Chỉ khác, Lê Hồng Vinh đỗ đại học Tổng hợp Hà Nội, còn tôi vào Đại học sư phạm Hà Nội I. Từ khi vào bộ đội đến khi học Đại học, chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ thăm hỏi và đi chơi cùng nhau. Cho đến khi tốt nghiệp đại học ra trường, Lê Hồng Vinh được điều về quân khu I, còn tôi được ở lại Hà Nội giảng dạy trong một học viện quân đội.
Năm 1990, Lê Hồng Vinh chuyển ngành về làm việc ở Công ty nấm Hà Nội, đúng chuyên ngành khoa sinh mà Vinh đã được học ở Trường Đại học Tổng hợp. Đây là mảnh đất cho Vinh thỏa sức vẩy vùng. Được bố trí làm việc ở Phòng Kỹ thuật, Lê Hồng Vinh đã tạo ra nhiều loại giống nấm phục vụ cho bà con nông dân Thủ đô lúc bấy giờ. Đặc biệt năm 1997 Lê Hồng Vinh được chuyển công tác từ Công ty Nấm Hà Nội sang Viện Di Truyền Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT. Lúc này phạm vi hoạt động của Vinh được “phủ sóng” khắp cả nước, nhất là các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lao Cai và các tỉnh Tây Nguyên. Cho đến lúc nghỉ hưu, Lê Hồng Vinh đã có mặt và chuyển giao công nghệ sản xuất nấm cho 60 tỉnh, thành trong cả nước. Có những năm Lê Hồng Vinh phải xa vợ con cả sáu bảy tháng trời để đi hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng nấm. Hiện nay, khi đến với các công ty, các hộ trồng nấm của nhiều tỉnh trên cả nước, vẫn nghe bà con nông dân nhắc đến người kỹ sư đầy nhiệt huyết với công việc, chỉ bảo tận tình bà con từng li từng tý về kỹ thuật nuôi trồng nấm. Loại nấm mà Lê Hồng Vinh thường hướng dẫn bà con nông dân trồng nhiều trong những năm của thập niên chín mươi là nấm rơm, một loại vật liệu sẵn có đối với nhà nông. Nhiều người dân sau khi được Lê Hồng Vinh hướng dẫn biết cách làm nấm đã giàu lên trông thấy, cuộc sống của họ đã được cải thiện rõ rệt. Hầu như nhà nào cũng sắm được xe máy và xây nhà cao tầng.
Gần 40 năm gắn bó với nghề làm nấm, cuối năm 2017, Lê Hồng Vinh chính thức được nghỉ hưu. Với bản chất cần cù, chăm chỉ, ham làm việc, anh đã mở công ty nấm gia đình tại Hà Nội, lo việc làm và thu nhập cho nhiều người. Không chỉ dừng lại ở địa bàn Hà Nội, Lê Hồng Vinh còn mở rộng công ty của mình thêm nhiều chi nhánh ở các tỉnh miền núi… Đặc biệt sau chuyến khảo sát ở tỉnh Đắc Lắc về, Lê Hồng Vinh quyết định mở thêm công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sản xuất Nấm công nghệ Cao tại thành phố Buôn ma thuật. Với lợi thế vùng đất Tây Nguyên giàu nguyên liệu cho việc trồng nấm lại có khí hậu ôn hòa, Lê Hồng Vinh đã thuê đất thời hạn 50 năm với diện tích 2,5ha và đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng để trồng nấm. Với mục tiêu là: “Năng lượng xanh, Thực phẩm sạch”, công ty đã sản xuất các loại nấm ăn trong điều kiện nhiệt độ lạnh với diện tích 1000 mét vuông như nấm đùi gà, nấm kim châm, nấm hải sản…Với quy trình sản xuất khép kín, sau khi thu hoạch nấm lạnh xong quay vòng nguyên liệu làm nấm sò, nấm bào ngư, nấm mộc nhĩ trong điều kiện nhiệt độ thường. Sản lượng hàng năm của công ty đạt từ 200-250 tấn nấm các loại, doanh thu đạt 25-28 tỷ đồng /năm. Công ty cũng đã làm nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, tạo công ăn việc làm làm ổn định cho hàng chục công nhân tại địa phương.
Bên cạnh việc trồng nấm, Công ty của Lê Hồng Vinh còn dựa trên diện tích rộng nhiều nhà xưởng để sản xuất năng lượng Pin mặt trời, mỗi năm thu hàng tỷ đồng từ nguồn năng lượng sạch này.
Với cách làm sáng tạo, sản xuất ra nhiều sản phẩm nấm phục vụ lợi ích của xã hội, Công ty đã được Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến gian hàng tại hội chợ thăm và động viên.Giám đốc Công ty Lê Hồng Vinh cho biết: “Mặc dù phải xa vợ con ở Hà Nội, song vì lòng say mê với nghề trồng nấm mà tôi mở rộng ra khu vực Tây Nguyên, trước là tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng đồng thời tìm kiếm lợi nhuận, nhưng quan trọng hơn cả là muốn tạo nguồn năng lượng xanh. Tận dụng những nguyên liệu sẵn có để sản xuất ra một loại thực phẩm sạch có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ đời sống của con người. Qua đây tôi cũng muốn nhân rộng và chuyển giao công nghệ cho người dân để tạo công ăn việc làm cho công nhân vùng dân tộc các tỉnh Tây Nguyên, đưa khoa học kỹ thuật đến với người dân như các tỉnh miền núi phía Bắc tôi đã từng làm”.
Tôi hỏi Vinh liệu có gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên lâu dài không? Lê Hồng Vinh nở nụ cười đôn hậu: “Có lẽ tớ sẽ gắn bó quãng đời còn lại của mình với mảnh đất Tây Nguyên, nơi có cái nắng cái gió, có những người dân cần cù chịu khó và hơn hết họ sống hết sức chất phác và nghĩa tình”.
Đến thăm xưởng làm nấm rộng rãi, bề thế và quy mô của Lê Hồng Vinh trong dịp Hội chợ cà phê Buôn mê thuật tháng 3 vừa qua, tôi hết sức thán phục bạn mình, mặc dù đã ở tuổi nghỉ hưu vẫn miệt mài lao động làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, vừa mang lại thu nhập cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm và niềm vui đến cho hàng chục công nhân của vùng đất Tây Nguyên.
Tây Nguyên tháng 3 năm 2023 – TAT