Kỳ 16.
CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MINH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC 1418-1427: KHỞI NGHĨA LAM SƠN.
Năm 1407 cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của nhà Minh. Năm 1416 Lê Lợi (Lam Sơn-Thọ Xuân, Thanh Hoá) cùng 18 bạn chiến đấu làm lễ tuyên thệ, thề sống chết vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Năm 1418 Lê Lợi cùng các anh hùng dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Lê Lợi xưng là Bình Định Vương truyền hịch đi toàn quốc kêu gọi nhân dân đứng dậy cứu nước. Các anh hùng hào kiệt yêu nước khắp nơi đã về Lam Sơn tụ nghĩa: Lê Lai, Nguyễn Thận, Đinh Lễ, Nguyễn Chích (Thanh Hoá), Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống (Thái Nguyên), Nguyễn Xí (Nghệ An), Trần Nguyên Hãn (Vĩnh Phúc ), Phạm Văn Xảo (Thăng Long), trong đó có Nguyễn Trãi (Hải Dương) là một mưu sĩ bậc nhất của khởi nghĩa Lam Sơn.
Đây là cuộc khởi nghĩa nhằm mục đích giải phóng dân tộc trong hoàn cảnh ta đã mất độc lập, không có nhà nước, không có quân đội, phải đi từ không có lực lượng đến xây dựng lực lượng. Từ năm 1418 đến năm 1423 là thời kỳ ta xây dựng lực lương, chống 10 vạn quân Minh bao vây, càn quét để bảo toàn lực lượng, bảo vệ căn cứ. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ, đầy thử thách hiểm nguy. Quân khởi nghĩa ban đầu 2.000 người nhưng tổn thất có lúc chỉ còn 200 người, thiếu thốn lương thực, trang bị, vũ khí. Trong lần nghĩa quân bị quân Minh bao vây dày đặc ở núi Chí Linh (Lam Sơn-Thanh Hoá), lương thực hết sạch, Bộ chỉ huy khởi nghĩa, trong đó có Lê Lợi có nguy cơ bị bắt, Lê Lai phải đóng giả làm Lê Lợi đem 500 quân cảm tử đột phá vòng vây và hi sinh, nhờ đó mới cứu được Lê Lợi và nghĩa quân. Lê Lai đã nêu một tấm gương quên mình cứu chúa.
Từ tháng 5 năm 1423 đến tháng 10 năm 1424 nghĩa quân tạm thời hoà hoãn với quân Minh.
Từ năm 1424 đến năm 1425 nghĩa quân từ Lam Sơn tiến vào giải phóng Nghệ An theo kế hoạch của tướng quân Nguyễn Chích. Tháng 6 năm 1425, nghĩa quân giải phóng Thanh Hoá, Tân Bình, Thuận Hoá. Trong một năm nghĩa quân Lam Sơn liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn và phát triển về mọi mặt: khu giải phóng mở rộng từ Thanh Hoá đến đèo Hải Vân, nghĩa quân từ một đội du kích phát triển thành một lực lượng vũ trang hùng mạnh gồm hàng vạn quân. Từ Lam Sơn (Thanh Hoá) tiến vào Nghệ An là một bước ngoặt của tiến trình khởi nghĩa, từ cuộc khởi nghĩa địa phương phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có qui mô toàn quốc.
Từ Năm 1426 đến năm 1427 khởi nghĩa Lam Sơn phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng toàn quốc, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc: Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi cử 1 vạn quân chia làm 3 đạo tiến ra giải phóng miền Bắc. Đạo thứ nhất gồm 3000 quân do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí tiến ra uy hiếp mặt Tây Đông Đô (Thăng Long). Đạo thứ 2 gồm 4000 quân, 2 thớt voi do Lưu Nhân Chú, Bùi Bị tiến ra giải phóng vùng đồng bằng sông Hồng. Đạo thứ 3 gồm 2000 quân tinh nhuệ do Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy tiến ra uy hiếp phía Nam thành Đông Đô. Chiến tranh giải phóng thường kết hợp giữa chiến tranh và khởi nghĩa. Nghĩa quân Lam Sơn đi đến đâu nhân dân nổi dậy lật đổ chính quyền địch, giành lấy ruộng đất, tham gia nghĩa quân, tiếp tế lương thực. Chính quyền đô hộ nhà Minh sụp đổ, nghĩa quân làm chủ những vùng rộng lớn. Từ tháng 10 năm 1426 quân Minh co vào cố thủ ở các thành Nghệ An, Tây Đô (Thanh Hoá), Xương Giang, Đông Đô, trong đó Đông Đô là sào huyệt chủ yếu. Tháng 11 năm 1426 sau khi Vương Thông sang tiếp viện và nhận chứcTổng binh thay Trần Trí, quân số địch ở Đông Đô lên đến 10 vạn. Tuy nhiên Đông Đô cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Quân Minh hoàn toàn lâm vào tình thế bị động.
Trước tình hình đó, Vương Thông quyết định mở cuộc phản công ra ngoài thành Đông Đô để tiêu diệt lực lượng Lam Sơn, đồng thời xoay chuyển tình thế, giành lại quyền chủ động. Đạo quân của Phạm Văn Xảo phối hợp với đạo quân Nguyễn Xí chặn đánh địch ở Cổ Lãm (Thanh Oai-Hà Tây, nay là Hà Nội), tập kích địch ở Ninh Kiều (Chương Mỹ-Hà Tây) và bố trí mai phục tiêu diệt địch ở Tốt Động-Chúc Động (Chương Mỹ-Hà Tây). Chiến dịch Tốt Động-Chúc Động mở ra cục diện mới trong chiến tranh. Địch hoàn toàn lui về cố thủ ở các thành, ta đẩy mạnh tiến công vây hãm địch. Toàn bộ chiến dịch ta tiêu diệt 6 vạn quân địch, giết chết những tướng lĩnh cao cấp của chúng như thượng thư Trần Hiệp, nội quân Lý Lượng , cả Tổng binh Vương Thông cũng bị trọng thương. Vương Thông chạy về Đông Đô cố thủ và xin viện binh nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh. Ta một mặt chuẩn bị đối phó với viện binh, mặt khác mở thêm mũi binh vận làm sụp đổ tinh thần quân xâm lược.
Chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang: từ 10 tháng10 đến 3 tháng 11 năm 1427: Nhận được thư cầu viện của Vương Thông, vua Minh Tuyên Tông (1426-1436) cử 15 vạn quân tiến vào nước ta cứu viện. Đạo thứ nhất gồm 10 vạn quân do An viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy theo đường Lạng Sơn tiến vào , đạo thứ hai do tướng Mộc Thạnh chỉ huy gồm 5 vạn quân theo đường Lào Cai tiến xuống. Lúc này quân Lam Sơn khoảng 35 vạn rải ra trên chiến trường toàn quốc nên chỉ có 6 vạn quân cơ động chiến đấu. Đứng trước 3 khối quân lớn của địch: 16 vạn quân Minh bị vây hãm ở các thành, trong đó Đông Đô 4 vạn, 10 vạn quân của Liễu Thăng và 5 vạn quân của Mộc Thạnh đang chuẩn bị tiến sang, Bộ chỉ huy Lê Lợi-Nguyễn Trãi quyết định mở trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt đạo quân chủ lực của Liễu Thăng. Khi đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt, quân các thành phải đầu hàng, quân Mộc Thạnh không đánh cũng tự tan vỡ. Đối với đạo quân Liễu Thăng đông 10 vạn tên cũng không thể đánh một trận mà phải bố trí một loạt trận đánh tiêu diệt địch từ Chi Lăng đến Xương Giang. Trong 6 vạn quân cơ động, Bộ chỉ huy quân khởi nghĩa dùng 5 vạn vào chiến dịch này.
Ngày 8 tháng 10 năm 1427 (18 tháng 9 đinh mùi), tiền quân của Liễu Thăng tiến vào ải Pha Luỹ. Tướng Trần Lựu ra đánh và dụ địch vào ải Chi Lăng, trận địa mai phục của ta (cách Pha Luỹ 60 km về phía nam, cách Đông Đô 100km về phía Bắc). Tại Chi Lăng, ta có 1 vạn quân, 100 ngựa, 5 thớt voi do cac tướng Lê Sát , Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Đinh Liệt, Lê Thụ, Thế Bổng, Lý Huề chỉ huy. Ngày 10 tháng10 năm 1427 Liễu Thăng do chủ quan bỏ xa đại quân, chỉ đem theo 100 quân kỵ đuổi theo Trần Lựu, lọt vào trận địa mai phục và bị quân Lam Sơn phóng lao đâm chết ở gò Mã Yên, 1 vạn tiền quân địch lọt vào ải Chi Lăng cũng bị ta tiêu diệt. Chiến trường diễn ra suốt 8 km. Việc chủ tướng Liễu Thăng tử trận gây hoảng loạn cho quân địch, làm đảo lộn kế họach chiến đấu của chúng. Lương Minh lên thay Liễu Thăng tiếp tục đem quân tiến sâu vào nước ta, lọt vào trận địa mai phục của ta ở Cần Trạm-Kép. 4 vạn quân ta do các tướng Lê Sát, Lê Lý, Lê Văn An chỉ huy tiêu diệt thêm 2 vạn quân địch. Tổng binh Lương Minh cũng bị quân ta phóng lao đâm chết. Ngày 18 tháng 10 tại Phố Cát địch bị ta tập kích tổn thất nặng nề. Binh bộ Thượng thư Lý Khánh quá hoảng sợ thắt cổ tự vẫn. Đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Hoàng Phúc cố đem tàn quân tiến về thành Xương Giang (Bắc Giang) để mong liên hệ với Đông Đô, nhưng đến nơi thì thành Xương Giang đã bị quân ta chiếm trước khi quân Minh vào biên giới 10 ngày. Quân địch phải đóng quân co cụm mà không có thành quách bảo vệ. Quân ta thắt chặt vòng vây. Ngày 3 tháng 11 năm 1427 ta tổng công kích, 5 vạn quân địch bị giết. Hoàng Phúc, Thôi Tụ bị bắt cùng 300 quân sống sót. 10 vạn quân của đạo quân chủ lực chỉ có 1 tên chạy thoát về nước.
(Còn nữa)
CVL