Lịch sử một giai đoạn đầy biến động của Trung Quốc từ thời cuối Mãn Thanh sang thời Quốc dân, đến thời Quốc- Cộng hỗn loạn, dưới ngòi bút và cái nhìn bao quát và hết sức sắc sảo của nữ tác giả lừng lẫy người Mỹ: Pearl S. Buck, được hiện lên thật đầy đủ và sinh động. Thông qua việc kể những câu chuyện cuộc đời của một gia tộc xuất thân miền Bắc khô cằn, trải dài cuộc sống của họ đến thành phố miền Nam Trung Quốc tươi mát. Rồi sang đến tận nước ngoài.
Thật sự, mới đầu khi nhìn thấy bộ ba tiểu thuyết của bà nhà văn nổi tiếng người Mỹ nhưng có mấy chục năm sống ở Trung Quốc, vừa được dịch và in tại Việt Nam gần đây: “Đất Lành”, “Đời Con” và “Ly Tán”, tôi hơi ngại. Bởi ít lâu nay, tôi hầu như không dám đọc các tiểu thuyết dài tập như vậy, đơn giản là nó vượt quá khả năng sức khoẻ của tôi. Nhưng khi dở mấy trang đầu tiên, biết bà chính là tác giả của tập sách “Chuyện Kinh Thánh”, một cuốn sách rất hấp dẫn tôi đã đọc từ thủa thiếu thời, nên tôi quyết định sẽ bằng mọi giá “nghiền”cho xong bộ sách này. Không phải vì lời thách thức của dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, một trong những người dịch bộ này đâu. Mà thực sự tôi thấy cần phải khám phá một nhà văn nữ có số phận kỳ lạ: Người Mỹ, nhưng có tình yêu thực sự với đất và người Trung Quốc. Bà đã viết về Trung Quốc rất hay. Hay đến mức được Giải thưởng Nobel danh giá kia mà!
Tập một, “Đất Lành” cuốn hút ngay từ những dòng đầu tiên. Cuộc đời anh nông dân Vương Long dưới ngòi bút của tác giả đã hiện lên rõ nét, chân thật. Chân thật đến mức chúng ta có thể như ngửi thấy mùi mồ hôi anh ấy nhỏ xuống thửa ruộng của mình. Chân thật đến nỗi có trường đoạn tôi đọc, về cái nạn đói khủng khiếp kia, bỗng cảm thấy như bụng mình cũng đang quặn lại trong một cơn đói truyền kiếp của những người nông dân. Nông dân thủa chưa xa ấy, không cứ Trung Quốc, mà ở đâu cũng vậy, cái đói cái nghèo nó như định mệnh vậy, bám riết dai dẳng vào cuộc đời đen tối bần hàn của họ. Nhưng vượt lên tất cả, bằng một ý chí phi thường và tình yêu lớn lao cùng niềm tin mãnh liệt vào đất. Đất lành sẽ không phụ công người chăm sóc. Vương Long đã xây dựng nên cơ đồ của mình bằng lao động và cả một chút may mắn như số trời run rủi trong cơn biến loạn của thời cuộc. Từ một nông dân hầu như tay trắng, trở thành một điền chủ nức tiếng trong vùng. Nhưng dù sau này đã là đại điền chủ giàu có, tình yêu với đất lành của ông cũng không bao giờ xuy xuyển. Ông đã di huấn các con mình: “Nếu các con bán đất, sẽ là chấm hết.”
Nhưng đến “Đời Con”- cũng là tên tập hai của bộ sách, ba tay con trai của Vương Long: Vương Điền Chủ, Vương Thương Gia, Vương Mãnh Hổ, mỗi kẻ một tính, mỗi người theo đuổi một mục đích cuộc đời riêng. Vương Điền Chủ dựa vào đất đai tài sản của cha để lại mà chăm chú hưởng lạc. Rồi dần bán đất đi để tiêu. Vương Thương Gia là làm giàu bằng mọi cách, trục lợi luôn trên lưng các an hem trai của mình. Về nhân vật này, vừa đọc tôi vừa nghĩ đến nhân vật Grandet của ngài H. De. Balzac trong tác phẩm lừng lẫy: Eugenie Grandet! Cũng tính cách bủn xỉn tằn tiện như vậy. Phải chăng cái thời tích luỹ tư bản của các đại gia tộc trên thế giới này từ tây sang đông đều giống nhau? Tay con trai ngổ ngáo đã bỏ nhà đi vì cha chiếm mất người hầu hắn thích, Vương Mãnh Hổ lại là một mẫu người khác hẳn hai ông anh: Một đời chỉ tham vọng quyền lực. Thậm chí tay này còn có cuộc sống có thể gọi là khắc kỷ, chỉ để mục đích tập trung tinh lực cho mục đích cuộc đời mình, trở thành một lãnh chúa hùng mạnh! Nên rốt cục cả ba đều không ai kế thừa được tình yêu đất đai nồng nàn như ông nông dân Vương Long. Một tình yêu cao cả và thực sự của người nông dân cả đời gắn bó với đât đai. Kết cục cái khối đất đai mênh mông mà cả đời Vương Long mới gom góp cứ dần tan đi như một sự tất yếu.
Cho đến đời cháu, sự “Ly Tán” đã là một định mệnh. Các cháu thế hệ thứ ba của ông nông dân Vương Long hầu như không còn mối liên hệ nào với mảnh đất tổ tiên của họ nữa. Theo dòng biến loạn khủng khiếp của xã hội Trung Quốc bấy giờ, các cháu của Vương Long, là con của Vương Điền Chủ, Vương Thương Gia, Vương Mãnh Hổ- người đã trở thành một lãnh chúa, cũng tứ tán khắp nước, với đủ mọi thân phận mà thời cuộc đưa đẩy: hai đứa du học nước ngoài, đứa kế tục lãnh chúa, đứa đi làm “cách mạng”, những cuộc cách mạng diễn ra triền miên nối tiếp nhau ở xã hội Trung Quốc khi ấy: Những thân phận của Vương Rỗ (con Vương Thương Gia), Vương Thịnh, Vương Mạnh (con Vương Điền Chủ). Đặc biệt là thân phận cuộc đời của Vương Nguyên, đứa con trai mơ ước của lãnh chúa Vương Mãnh Hổ…
Tôi hoàn toàn không có ý muốn “kể lại sách” tại đây. Mà cũng không thể kể được. Tôi chỉ muốn nói với bạn đọc rằng, đại thể câu chuyện xã hội Trung Quốc mà Pearl Buck muốn kể cho chúng ta tóm tắt là vậy. Nhưng với văn phong trong sáng và cách dẫn chuyện hết sức đơn giản hầu như cổ điển, không có cái gọi là “thủ pháp nghệ thuật” nào, nhà văn đã dẫn chúng ta đi, hấp dẫn chúng ta, dìm ta chìm đắm trong thế giới nhân vật của bà. Chìm đắm mê man trong đó một cách kỳ lạ, cứ như là ta đã biến thành một thành viên của gia tộc họ Vương kia. Ta đau khổ, ta sung sướng, ta hạnh phúc, ta lo âu cùng họ… Thật là những cảm xúc đáng giá khi đọc bộ ba tiểu thuyết này.
Các nhà lý luận văn học thường chia các nhà văn ra làm hai: những người dùng ngôn ngữ để kể lại câu chuyện nào đó. Và những người dùng ngôn ngữ để dựng lên những câu chuyện hầu như không có thật.
Đọc bộ ba tiểu thuyết này của P. Buck, có lẽ ta xếp bà đúng là những nhà văn thuộc dạng thứ nhất, bà kể cho chúng ta nghe câu chuyện ba thế hệ gia tộc Vương Long. Tất cả những câu chuyện của bà kể cho chúng ta trong sách, bắt đầu từ cuộc đời của ông nông dân Vương Long: lấy vợ ra sao, sinh con đẻ cái thế nào, cày cuốc trên mảnh đất của mình. Ông nông dân ấy đã vui sống với mùa màng ruộng đồng và đói khát cực nhọc khi mất mùa., nhưng không hề oán than. Kiên cường đứng dậy, lao động và lần hồi mua được thêm đất, mua đất nữa, nhiều nữa… để trở thành một đại điền chủ có đất rộng bao la.
Câu chuyện tưởng như không có gì gay cấn, hấp dẫn nhưng dưới ngòi bút tài năng của P. Buck nó lại trở lên sinh động lạ thường, khiến cho ta đã “bập” vào rồi, là phải theo đuổi đến cùng. Ngay cả ở tập hai và tập ba cũng vậy. Cũng với một văn phong kể chuyện rất trong sáng và lôi cuốn, bà đã cuốn độc giả theo dòng đời trôi nổi của câu chuyện đời các thành viên gia tộc họ Vương: Thế hệ con và cháu. Có điều, đến tập ba “Ly Tán”, nhà văn đã dùng kỹ thuật đặc thù của tiểu thuyết “đại tự sự”, để nói về cái tâm trạng của chàng thanh niên Vương Nguyên, con trai duy nhất của lãnh chúa Vương Mãnh Hổ. Ở đây, chất tiểu thuyết phương Tây thấm đẫm, chứ không còn bàng bạc pha trộn với chất “kể chuyện” của tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc nữa.
Đó là sự tài tình của tác giả: Chỉ có thông qua những thiên tự sự đầy tâm trạng của Vương Nguyên, đã bộc lộ cả cái tâm trạng tinh thần xã hội đầy ẩn ức của Trung Quốc khi đó. Vừa căm thù ghét bỏ “Tây”, nhưng lại vừa khâm phục và sùng bái họ. Hình như đó là cái bản sắc của dân tộc Trung Hoa, khiến cho họ vật vã trong cơn chuyển mình của thể chế: từ một xã hội phong kiến vô cùng hủ lậu Mãn Thanh, tiến sang một chế độ cộng hoà khả dĩ văn minh hơn. Nhưng con đường đó cũng không dễ dàng gì, nó được trả giá bằng máu và nước mắt của cả triệu triệu con người. Mà khi kết thúc cuốn sách này, Pearl S. Buck hình như cũng chưa dự cảm được nó sẽ đi về đâu, Trung Quốc bao la rộng lớn ấy!
Thế nhưng ngập tràn tất cả trong từng con chữ, từng trang sách, cả bộ tiểu thuyết này là tình yêu nồng nàn của nữ nhà văn Mỹ dành cho đất và người Trung Quốc. Hơi lạ phải không? Nhưng đó là sự thật, nhà văn không biết nói dối trên trang sách của mình, nên tác giả mới được người dân Trung Quốc yêu mến dường ấy: Cố Thủ tướng Chu Ân Lai từng nói, Pearl S. Buck là người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc. Những di tích của bà trên đất Trung Quốc nay vẫn được trân trọng giữ gìn.
Thật may mắn, khi bây giờ chúng ta thảnh thơi ngồi nhâm nhi bộ sách của nữ nhà văn Mỹ vĩ đại này thì, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã chuyển mình từ cảnh loạn lạc chiến tranh nghèo đói loạn lạc triền miên khi ấy, thành một quốc gia hiện đại, có nền kinh tế hùng mạnh thứ hai thế giới. Chính vì thế, đọc bộ ba tiểu thuyết này, sẽ cho ta một cái nhìn rõ ràng hơn về lịch sử con đường của dân tộc Trung Hoa đã trải qua trong thời gian chưa xa. Và phải chăng, như một định mệnh, con đường đi của dân tộc Việt Nam chúng ta dường như cũng mang máng cái hình bóng nào đó của dân tộc láng giềng to lớn kia?
Bởi thế, đó cũng là lý do nữa để chúng ta càng cần phải “nghiền ngẫm” về những gì Pearl S. Buck đã viết.