Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 47)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 47.

Toàn bộ chiến dịch ta đã tiêu diệt 3.300 tên địch, thu 8.000 súng, phá huỷ 18 máy bay, 255 xe các loại, 5 ca nô, 3 tàu chiến . Chiến thắng Việt Bắc có ý nghĩa vô cùng to lớn, ta đã đánh bại âm mưu của địch nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta. Thất bại này đã làm cho chiến lược nhanh chóng kết thúc chiến tranh của Pháp sụp đổ, buộc địch phải đánh lâu dài . Đánh lâu dài là bất lợi cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa, xâm lược, so sánh lược lượng lâu dài sẽ không có lợi cho Pháp, đẩy Pháp đến thất bại. Chiến thắng Việt Bắc đã cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân ta. Quân dân ta càng thêm tin tưởng vào tất yếu tháng lợi của cuộc kháng chiến. Việt Bắc đánh dấu sự thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và Pháp. Sau Việt Bắc cuộc kháng chiến của ta phát triển lên một bước, ta lớn mạnh về mọi mặt. Pháp gặp khó khăn không chỉ về quân sự mà cả về chính trị, kinh tế do cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Đông Dương mang lại .

bachochiaochiendichbiengioi-1675933011.jpg

Sáng sớm 16/9/1950, từ vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông (cách Đông Khê 11 km đường chim bay), Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. (Ảnh tư liệu)

 

 

-Chiến dịch Biên giới 1950: Tháng 10-1949 cách mạng Trung Quốc do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo thu được thắng lợi to lớn, lật đổ chế độ của địa chủ tư sản Tưởng Giới Thạch, thành lập nứơc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Trong tình hình thuận lợi đó, ta chủ trương mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng biên giới, nối nước ta với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, qua đó nối nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và các nước Đông Âu, phá thế bao vây của đế quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Mở chiến dịch Biên giới ta còn nhằm mở thông hành lang Đông-Tây, nối thông giữa Nam và Bắc bộ liên khu Ba và Việt Bắc .

          Mở đầu chiến dịch Biên giới, ngày 16-9-1950 ta tấn công Đông Khê (Cao Bằng). Trận chiến diễn ra quyết liệt. Sau hai ngày đêm chiến đấu, 10 giờ ngày 18-9-1950 ta tiêu diệt Đông Khê, diệt 300 tên địch, thu toàn bộ vũ khí .

          Đêm 30-9-1950, Pháp cử Binh đoàn Lơpagiơ từ Thất Khê lên nhằm chiếm lại Đông Khê. Sáng 1-10 Binh đoàn Lơpagiơ bị chặn đánh và không thực hiện được mục đích chiếm lại Đông Khê. Ngày 3 và 4 tháng 10  trên đường rút từ Cao Bằng về nam Đông Khê, Binh đoàn Lơpa giơ lại bị ta chặn đánh. Chiều 8-10 toàn bộ Binh đoàn này bị ta tiêu diệt, Lơ pagiơ cùng toàn bộ Bộ tham mưu bị ta bắt sống  ở Nà Cao, cách Cốc Xá 4 km. Cũng ngày 7 tháng 10 năm 1950 Binh đoàn Sác tông bị ta tiêu diệt ở Bản Cả.

          Bị thất bại, ngày 20-10-1950 quân Pháp lần lượt rút khỏi thất khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Cả, An Châu. Như vậy chiến dịch Biên giới bắt đầu từ 15-9 đến 17-10-1950 thì kết thúc. Ta tiêu diệt 11.500 tên địch, hai đại tá Lơpa giơ và Sác tông, 91 sĩ quan, 200 hạ sĩ quan, thu 11 đại bác, 3.000 súng, 60 xe tải, 500 tấn đạn dược, giải phóng 750 km đường biên giới, 4.000 km2 đất, 35 vạn dân; nối thông nước ta với phe xã hội chủ nghĩa, phá thế bao vây cô lập cách mạng nước ta của chủ nghĩa đế quốc. Thắng lợi của chiến dịch Biên giới đã mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, bẻ gãy hành lang Đông-Tây của Pháp. Chiến dịch Biên Giới minh chứng sự trưỏng thành của quân đội ta về nhiều mặt: Sự chỉ đạo chiến tranh, khả năng huy động nhân vật lực cho một chiến dịch lớn. Chiến dịch Biên Giới làm thay đổi hình thái chiến tranh trên chiến trường chính Bắc Bộ. Ta chuyển từ chiến tranh du kích sang chiến tranh chính qui, giành quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc bộ. Địch chuyển sang thế phòng ngự bị động nhưng chưa phải là đã yếu hẳn mà trái lại địch đang ra sức củng cố lực lượng mong giành lại quyền chủ động chiến lược .

          Sau thất bại Biên Giới, tháng 12-1950, Pháp cử danh tướng pháp trong Đại chiến thế giới thứ II Đờlat Đơtát xi nhi sang nhận chức Tổng chỉ huy quân đội Pháp  ở Đông Dương. Chủ trương của Tát xi nhi là tăng quân số, xây lô cốt ngầm và công sự ngầm bằng xi măng cốt sắt rất kiên cố, mở các cuộc càn quét qui mô lớn để bình định củng cố đồng bằng, tăng cường nguỵ quân, củng cố nguỵ quyền .

          Ta chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch tạm thời chiếm đóng để phá tan âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt của địch. Ở vùng tạm chiếm, ta đẩy mạnh công tác dân vận, nguỵ vận và chiến tranh du kích. Phối nhợp với chiến tranh du kích, ta mở các chiến dịch lớn để tiêu diệt sinh lực địch, phá tan kế hoạch củng cố trung du và đồng bằng của địch. Thực hiện chủ trương đó, ta mở ba chiến dịch ở trung du và đồng bằng: Chiến dịch Trần Hưng Đạo tấn công Vĩnh Yên, Phúc Yên từ ngày 25-12-1950 đến 13 -1 -1951. Kết quả ta tiêu diệt 2.555 tên địch, bắt sống 1.577 tên và thu nhiều vũ khí. Ngày 13-3-1951 ta mở chiến dịch Hoàng Hoa Thám, đánh xuống đường số 18, uy hiếp đường 5, cảng Hải Phòng và vùng mỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ta mở chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh ) bắt đầu từ ngày 28-5-1951 ta tấn công vào thị xã Ninh Bình.  Ngày 5 -6-1951 kết thúc chiến dịch, ta tiêu diệt 1.254 tên, làm bị thương 630 tên, bắt sống 796 tên. Qua ba chiến dịch lớn 1951 ta vẫn giữ được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Tuy nhiên ta chưa phá được phòng tuyến của địch, chưa thay đổi được tình thế ở đồng bằng Bắc Bộ

          Ngày 10 -11-1951 Đơ Tát xi nhi mở chiến dịch Hoà Bình nhằm chiếm lại Hoà Bình, chặn đường tiếp tế của ta giữa các liên khu, giữa Bắc và Nam chiến trường Bắc Bộ, tiêu diệt sinh lực của ta,  giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Ngày 18-11-1951 ta chủ trương phản kích buộc địch phải rút khỏi Hoà Bình. Ngày 23-2-1952 ta truy kích diệt 6 đại đội  và 23 xe tăng, xe bọc thép và ô tô địch. Thất bại trên đường số 6 là nỗi kinh hoàng cho quân đội viễn chinh Pháp. Ngày 5-3-1952 chiến dịch Hoà Bình kết thúc. Kết quả cả chiến dịch Hoà Bình và Đồng Bằng ta tiêu diệt 21.200 tên địch, phá tan âm mưu của Pháp nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, làm tan rã hậu phương địch, làm thay đổi hình thế của chiến trường chính Bắc Bộ, biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta.    Qua các chiến dịch trên ta rút ra được phương hướng chiến lược là  tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để buộc địch phân tán và tiêu diệt chúng, mở rộng vùng tự do. Theo phương châm chiến lược đó, tháng 10-1952 ta mở chiến dịch Tây Bắc đánh vào nơi yếu lực lượng nhưng rất quan trọng về chiến lược của địch, tiêu diêt sinh lực địch, giải phóng một phần Tây Bắc. Kết quả ta tiêu diệt 13.500 tên địch, phá vỡ hệ thống ngụỵ quân, giải phóng 9/10 đất đai Tây Bắc. Chiến thắng của ta làm cho tinh thần quân đội viễn chinh Pháp, nguỵ quân, nguỵ quyền dao động sụp đổ. Nhân dân ta càng tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến .

          Tháng 4 -1953 quân đội Việt Nam cùng quân đội Pha Thét Lào mở chiến dịch Thượng Lào, diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa và phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng, tạo cho nhân dân Lào có một căn cứ kháng chiến rộng lớn và vững chắc .

          Cùng với chiến thắng về quân sự, 1952-1953 ta thu được những thắng lợi to lớn về kinh tế văn hoá giáo dục, thực hiện cách mạng dân chủ: Chống phong kiến, triệt để giảm tô, giảm tức, bước đầu cải cách ruộng đất  đem lại quyền lợi cho nông dân, bồi dưỡng sức dân để góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến thắng lợi .

Cuộc tấn công chiến lược đông xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ.  Kế hoạch quân sự Na Va của Pháp: Những thất bại và khó khăn của Pháp: Sau 8 năm chiến tranh, cục diện cuộc chiến ở Đông Dương đã có những chuyển biến quan trọng, ta giữ được thế chủ động, địch lâm vào thế phòng ngự bị động. Những chiến thắng vang dội của ta đã làm cho địch hoang mang hoảng sợ. Pháp sa vào mâu thuẫn hầu như không khắc phục được,  giữa phân tán binh lực để giữ đất và tập trung quân để tấn công. Theo số liệu của tướng Na Va việc phân tán quân chiếm giữ đồn bốt đã chiếm 9/10 quân số Pháp ở Đông Dương, trong đó Pháp dùng 5 sư đoàn để chiếm đóng 1.000 vị trí ở đồng bằng Bắc Bộ. Phân tán đã làm cho quân đội Pháp giảm hẳn sức tập trung cơ động chiến đấu để tiêu diệt chủ lực ta. Thực dân Pháp khó khăn lớn về tài chính để theo đuổi cuộc chiến tranh. Theo số liệu của Quốc hội Pháp thì từ 1953 đến 1954 Pháp đã tiêu cho cuộc chiến tranh Đông Dương 2244 tỉ Frăng. Nền kinh tế Pháp bị Mỹ chi phối. Đời sống nhân dân Pháp bị sa suốt. Những nhân tố trên làm bất ổn về đời sống chính trị và xã hội Pháp. Tháng 8-1945, hơn 4 triệu công nhân viên chức bãi công chống Chính phủ. Từ 1946-1953, 18 chính phủ Pháp thay nhau sụp đổ. Ở Đông Dương, Pháp chết 39 vạn quân,  thay 6 Đại tướng Tổng chỉ huy, thay 3 Cao uỷ. Chính trị kinh tế Pháp càng phụ thuộc vào Mỹ. Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến Đông Dương. Mỹ chi đến 80% chiến phí cho cuộc chiến .

(Còn nữa)

CVL