Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) 2024 - Nét đẹp văn hóa khuyến nông, hướng về nguồn cội

Sáng 16/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại cánh đồng Đọi Tín, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam), UBND tỉnh Hà Nam và thị xã Duy Tiên tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 - Ngày hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, là nét đẹp văn hóa khuyến nông, hướng về nguồn cội

Tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024, sau nghi lễ bái yết Thần Nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn, kết hợp với múa rồng. Buổi lễ đã tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do người cao tuổi trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống. 

dt5axb-1708057264.jpg

Tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày Tịch điền tại mùa Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024. Các thôn nữ gieo những hạt giống đầu tiên theo những sá cày của vua Lê Đại Hành. Ảnh: Tin tức

 

Lễ hội Tịch điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông...

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 tổ chức trong 3 ngày từ 14 - 16/3/2024 (tức từ 5 - 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Trong đó, ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng Âm lịch tổ chức các nghi lễ tâm linh như lễ rước nước, sái tịnh, lễ cầu an; hội thi vẽ và trang trí trâu, các hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật do nhân dân xã Tiên Sơn và nhân dân các xã, phường thị xã Duy Tiên thực hiện, tham gia. Ngày mùng 7 tháng Giêng (chính hội) tổ chức khai mạc và lễ cày Tịch điền.

Tờ baohanam.com.vn cho rằng, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục dựng và bắt đầu tổ chức từ năm 2009 đến nay. Lễ hội bắt nguồn từ điển tích trọng nông của vua Lê Đại Hành  vị vua đầu tiên nhà Tiền Lê. Sử sách ghi rằng: “Đinh Hợi, năm thứ 8 (987), mùa Xuân, vua bắt đầu cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân”. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng có viết: “Nay dưới chân núi Đọi, phía Tây vẫn còn cánh đồng Tịch điền rộng gần trăm mẫu và còn di tích vài nền nhà, gọi là Dinh trong, Dinh ngoài, tương truyền là nơi vua Tiền Lê về nghỉ để sau đó đi cày. Từ Hoa Lư, vua đi thuyền theo dòng Hoàng Long, ra ngã ba Gián Khẩu, vào sông Đáy, ngược lên Châu Cầu, rồi theo dòng Châu Giang ngược lên núi Đọi”.

Ngoài các nguồn sử liệu trên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngọc Hoa trong bài viết: “Truyền thuyết, âm nhạc dân gian liên quan đến Hoàng đế Lê Đại Hành ở Hà Nam” có viết về truyền thuyết “Vàng và cơm gạo” cũng liên quan đến lễ Tịch điền. Truyền thuyết kể: “Vào một buổi thiết triều, nhà vua ngỏ ý với bách quan đem vàng bạc trong kho chôn ở những nơi màu mỡ mà còn bỏ hoang để khuyến khích dân khai hoang. Các quan xin vua đừng làm thế. Nhà vua nghe chỉ ậm ừ rồi bàn sang chuyện khác. Cho đến gần trọn một ngày, các quan quá đói, nhà vua mới cho dọn mỗi mâm một đĩa xôi nóng và một đĩa vàng thoi. Các quan tranh nhau bốc xôi mà chẳng ai đoái hoài gì đến đĩa vàng. Đến đây vua mới cười hỏi: Vàng quý hay xôi quý? Bách quan đồng thanh: Xôi quý hơn vàng. Mọi người hiểu ý sâu xa của nhà vua, theo lệnh cử người bí mật chôn vàng, bạc ở những nơi cần khai hoang, rồi rao: Cày hoang mà lấy vàng thần để, khai hoang mà lấy bạc trời cho. Dân đua nhau vỡ hoang, được vàng, bạc, nhờ thế việc khai hoang, phục hóa nhanh chóng”. Truyền thuyết này gần với chính sử vua cày được một chĩnh nhỏ vàng, bạc ở trên nên có thể nói đây là một chính sách khuyến nông độc đáo của Lê Đại Hành hoàng đế, đã làm nên những “bờ xôi ruộng mật” và đưa hạt gạo lên hàng “ngọc thực”.

Theo lãnh đạo thị xã Duy Tiên, tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024 ngoài màn múa trống, màn múa rồng năm nay phần trang trí khánh tiết cũng có sự thay đổi khi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với thực tiễn. Sở VH,TT&DL cũng đã phối hợp với UBND thị xã Duy Tiên chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung hoạt động hội vào kịch bản. Kịch bản này tiếp tục được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho ý kiến và trình Bộ VH,TT&DL phê duyệt.

Để giảm thiểu các nghi thức hành chính, năm nay lần thứ hai sẽ không đưa việc công bố quyết định và trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tỉnh Hà Nam năm 2023 vào lễ hội. Và sau khi nghi trình cày Tịch điền của các vị đại biểu kết thúc, lần đầu tiên nhân dân và du khách thập phương sẽ có cơ hội tham gia hội thi cày do địa phương tổ chức. Trong không gian lễ hội, Ban tổ chức cũng bố trí nhiều gian hàng phục vụ nhân dân và du khách tham quan, mua sắm các mặt hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP của Hà Nam; tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ mùng 5 - 7 tháng Giêng).

Với ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Giáp Thìn tiếp tục thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.