Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 23)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 23.

 Đêm 30 tháng 1 năm 1789 (Canh 5 ngày 5 tết âm lịch Kỷ Dậu), đại quân chủ lực do vua Quang Trung chỉ huy mở cuộc tấn công dũng mãnh vào phía nam đồn Ngọc Hồi. Quân đội Tây Sơn đầu buộc khăn đỏ, dương cờ đỏ biểu hiện tinh thần quyết chiến. Vua Quang Trung buộc khăn đỏ vào cổ tỏ ý quyết chiến, cưỡi voi ra trận trực tiếp chỉ huy trận đánh. Trong đêm tối, quân Tây Sơn tràn qua đồn Bình Vọng, ào ạt xụng tới Ngọc Hồi, đi đầu là 100 con voi chiến hùng mạnh công phá.

d1aquangtrung-1613468825786-1673885969.jpg

Tượng đài vua Quang Trung tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: nhandan.vn

 

 

Chủ tướng đồn Ngọc Hồi là Đề đốc Hứa Thế Hanh tung đội kỵ binh thiện chiến ra đối phó nhưng gặp voi, ngựa sợ hãi chạy trở về chà đạp lên nhau tan vỡ. Quân Thanh rút vào đồn luỹ cố thủ, dùng đại bác và hoả khí bắn xuống dữ dội như mưa để cản bước quân Tây Sơn. Vua Quang Trung ra lệnh cho đội voi chiến rẽ về hai bên tả và hữu mở đường cho đội xung kích lao lên. Đội xung kích gồm 600 dũng sĩ cảm tử, lưng giắt dao ngắn, 200 người đi đầu khiêng 20 tấm ván dầy, bện rơm thấm nước che súng đạn và lửa cho 400 dũng sĩ theo sau, làm cho súng đạn quân Thanh mất hiệu lực. Quân Thanh liền dùng hoả đồng phun khói lửa xuống nhằm làm quân Tây Sơn rối loạn. Khắp chiến trường khói lửa mịt mù, gang tấc không trông thấy nhau. Quân Tây Sơn “Họp lại đông như kiến cỏ, thế lên ào ạt như nước thuỷ triều dâng”.  Đến chiến luỹ, đội cảm tử bỏ mộc, dùng đoản đao và vũ khí phá tan cửa luỹ, mở đường cho kỵ binh,  bộ binh ào ạt tiến vào. 100 con voi từ hai cánh đông-tây cũng tạt vào. Quân Tây Sơn tung hoành chém giết. Từ trên mình voi, quân Tây Sơn dùng đại bác, hoả hổ đốt phá chiến luỹ và doanh trại quân địch. Đồn Ngọc Hồi ngập chìm trong khúi lửa. Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Địch tháo chạy ra ngoài theo hướng bắc, vướng địa lôi do chính chúng cài mà chết thêm vô kể. Mô tả trận huyết chiến khủng khiếp này, Hoàng Lê nhất thống chí viết: Quân Thanh chống cự không nổi bỏ chạy tán loạn,  giày xéo lên nhau mà chết, Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối. Quân Thanh đại bại. Toàn bộ phòng tuyến phía nam Thăng Long sụp đổ. Chỉ huy trưởng mặt trận phía nam Thăng long kiêm phó tướng cuộc Nam chinh Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng quan tả dực quân Thượng Duy Thăng đều tử trận.

   Số quân Thanh còn lại theo Tổng binh Trương Triều Long chạy về hướng Thăng Long nhưng bị kỳ binh Tây Sơn đón đường làm cho khiếp sợ chạy dạt về hướng tây. Khi qua cầu Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nộị) gặp đội tượng binh của Đô đốc Bảo chặn trước mặt, sau lưng đại quân Tây Sơn đang truy kích tới. Quân Thanh bị dồn vào Đầm Mực (Phía tây làng Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) và bị voi Tây Sơn giày đạp chết hàng vạn tên, trong đó có Tổng binh Trương Triều Long. Như vậy chỉ một buối sáng ngày 5 tết Kỷ dậu, quân Tây Sơn đã phá tan cứ điểm Ngọc Hồi, tiêu diệt 3 vạn tên địch, trong đó có 3 danh tướng cao cấp của nhà Thanh, đập nát tuyến phòng thủ phía nam, mở toang cánh cửa vào Thăng Long.

   Trong khi đạo quân chủ lực đang quyết chiến ở mặt trận phía nam Thăng Long thì sáng 5 tết, khi trời còn tối, đạo quân do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy đã vượt sông Tô Lịch tiến đánh đồn Khương Thượng. Trong phút chốc 5.000 quân Thanh bị diệt. Sầm Nghi Đống rút lên núi Loa Sơn cầm cự. Nhân dân Thăng Long đem rơm rạ chất cao như núi quanh đồn Khương Thượng mà đốt tạo nên thế trận rồng lửa dữ dội. Bốn bề lửa cháy rực trời, tiếng reo hò chém giết dậy đất. Quân Thanh tan vỡ bị chém giết, phần tự dẫm đạp lên nhau mà chết. Thế cùng lực kiệt, Sầm Nghi Đống treo cổ tự sát.  Đội thân binh của Sầm tự sát theo chủ vài trăm tên.  Đồn Khương Thượng với vài vạn tên địch hoàn toàn bị tiêu diệt. Quân Tây Sơn thừa thắng tiêu diệt luôn đồn Yên Quyết (Nam Đồng, Hà Nội) và tràn vào cửa tây nam Thăng Long. Sự thần tốc xuất hiện của quân Tây Sơn uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị làm cho Nghị hoảng loạn. Dù trong tay còn gần 20 vạn quân mà Nghị sợ mất mật, người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp thắng yên, dẫn bọn cận vệ qua cầu phao nhằm hướng Bắc bỏ chạy. Gần 20 vạn quân Thanh ở các doanh nghe tin chủ tướng bỏ chạy cũng tự tan vỡ tranh nhau qua cầu phao rơi xuống sông chết vô kể. Tôn Sĩ Nghị sợ quân Tây Sơn qua cầu đuổi theo ra lệnh chặt cầu làm hàng vạn quân Thanh rơi xuống nước chết, xác lấp kín sông Nhị Hà làm tắc nghẽn dòng chảy của nước. Tàn quân Thanh và Tôn Sĩ Nghị chạy đến Phượng Nhãn bị quân của Đô đốc Lộc chặn đánh tan tác phải chạy dạt vào rừng. Tôn Sĩ Nghị bỏ hết mọi thứ kể cả sắc thư, kỳ bài, quân ấn chủ soái của vua Thanh ban để chạy. Nghị cùng viên bí thư riêng là Trần Nguyên Nhiếp chạy 7 ngày 7 đêm nhịn đói nhịn khát mới về được Trấn Nam Quan. Cảnh chạy trốn đó làm cho miền biên ải phía nam Trung Quốc rung động. Từ Nam Quan về Bắc già trẻ, trai gái dắt díu bồng bế nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm lặng ngắt không một bóng người.

 Đạo quân Thanh ở Hải Dương cũng bị quân Tây Sơn tiêu diệt.  Đạo quân của Ô Đại Kinh hoảng loạn tháo chạy. Trong 5 ngày chiến đấu, Quang Trung đã tiêu diệt gần như toàn bộ 29 vạn quân và hàng loạt các tướng lĩnh cao cấp dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu của nhà Thanh. Đề đốc kiêm phó tướng Hứa Thế Hanh, Phó tướng Hình Đôn Hạnh, các Tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Lý Hoá Long, tri phủ Sầm Nghi Đống, các tham tướng Dương Hưng Long, Vương Tuyên, Anh Lâm và hàng chục viên quan cao cấp khác tử trận. Chiến thắng oanh liệt này của quân Tây Sơn đã đập tan mộng cướp nước, đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long và miền Bắc, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Chiến thắng Ngọc Hồi-Thăng Long đã kết thúc vĩnh viễn sự xâm lược của phong kiến Phương Bắc đối với nước ta.

   Như vậy sau 18 năm bùng nổ và phát triển, từ cuộc khởi nghĩa ở địa phương Bình Định, phong trào nông dân Tây Sơn lan rộng thành cuộc chiến tranh cách mạng nông dân có qui mô toàn quốc , lập nên những chiến công hiển hách, những sự nghiệp vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Nguyễn Hụê, quân Tây Sơn đã lật đổ các tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn, khôi phục lại nền thống nhất đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt, đập tan các cuộc xâm lược có qui mô lớn của quân Xiêm ở phía Nam, của quân Thanh ở Phía Bắc, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ, nâng địa vị Đại Việt lên hàng uy tín ở Đông Nam Á, buộc nước phong kiến lớn nhất châu Á là Trung Hoa dưới vương triều Càn Long phải khâm phục, nể trọng. Phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn nổi dậy làm nhiệm vụ giai cấp đã vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc (thống nhất đất nước, đánh bại các thế lực ngoại xâm). Phong trào nông dân Tây Sơn là một trong những phong trào hi hữu của phong trào nông dân thế giới giải quyết trọn vẹn cả hai nhiệm vụ trên.

(Còn nữa)

CVL