Đánh cờ là một lạc thú trên đời

CCB Dương Công Bắc

11/08/2021 15:57

Theo dõi trên

Hồi nhỏ, nhà tôi ở phố Thụy Khuê, phía trước giáp đường tàu điện, mặt sau là sông Tô Lịch. Cha tôi là sĩ quan quân đội, mẹ là công nhân Quốc phòng nên thường xuyên đi vắng cả ngày. Mấy anh em chúng tôi chỉ ở nhà chơi quanh quẩn với nhau.

Hàng tháng, có ông thợ cắt tóc dạo đến cắt rồi tối mới đến lấy tiền. Tôi khoái nhất là được ông ta bóp bóp cái quả bóng cao su màu đỏ để xịt cái thứ nước thơm thơm vào đầu và nhìn ông liếc con dao cạo vào một miếng da đã lên màu, trông rất điệu nghệ.

ccb1-1628676774.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Ông thợ cạo cao lớn, chừng ngoài 50, đầu đội mũ “Sốp phơ” (loại mũ dạ bị bóp bẹp phần chóp, cánh tài xế thời Pháp hay đội), một tay cắp cái ghế gấp còn tay kia ôm bộ đồ nghề. Ông cắt cẩn thận lắm nên cha mẹ tôi rất ưng ý.

Một hôm, cha tôi về sớm hơn mọi ngày, khi dắt xe về đến cửa thì gặp chúng tôi đang cắt tóc nên dừng lại xem. Bỗng ông dựa xe rồi tiến đến chỗ hòm đồ nghề, cầm lên một tấm bảng ngắm nghía một hồi, rồi hỏi:

- Cái bàn cờ đẹp quá, thế quân cờ đâu hở ông?

- Ông xem ở trong túi ấy.

Cha tôi lấy ra trong chiếc túi gấm màu huyết dụ mấy quân cờ, sau khi xoay chúng trong tay, ông hỏi

- Cho hỏi sao ông lại có cái bàn cờ này?

Ông thợ cạo lộ vẻ ngạc nhiên đáp:

- Tôi được người ta cho, ông hỏi thế hẳn là ông đã nhìn thấy nó ở đâu?

- Tôi không chắc lắm nhưng trông nó quen quen.

- Ông cũng đánh cờ ư?

- Ngày xưa thôi.

- Ông có thể đánh với tôi một ván được không? Tôi cũng sắp xong rồi.

- Vâng! Thế thì mời ông vào trong nhà.

Cha tôi và ông thợ cạo bầy quân ra đánh. Lần đầu tiên thấy người ta đánh cờ, tôi lạ lắm. Cứ thấy thỉnh thoảng đập “chát” một nhát, rồi lại nói “tôi chiếu”…nhất là khi được cầm quân cờ tròn tròn, dầy dầy, nằng nặng, trên mặt vẽ những hình thù kỳ dị mà sau này mới biết đó là chữ Tầu. Tôi thấy cả 2 người suy nghĩ từng nước đi căng thẳng lắm, cuối cùng thì ông thợ cạo nói “xin thua” và 2 người lại đánh ván mới. Ván này cha tôi lại thắng. Ông thợ cạo thu quân vào túi, nói:

- Nước của ông cao lắm, tôi mong có dịp lại được chơi với ông. Lâu lắm tôi mới gặp được người đánh thắng mình!

- Tôi gặp may thôi, giá như lúc nãy ông đẩy con mã lên trước để bịt rồi mới động con xe thì tôi khó mà thắng được. Bộ cờ này của ông quý lắm, nếu tôi không lầm thì đây là bộ cờ của nhóm “Ngũ Tốt”?

Tôi thoáng thấy ông thợ cạo giật mình, ngước lên hỏi cha tôi:

- Ông cũng biết nhóm “Ngũ Tốt”? Hẳn ông cũng là người trong Làng cờ?

- Tôi cũng chỉ là một người chơi thôi, ông cũng đã thấy rồi.

Dừng lại một lát, cha tôi lại tiếp:

- Mấy năm trước, tôi cũng đã từng được đánh với 1 người trong bọn họ. Tôi thấy ông ta có bộ cờ bàn bằng sừng khảm trai và quân cờ bằng ngà giống như thế này nên hỏi. Ông có đồng ý để lại bộ cờ này cho tôi không, bao nhiêu tôi cũng mua?

- Không đâu ông ạ! Đây là kỷ vật của sư phụ tôi, sư phụ tôi cũng là người trong nhóm đó, trước khi mất đã tặng lại cho tôi. Tôi là người ham đánh cờ nhưng có lẽ sức cờ không tiến bộ được bao nhiêu. Tôi mang bộ cờ theo cũng là để tìm người đánh, đến hôm nay mới tìm thấy người đánh thắng mình. Nếu ông không bận thì tối thứ 7 này tôi lại đến hầu ông.

- Vâng, ông cứ đến, tôi chờ!

Tối thứ 7, sau khi cả nhà ăn tối xong đã thấy ông thợ cạo xách bàn cờ và cái túi gấm mủm mỉm cười đứng trước cửa. Hai người thì thầm bầy quân đánh với nhau đến quá nửa đêm, chỉ đến khi mẹ tôi thức giấc, trở mình liên tục thì họ mới dừng.

Sáng hôm sau, tôi hỏi cha kết quả thế nào thì được biết đánh với nhau 5 ván, cha tôi thắng 4 còn ván cuối cùng phải thả cho thắng không thì ông ấy cứ đòi đánh để gỡ. Tôi nhìn cha với ánh mắt khâm phục!

Tối thứ 7 sau, ông thợ cạo lại đến, họ lại đánh với nhau đến quá nửa đêm. Lần này cha tôi cố ý thua nhiều hơn để ông thợ cạo đỡ cay cú. Không ngờ sáng chủ nhật ông ta lại đến, bỏ cả việc. Họ đánh với nhau đến tận chiều tối, quên cả ăn, chỉ uống nước chè. Khiếp thật!

Mẹ tôi bực lắm, cứ đi ra, đi vào e hèm đánh tiếng. Trước khi thu quân về, ông thợ cạo hỏi cha tôi:

- Xin hỏi thực ông, ông đã bao giờ đi đấu giải chưa? Tôi đoán là ông cũng là tay cờ có hạng?

Cha tôi mỉm cười thủng thẳng nói:

- Ông đoán đúng một nửa, tôi chỉ đấu giải và vô địch cơ quan Bộ Tổng Tham Mưu thôi (cha tôi là sĩ quan Bộ Tổng TM đóng ở trong Thành). Khi đấu giao hữu bên ngoài, tôi đã thua 1 người, hỏi ra mới biết ông ta trong nhóm “Ngũ Tốt”. Trong kháng chiến (chống Pháp) lúc chỉnh quân, tôi đã đánh thắng tay cố vấn quân sự Trung Quốc, hồi đó tôi là Chính trị viên Tiểu đoàn. Tay này cay cú quá, đập tan cả bàn cờ, miệng quát “Lảo quẩy, lảo quẩy” (Lão quỷ, lão quỷ).

- Thế bây giờ ông muốn gặp lại 1 người trong nhóm không? Tôi đưa ông đi.

- Vâng! tôi cũng muốn gặp, cũng là làm quen để học hỏi thêm.

Chủ nhật tuần sau, cha tôi đi theo ông thợ cạo cả ngày, đến tối mới về dáng điệu mỏi mệt nhưng ánh mắt thì vui vẻ. Ông kể:

- Hôm nay được đánh với ông “Thọ cờ” nhà ở Trại Găng, ông ta cao cờ thật! Đánh mãi thỉnh thoảng mới thắng hoặc hòa được 1 ván. Cả Bắc kỳ xưa có 5 tay đánh cờ giỏi nhất họp với nhau thành nhóm “Ngũ Tốt”, Làng cờ đã thửa riêng cho họ 5 bộ cờ giống hệt nhau, bàn bằng sừng khảm xà cừ và quân bằng ngà. Đánh thắng được người trong nhóm này dù chỉ 1 ván cũng là vinh dự lắm!

Mấy tuần sau thì ông “Thọ cờ” đi xích lô đến nhà tôi, cha tôi mừng lắm! Ông ta đã già, dễ hơn cha tôi hơn chục tuổi, người nhỏ thó nhưng đầu rất to và đặc biệt là cặp mắt rất nhanh và sáng, thỉnh thoảng tôi còn thấy lóe lên những tia ranh mãnh. Ông có lối nói chuyện chậm rãi và bặt thiệp. Rất lạ là ông gọi cha tôi là đệ còn cha tôi gọi ông là huynh, sau này tôi mới biết đấy là lối xưng hô trên giang hồ. Tôi muốn hóng họ đánh cờ nhưng lần này hai người chỉ uống trà và hỏi thăm nhau. Tôi mang ấm đi đổ bã liên tục. Bỗng ông hỏi cha tôi:

- Này đệ! Huynh muốn biết đệ học cờ của ai mà cặp mã của đệ hay vậy?

- Đệ học của ông nội. Ông nội đệ đánh cờ rất giỏi, là đệ nhất kỳ thủ của cả vùng Nam Định. Thuở nhỏ đệ ở với ông nội, được cụ dạy chữ Hán và dạy đánh cờ nhưng đệ học hành chểnh mảng lắm, bây giờ nghĩ lại thấy tiếc.

- Cụ có phải là “Ông nghè Giao cù Vũ Hữu Lợi” mà khởi nghĩa rồi bị Tây bắn không? Cụ Nghè Vũ Lợi giỏi cờ nức tiếng, ai cũng biết.

- Không! 2 cụ chỉ là bạn đồng liêu, sau khi cụ Nghè Vũ Lợi bị Tây bắn thì cụ nhà đệ cũng cáo quan về hưu, lúc đó cụ đang làm quan Huấn đạo một vùng gồm mấy huyện của Nam Định và Thái Bình.

- Còn huynh thì chả có ai là sư phụ cả. Hồi nhỏ huynh đi bán kem, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội nhưng lại ham xem người ta đánh cờ rồi học lỏm. Sau đó được một ông già cho một cuốn sách dạy đánh cờ, rách nát không đầu không đuôi, chữ không biết cứ nhìn hình rồi đoán, chắc cũng sáng dạ nên lĩnh hội cũng được ít nhiều. Cái năm Tây mở hội cờ người ở Bách Thú, huynh đứng xem thấy cũng nhàng nhàng liền đăng ký đánh, ai dè được ẵm giải. Từ đấy huynh bắt đầu chuyên đi đánh giải, ham lắm! Hội làng ở đâu cũng mò đi bằng được. Cái năm có giải cờ Bắc kỳ, huynh vào được đến bán kết. Về sau 4 người bán kết với 1 người rất giỏi cờ năm ấy bị ốm không tham dự lập ra nhóm “Ngũ Tốt” mỗi người được thưởng 1 bộ cờ quý.

Từ ngày Hòa bình lập lại, huynh suốt ngày xách bàn cờ lang bạt kỳ hồ, nghe nói chỗ nào có ai giỏi cờ là lân la đến rủ đánh. Ham đánh cờ quá đến quên cả vợ ở nhà. Một lần, huynh đi có lẽ phải đến 1 năm, khi về nhà thì vợ đã bỏ đi theo người khác từ lúc nào. Âu cũng là cái số mình thế! Mà nói thật chả bà vợ nào chịu nổi ông chồng suốt ngày bỏ bê vợ con, quanh năm suốt tháng chúi mũi vào bàn cờ cả. May mà nhận đứa con gái con chú em làm con nuôi, hàng ngày chịu khó đến cơm nước cho nên nhà cửa cũng đỡ hiu quạnh. Lang thang trên giang hồ, lâu lâu mới gặp được người làm đối thủ như đệ, huynh cũng mừng lắm!

- Đệ cũng quên đi nhiều, bây giờ chủ yếu là “nước óc” (nước cờ tự nghĩ chứ không theo sách) nên hạn chế lắm. Đánh với huynh, đệ cũng dần dần sáng ra nhiều!

Họ còn nói với nhau nhiều chuyện lắm, trong đó có một câu chuyện mà tôi sẽ kể lại ở một dịp khác.

Thế rồi chả hiểu có phải là quý nhau hay không mà trước lúc về hưu, cha tôi đã bán căn nhà ở Thụy Khuê để chuyển về Ngõ Quỳnh cho gần Trại Găng, nơi ông “Thọ cờ” đang ở. Nhà tôi bắt đầu có nhiều khách đến chơi cờ. Chúng tôi vẫn thấy ông thợ cạo đến với nụ cười mủm mỉm, ngượng nghịu. Tàn thuốc lại rơi đầy nhà, bã chè lại đầy tú ụ, mẹ tôi buồn phiền lắm!

Sau giải phóng, vào một ngày đầu Đông, ông “Thọ cờ” đã mất trong cô quạnh. Họ hàng chả thấy đâu, chỉ thấy toàn bạn hữu trong cái hội cờ của ông đưa tiễn. Mỗi người vác 1 cái phướn in hình các quân đủ cho một bộ cờ. Cô con gái nuôi khóc sụt sùi, ngoài 30 mà vẫn không lấy chồng!

Đận ấy cha tôi ốm mất mấy tuần, khi đã khỏi tôi thấy ông hay lẩm bẩm “Đánh cờ là một lạc thú trên đời”!

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Đánh cờ là một lạc thú trên đời" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn