Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 1)     

Tạp chí điện tử “Văn hóa và Phát triển” (vanhoavaphattrien.vn) trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.
cvl-1624594052.jpg
PGS TS Cao Văn Liên.

Đây là một công trình nghiên cứu khoa học diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích và hấp dẫn mô tả lịch sử Việt Nam từ xã hội nguyên thủy, phát triển lên xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội cận đại và hiện đại. Tác phẩm mang lại tri thức hàn lâm cũng như tri thức phổ thông cho bạn đọc về lịch sử kinh tế, xã hội, chính trị và quân sự trong quá trình dựng nước và giữ nước kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Qua đó bồi dưỡng hệ thống trị thức lịch sử, lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của cha ông cho thế hệ ngày nay.

  Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

cvl2-1624593852.jpg
 

PHẦN I: THỜI KI TIỀN SỬ
CHUƠNG I: XÃ HỘI NGUYÊN THỦY

Kỳ 1.

I:Việt Nam- Một trong những cái nôi sinh ra loài người.

Giống như lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam cũng bất đầu từ xã hội nguyên thuỷ (tiền sử- Lịch sử đầu tiên). Theo qui luật chung, xã hội nguyên thuỷ là hình thái kinh tế xã hội buộc tất cả các dân tộc, các quốc gia lớn, nhỏ trên thế giới phải đi qua. Xã hội nguyên thuỷ Việt Nam trải qua hàng chục vạn năm, là quảng thời gian cần thiết cho một loài vượn đặc biệt ở Đông Nam châu Á chuyển biến thành Vượn -Người. Rồi từ Vượn-Người tiến hoá lên Người-Vượn (yếu tố người đã nhiều hơn). Người -Vượn phát triển thành người Nê-Ang-đéc tan (người Tinh khôn) và cuối cùng thành Người -Hiện -Đại (Hô-Mô-Sa-Piêng). Quá trình tiến hoá từ vượn thành người đã hoàn thành sau một thời gian dài gần triệu năm.

     Dấu vết của sự tiến hoá từ vượn thành người ở Việt Nam còn tìm thấy nhờ khảo cổ học, một bộ môn tìm đọc lịch sử bằng hiện vật dưới lòng đất. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy răng Người Vượn  ở Lạng Sơn, hang Thẩm ồm (Nghệ An). Khi còn là Vượn thì tổ tiên của loài người sống thành từng bầy. Cho nên sau khi tiến hoá thành người hiện đại (Hômôsapiêng) con người vẫn sống theo bầy. Một bầy người khoảng từ 10, 20 đến 30 người. Đời sống của họ hết sức thấp kém. Họ cư trú trong các hang động, chưa có quần áo, kiếm ăn chủ yếu bằng phương thức hái lượm, thu nhặt. Hôn nhân được tiến hành ngay trong bầy với nhau (tạp hôn), công cụ lao động bằng đá không được chế tác cho đúng với hình dáng và chức năng của công cụ (thời đại đồ đá cũ). Hình dạng hòn đá như thế nào thì họ cầm lên sử dụng như vậy. Ở giai đoạn bầy người chưa có văn hoá, chưa có phong tục, tập quán, chưa có tôn giáo. Bầy người sống dựa vào hang đá, lùm cây, đi dọc bờ suối, bờ sông tìm kiếm thức ăn bằng cách hái lượm và săn bắt.

     Di chỉ khảo cổ học minh chứng cho thời đại đồ đá cũ là Núi Đọ (Thiệu Hóa -Thanh Hoá).Thời kỳ bầy người, xã hội loài người chưa hình thành một cách hoàn chỉnh mà đang trên đường manh nha những nhân tố của nó. Xã hội là sự tổng hoà các mối quan hệ (Các Mác). Ở cộng đồng bầy người các mối quan hệ chưa nhiều và còn lỏng lẻo. Di tích núi Đọ là thuộc thời kỳ tổ chức xã hội đang hình thành, cách ngày nay hàng mấy chục vạn năm .

     Sau thời gian hàng mấy chục vạn năm tiến hoá, người nguyên thuỷ Việt Nam bước sang  một cộng đồng mới cao hơn: thời kỳ Công xã thị tộc. Cơ sở của Công xã thị tộc là dựa trên quan hệ cùng huyết thống, máu mủ ruột rà. Thị tộc đầu tiên là thị tộc mẫu quyền (mẫu hệ). Gọi là thị tộc mẫu quyền vì người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hái lượm nên họ giữ vai trò điều hành thị tộc: phân công lao động, phân phối thức ăn. Gọi là chế độ mẫu hệ vì hôn nhân theo chế độ ngoại tộc hôn với hình thức tạp hôn, cùng thị tộc là anh em nên không được hôn nhân với nhau, tập thể nữ của thị tộc này phải hôn nhân với tập thể nam thị tộc kia và ngược lại. Cách thức hôn nhân này làm cho con chỉ biết có mẹ nên phải mang họ của thị tộc mẹ (mẫu hệ). Thời kỳ thị tộc mẫu quyền xã hội loài người đã hình thành, xuất hiện nền văn hoá, phong tục tập quán, tôn giáo với hình thức Tô tem giáo, Bái vật giáo (Vạn vật hữu linh-cho rằng sinh vật và động vật tất cả đều có linh hồn ) .Con người tìm ra lửa. Lửa làm cho chất lượng cuộc sống con người thay đổi, con người được sưởi ấm,ăn chín uống sôi, thúc đẩy thêm sự tiến hoá của con người về trí tuệ và thể lực. Việc tìm ra lửa là cuộc cách mạng đầu tiên trong cuộc sống con người nguyên thuỷ. Công cụ sử dụng trong thời kỳ mẫu hệ  thuộc thời đại đồ đá giữa (đá được chế tác) và đồ đá mới (đá được chế tác tinh xảo). Di chỉ công cụ của thời kỳ thị tộc mẫu hệ được các nhà khảo cổ học phát hiện ở Hang Hùm (Yên Bái), hang Thung Lang (Ninh Bình). Qua hiện vật ở các di chỉ đã tìm thấy dấu tích con người cùng những động vật cổ hoá thạch. Chứng cớ lịch sử này còn tìm thấy ở di chỉ Bầu Tró (Đồng Hớí-Quảng Bình) và được phân bố khắp ba miền Bắc-Trung_Nam của đất nước. Có thể thấy công xã thị tộc mẫu hệ Việt Nam có trình độ kinh tế phát triển cao. Con người đã biết nghề nông nghiệp, nghề chăn nuôi, nghề thủ công nghiệp.Ra đời nghề dệt vải,làm đồ gốm, chế tác công cụ sản xuất như rìu, cuốc (Văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn ). Người nguyên thuỷ Việt Nam còn biết nghề đánh cá (Văn hoá Quỳnh Văn-Quỳnh Lưu-Nghệ An). Chủ nhân các nền văn hoá trên đã biết nuôi chó, trồng các cây ăn quả, cây có củ, rau ,đậu, dưa.”Việt Nam và Đông Nam Á nói chung là trung tâm phát triển cây trồng của thế giới” .Như vậy thời kỳ thị tộc mẫu hệ, cư dân cổ Việt Nam đã có mặt hầu khắp các địa bàn miền núi, đồng bằng và miền duyên hải. Công xã thị tộc mẫu hệ là đỉnh cao của xã hội nguyên thuỷ. Thời kỳ này cách ngày nay khoảng 3- 4 vạn năm.

     Bên cạnh thị tộc, trong thời kỳ này còn có cộng đồng người liên kết rộng rãi hơn: Bộ lạc. Bộ lạc là sự liên minh  giữa hai hay nhiều Thị tộc sống gần gũi nhau, có quan hệ giao lưu mật thiết với nhau trên nhiều lĩnh vực hôn nhân, kinh tế, gần nhau về địa bàn cư trú. Đứng đầu Bộ lạc là Tù trưởng do những thành viên Bộ lạc bầu nên một cách dân chủ.

     Giai đoạn cuối cùng của xã hội nguyên thuỷ Việt Nam là cộng đồng thị tộc Phụ quyền (Phụ hệ).Thời kỳ này kinh tế  phát triển, các ngành nghề mới ra đời và được đẩy mạnh, đàn ông đóng vai trò chính trong sản xuất nên nắm vai trò điều hành thị tộc- phụ quyền. Trong thị tộc đã hình thành những gia đình lớn nhiều vợ nhiều chồng chung nhau, con sinh ra đã biết mặt cha nên con phải mang họ của thị tộc cha –phụ hệ . Thời kỳ này cách ngày nay khoảng 4000 năm. Công cụ sản xuất phát triển mạnh mẽ và phong phú. Ngoài đồ đá mới, cư dân Việt Nam còn có công cụ bằng đồng và bằng sắt, chế tạo cung tên (súng của thời kỳ nguyên thuỷ và cả của thời kỳ xã hội nô lệ và phong kiến).Sự phát triển của công cụ sản xuất làm cho năng suất lao động nâng cao, sản phẩm dư thừa. Trong hoàn cảnh đó chỉ cần một người đàn ông và một người đàn bà sống với nhau vẫn có thể lao động dư thừa. Xã hội xuất hiện gia đình một chồng một vợ. Các gia đình chiếm đoạt tư liệu sản xuất, ruộng đất của Công xã thị tộc làm của riêng. Xã hội xuất hiện chế độ tư hữu. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất làm cho xã hội xuất hiện giàu nghèo: xuất hiện giai cấp. Chế độ tư hữu và giai cấp làm cho xã hội cộng sản nguyên thuỷ tan rã, loài người bước vào xã hội có giai cấp đầu tiên là xã hội chiếm hữu nô lệ. Theo cách nói của F.AngGhen thì người Việt Nam đã từ thời đại dã man (Nguyên thuỷ) bước sang thời đại văn minh (xã hội có giai cấp, có nhà nước). Các di chỉ khảo cổ học ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ tương ứng với thời kỳ này là Phùng Nguyên (đầu thơì đại đồng thau), Đồng Đậu (giữa thời đại đồng thau), Gò Mun (thời đại đồng thau phát đạt), Đông Sơn (Thanh Hoá) cuối thời đại đồng thau và buớc sang thời đại đồ sắt .

     Cũng như lịch sử thế giới, xã hội cộng sản nguyên thuỷ chiếm một thời gian dài nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là thời kỳ thơ ấu của dân tộc cho nên là thời kỳ đặt nền tảng cho toàn bộ tính cách, truyền thống, văn hoá nông nghiệp, làng xã của con người Việt Nam. Trên cơ sở vững chắc đó, dân tộc ta bước vào xã hội văn minh với biết bao thử thách hiểm nghèo qua các thời đại mà vẫn vững vàng tồn tại chiến thắng và phát triển.

(Còn nữa)

CVL

LỜI NHÀ XUẤT BẢN


   Cho đến nay (năm 2007), khoa học lịch sử Việt Nam đã tiến những bước dài, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc. Thành tựu rực rỡ đó thể hiện qua nhiều tác phẩm sử học với nhiều thể loại của các học giả trên cả nước được xuất bản, in ấn. Tuy nhiên. để có những cuốn lịch sử khái quát, ngắn gọn, đáp ứng được nhu cầu của những người chuyên lịch sử cũng như những người không chuyên, giúp quý độc giả nắm được những nét cơ bản của lịch sử dân tộc cũng là một nhu cầu thực tế. Cuốn “Lịch sử Việt Nam” ra đời với ý tưởng đáp ứng nhu cầu như vậy của quý độc giả.
    Lịch sử là những sự kiện xẩy ra trong khứ có thể là rất xa xưa, cách ngày nay hàng triệu năm, cũng có thể là những sự kiện mới xẩy ra ngày hôm qua. Các sự kiện lịch sử bao trùm hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự. Khoa học nghiên cứu các sự kiện lịch sử được gọi là khoa học lịch sử (sử học). Nghiên cứu các sự kiện lịch sử, khoa học lịch sử nhằm rút ra bản chất, qui luật và những kinh nghiệm của lịch sử để giúp chúng ta hiểu quá khứ, hiểu quy luật, giúp chúng ta hành động đúng quy luật khách quan để thu được thắng lợi trong cải tạo xã hội, thúc đẩy lịch sử đi lên. Sử học vì thế mang tính giai cấp. Giai cấp nào cũng sử dụng sử học phục vụ cho giai cấp và cho dân tộc mình.
    Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời. Quá trình đó được chia làm 5 thời kỳ lớn:
THƠI KY TIÊN SƯ: Là thời kỳ xã hội nguyên thuỷ, chiếm thời gian lâu dài hàng chục vạn năm trong lịch sử Việt Nam.
THƠI KY CÔ ĐAI: Là thời kỳ xã hội chiếm hữu nô lệ, với những nhà nước đầu tiên Văn Lang và Âu lạc(Khoảng 1500 tr.c.n đến 179 tr.c.n).
THƠI KY TRUNG ĐAI: Là lịch sử xã hội phong kiến, kéo dài từ 179 tr.c.n đến năm 1858, trong đó có ba thời kỳ nhỏ: Thời kỳ Bắc thuộc từ 179 tr.c.n đến 938, nước ta bị phong kiến Trung quốc xâm lược thống trị, áp bức, bóc lột, cũng là thời kỳ xã hội Âu Lạc bước vào con đường phong kiến hoá. Giai cấp phong kiến Việt Nam ra đời, lớn mạnh lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với chiến thắng Bặch Đằng năm 938, nhân dân ta kết thúc một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một thời đại mới độc lập dân tộc. Thời kỳ từ năm 939 đến năm 1527 là thời kỳ xây dựng phát triển quốc gia phong kiến tập quyền mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự. Trên cơ sở đó, dân tộc ta đã nhiều lần lập nên những võ công hiển hách, đánh bại những cuộc xâm lược của nhà Tống (981,1076-1077), đánh bại ba cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông(1258,1285,1287-1288). Thời kỳ từ 1527 đến 1858 là thời kỳ khủng hoảng toàn diện của chế độ phong kiến. Giai cấp phong kiến đã trở nên phản động, chỉ biết đến quyền lợi của dòng họ, của tập đoàn, không biết đến quyền lợi dân tộc, lao vào cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực, gây nội chiến tương tàn, núi xương sông máu, phá vỡ sự thống nhất đất nước.Nhà nước phong kiến còn ra sức cướp bóc nông dân, đẩy họ vào bước đường cùng. Mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến cực kỳ gay gắt dẫn đến các thế kỷ XVI, XVII, XVIII nông dân liên tục nổi dậy. Đỉnh cao của khởi nghĩa nông dân là phong trào Tây Sơn. Phong trào này đã lật đổ các tập đoàn phong kiến, lập lại nền thống nhất đất nước, đánh bại các thế lực ngoại xâm (Xiêm,Thanh) bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền độc lập của tổ quốc. Năm 1802 phong trào Tây Sơn thất bại, Vương triều Nguyễn được thiết lập. Chế độ phong kiến phản động tiếp tục nắm quyền thống trị giam hãm đất nước trong vòng lạc hậu, suy yếu, tạo ra khả năng mất nước trước sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản Phương Tây.
THƠI KY CẬN ĐAI:(1858-1945): Là thời kỳ Pháp xâm lược nước ta và biến Việt Nam thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhân dân ta không ngừng đấu tranh chống thực dân Pháp nhằm giải phóng dân tộc. Nhưng mọi phong trào của nông dân, của các cá nhân phong kiến yêu nước lãnh đạo, của xu hướng tư sản đều thất bại. Chỉ đến khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh tìm được con đường cứu nước đúng đắn, giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, con đường của chủ nghĩa Mác - Lê nin, cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp vô sản lãnh đạo thì cách mạng tháng Tám  năm 1945 mới thắng lợi. Cách mạng tháng tám 1945 là bước nhảy vọt trong tiến trình lịch sử dân tộc, kết thúc thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến, mở ra thời kỳ độc lập, tự do, dân chủ, cộng hoà.
THƠI KY HIỆN ĐAI:1945 đến nay: Thời kỳ đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền nhân dân với thiết chế dân chủ, cộng hoà.Từ 1946 đến 1954, nhân dân ta đã đánh bại cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp, giải phóng miến Bắc. Từ 1954 đến1975, nhân dân ta đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội bằng sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước với mục đích đưa dân tộc ta tiến kịp các dân tộc tiên tiến trên thế giới .
    “Lịch sử Việt Nam” với cách tiếp cận mới, ngắn gọn, rõ ràng ,chính  xác, tính khái quát cao và nhiều tư liệu mới, đặc biệt là giai đoạn lịch sử từ 1986 đến 2007 .”Lịch sử Việt Nam ” phục vụ tất cả  quý  độc giả ở mọi trình độ khác nhau, từ nghiên cứu, giảng dạy ,học tập cho đến những người không chuyên lịch sử nhưng yêu thích và muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc một cách nhanh chóng và rõ ràng . Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả tập sách nhỏ này nhưng mang sức nặng của toàn bộ lịch sử dân tộc từ tiền sử cho đến ngày nay .
                                                                           

   NXB Thanh Niên