Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 26)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 26.

Vương triều Nguyễn khước từ tất cả mọi đề nghị mở cửa buôn bán của các nuớc phương Tây, cự tuyệt mọi đề nghị cải cách của các văn thân, sĩ phu thức thời, muốn đưa nước nhà tới hùng mạnh. Kết quả của chính sách “bế quan toả cảng” mù quáng đó là Việt Nam vào thế kỷ XIX vẫn không ra đời được nền kinh tế hàng hoá và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, do đó không ra đời được những giai cấp mới như tư sản và vô sản, tức là không có những tiền đề cho một cuộc cách mạng tư sản giải thể chế độ phong kiến, đưa Việt Nam lên con đường tư bản chủ nghĩa, một chế độ tiên tiến của thời đại khi đó. Việt Nam vẫn bị các thế lực tham lam, ích kỷ phản động giam hãm trong vòng lạc hậu với nền kinh tế nông nghiệp tiêu điều, quốc phòng suy yếu, tư tưởng bảo thủ, viễn vông, xa rời thực tế của Nho học. Sự suy yếu lạc hậu của Việt Nam đúng vào thời điểm các nước Âu –Mỹ đã hoàn thành cách mạng tư sản, đẩy mạnh công nghiệp hoá, tiến lên con đường tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa, đẩy mạnh việc xâm lược các nước châu Á, châu Phi làm  thuộc địa. Việt Nam đứng trước nguy cơ mất nước trước sự bành trướng, xâm lược của chủ nghĩa tư bản Phương Tây. 

d1-h-9-glphucquoc2-result-1674141223.jpg
 

Tranh Vua Gia Long. Nguồn: Internet.

 

Những cuộc khởi nghĩa nông dân dưới vương triều Nguyễn: Chính sách bóc lột, thống trị tàn bạo của vương triều Nguyễn làm cho mâu thuẫn giữa nông dân với chế độ phong kiến ngày càng gay gắt. Chưa có một vương triều nào trong lịch sử Việt Nam vừa mới thành lập đã bị nông dân chống lại kịch liệt như vương triều Nguyễn. Ngay từ thời Gia Long từ 1802 đến 1812 khởi nghĩa nông dân đã bùng nổ khắp từ Nam đến Bắc với 70 cuộc nổi dậy. Đến đời vua Minh Mệnh kế vị Gia Long từ 1820 đến 1840 có 200 cuộc nổi dậy lớn nhỏ. Thời Thiệu Trị từ 1841 đến 1847 chỉ 7 năm có 50 cuộc khởi nghĩa. Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu là khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827) ở Thái Bình, khởi nghĩa của Nông Văn Vân vốn là tri châu Bảo Lạc (Cao Bằng). Ông xưng là Tiết chế thượng tướng quân, kêu gọi đồng bào thiểu số chống lại triều đình. Cao Bá Quát nhà Nho, nhà thơ nổi tiếng đương thời đã phất cờ chống lại triều đình năm 1854-1855. Ở miền Nam có cuộc khởi nghĩa lớn của Lê Văn Khôi. Tất cả các cuộc khởi nghĩa đều bị triều đình nhà Nguyễn đàn áp thất bại. Ách thống trị ích kỷ tàn bạo của nhà Nguyễn đẩy nhân dân đối lập với nhà nước. Triều đình Nguyễn mất chỗ dựa là nhân dân và toàn dân tộc.

VIII: Văn hoá Việt Nam thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX: Văn học: Bên cạnh văn học chữ Hán, thế kỷ XVI, XVII, XVIII đánh dấu sự phát triển rực rỡ của văn học chữ Nôm. Các nhà thơ chữ Nôm nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Đào Duy Từ. Thời gian này còn xuất hiện chuyện dài bằng chữ Nôm: “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, chép lịch sử dân tộc bằng thơ chữ Nôm mang tính chất sử thi như “Đại Nam quốc sử diễn ca”, “Thiên Nam ngữ lục” thế kỷ XVI dài tới 8.000 câu thơ lục bát kể truyện từ thời Hồng Bàng tới triều Mạc. Thế kỷ XVIII thơ Nôm của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng và táo bạo. “Truyện Kiều’ của Nguyễn Du (1765-1820) là đỉnh cao nhất của việc dùng chữ Nôm sáng tác thơ ca. “Truyện Kiêù” thành kiệt tác của văn học Việt Nam và văn học thế giới. Xuất hiện truyện dài thơ chữ Nôm không rõ tên tác giả (khuyết danh): Phan Trần, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoàng Trừu, Thạch Sanh. Thể thơ lục bát, song thất lục bát đặc biệt phát triển trong các thế kỷ này.

Bên cạnh việc phát triển của văn thơ chữ Nôm, thơ văn chữ Hán vẫn tồn tại. Nguyễn Du còn là tác giả nhiều bài thơ chữ Hán lỗi lạc, Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ.

Thơ văn Hán, Nôm chứa đựng nhiều nội dung phong phú, phản ánh cuộc sống sản xuất và đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, đấu tranh cho tự do, công lý, đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, đấu tranh cho tình yêu đôi lứa, nêu lên đạo lý làm người, đức tính thủy chung, tín nghĩa. Thơ văn Hán, Nôm mang hơi thở nóng bỏng, gấp gáp của thời đại đầy biến loạn,  đau thương, bất công ngang trái. Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn lấy chữ “Nhàn” và chữ “Ẩn” làm chỗ dựa cho tinh thần đang sụp đổ trước sự rối ren của thời cuộc. Thế kỷ XVIII, văn học chữ Nôm chiếm ưu thế trên văn đàn, có giá trị bậc nhất về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Khuynh hướng hiện thực chứa chan tinh thần nhân đạo phát triển mạnh mẽ. Các tác phẩm tố cáo xã hội đương thời thối nát, chỉ trích mạnh mẽ vua quan, cường hào thối nát, tàn bạo. Các tác phẩm đã đặt vấn đề quyền sống, đòi những giá trị chân chính, đòi giải phóng con người khỏi mọi áp bức, nêu lên những ước mơ, khát vọng chân chính của con người.

Văn học đã đề cập đến số phận của người phụ nữ tài sắc bị xã hội vùi dập, lên án chiến tranh gây ra bao thảm hoạ đau khổ mất mát cho nhân dân, trong đó đau khổ nhất là ngưòi phụ nữ có chồng đi chinh chiến.

Bên cạnh văn học chữ viết có giới hạn thì văn học dân gian các thế kỷ XVI, XVII, XVIII vô cùng phong phú về thể loại, nội dung, phản ánh sâu rộng nguyện vọng của nhân dân. Những tục ngữ, ca dao, truyện khôi hài, trào phúng, tiếu lâm đã phản ánh trung thực cuộc sống lao động chiến đấu, tư tưởng tình cảm tâm hồn của người Việt Nam, đúc kết những kinh nghiệm vô giá trong sản xuất, trong đối nhân xử thế, là vũ khí sắc bén của nhân dân trong đấu tranh chống áp bức bóc lột. Các truyện “Trạng Quỳnh”, “Trạng Lợn” nêu lên tài trí của nhân dân. Văn học dân gian khai chiến với toàn bộ giai cấp thống trị, nho sĩ, quan lại, vua chúa, là đề tài, là nguồn sữa nuôi dưỡng cho văn học viết phát triển trưởng thành. Văn học dân gian thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, sức sáng tạo phong phú của nhân dân.

Thế kỷ XVI, XVII, XVIII cũng là các thế kỷ phát triển của nghệ thuật dân gian cổ truyền: ca múa nhạc, tuồng, chèo, trong dân gian có những gánh hát chèo lưu động, hát ả đào, hát trống quân, hát ví, hát cò lả, quan họ (Bắc Ninh), hát xoan (Phú Thọ), hát dậm (Hà Nam), hát giậm (Nghệ-Tĩnh), ca, hò, lý (miền Trung, miền Nam), hát tài tử-cải lương (Nam Bộ). Ca múa nhạc các dân tộc ít người cũng phát triển. Dân tộc Tày-Nùng có hát si, hát lượn, dân tộc Thái có hát khắp, múa xoè, người Tây Nguyên có hát khan.

Còn có ca múa nhạc cung đình phục vụ cho triều đình Lê-Trịnh-Nguyễn.

 Cuối Lê, nghệ thuật hội họa điêu khắc phát triển, vẽ tranh chân dung, tranh sinh hoạt tôn giáo ở các đình chùa. Tranh dân gian với các đề tài sinh hoạt, sự tích các anh hùng. Nghệ thuật tạc tượng phát triển với trình độ điêu luyện như tượng ở chùa Tây Phương: tượng Tuyết Sơn và 18 vị tổ là một điển hình mẫu mực. Kiến trúc các thế kỷ này vẫn kế thừa truyền thống kiến trúc cổ truyền. Tuy nhiên kiến trúc thời Nguyễn mô phỏng nhiều kiến trúc Trung Hoa và pha lẫn kiến trúc vô băng của Pháp.

Khoa học lịch sử các thế kỷ này đặc biệt phát triển. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô gia văn phái viết tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” mô tả sự đổ nát của triều Lê, nêu lên tính phức tạp của các mâu thuẫn xã hội, mô tả sức mạnh của nông dân đang vùng dậy làm cho cục diện xã hội thay đổi. Các tác phẩm của Phan Huy Chú “Lịch triều hiến chương loại chi”, Lê Quí Đôn: “Phủ biên tạp lục” v. v.  là những tác phẩm tiến bộ, mô tả nhiều mặt của cuộc sống xã hội. Quốc sử quán triều Nguyễn  biên soạn nhiều bộ sử lớn: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, 52 quyển, “Đại Nam thực lục” gồm 444 quyển. Khoa học quân sự cũng ra đời, các tác giả đã đúc kết lý luận quân sự: “Hổ trướng khu cơ” bộ binh pháp nổi tiếng của Đào Duy Từ (1572-1634). Ông không chỉ là nhà quân sự mà còn là nhà thơ, nhà văn, nhà kiến trúc tài giỏi. Nhiều tác phẩm đặt nền tảng cho khoa học địa lý nước nhà như : “Nhất thống địa dư chí”  của Lê Quang Định, “Phương Đình địa dư chí” của Nguyễn Văn Siêu, “Hoàng Việt dư địa chí” của Phan Huy Chú. Các tác phẩm này đã nêu lên sự phong phú tươi đẹp toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Địa lý địa phương cũng được các học giả nghiên cứu, “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch, “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức.

(Còn nữa)

CVL