Kỳ 25.
NỘI CHIẾN GIỮA TÂY SƠN VÀ NGUYỄN ÁNH. CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN SỤP ĐỔ (1792-1802)
Sau khi giành thắng lợi trên toàn quốc, do hoạt động trên những địa bàn khác nhau mà ba anh em Tây Sơn cuối cùng đã cai quản ba vùng khác nhau. Từ Bắc Quảng Ngãi đến Bình Thuận thuộc phạm vi thế lực Nguyễn Nhạc, thủ phủ là thành Qui Nhơn, phía nam Bình Thuận trở vào là toàn bộ vùng đồng bằng Nam Bộ gọi chung là Gia Định do Nguyễn Lữ cai quản, thủ phủ là thành Gia Định (Sài Gòn). Từ Quảng Nam trở ra đến hết miền Băc thuộc chính quyền của vua Quang Trung với kinh đô Phú Xuân. Do sự bất tài của Nguyễn Lữ nên miền đất chiến lược Gia Định không được Tây Sơn tổ chức cai trị và bảo vệ chặt chẽ nên đã lọt vào tay Nguyễn Ánh tháng 8 năm 1788. Trên mảnh đất chiến lược này, Nguyễn Ánh ra sức phát triển kinh tế và xây dựng lực lượng, đặt quan hệ tốt với các thế lực thực dân bên ngoài, đặc biệt với thực dân Pháp.
Sau khi đứng chân vững chắc ở Gia Định, trước năm 1792 Nguyễn Ánh bắt đầu mở cuộc tấn công ra Qui Nhơn và các vùng khác của chính quyền Tây Sơn theo chiến thuật “tằm ăn lá dâu” và theo “mùa gió nồm”. Gặp gió nồm thì tiến, vãn thì về, khi tiến thì quân lính đủ mặt, khi về thì tản ra đồng ruộng”.
Sự lớn mạnh và những cuộc tấn công của lực lượng Nguyễn Ánh trực tiếp đe doạ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn. Chính Vua Quang Trung đã nhận thấy hiểm họa đó. Ông coi lực lượng phản động của Nguyễn Ánh là “Quốc thù”. Sau khi chiến thắng quân Thanh ở Bắc Hà, khi về Phú Xuân Nguyễn Huệ ra sức chuẩn bị lực lượng và vạch kế hoạch tấn công tiêu diệt Nguyễn Ánh. Theo kế hoạch, cuộc tấn công lần này của quân đội Tây Sơn phối hợp bộ binh với thuỷ binh. Thuỷ binh có nhiệm vụ khép chặt các cửa sông không cho Nguyễn Ánh chạy thoát ra các đảo như những lần trước. Kế hoạch đó thể hiện quyết tâm của Quang Trung kiên quyết tiêu diệt, không để Nguyễn Ánh chạy thoát trong chiến dịch Gia Định sắp tới. Nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì Quang Trung đã đột ngột từ trần năm 1792. Cái chết của Vua Quang Trung đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ phong trào Tây Sơn và cuộc đối đầu giữa Tây Sơn theo chiều hướng có lợi cho Nguyễn Ánh. Nguyễn Quang Toản lên ngôi khi mới 15 tuổi. Toàn bộ quyền hành lọt vào tay cậu nhà vua là Thái sư giám quốc Bùi Đắc Tuyên. Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, sát hại, giáng chức những đại thần không ăn cánh. Tuyên bắt đi đày Trần Văn Kỷ, giết hại nhiều tướng lĩnh, làm cho triều đình Tây Sơn nghiêng ngửa lục đục. Trước tình hình đó, năm 1795 Vũ Văn Dũng phải giết Bùi Đắc Tuyên và phe cánh, chính quyền Tây Sơn mới tạm thời được củng cố.
Sau khi đánh chiếm Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, năm 1793 quân Nguyễn Ánh bao vây thành Qui Nhơn. Nguyễn Nhạc nguy cấp phải viết thư cầu cứu Nguyễn Quang Toản. Toản sai các tướng Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn…đem 17.000 bộ binh, 80 thớt voi, 30 thuyền chiến cứu viện Qui Nhơn. Nhưng sau khi cứu được Qui Nhơn, các tướng Tây Sơn của Cảnh Thịnh lại chiếm toàn bộ đất đai của Nhạc. Nhạc uất hận mà chết. Con Nhạc là Bảo chỉ còn được một huyện Phù Ly. Nguyễn Ánh chiêu hàng Bảo. Bảo còn đang phân vân thì đã bị Quang Toản bắt uống thuốc độc chết.
Năm 1799 quân Nguyễn Ánh chiếm được Qui Nhơn đổi thành trấn Bình Định rồi giao cho Võ Tánh và Ngô Tùng Chu giữ thành. Từ năm 1799 đến năm 1801 Đại đô đốc Tây Sơn Vũ Văn Dũng cùng với Thiếu phó Trần Quang Diệu và nhiều tướng lĩnh khác cầm quân tác chiến dữ dội với quân Nguyễn Ánh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Dưới sự chỉ huy của Vũ Văn Dũng , quân Tây Sơn đã vây hãm Qui Nhơn 14 tháng ròng, bức các tướng lĩnh cao cấp của Nguyễn Ánh như Võ Tánh, Ngô Tùng Chu phải tự sát. Quân Tây Sơn chiếm lại thành Qui Nhơn.
Năm 1801 Nguyễn Ánh đem lực lượng tấn công kinh thành Phú Xuân. Phú Xuân bị quân Nguyễn Ánh chiếm. Vua Cảnh Thịnh phải chạy ra Bắc Hà huy động quân đội ở các trấn Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc và quân Thanh- Nghệ chống chọi với quân Nguyễn Ánh. Mặt trận chính diễn ra ở vùng Trấn Dinh (Nghệ An) và Quảng Bình. tháng 1 năm 1802 tình hình quân đội Tây Sơn ở mặt trận này hết sức nguy ngập. Nữ tướng Bùi Thị Xuân của Tây Sơn chỉ huy 5000 quân cùng hàng vạn quân của vua Cảnh Thịnh chống trã quyết liệt cuộc tấn công của Nguyễn Ánh có kết quả. Đội quân của Bùi Thị Xuân đó làm cho quân Nguyễn Ánh khiếp sợ. Nhưng trong giờ phút quyết định nhất của trận đánh, vua Cảnh Thịnh hèn nhát bỏ mặt trận rút lui làm cho mặt trận Quảng Bình tan vỡ. Tháng 3 năm 1802 Trấn Dinh (Nghệ An) lọt vào tay quân Nguyễn Ánh. Trần Quang Diệu và Vũ văn Dũng đem quân ra cứu nhưng không kịp, đại cục đó tan vỡ. Thiếu phó Trần Quang Diệu , vợ là Bùi Thị Xuân và con gái bị quân Nguyễn bắt và bị hành hình một cách thảm khốc.
Cùng thời gian đó, tướng Tây Sơn Bình đồng tướng quân Đặng Xuân Bảo cầm quân cản bước tiến của quân Nguyễn ở Thanh Hoá nhưng thất bại. Đô đốc Đặng Xuân Bảo bị bắt. Ông nhịn ăn vài ngày rồi chết. Quân Nguyễn tiếp tục tấn công ra Bắc Hà. Ngày 10 tháng 6 năm 1802 Nguyễn Ánh chiếm được Thăng Long. Vua Cảnh Thịnh cùng em là Nguyễn Quang Thuỳ chạy về Kinh Bắc thì bị bọn thổ hào ở đây bắt nộp cho Nguyễn Ánh và sau đó bị Ánh hành hình. Mùa đông năm 1802, chính quyền Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ. Một vương triều mới được thiết lập: Vương Triều Nguyễn. Vương Triều Tây Sơn kể từ Thái Đức Nguyễn Nhạc đến Cảnh Thịnh hoàng đế tồn tại được 25 năm với các vị vua: Thái Đức Hoàng đế Nguyên Nhạc (1778-1793), Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ (1789-1792) và Cảnh Thịnh hoàng đế Nguyễn Quang Toản (1793-1802).
VII: VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN TỪ 1802 ĐẾN 1858.
Sau khi lật đổ nhà Tây sơn, năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lập ra vương triều Nguyễn, đổi quốc hiệu Đại Việt thành Việt Nam (còn có tên Đại Nam), kinh đô Phú Xuân (Huế). Nguyễn Ánh lấy niên hiệu Gia Long, xây dựng một chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế cực đoan. Vua của Vương triều Nguyễn nắm toàn bộ quyền lực, giành lấy quyền khống chế cả nước, quyết định mọi công việc lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương. Để tăng cường quyền lực cho vua, nhà Nguyễn đặt ra lệ 4 không: không đặt chức tể tướng, không lấy học vị trạng nguyên trong thi cử, không đặt chức hoàng hậu trong tam cung, không phong vương cho hoàng thân quốc thích. Dưới vua có 6 bộ: Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình, Bộ lễ, Bộ công, Bộ lại. Mỗi Bộ do một Thượng thư đứng đầu. Dưới Bộ có 6 khoa: Khoa binh, khoa hình, khoa lễ, khoa công, khoa lại. Khoa có nhiệm vụ kiểm soát các quan ở các bộ. Còn có Tả thị lang, Hữu thị lang. Các cơ quan có Đô sát viện, Tả đô ngự sử, Hữu đô ngự sử, các chức cấp sự trung về lục khoa thuộc Đô sát viện. Đô sát viện còn có quyền tố cáo, buộc tội các quan. Đại lý tự xét án. Như vậy Bộ hình, Đô sát viện, Đại lý tự họp thành Tam pháp ti là 3 cơ quan trông coi về tư pháp.
Bên cạnh vua có hai cơ quan giúp việc: Viện cơ mật, Văn phòng gồm 4 viên đại thần họp thành Nội các. Còn có Phủ nội vụ trông coi kho vàng bạc của cải nhà vua. Toà chính ty trông coi vận chuyển thuế, Quốc tử giám trông coi giáo dục, Khâm thiên giám trông coi thiên văn, làm ra lịch pháp, Thái y viện trông coi y dược chữa bệnh trong cung.
Quân đội nhà Nguyễn chia thành 5 quân: trung quân, tiền quân, tả quân, hữu quân và hậu quân. Mỗi quân do một Chưởng phủ hay Đô thống chỉ huy. Dưới quân là vệ, mỗi vệ có Đô thống hoặc Thống chế cầm đầu. Thuỷ quân nhà Nguyễn có chức Đô đốc hoặc Đề đốc nắm giữ.
Đơn vị hành chính địa phương thời Gia Long chia toàn quốc thành 3 khu vực: Bắc thành gồm toàn bộ miền Bắc, Gia Định thành gồm toàn bộ miền Nam. Dưói thành là trấn, Bắc thành có 11 trấn, Gia Định thành có 5 trấn. Toàn bộ miền Trung chia thành hai doanh gồm 4 trấn. Dưới trấn là phủ, dưới phủ là huyện (châu-miền núi). Đứng đầu thành là Tổng trấn và phó Tổng trấn. Đứng đầu trấn có quan Trấn thủ hay Lưu Trấn, giúp việc có cai bạ và ký lục. Quan tri phủ đứng đầu phủ, Tri huyện cai trị huyện (tri châu miền núi).
Thời Minh Mệnh vào năm 1831 toàn quốc chia thành 29 tỉnh trực thuộc triều đình. Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc. Giúp việc cho Tổng đốc có Tuần phủ trông coi chính trị, giáo dục, Bố chính phụ trách về thuế khoá, Đinh, điền, Án sát trông coi hình án , trạm dịch. Đời Minh Mệnh cũng định tước vị từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Bên cạnh vua vẫn duy trì Nội các và Viện cơ mật trông coi quân quốc trọng sự. Lại lập ra Bưu chính ty trông coi việc chuyển công văn, giấy tờ. Thái thường tự trông coi việc nghi lễ (đại lễ), Quang lộc tự trông coi lễ, phẩm. Đặt ra Tôn nhân phủ trông coi việc trong hoàng tộc.
Năm 1815 nhà Nguyễn ban hành bộ luật “Gia Long” (Hoàng triều luật lệ), có tham khảo luật “Hồng Đức” của Đại Việt và “Đại Thanh luật lệ” của nhà Thanh (Trung Quốc). Luật này nhằm bảo vệ uy quyền tuyệt đối của nhà vua, thẳng thay trừng trị tàn nhẫn đối với thần dân.
Bên cạnh việc tập ấm và tiến cử, nhà Nguyễn cũng tuyển chọn quan lại bằng thi cử. Nhưng chế độ học hành thi cử của nhà Nguyễn rất lạc hậu, học Nho và các Nho sĩ vùi đầu vào kinh điển Nho giáo, xa rời thực tế của thời đại, của đất nước. Quan lại được cấp lương bổng nhưng không đủ cho cuộc sống xa hoa nên tham nhũng, nhận hối lộ thu được gấp hàng nghìn lần so với lương bổng. Một người Pháp khi đó có mặt ở nước ta đã viết: lương một viên quan bằng 3 phơ răng nhưng nhận hối lộ và tham nhũng từ 2.000 đến 3.000 Phơrăng. Chúng vơ vét trong những dịp thu tô, thuế, xử án, bắt lính, bắt lao dịch, đắp đê điều, đường sá. v. v. Ở địa phương, bọn hào lý hoành hành dữ dội, không kiêng sợ gì. Dân thời đó coi quan như kẻ cứớp:
Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.
Nhìn chung, bộ máy nhà Nguyễn là phản động, mục nát, bảo thủ, đối lập với quyền lợi của nhân dân, nó chỉ phục vụ cho giai cấp phong kiến, cho dòng họ, cho tập đoàn phong kiến đã hoàn toàn hủ bại, thối nát. Với một bộ máy nhà nước như vậy, Vương triều Nguyễn thẳng tay thi hành những chính sách đàn áp bóc lột nhân dân không thương xót. Nhà Nguyễn vơ vét của cải bằng cách bắt nộp cống phẩm, đánh nhiều loại thuế và thuế rất nặng: thuế buôn bán, thuế thân, thuế ruộng. Nhà Nguyễn thu thuế theo nguyên tắc bảo đảm thu nhập cho nhà nước, bất chấp đời sống khổ cực của nhân dân và thiên tai mất mùa, đói kém. Chế độ lao dịch nặng nề, người dân phải đi lao dịch 60 ngày trong năm xây cung điện, lăng mộ, thành luỹ. Nhân dân còn phải cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho nhà nước, cung cấp trang thiết bị và lương thực cho quân đội.
Trong chính sách ruộng đất nhà Nguyễn ra sức củng cố quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước và quyền sở hữu của địa chủ phong kiến. Chúng ra sức cướp đoạt ruộng đất của nông dân đã giành được dưới thời Tây sơn, chiếm đoạt ruộng đất công của công xã. Kết quả nông dân mất ruộng đất , bỏ làng đi phiêu tán, ruộng đất bỏ hoang nhiều vì không có người sản xuất. Đê điều không được nhà nước chăm lo tu tạo, bồi đắp, hoặc nhà nước chủ trương và cấp tiền tôn tạo nhưng bị cường hào, quan lại tham nhũng bòn rút hết nên không sửa chữa được khiến đê vỡ gây lụt lội liên tục. Như đời Tự Đức suốt 10 năm ròng đê vỡ, lũ lụt.
Nhà Nguyễn thi hành chính sách ức thương, cản trở, bóp nghẹt sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Đánh thuế rất nặng các nghề thủ công nghiệp, trưng thu những thợ lành nghề vào các công xưởng nhà nước. Nhà nước nắm độc quyền khai thác khoáng sản, sản vật, hạn chế buôn bán. Chính sách phản động bảo thủ đó làm cho thủ công nghiệp Việt Nam không thể chuyển dịch được thành kinh tế hàng hoá, thương mại suy tàn.
(Còn nữa)
CVL