Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 29)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 29.

Lời kêu gọi của vua Hàm Nghi đã dấy lên một phong trào chống Pháp mạnh mẽ ở Bắc và Trung kỳ: Phong trào Cần Vương. Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Duy Cung, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận, Phạm Toản hoạt động ở Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định. Lê Trung Đình, Nguyễn Tú Tân, Nguyễn Bá Loan, Trần Văn Dự, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hàm đánh Pháp ở Quảng Ngãi, Quảng Nam. Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Nguyễn Tự Như, Trương Đình Hội, Đặng Hữu Phổ, Hoàng Văn Phúc hoạt động ở Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên. Nghĩa quân của Lê Ninh, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ, Phạm Cát Thu, Nguyễn Đôn Tiết, Nguyễn Hanh, Đinh Nha Hạnh, Nguyễn Phương, Phan Đình Phùng-Cao Thắng, Trần Xuân Soạn, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Cao Điền đánh Pháp ở Hà Tĩnh, Nghệ An,  Thanh Hoá. Ở Thái Bình, Nam Định có nghĩa quân Tạ Hiên, Lã Xuân Uy, Đỗ Huy Liệu, Vũ Đức Lợi, Nguyễn Đức Huy. Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao, Đốc Tích hoạt động ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh. Ở  Phú Thọ có nghĩa quân Trần Văn Giáp. Vùng Tây bắc có nghĩa quân Nguyễn Quang Bích. Phong trào Cần Vương bắt đầu từ năm 1885 kéo dài cho đến hết thế kỷ XIX, kể cả sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (1-11-1888). Trong đó khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hoá), khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên), khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) là tiêu biểu nhất cho phong trào Cần Vương rộng lớn.

vua-ham-nghi-nam-1900-1674398019.jpg

Vua Hàm Nghi năm 1900. Nguồn: vi.wikipedia.org

 
 
 

 

Khởi nghĩa Ba Đình do Phạm Bành (Quê ở Thanh Hoá), Đề đốc Đinh Công Tráng (quê ở Hà Nam) và Nguyễn Khế lãnh đạo. Nghĩa quân dựa vào 3 làng Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh (Nga Sơn-Thanh Hoá) xây dựng thành cứ điểm Ba Đình. Từ tháng 12 năm 1886 đến tháng 1 năm 1887, 300 nghĩa quân anh dũng chiến đấu bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của 3.520 lính Pháp, 25 đại bác và 4 pháo hạm dưới sự chỉ huy của viên đại tá Bơ rít sô, tiêu diệt hàng trăm lính Pháp khiến dư luậnPháp  xôn xao. Pháp phải dùng chiến thuật đào hào qua cánh đồng lúa chiêm lầy lội, từng bước tiến vào căn cứ Ba Đình rồi dùng xăng dầu đốt luỹ tre, Ba Đình biến thành biển lửa. 150 nghĩa quân và tướng Nguyễn Khế hy sinh. Đinh Công Tráng mở đường máu rút về Mã Cao. Năm 1887 Đinh Công Tráng hi sinh, khởi nghĩa thất bại.

   Khởi nghía Bãi Sậy (1885-1892) do Nguyễn Thiện Thuật (quê ở Hưng Yên) lãnh đạo. Nghĩa quân xây dựng căn cứ ở Bãi Sậy thuộc các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Mỹ Hào (Hưng Yên). Đây là cứ điểm kháng Pháp mạnh nhất miền Bắc, khống chế quốc lộ 5 (Hải Phòng-Hà Nội) và quốc lộ 39 (Hà Nội-Hưng Yên-Thái Bình). Về tổ chức, các thủ lĩnh có quân đội riêng ở các nơi nhưng đều chịu sự chỉ huy chung của Nguyễn Thiện Thuật: Nguyễn Đức ở Hải Dương, Lãnh Giang, Hai Kế ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Lưu Kỳ ở Lục Nam, Đốc Tích ở Quảng Yên, Đề Quí ở Hải Phòng, Tạ Hiện ở Thái Bình. Với chiến thuật du kích, nghĩa quân đã chiến thắng quân Pháp nhiều trận ở Trại Sơn, Thuỷ Động (Bắc Giang), trận diệt đồn Binh Phú, Sài Trang (Mỹ Hào (Hưng Yên) bắt và diệt nhiều binh lính sĩ quan Pháp. Pháp đối phó bằng chiến thuật lập hệ thống đồn bốt dày đặc kiểm soát từng địa phương, cắt đứt sự liên lạc giữa nghĩa quân với nhân dân. Mặt khác Pháp cử tên việt gian Hoàng Cao Khải dẫn đường có thuỷ binh và pháo binh yểm trợ mở cuộc tấn công lớn vào Bãi Sậy và tiêu diệt từng đạo nghĩa quân ở các địa phương. Ngày 12 tháng 8 năm 1889 pháp tiêu diệt được đạo quân Đốc Tích ở Hai Sông (Đông Triều). Khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại.

   Khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh 1885-1896) do Phan Đình Phùng (quê ở Hà Tĩnh) lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất, lâu dài nhất của phong trào Cần Vương. Tham gia nghĩa quân có các tướng lĩnh xuất sắc như Cao Thắng, Nguyễn Chanh, Cầm Bá Thước. Nghĩa quân dựa vào rừng núi hiểm trở Hương Khê (Hà Tĩnh) làm căn cứ nhưng địa bàn hoạt động của nghĩa quân bao gồm cả Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình. Nghĩa quân được tổ chức chặt chẽ, chia làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ gồm 100-150 người mặc đồng phục,  do một tướng chỉ huy. Nghĩa quân tấn công địch bằng chiến thuật du kích: Phục kích các đường giao thông, tiêu diệt các đồn lẻ. Nghĩa quân tấn công tỉnh lỵ Hà Tĩnh giải phóng 70 tù chính trị, bắt sống tuần phủ Đinh Nho Quang, tay sai đắc lực của Pháp. Pháp thi hành chính sách khủng bố nhân dân. Xây dựng đồn bốt bao vây căn cứ, cắt đứt đường tiếp tế của nghĩa quân. Năm 1893 để phá  thế bao vây của địch,  Cao Thắng dẫn quân đánh ra Nghệ An nhưng ông  hy sinh. Năm đó ông mới 29 tuổi. 26 tháng 10 năm 1894 nghĩa quân mai phục ở núi Vụ Quang tiêu diệt 100 lính và 3 sĩ quan Pháp. Pháp mở những cuộc tấn công lớn. 28-12-1895 Phan Đình Phùng mất tại Núi Quạt. Địch dùng 300 quân càn quét vào căn cứ. Khởi nghĩa đến đây thất bại. Phan ĐìnhPhùng là người yêu nước điển hình của phong trào Cần Vương. Khởi nghĩa tồn tại lâu dài do biết sáng tạo và biết dựa vào nhân dân. Sau Hương Khê, phong trào Cần Vương chấm dứt nhưng nhiều nhà Nho yêu nước vẫn nổi dậy đánh Pháp như Võ Trứ, Kỳ Đồng, Mạc Đỉnh Phúc, Vương Quốc Chính.

   Giai cấp nông dân ngoài tham gia vào phong trào Cần Vương do các sĩ phu, văn thân yêu nước lãnh đạo còn tự mình đứng lên chống Pháp xâm lược. Nhiều thủ lĩnh nông dân tự xưng cai, đề, đội, đốc lãnh binh để lấy danh nghĩa tập hợp nông dân. Ba Su ở Nha trang, Nguyễn Sĩ, Đội Quyền, Nguyễn Hợp ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Cai Bình, Cai Biểu, Đề Hoan, Đề Nắm, Đề Thám, Đề Kiều ở Bắc Giang, Đốc Quế, Đốc Sung, Đốc Mỹ, Lãnh Điềm, Hai Tước, Đốc Túc, Quản Kỳ, Đội Văn, Lãnh Giới, Lãnh Giám, Lãnh Thiết ở Bắc Ninh, Hưng Yên. Nghĩa quân của Đề Hinh, Đốc Bom, Đốc Thu, Ba Báo hoạt động ở Hải Dương. Ở Vĩnh Yên có Đốc Khoát, Lãnh Giang, Đốc Két. Lãnh Cồ, Đề Thanh, Cai Văn, Tư Huỳnh, Hoàng Công Vinh hoạt động ở Sơn Tây. Ở Phú Thọ có nghĩa quân Lãnh Tanh, Đội Khoát, Tán Rật, Lãnh Đa, Lãnh Tùng, Đốc Tòng, Đề Thương, Đốc Thực. Ở Tuyên Quang có quân của Quản Tha. Ở Hoà Bình có Đề Kiều, Đốc Ngữ, Đốc Đức, Đốc Dung, Đội Dục. Nghĩa quân của Quản Báo, Lãnh Pha, Lãnh Hi, Đốc Nghi hoạt động ở Đông Triều Quảng Ninh.

   Trong số các cuộc khởi nghĩa nông dân, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Đề Thám (Trương Văn Thám quê ở Hưng Yên) lãnh đạo bùng nổ vào năm 1885. Yên Thế trở thành một căn cứ chống Pháp mạnh nhất thời kỳ đó, gây cho Pháp nhiều khó khăn trong công cuộc bình định. Từ Yên Thế nghĩa quân tỏa xuống đồng bằng, sang Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên. Yên Thế không chỉ có công sự  phòng thủ vững chắc mà nghĩa quân còn tỏa ra hoạt động du kích khắp nơi. Từ năm 1887 đến năm 1895 nghĩa quân chống càn quét, tiêu hao sinh lực địch. Nghĩa quân chiến thắng những trận vang dội: trận Cao Thượng, Hữu Nhuế năm 1890, trận Hữu Nhuế lần 2 năm 1894 giết toàn bộ ban chỉ huy chiến dịch của Pháp. Nghĩa quân còn chặn đánh các đoàn tàu. Tháng 9 năm 1894 nghĩa quan bắt được tên Secnây địa chủ Pháp, chủ nhiệm báo”Tương lai Bắc kỳ”. Để chuộc Séc Nây, Pháp phải giảng hoà với nghĩa quân Yên Thế với điều kiện bỏ ra 15.000 đồng tiền chuộc, phải để cho Đề Thám làm chủ 4 tổng Yên Thế.

    Sau một năm đình chiến, cuối tháng 11 năm 1895 Pháp  tấn công Yên Thế với lược lượng của các quân binh chủng bộ binh, thuỷ binh, pháo binh nhưng Pháp bị thiệt hại phải giảng hoà lần thứ hai vào năm 1897.

   Ngày 29 tháng 1 năm 1909 Pháp mở cuộc tấn công đại qui mô do viên đại tá Ba Tay chỉ huy phối hợp với tên việt gian Lê Hoan. Nghĩa quân Yên thế chiến đấu dũng cảm nhưng các tướng lĩnh lần lượt hi sinh. Hoàng Hoa Thám chạy về miền núi Tam Đảo ( Thái Nguyên ) và bị một tên phản bội giết hại. Khởi nghĩa Yên Thế thất bại sau 24 năm tồn tại.

  Không chỉ người Kinh mà đồng bào dân tộc thiểu số cũng đứng lên chống Pháp anh dũng. Người Thượng,  người Khơ me tham gia chiến đấu trong các cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định, Trương Quyền, Thiên Hộ Dương ở Nam kỳ.  Các thủ lĩnh người Thượng như Nơ tơ roong, An ma giơ hao, A ma van lãnh đạo người Thượng nổi dậy ở Tây Nguyên . Ở Bắc và Trung Kỳ, đồng bào thiểu số theo ngọn cờ của các thủ lĩnh của họ nổi dậy. Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao lãnh đạo người Mường, người Thái ở Thanh Hoá, Hoà Bình. Người Thái ở Sơn La, Lai Châu nổi dậy với sự chỉ huy của Đèo Văn Toa. Cầm Văn Thanh, Cầm Văn Hoan, Thào Chếnh Lù, Đặng Trúc Thành chỉ huy người Mèo và người Dao khởi nghĩa ở Yên Bái. Hà Cốc Thượng nổi dậy với người Mèo ở Hà Giang, Tuyên Quang. Ở Đông Triều có nghĩa quân người Hoa của Lưu Kỳ.

(Còn nữa)

CVL