Lính là thế (Truyện ký) - Kỳ 1

Nhóm lính Hà  Nôi khoảng hơn hai mươi thằng, thuộc sư đoàn...Trung đoàn...Tiểu đoàn...Binh chủng tên lửa, Quân chủng PK-KQ. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ đầu tháng 4/75 nhưng chẳng...đánh đấm chi, lý do đơn giản, quân đội VNCH không đủ lực cho không quân tham chiến.

Sướng, bởi bộ binh đánh tới đâu, tên lửa và pháo cao xạ kéo theo tới đó...Lính Hà Nội còn tám, chúng mình “cưỡi ngựa xem hoa”...Dân thì xì xào, “Việt Cộng có súng chi bự tổ chảng, mà còn...hình vuông”. Hớ, đó là...bệ phóng tên lửa. Trung đoàn hành quân tới cửa ngõ thành phố Huế thì chiều tối, lệnh dừng lại...nấu cơm.

Dân ùa ra xem “súng vuông”, ủng hộ bộ đội cả đống trái dừa, củ mì, mía...Có bà má lọm khọm vác cả bó mía bự, quăng cái ịch dưới chân tôi, thở hổn hển:

- Cho tụi con trên đường hành quân, nhai đỡ khát...

Tôi ôm lấy Má, cảm động:

- Tụi con cảm ơn Má... Má cười bỏm bẻm, đưa tay vuốt má tôi: - Trẻ mà còn...đẹp trai hỉ?... Mấy cô gái Huế mới đầu còn e dè, đứng xa xa nhìn. Gặp mấy thằng trai Hà Nội trẻ măng, đẹp trai, mặt thì búng...ra sữa. Cái miệng trai Hà Nội thì dẻo quẹo, ngọt như...mía lùi...Thế là mấy cô nhào vô...nấu cơm dùm bộ đội. Giọng Huế nhẹ tâng, êm dịu, nghe ríu rít như chim: - Rứa mà mấy ổng biệu, VC bảy thèng leo một cọng đu đụ không gãy. Mấy ổng còn biệu, các ảnh còn có đuôi...Có hôn ? ...

chuytratim1-1641548633.jpg Lính trẻ đoàn tên lửa Sóc Sơn và tác giả (1975). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một thằng đẹp trai nhất, nói nhỏ, thằng hàng ngồi, bên trái trả lời tỉnh rụi:

- Có mấy em, cái đuôi của bọn anh chừng...cổ tay, dài khoảng 20 phân, mà...nó mọc ở phía trước... Cả đám lính Hà Nội bật cười hơ hớ...Mấy cô hiểu thì mặt đỏ rựng, cô không hiểu thì mặt cứ ngệt ra như...ngỗng ỉa. Có cô còn hỏi tới: - Rứa...là răng?... Cả bọn càng cười lớn...Vui thật, lính là thế. Chỉ tiếc rằng, chỉ được nghỉ tới 21g là lại phải hành quân tiếp, nếu không nhất định sẽ có vài thằng, dẫn vài cô...vô bụi...

Thời điểm này lính bộ binh đã đánh tới Nha Trang. Trung đoàn trưởng bỏ xe con UAZ của Nga leo lên chiếc xe xích sắt kéo bệ phóng tên lửa ngồi với lính bọn tôi. Tôi hỏi: - Sao vậy, thưa thủ trưởng? - Nóng bỏ mẹ, lên đây ngồi với tụi bay cho mát và thoáng. Ông ngồi xuống kế tôi, tay kéo chiếc radio rà đài TNVN nghe chiến sự. Giọng cô phát thanh viên hào hùng thông báo, bộ binh và tăng đang bao vây tấn công Xuân Lộc, tuyến phòng thủ cuối cùng trước cửa ngõ Sài Gòn...

Phía sau đoàn xe của trung đoàn bỗng có tiếng còi hú liên hồi, cậu liên lạc của E đưa tai nghe cho trung đoàn trưởng. Ông áp vô tai nghe rồi ra lệnh gọn lỏn:

- Nhường đường. Đoàn xe của trung đoàn dạt qua phải. Phía sau đoàn xe UAZ của Nga cả trăm chiếc, có cả cảnh sát dẫn đường vượt lên trước. Đoàn vừa qua khỏi, E trưởng giọng phấn chấn thông báo: - Đoàn của bộ Công an vào tiếp quản Sài Gòn đó...Sài Gòn sắp giải phóng rồi. Lính tráng nghe sướng, vỗ tay reo hò vang dậy. E trưởng chợt nghiêng đầu qua tôi, nói nhỏ:

- Có Ba mày ở trong đoàn đó. Tôi...ngẩn người, tại sao ông biết nhỉ? Cách đó chỉ ít ngày, chị tôi ra thăm khi tôi còn đang đóng quân ở Thanh Hoá có thông báo: - Ba cũng tham gia chiến dịch, nhất định Ba và em sẽ gặp nhau trên đường hành quân, hoặc ở Sài Gòn. Nếu đoàn vừa rồi của bộ Công an thì chắc chắn có Ba tôi. Thật đáng buồn, hai cha con đi lướt qua nhau mà chẳng thể gặp nhau. Chiến tranh là thế đó... Đoàn xe Trung đoàn qua thị xã Cam Ranh thì quẹo trái, tấm bảng chân cầu Long Hổ ghi dòng chữ lớn: Căn cứ Quân sự Cam Ranh. Toàn trung đoàn tập hợp. E trưởng ra lệnh ngắn gọn: - Trung đoàn ta được lệnh đóng quân tại đây. Nhiệm vụ chính của chúng ta là bảo vệ vững chắc vùng trời và vùng biển Cam Ranh...Trước mắt, phải xây dựng và ổn định trận địa, sẵn sàng chiến đấu.

Sau nữa là ổn định doanh trại, xây dựng nơi ăn ở cho đàng hoàng...Các đồng chí có làm được không? Lính hô vang:

- Rõ !!! ... Trong căn cứ quân sự sân bay Cam Ranh có khu vực trại gia binh, tức khu vực vợ con của lính VNCH ở. Trung đoàn trưởng ra lệnh tháo dỡ hết, lấy vật liệu để xây dựng doanh trại. Đúng là...“nước sông công lính”, chỉ trong vòng một tháng, nhiều doanh trại Quân đội và nhà BCH cấp trung đoàn đã hình thành, rất khang trang. Xong công việc xây dựng, công việc còn lại là huấn luyện kỹ thuật và trực chiến đấu...Lính có thời gian nhàn rỗi hơn và bắt đầu...bày trò... Sân bay Cam Ranh có khu vực là rừng cây đước nguyên sinh, tôi phát hiện trong rừng là một “kho thực phẩm” giầu bổ dưỡng thật tuyệt vời dành cho lính. Chó, gà, mèo, thỏ...đủ cả. Có lẽ do khu gia binh trước đây nuôi, giờ thành những con thú hoang...Ngay buổi chiều đầu tiên tôi và thằng bạn đã hạ ngay ba con thỏ và mấy chú gà...Chỉ một giờ sau, bữa đại tiệc của “băng” Hà Nội đã bắt đầu. Tôi vừa nâng ly rượu hô: “Mừng Sài Gòn giải phóng”, chưa kịp uống thì...Trung đoàn trưởng (E) cùng C trưởng xuất hiện. Cả băng Hà Nội đứng bật dậy, đứng nghiêm trước mặt E trưởng. Không khí nín lặng, căng thẳng...Ông nhìn xuống bàn đại tiệc, các món thỏ, gà nướng, chiên, lẩu...bày la liệt. Ông nghiêm giọng:

- Thỏ gà ở đâu ra? - Bắn trong rừng, thưa thủ trưởng. Tôi trả lời. Ông hỏi tiếp: - Ai bắn? - Dạ em...- Vẫn tôi. - Đi vô rừng có xin phép không?

- Dạ...không. - Không xin phép, cọp nó...ăn mày thì ai chịu trách nhiệm? Tôi...cứng họng, không biết trả lời sao. Đám lính Hà Nội rộ lên cười rúc rích...Cũng may ông không căn vặn tiếp, tôi để ý thấy ánh mắt ông lại đang hướng về mấy đĩa...đồ ăn. Bỗng ông...nuốt nước miếng cái ực, tay ông giơ lên, phảy một cái, ông phán một câu xanh rờn:

- Thôi bỏ...Cho tao tham gia... Ông ngồi bệt xuống tấm ván ép, cầm ly rượu nâng lên rồi hô lớn:

- Vô !!! ... Lính tráng bật cười...thoải mái, khoái chí vỗ tay rầm rầm... Ông là Thượng tá, trung đoàn trưởng, Anh hùng LL-VT-ND năm 1972...Và một điều đặc biệt, ông còn là đồng hương, người Hà Nội... Qua cầu Long Hổ, vô sâu khoảng 500m là trung tâm sân bay. Xoay mặt về phía Nam, bên phải là khu vực cơ sở vật chất của sân bay. Khu giữa là trung tâm sân bay, đường băng cho cả máy bay phản lực và vận tải quân sự cất cánh. Bên trái là biển, nhưng để ra tới biển phải vượt qua một dãy đồi cát. Đồi cát theo năm tháng, nắng, gió tạo thành những quả đồi có độ cao trung bình 400-500m, cây mọc xanh ngắt, sừng sững như những quả núi đất bình thường, bao bọc gần như suốt chiều dài sân bay.

Trước năm 1975 quân đội VNCH cho làm vài con đường trải nhựa, đường chạy uốn lượn từ trung tâm sân bay ra chân đồi, thoai thoải lên đỉnh đồi, qua phía bên kia là biển. Bãi cát bờ biển Cam Ranh trắng óng ánh như thuỷ tinh, chạy vòng theo đường vòng cung do thiên nhiên tự tạo. Cuối những vòng cung đó là đồi núi, cây cối xanh mướt mắt...Cảnh nơi đây hoang sơ, chữ tình, đẹp tới nao lòng... Trên đỉnh một quả đồi cao và lớn nhất, quân đội VNCH cho xây một chốt gác khá kiên cố, có cả điện và nước. Chốt gác được trang bị một khẩu đại liên, một ống quan sát viễn vọng. Trung đoàn luân phiên cắt cử lính canh gác ở chốt gác cửa biển quan trọng này, và đây cũng là nhiệm vụ lính tráng tranh dành nhau trực, bởi khi trực là được tự do, sinh nhiều trò quậy phá, đúng bản chất lính...Lần đầu trực tôi chủ động xung phong và đề nghị cho Q, một thằng bạn thân trực cùng. Q xách khẩu AK,tôi chọn khẩu Cacbin. Lên tới đỉnh điểm tôi nháy mắt với Q rồi chỉ ra biển: - Bắn nhông... Những chú nhông biển to chừng cổ tay, dài độ 10-15 cm nghe nói ăn ngon tuyệt vời. Cả đàn nhông biển cứ chạy loạn xạ trên cát, một chút động nhỏ là chúng lại chạy thụt vô những cái hang chúng đã đào sẵn. Chỉ một chút sau là lại thò đầu lên cửa hang, ngó láo liêng trông thật đáng yêu. Chỉ chờ có thế là tôi bóp cò, một con nhông đã bay...cái đầu. Phải công nhận khẩu Cabin của Mỹ, độ chính xác cực cao. Chỉ trong nửa giờ, hơn chục chú nhông đã nằm gọn trong bao xốp...Bỗng...cả loạt AK nổ vang lên, liên hồi ngay bên tôi. Q bị...cướp cò, nó không chỉnh nấc điểm xạ mà để nấc liên thanh. Q lần đầu bắn AK, súng giật mạnh, Q gần như hoảng loạn...Nòng khẩu súng từ từ hạ xuống, xoay về phía tôi...Tôi quăng khẩu Cacbin, chạy vòng về phía Q,ôm cứng lấy nó, thét đứt giọng: “buông ngón tay cò súng”...Súng dừng nổ, Q quăng khẩu súng, ngồi phịch xuống cát, mặt thất thần. Tôi cũng lăn đùng ra cát, sõng soài, thở dốc...Một chút sau Q mới trấn tĩnh, bò tới gần tôi hổn hển: - Tao...tao xin lỗi. - Lỗi lỗi cái...cc...mẹ,chút xíu là mày giết tao rồi... Q hình như...sợ, ngồi một lát, nó lẳng lặng xách bịch nhông và khẩu AK lên vọng gác. Tôi hạ thêm vài chú nhông nữa rồi mất hứng, cũng đi lên. Đúng lúc C, liên lạc của C trưởng mang cơm lên cho hai đứa chúng tôi. Tôi nhờ C cầm bịch nhông về. C hỏi: - Về đưa ai? Q trừng mắt: - Ơ cái thằng này, đưa...“bọn tao” chứ đưa ai, không lẽ đưa...C trưởng của mày. C ngoáy đít, ngúng ngoảy bỏ đi. Q bỗng bật cười rồi nói trỏng: - Nó hình như...lại cái đó. Có khi nó...phục vụ C trưởng cả...khoản đó. Tôi phì cười...Thế là hết giận. Ăn cơm xong, tôi nằm ngủ. Mở mắt ra đã hơn 16g. Q đang hí hoáy lau khẩu đại liên. Tôi bật dậy nâng đuôi khẩu súng: - Tao bắn thử?

- Đừng, sét gỉ lắm. Để mai tao kiếm nhớt thông nòng đã. - Kệ mẹ nó, không sao đâu. Tôi kêu Q nâng băng đạn và...bóp cò, súng nổ ầm ầm và rung lên bần bật. Tôi khoái trí hô lên ầm ĩ: ”Xung phong”...Q bỗng thét vang lên “dừng lại, dừng lại ngay”... Tôi buông tay khỏi cò súng: - Chuyện gì thế? Q chỉ tay ra ngoài biển...Cả vùng biển ánh đèn pha loạn xạ, loang loáng. Nhiều pha đèn của tầu biển rọi thẳng vô đất liền, quét qua quét lại 45*... Thôi...chết mẹ, ngoài biển dân mình đang đánh cá... Cũng thật may, cả hai sự việc trên đều...êm và ổn, tuyệt đối không có phản hồi tiêu cực nào. Trong sổ trực hôm đó vẫn ghi rõ: “NGÀY HÔM NAY KHÔNG CÓ GÌ XẢY RA”. Ký tên-Binh nhì Pham Thuan

(Còn tiếp)

P/S: Tôi viết về người lính, nhưng không nói đến chiến tranh...