Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 8)

02/01/2023 06:10

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 8.

II: KINH TẾ ĐẠI VIỆT THẾ KỶ X-XV

Cũng như chế độ phong kiến châu Á, chế độ phong kiến Đại Việt chủ yếu dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp, hơn 90 phần trăm cư dân là nông dân. Nông nghiệp là ngành kinh tế chính nuôi sống cả nước. Vì thế các triều đại khi còn thịnh vượng đều ra sức phát triển, bảo vệ nền kinh tế nông nghiệp.

Một trong những chính sách bảo đảm thúc đẩy nông nghiệp phát triển là chính sách ruộng đất vì ruộng đất là tư liệu sản xuất chính. Ruộng đất trong toàn quốc về danh nghĩa thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà vua. Quyền sở hữư ruộng đất giúp vua có quyền lực vô biên về chính trị. Thần dân chỉ có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng. Do đó tồn tại nhiều chế độ ruộng đất, tức là nhiều hình thức chiếm hữu, sử dụng.

d1abimage-171994-1672564172.jpg

Tranh Truyện Lịch Sử Việt Nam - Lê Hoàn - Cày Ruộng Tịch Điền. NXB Kim Đồng.

 

Nhà Tiền Lê (Lê Hoàn) là vương triều đầu tiên đem ruộng đất phân phong cho hoàng tộc và các đại thần có công để họ lập nên thái ấp. Đến nhà Lý chính sách này ngày càng hoàn thiện hơn. Trên danh nghĩa ruộng đất thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà vua, nhà vua có quyền đem một số hộ nông dân và ruộng dất  của công xã cấp cho quí tộc, quan lại để họ lập thái ấp. Chế độ cấp đất tính theo số hộ nông dân được gọi là đất thực phong thực ấp. Các hộ trong thái ấp thực phong thực ấp cày ruộng nộp tô thuế, đi lao dịch, binh dịch cho chủ đất được phong. Ví dụ,  Lý Thường Kiệt giữ chức Thái uý được cấp 4.000 hộ thực phong và 10.000 hộ thực ấp. Lý Bất Nhiễm tước hầu được cấp 1.500 hộ thực phong và 7.500 hộ thực ấp. Một số Đại thần có công lớn triều đình còn ban thưởng ruộng “Thác đao điền”.

Thái ấp thời Lý dù cấp cho chủ đất sử dụng nhưng vẫn bị triều đình chi phối. Việc thừa kế ruộng đất do nhà vua quyết định. Thái ấp có thể bị thu hồi. Nhà nước nghiêm cấm việc chủ đất biến nông dân trong thái ấp  của mình thành nông nô. Để có người phục dịch trong gia đình, chủ đất có thể nuôi một số gia nô (nô tì). Nhà vua nắm quyền sở hữu thái ấp, không cho chủ thái ấp biến nông dân thành nông nô là hai qui định quan trọng nhằm hạn chế quyền lực của người được phong cấp đất, không để họ biến thành lãnh địa cát cứ chống lại chính quyền trung ương, bảo vệ lực lượng sản xuất chính của xã hội là người nông dân. Cho nên  phong kiến Việt Nam không có lãnh địa thế tập như phong kiến Tây Âu. Trong thái ấp công xã nông thôn vẫn tồn tại, nông dân cày ruộng nộp tô, đi lao dich, binh dịch cho chủ thái ấp theo mức qui định của nhà nước.

Đại Việt thời Lý còn tồn tại ruộng đất công của công xã, loại ruộng đất này chiếm đại bộ phận trong nước. Công xã tức là đơn vị hương giáp. Công xã cấp ruộng cho những thành viên của mình cày cấy và nộp tô, thuế, đi lao dịch, đi lính cho nhà nước vì quyền sở hữư tối cao ruộng đất thuộc về nhà vua. Vua có quyền đem ruộng đất công xã và một số hộ trong đất đó cấp cho quan lại làm ruộng thực phong thực ấp.

Loại ruộng đất thứ 3 đời Lý là ruộng quốc khố thuộc quyền sở hữu và sử dụng của nhà nước. Nhà nước giao cho tù nhân,  tù binh cày cấy và nộp tô cho nhà nước. Tô của loạị ruộng này rất nặng so với ruộng của công xã và thái ấp. Ngoài ra, còn loại ruộng tư của địa chủ, của nông dân tự canh, mua bán ruộng đất dưới thời Lý diễn ra ngày càng phổ biến theo qui luật chiếm hữu tư nhân ngày càng phát triển.

Chính sách ruộng đất và các loại chiếm hữu ruộng đất dưới thời Trần cũng tương tự như thời Lý. Cái khác là ở đời Trần chế độ điền trang thái ấp phát triển mạnh do nhà nước dùng nhiều ruộng đất ban cấp cho hoàng tộc, quan lại, công thần, còn là do nạn quí tộc ra sức dùng mọi thủ đoạn cướp đoạt ruộng đất của nông dân. Chính sự phát triển mất cân đối này làm cho chế độ điền trang thái ấp cuối đời Trần, đời Hồ lâm vào cuộc khủng hoảng và diễn tiến thành cuộc khủng hoảng cục bộ, tạm thời của chế độ phongkiến Việt Nam cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV.

Sau khi chiến thắng quân Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, triều Hậu Lê được xây dựng trên cơ sở kinh tế địa chủ tá điền. Để đẩy mạnh chế độ tư hữu ruộng đất,  nhà Lê thi hành chế độ “Quân điền” ban hành năm 1429 đời Lê Thái Tổ. Chế độ này qui định dùng ruộng đất công của công xã chia cho quan lại và nông dân. Phần đất của dân ít hơn phần đất của quan lại. Quan tước vị và chức vụ thấp phần ruộng ít hơn quan có chức vụ và tước vị cao. Ví dụ một viên quan Tam phẩm được 11 phần thì một nông dân nghèo chỉ được 3 phần. Thời gian được cấp là 6 năm. Nông dân cày ruộng được chia nhưng phải nộp tô, đi lao dịch, binh dịch cho nhà nước. Với chính sách “Quân điền” nhà Lê vẫn bảo tồn công xã, tế bào của xã hội phong kiến, mặt khác khôn khéo lợi dụng công xã phục vụ cho lợi ích của nhà nước, biến công xã thành cơ sở để chính quyền bóc lột, công xã phải lệ thuộc vào nhà nước, nông dân công xã thành tá điền của nhà nước. Đây là một bước huỷ bỏ dần dần tính tự trị của công xã, đẩy nhanh quá trình phát triển của xã hội phong kiến Việt Nam.

Tiếp theo chính sách “Quân điền”, năm 1477, Lê Thánh Tông ban hành chính sách “Lộc điền”. Lộc điền là ruuộng đất của nhà nước ban cấp cho quan lại cao cấp từ tứ phẩm trở lên. Lộc điền bao gồm hai loại ruộng, một phần cấp vĩnh viễn cho chủ đất, một phần cấp sử dụng không vĩnh viễn. Sau ba năm chủ đất chết, phần không vĩnh viễn phải trả lại cho nhà nước. Ví dụ một thân vương nhất phẩm được ban cấp 218 mẫu, trong đó có 18 mẫu cấp vĩnh viễn, số còn lại là cấp không vĩnh viễn. Chế độ “Lộc điền” coi như lương bổng nhà nước cấp cho quan lại. Giống như nhà Lý, nhà Lê cũng qui định người được hưởng “Lộc điền” không được biến nông dân thành nông nô nhằm chống lại việc phát sinh lãnh địa thế tập phong kiến cát cứ, bảo đảm quyền lực vĩnh viễn của trung ương, buộc tầng lớp địa chủ mới này phải lệ thuộc vào nhà nước, bảo vệ nông dân, bảo vệ lực lương sản xuất của xã hội.

Chính sách ruộng đất của nhà Hậu Lê dù là “Quân điền” hay “Lộc điền” đều nhằm bảo vệ quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước, mặt khác, mở rộng chế độ tư hữu ruộng đất, phục hồi phát triển nền kinh tế địa chủ, tiểu nông, chỗ dựa kinh tế xã hội của nhà Hậu Lê, giải quyết được những mâu thuẫn ruộng đất nẩỷ sinh nghiêm trọng gay gắt cuối đời Trần- Hồ, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội. Song chính sách nào của một nhà nước bao giờ cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Trong tích cực đã chứa đựng yếu tố tiêu cực. Chính sách ruộng đất của nhà Hậu Lê chứa đựng mâu thuẫn và sự vận động của mâu thuẫn này sẽ dẫn nhà Lê đến suy vong vào thế kỷ XVI và sụp đổ vào thế kỷ XVIII.

Để phát triển nông nghiệp, các vương triều từ Tiền Lê đến Hậu Lê đều chăm lo xây dựng bảo vệ đê điều, phát triển hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Nhà Tiền Lê đã tiến hành nạo vét kênh, sông, mở mang đường thuỷ tiện lợi cho giao thông và cung cấp nước tưới tiêu. Nhà Lý tiến hành xây dựng các công trình thuỷ lợi có qui mô lớn, đắp đê Cơ Xá (đê sông Hồng), cho khơi sâu thêm các sông ngòi ở vùng Thanh Hoá. Nhà Trần tiến hành đắp đê phòng lụt hàng năm với qui mô lớn. Đặt ra chức Hà đê chánh sứ, Hà đê phó sứ chịu trách nhiệm trông coi đê điều. Triều đình coi việc đê điều là việc của nhà nước. Vua Trần có khi tự trông coi việc đắp đê. Thời Hậu Lê ra sức tu bổ hệ thống đê điều đã có và đắp thêm đê mới: Đê Hồng Đức, đào nhiều sông ở Thanh Hoá được gọi là sông nhà Lê. Ngoài chức Hà đê chánh phó sứ, nhà Hậu Lê còn đặt chức “Khuyến nông sứ”. Các công xã ở các địa phương phải đảm nhận xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ. Việc kiểm tra đê điều dưới thời Hậu Lê được tiến hành thường xuyên  và hết sức chặt chẽ.

Để mở rộng thêm diện tích cày cấy, các vương triều định ra chính sách khai hoang. Nhà Lý và nhà Hậu Lê chiêu dụ nông dân phiêu tán trở về quê nhận ruộng cày cấy. Nhà Trần đặt ra chức Đồn điền chánh sứ, Đồn điền phó sứ trông coi khẩn hoang và quản lý đồn điền. Năm 1260, nhà Trần cho phép vương hầu, công chúa, phò mã chiêu tập dân nghèo không có đất bị biến thành nô tì tiến hành khai hoang ven biển, ven sông Hồng lập nên những đồn điền rộng lớn. Các đồn điền do khẩn hoang mà lập nên đều thuộc quyền sở hữư của chủ đồn điền. Khẩn hoang là một trong những chính sách lớn của triều Hậu Lê. Năm 1481 nhà nước có 43 đồn điền do đất khai hoang lập nên, đặc biệt chú trọng khẩn hoang đất đai phía Nam, ven biển và miền trung du. Nhiều làng ở Hải dương, Hưng Yên và ven biển Thanh-Nghệ đều được lập vào thế kỷ XV. Các vương triều đều chú trọng khuyến nông. Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) đặt ra lệ “Tịch điền”, nhà vua cầm cày cày luống đầu tiên vào ngày 1 tết Nguyên Đán để khuyến khích nông nghiệp. Nhà Lý, Trần, nhà Hậu Lê nghiêm cấm việc giết hại trâu bò để bảo vệ sức kéo. Những năm mất mùa đói kém, các vương triều đều miễn , giảm thuế  cho nông dân. Chính sách nghiêm cấm chủ đất biến nông dân thành nông nô là nhằm bảo vệ người nông dân, bảo vệ lực lượng sản xuất chính của xã hội. Tất cả những chính sách đó làm cho nông nghiệp các triều đại thế kỷ X-XV phát triển, thâm canh tăng năng suất lao động. Thời Trần 1 năm cấy tới 4 vụ lúa, một sự thâm canh vượt xa các thời đại trong lịch sử nông nghiệp Việt nam.

(Còn nũa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 8)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn