Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 24)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành

Kỳ 24.

THÀNH CÔNG TRONG CÔNG CUỘC BANG GIAO (1789-1792)

 Trước chiến dịch Ngọc Hồi-Thăng Long, vua Quang Trung đã trù liệu sau khi chiến thắng phải tìm cách chấm dứt chiến tranh với nhà Thanh để xây dựng đất nước, củng cố lực lượng để tiêu diệt Nguyễn Ánh ở Gia Định. Quang Trung nói ở Tam Điệp: “Chỉ trong 10 ngày nữa thế nào cũng quét sạch quân Thanh nhưng nước Thanh lớn hơn nước ta đến 10 lần, bị thua tất nhiên người Thanh lấy làm nhục, chắc phải tìm cách rửa hờn. Nếu cứ để binh lửa liên miên thật không phải phúc của dân. Lòng ta sao nỡ. Vì vậy sau khi thắng trận phải dùng ngọn bút thay giáp binh. Việc đó ta phải giao cho Ngô Thời Nhậm”.

d1avua-quang-trung-bat-ai-nhu-bat-mot-dua-tre-4-1673964968.jpg

Tranh Vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguồn: Internet.

 

 

Sau khi đại phá xong quân Thanh,  Quang Trung lại rút về Phú Xuân chuẩn bị phương lược tiêu diệt Nguyễn Ánh. Công việc chính trị, quân sự, ngoại giao ở Bắc Hà giao cho Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhậm, Phan Văn Lân , Phan Huy Ích và Vũ Huy Tấn. Theo phương lược của Vua Quang Trung, tài ngoại giao của Ngô Thời Nhậm trên cơ sở cứng rắn về nguyên tắc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền,  độc lập, toàn vẹn lãnh thổ nhưng hết sức mềm dẻo về sách lược, công cuộc bang giao giữa Đại Việt và Trung Hoa đạt được những kết quả tốt đẹp. Vua Càn Long nhà Thanh đã bãi bỏ Nam chinh, chấm dứt chiến tranh, khôi phục lại quan hệ hoà bình giữa hai nước. Do quan hệ bang giao với nhà Thanh có kết quả, nguy cơ chiến tranh không còn nên tháng 2 năm 1789 (âm lịch) Quang Trung rút đại quân về Phú Xuân. Từ đó công việc ngoại giao nặng nề đặt trên vai Ngô Thời Nhậm và Phan huy Ích. . . Kết quả, vua Càn Long không công nhận Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) là Quốc vương Đại Việt, cho Lê Duy Kỳ và thuộc hạ đi an trí ở Quế Lâm . Sứ bộ nhà Thanh phải vào kinh đô Phú Xuân phong Vương cho Nguyễn Huệ. Nhà Thanh còn mong muốn Hoàng đế Quang Trung sang Yên Kinh (Bắc Kinh) dự lễ “Bát tuần thượng thọ” của vua Càn Long tháng 8 năm Canh Tuất (1790). Ngô Thì Nhậm đã bố trí một người cháu của vua Quang Trung là Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung sang Yên Kinh. Phái đoàn vua Quang Trung giả tổng cộng 159 người, trong đó ngoài “vua Quang Trung” còn có Nguyễn Quang Thuỳ, con thứ Nguyễn Huệ, Ngô Văn sở, Đặng Văn Chấn, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn. . . Ngày 15 tháng 4 năm 1790, phái đoàn từ Nam Quan đi Yên Kinh, dọc đường đi được quan lại nhà Thanh ở các tỉnh đón tiếp trọng thị. Tháng 7 năm 1790, phái đoàn đến Yên Kinh và đến Nhiệt Hà bệ kiến vua Càn Long, được vua Càn Long tiếp đón cực kỳ trọng hậu. Ngày 29 tháng 11 năm 1790, phái đoàn vua Quang Trung giả mới về đến nước. Theo “Đại Thanh thực lục” việc đón tiếp phái đoàn “Quang Trung” làm cho triều đình nhà Thanh tốn 800.000 lạng bạc, trung bình mỗi ngày chi hết 4.000 lạng. Triều đình Tây Sơn còn đấu tranh bằng lý lẽ buộc nhà Thanh phải huỷ bỏ lệ cống người vàng mỗi khi đến ngày giỗ của Liễu Thăng. Chính vua Càn Long cũng thừa nhận lệ buộc Đại Việt cống người vàng là đáng khinh bỉ.

Năm 1792, vua Quang Trung sai một đoàn sứ bộ do Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cầm đầu sang sứ nhà Thanh, trình thư của Vua Quang Trung lên vua Càn Long đặt vấn đề xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm đất đóng đô, xin một công chúa nhà Thanh về làm cung phi cho vua Quang Trung. Trong một cuộc tiếp kiến phái  bộ sứ giả Đại Việt ở cung Ỉ Lương Các, vua Càn Long đồng ý cho vua Quang Trung tỉnh Quảng Tây và thuận gã cho Quang Trung một nàng công chúa. Sau đó vua Càn Long ra lệnh cho Bộ lễ chuẩn bị nghi lễ định ngày đưa công chúa Đại Thanh sang Đại Việt sánh duyên với hoàng đế Quang Trung. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì ngày 29 tháng 7 Năm 1792 (âm lịch) phái bộ Đại Việt nhận được tin vua Quang Trung đã đột ngột từ trần. Phái bộ Vũ Văn Dũng về nước. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi hiệu là Cảnh Thịnh hoàng đế, sai một đoàn sứ thần khác do Ngô Thời Nhậm cầm đầu sang Yên Kinh báo tang. Vua Càn Long hết sức sửng sốt và thương xót vua Quang Trung. Nhà vua phê vào tờ biểu báo tang hai chữ: “Đáng tiếc”. Vua Càn Long làm một bài thơ viếng Quang Trung, sai Án sát Quảng Tây là Thành Lâm đến mộ giả Quang Trung ở Linh Đường (thanh Trì, Hà Nội) đọc và đốt bài thơ trước mộ. Nhà vua còn tặng Sứ bộ Tây Sơn hai tấm lụa quí, 3.000 lạng bạc dùng cho việc tang lễ vua Quang Trung. Không chờ triều Tây Sơn dâng biểu, vua Càn Long phong ngay cho Quang Toản làm “Quốc Vương An Nam”. Càn Long còn ra lệnh cho các quan chức nhà Thanh làm lễ truy điệu vua Quang Trung. Nhiều quan lại nhà Thanh cũng thương xót vua Quang Trung. Phúc An Khang khi đó đang đi công cán ở miền Trung Tây Tạng cũng gửi thư chia buồn đến vua Tây Sơn Cảnh Thịnh. Tất cả những hành động tốt đẹp của vua quan nhà Thanh đối với triều Tây Sơn không phải vì Càn Long khiếp sợ Đại Việt mà xuất phát từ lòng yêu mến, kính trọng, khâm phục của Càn Long đối với tài năng, đức độ của Vua Quang Trung, cũng là sự hoạt động bang giao có kết quả của các nhà ngoại giao xuất sắc khi đó như Ngô thời Nhậm, Vũ văn Dũng.
(Còn nữa). .

CVL