Đình So là một công trình kiến trúc đã được Bộ văn hóa xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt từ ngày 10 tháng 7 năm 1980. Đình So là đình của làng So bao gồm toàn bộ xã Cộng Hòa và xã Tân Hoà (ngoại trừ thôn An Ninh và Thổ Ngoã) huyện Quốc Oai tp Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, dân gian có câu "Đẹp đình So - To đình Cấn". Đình So được xây dựng vào năm Dương Đức thứ ba 1673 đời vua Lê Gia Tông (1661 -1675) thờ Tam vị Đại Vương là tướng có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) dẹp loạn 12 sứ quân năm 968.
Lễ hội đình So xuân Giáp Thìn
Đình làng So một năm có 3 lễ lớn, lễ hội từ mùng 8 tháng 2 âm lịch, lễ khao quân mùng 10 tháng 7 âm lịch, lễ Thánh hóa mùng 10 tháng 12 âm lịch. Lễ hội làng So diễn ra trong 3 ngày từ mùng 8 tháng 2 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động tế lễ, rước kiệu, bịt mắt bắt dê, hát, thể thao …
Làng So có lá cờ thần rộng tới 24 mét vuông, cứ mỗi khi cờ bay trên nền trời xanh in bóng mặt hồ nước lung linh cùng với tiếng trống sấm vang lên là làng đang có hội. Lễ hội đình So, làng So được diễn ra vào ngày hai dịp mùa xuân và mùa thu.
Hội mùa xuân là lễ hội hằng năm mừng ngày Thánh sinh nhằm ngày 8 tháng 2 âm lịch, lễ hội mùa xuân này được kéo dài trong 3 ngày. Ngày này dân làng tổ chức rước bài vị từ Miếu Ông và Miếu Bà, là song thân của các Thánh về đình để chung hưởng sự thành kính của dân làng.
Trong đình So hiện nay còn giữ được 40 đạo sắc phong thần từ năm Hoằng Định 2 (1601) thời nhà Lê đến năm Khải Định 9 (1924) thời nhà Nguyễn, cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ. Vì vậy, vào năm 1980, đình So đã được Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia cần được bảo tồn.
Truyền thuyết về Tam vị thành hoàng đình So
Theo thần tích đình So chép rằng: Vào mùa xuân năm Canh Dần (930), có ông Cao Công và bà Lã Thị ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệtt, kéo được 15 dật vàng.
Từ đấy hai ông bà làm ăn cứ khấm khá mãi lên nên cuộc sống rất khá giả. Hiềm nỗi hai ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Ông vẫn thường nói: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Đáy.
Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang.
Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba đứa trẻ lớn lên thành những chàng trai khoẻ mạnh rồi theo Đinh Bộ Lĩnh (924 -979) đi dẹp loạn 12 sứ quân.
Chiến công lớn nhất được ghi lại của 3 ông là trận chiến với sứ quân Đỗ Cảnh Thạc vùng Đỗ Động. Khi vượt sông Thanh Quyết, các ông đánh thành Thường Vệ, vây thành Bảo Đà, đánh thành Quèn (nay thuộc xã Liêm Tuyết, huyện Quốc Oai) rồi đóng đồn doanh ở Sơn Lộ Trang.
Khi Đinh Bộ Lĩnh bị vây hãm ở Bối Khê, tình thế vô cùng nguy cấp, lập tức ba ông mang quân đi giải vây. Dân trang Sơn Lộ mang bún bánh ủng hộ, lại chọn 300 tráng đinh đi theo các ông làm thần tử. Vào trận, ba anh em tả xung hữu đột chém được chánh tướng Đỗ Thanh Long và hàng vạn sĩ tốt, giải thoát cho Đinh Bộ Lĩnh. Sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng liền sắc phong 3 ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, Tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng.