Lễ trao 123 tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVII, năm 2022

Tối 21/6, Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVII-năm 2022 được tổ chức trọng thể, đúng ngày kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023) tại Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên VTV1..

Tới dự có các đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quang Phương Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

b1agiai-bao-chi-210623-1-1687359554.jpeg
 

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (ảnh trên - TTXVN) phát biểu gửi tới các nhà báo lão thành, những người làm báo và công chúng báo chí cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, nhiệt liệt chúc mừng những nhà báo vinh dự nhận được Giải thưởng năm 2022.

Chủ tịch nước đánh giá, báo chí cách mạng Việt Nam trải qua chặng đường lịch sử vẻ vang 98 năm, luôn đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước, tiên phong đi đầu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Lớp lớp thế hệ những người làm báo - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đã xây dựng nên một nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn và cầu nối tin cậy của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đội ngũ những người làm báo hôm nay ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, tự giác dấn thân, dũng cảm xông pha, có mặt tại các tâm điểm của đời sống xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng.

Trong niềm vui, niềm vinh dự, tự hào về nghề nghiệp của những người làm báo, Chủ tịch nước nêu rõ, chúng ta tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy và là người đã khai sinh ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam; trân trọng tri ân công lao to lớn của các thế hệ nhà báo qua các thời kỳ, trong đó có nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Nêu bối cảnh năm qua đất nước còn nhiều khó khăn thách thức sau đại dịch COVID-19, tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Chủ tịch nước đánh giá: "Các nhà báo bằng trí tuệ, tâm huyết với đất nước và sự lao động nghiêm túc đã cùng phân tích, luận giải, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, các vấn đề được dư luận quan tâm; phản ánh sinh động đất nước, con người Việt Nam hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với bạn bè quốc tế.

Đội ngũ những người làm báo đã để lại nhiều dấu ấn, nhanh nhạy hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sắc bén hơn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục các giá trị nhân văn và phẩm giá làm người; thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên các lĩnh vực… Báo chí đã phát hiện, giới thiệu, cổ vũ, lan tỏa nhiều nhân tố mới điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, gương người tốt, việc tốt, tích cực đấu tranh  với những thói hư, tật xấu, những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống…".

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các nhà báo có tác phẩm đạt Giải năm nay tiếp tục khẳng định tính cách mạng, tính khoa học, sự nhạy bén, sức sáng tạo. Nhiều tác phẩm báo chí mang tính phát hiện, tính chiến đấu cao, sắc bén, phản biện khoa học, đề xuất giải pháp thiết thực, thông tin tích cực, có sức lan tỏa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong xã hội.  

Chủ tịch nước cho biết báo chí đang tiến gần đến dấu mốc lịch sử quan trọng - 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, năm nay là năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với rất nhiều nhiệm vụ to lớn đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Điều đó đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam nhiệm vụ ngày càng nặng nề, vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.  

Chủ tịch nước cũng mong muốn các nhà báo tiếp tục bản lĩnh, dấn thân, đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Chủ tịch nước tin tưởng, báo chí sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với vị thế của một nền báo chí sắp tròn 100 năm tuổi.

b2-bgiai-bao-chi-210623-2-1687361279.jpeg
 

Ông Lê Quốc Minh (Ảnh trên - TTXVN), Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia - cho biết: Các tác phẩm dự Giải đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và các mặt khác của đời sống đất nước trong năm 2022, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của đất nước. Đó là: Nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19; Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đáng chú ý, ở mùa giải năm nay, nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; từng bước thực hiện chuyển đổi số báo chí.

Nhờ đó, ngoài các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương, một số báo địa phương cũng có thay đổi trong cách chọn chủ đề, đề tài và triển khai theo hình thức đa phương tiện.

Theo đánh giá của Hội đồng Giải, nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan toả, ảnh hưởng trong xã hội. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, được đầu tư nghiêm túc, công phu, có bố cục chặt chẽ, cách thức thể hiện gần gũi, sinh động, hấp dẫn người đọc.

Năm nay, số lượng tác phẩm gửi về dự Giải là 1.894 tác phẩm, trong đó, có 1.774 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng Sơ khảo. Quá trình chấm Sơ khảo được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng Hướng dẫn và Quy chế của Hội đồng Giải. 11 Tiểu ban của Hội đồng Sơ khảo đã làm việc công tâm, hoàn thành chấm Sơ khảo đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt.

Quá trình chấm Chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng Giải. Trong số 157 tác phẩm vào Chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được: 8 Giải A, 24 giải B, 46 giải C, 45 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII– năm 2022.

b2-bc7-1687361380.jpgCác tác giả đoạt giải B giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII. Ảnh: Internet

 

Giải báo chí Quốc gia hằng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm.