Lính kể chuyện

Năm 1967, thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Giấu bố và mẹ, tôi viết đơn tình nguyện ra mặt trận. Khi có giấy gọi nhập ngũ, cả nhà sững sờ. Tiễn tôi lên đường, cha tôi dặn dò rất kĩ còn mẹ lấy khăn lau nước mắt. Mẹ chỉ lo cô con gái “ỷ xít” ( bé tí) không chịu đựng được gian khổ.

Vẫy tay từ biệt quê hương mà lòng bao lưu luyến bởi lần đầu tiên tôi phải xa quê, xa những người thân yêu, xa căn nhà sàn nơi có ngọn lửa hồng ấm áp, xa con suối chảy róc rách… Nhìn lại bản làng yêu dấu tôi bước thật nhanh. Chuẩn bị cho một hành trình mới mà chưa hề hình dung sẽ gian khổ như thế nào.

Sau thời gian học lớp Y sĩ , tôi cùng đồng đội hành quân về phía Nam...Vượt một chặng đường dài gian khó nhiều đoạn quanh co, hiểm trở, chúng tôi đã đặt chân lên mảnh đất Cha Lo (thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa- Quảng Bình). Tôi nhận nhiệm vụ tại Đội điều trị 14- Bãi Dinh- Cha Lo (Cổng trời Cha Lo là điểm huyệt quan trọng của tuyến đường chiến lược 12 A thuộc hệ thống đường Hồ Chí Mính, cách thành phố Đồng Hới - Quảng Bình 150 km. Cửa khẩu quốc tế Cha Lo trên đèo Mụ Giạ là điểm cuối quốc lộ 12 trên đất Việt Nam, thông thương sang cửa khẩu Naphao của CHDCND Lào ). Nơi đây từng được coi là “tọa độ lửa”, giặc Mỹ dội hàng trăm ngàn tấn bom ngăn chặn những đoàn xe tiếp viện cho miền Nam.

b1bh1qe-1686358862.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ngày đầu tiên trên mảnh đất Cha lo, tôi được chứng kiến Mỹ dội bom oanh tạc ngay trên tuyến đường máu lửa này. Ngay đêm đó, có chín anh bộ đội đã hy sinh. Lần đầu tiên tôi thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh.Túc trực bên các anh, đợi vải để khâm liệm nước mắt tôi cứ giàn giụa. Tiễn đưa các anh, ngẩng mặt nhìn cổng trời Cha Lo, tôi chỉ mong ngày hòa bình lập lại.

Một buổi chiều, Đội điều trị nhận hơn ba mươi thương binh rất nặng. Tất cả hối hả bắt tay vào cứu chữa thương binh. Mặc dù trang thiết bị y tế thiếu thốn nhưng chúng tôi quyết tâm, nỗ lực hết mình để cứu chữa đồng đội. Có những đêm chúng tôi thức trắng. Tôi nhớ nhất ánh mắt của một anh thương binh nặng nhìn tôi định nói điều gì nhưng không kịp. Anh đã trút hơi thở cuối cùng trước sự bất lực của chúng tôi. Dần dần, tôi nén nỗi đau vào trong, học cách rắn rỏi hơn trước những tình huống đồng đội và chính bản thân mình sẽ ra đi bất cứ lúc nào.

Năm 1969, tôi được ra Bắc nghỉ phép. Có một anh ở đơn vị pháo đóng gần Đội điều trị của tôi bảo:

- Này, đơn vị anh có người cùng quê em đấy, đợt này cũng được về phép.

Tôi mừng rỡ reo lên:

- Thật thế hả anh? Sao bây giờ anh mới nói

- Đồng chí ấy mới được chuyển đến.

Theo lời giới thiệu của đồng đội, anh tìm đến nhà tôi. Biết đóng quân gần nhau, bố mẹ tôi mừng lắm. Trong bữa cơm, bố tôi bóng gió nói đến muốn có chàng rể làm anh xấu hổ đỏ mặt. Tiễn anh ra về, đi hết con đường nhỏ, anh hỏi:

- Mai, anh lại đến chơi nhé.

Tôi ngượng ngùng chỉ gật nhưng đã ưng cái bụng rồi.

Sau đó, tôi trả phép trước anh, lại tiếp tục công việc của mình. Rất lâu anh mới xuống thăm và động viên tôi. Chúng tôi hiểu rõ chiến tranh là thế nên không trách cứ giận hờn. Mấy năm sau, tôi được trở ra Bắc. Ở Trạm điều dưỡng một năm để hồi phục sức khỏe. Bố mẹ tôi rất vui khi đón cô con gái từ chiến trường đã trở về. Cùng thời gian đó, anh cùng đơn vị chuẩn bị tiến sâu vào phía Nam.

Tôi chờ đợi anh trong thấm thỏm lo âu. Rồi ngày chiến thắng, anh thương binh về với bản làng. Đám cưới được diễn ra trong sự hân hoan của đôi bên họ hàng. Cô dâu xúng xính trong trang phục dân tộc, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng đeo xà tích bạc, đầu vấn khăn. Còn chàng rể mặc áo dài, dắt tay cô dâu. Tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc.

Mấy chục năm đã trôi qua, tôi mong được trở lại chiến trường xưa, nơi bao đồng đội đã yên nghỉ - mảnh đất chúng tôi đã sống và chiến đấu như thế.

Ngày 15/4/2023

(Theo lời kể của CCB Nông Thị Chức)

P.T.H

Trái tim người lính