Đây là dịp khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tạo nên ý thức về lòng yêu nước, về sức mạnh truyền thống, niềm tự hào dân tộc.
Tham dự lễ hội có đồng chí Nguyễn Trọng Lộ - Phó Bí thư thường trực huyện ủy, đồng chí Vũ Văn Hạnh - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hưng Hà, đồng chí Hà Văn Khánh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, đồng chí Vũ Xuân Quân - Chủ tịch UBND xã Đông Đô cùng đông đảo Nhân dân địa phương, quý khách thập phương gần xa về dự lễ hội.
Đền Đô Kỳ nằm trong Khu di tích lịch sử văn hóa Đình - Đền - Chùa làng Đô Kỳ xã Đông Đô thờ Quốc Mẫu Quang thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (thân mẫu Vua Lê Thánh Tông). Bà là người có công lớn với 3 vị Hoàng đế Triều Lê, đặc biệt là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, nhân cách, công đức và sự nghiệp của Lê Thánh Tông, một trong những vị vua anh minh trong lịch sử triều đại Phong kiến Việt Nam.
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, tháng 12 năm 2010 khu di tích Đình - Đền - Chùa làng Đô Kỳ được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội truyền thống Đền Quốc Mẫu làng Đô Kỳ hàng năm là dịp để Nhân dân trăm họ trong làng và quý khách thập phương cùng ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của một liệt nữ trung trinh tiết nghĩa “Quang thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao” và ôn lại truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất, hào hùng của các bậc tiền nhân, đồng thời phát động phong trào xây dựng gia đình, dòng họ thôn làng văn hóa và tổ dân cư tiên tiến. Từ đó mỗi người dân trong làng tự hào và ghi sâu ơn đức của các bậc tiền nhân, phát huy truyền thống và nội lực của gia đình; Tích cực xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới, đồng thời tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Lễ hội truyền thống đền Quốc Mẫu làng Đô Kỳ năm 2023 được tổ chức gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với những nghi thức thiêng liêng gồm: Tổ chức tế lễ, dâng hương và rước kiệu, đọc chúc văn tưởng nhớ, tri ân công đức của anh hùng hào kiệt có công dựng nước và giữ nước và kêu gọi tinh thần đoàn kết các dân tộc.
Phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao như tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, cờ tướng và các trò chơi dân gian truyền thống.
Lễ hội có sức sống và sức hấp dẫn lâu bền trong đời sống xã hội vì nó mang trong mình những giá trị nhân văn, tốt đẹp. Một trong những giá trị tiêu biểu của lễ hội là sự kết nối cộng đồng, là “sợi dây” kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự gắn bó bền chặt của con người với cội nguồn, tổ tiên. Bao phủ lên những sự kiện, câu chuyện lịch sử là không khí, sắc màu của huyền thoại, huyền tích với những kí ức về truyền thống hào hùng của cha ông trong thuở khai mở cơ đồ, dựng xây cuộc sống mới. Đến với lễ hội để hiểu hơn về truyền thống lịch sử, để gia tăng ý thức trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc; củng cố và khắc sâu thêm tình yêu quê hương, đất nước.