoi-1697682729.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tuy nhiên sự bất ngờ nhất đối với tôi là “Lễ Hội Đình ông Nguyễn” diễn ra từ rằm tháng Tám đến 28 tháng Tám âm lịch, chính Hội là 26 đến 28 tháng Tám âm. “Lễ Hội Đình ông Nguyễn” theo cách gọi dân gian hay “Lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực – Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang” là tên gọi văn bản được ghi trong giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ký ban hành ngày 02 tháng 2 năm 2023. Tôi thì thích cách gọi của nhân dân hơn, “Lễ hội Đình ông Nguyễn” và tôi chắc mấy ông lãnh đạo thành phố mỗi lần ghi tên lễ hội vào văn bản là một lần phải tra cứu bởi vì các ông ấy cũng như mỗi người dân ở Rạch Giá chắc chỉ nhớ mỗi tên “Lễ hội Đình ông Nguyễn”.

“Lễ hội Đình ông Nguyễn” là Lễ hội quốc gia để ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, với câu nói nổi tiếng:

“Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”

Nguyễn Trung Trực quê ở Long An, quê gốc ở Bình Định nhưng vì công cuộc chống Pháp, ông phải dạt vào Kiên Giang để tập hợp nghĩa binh đánh Pháp. Ông cùng các nghĩa binh đốt cháy tàu chiến Pháp trên sông Nhật Tảo, giết chết 17 lính Pháp và 20 lính đánh thuê Philipin, gây tiếng vang lớn trong nhân dân và làm hoang mang quân đội viễn chinh Pháp. Ông bị giặc Pháp truy bắt và bị chém đầu tại TP Rạch Giá ngày 27 tháng 10 năm 1868 khi vừa 30 tuổi. Tại nơi ông Nguyễn Trung Trực bị chặt đầu, tượng đài ông đã được dựng lên. Bên cạnh nơi chôn cất ông, một ngôi đình được nhân dân dựng lên để thờ cúng ông, hương khói quanh năm. Trong khuôn viên của Đình ông Nguyễn còn dựng một tảng đá to khắc bài thơ của ông. Tôi đã đến thăm ngôi đình, viếng mộ ông và đứng chụp ảnh bên tượng đài của ông.

“Lễ hội Đình ông Nguyễn” có lẽ là lễ hội ghi ơn anh hùng dân tộc kéo dài nhiều ngày nhất, khoảng nửa tháng và có nhiều người tham dự nhất, khoảng một triệu lượt người. Đến dự “Lễ hội Đình ông Nguyễn” mới thấy hết sự chuẩn bị chu đáo và tấm lòng người dân Rach Giá đối với khách hành hương. Chắc chẳng có lễ hội nào ở Việt Nam mà khách hành hương có thể được ăn ở miễn phí như ở “Lễ hội Đình ông Nguyễn” và năm nào cũng vậy.

Lễ hội năm nay được tổ chức to hơn vì “Lễ hội Đình ông Nguyễn” vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên lượng khách hành hương đổ về có vẻ đông hơn. Cung thiếu nhi của TP Rạch Giá đã được trưng dụng làm nơi tá túc cho khách thập phương không có điều kiện ở khách sạn hay nhà nghỉ. Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực trong ngày nghỉ tự nguyện tham gia hỗ trợ phục vụ lễ hội. Hơn sáu trăm mâm cơm, mỗi mâm 10 suất đã được ban tổ chức chuẩn bị cho khách bình dân. Hàng trăm hộ dân và các tổ chức từ thiện còn lo bánh mỳ, bánh xèo, nước uống và chỗ nghỉ cho những người lỡ độ đường.

Trong ngày chính hội năm nay, sáng 11 tháng 10 (27 tháng Tám âm), lễ rước "sắc thần ông Nguyễn" được bắt đầu từ "Cổng tam quan" thành phố Rạch Giá đưa về tượng đài ông Nguyễn Trung Trực. Buổi tối cùng ngày là lễ hội hoa đăng trên sông Kiên để cầu cho quốc thái dân an.

“Lễ hội Đình ông Nguyễn” là một lễ hội lớn cả về mặt tổ chức và cả về tình người. Tính cộng đồng cao nhờ sự tự nguyện, đồng lòng của người dân. Thật may tôi có một người bạn thân ở Rạch Giá để ngộ ra nhiều có cơ hội đến thăm, tìm hiểu về Rạch Giá, cũng như cảm nhận được cuộc sống bình yên, tình người sâu nặng của miền Tây Nam Bộ. Những ai chưa từng đến “Lễ hội Đình ông Nguyễn” ở Rạch Giá, Kiên Giang thì nên đến tham dự một lần. Các bạn đừng phải lo về chuyện ăn nghỉ trong những ngày Lễ hội. Cám ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi.

N. V. N.

Trái tim người lính