Lính mới

Cha tôi thường nói “Cái gì mới cũng tốt, ngoại trừ lính mới”, ông từng là một Chính ủy trong kháng chiến chống Pháp, và tôi hiểu “tốt” ở đây có nghĩa cho sự dụng binh.

Ra trận, khi nhận quân, có nhiều lính cựu thì chỉ huy vẫn an tâm hơn. Trong trận đánh, chỉ cần nghe tiếng đạn AK là biết ngay đó là lính mới hay lính cựu và địch quân cũng đoán được đã chạm trán với Chủ lực hay Địa phương quân. Lính mới thường lớ ngớ, sợ sệt, kỹ năng chiến đấu kém, chả thế mà hồi huấn luyện tân binh, đại đội tôi có thằng khi ném lựu đạn thật, sợ quá đã làm lựu đạn rơi ngay tại chỗ, may mà cán bộ huấn luyện đã ôm cậu ta lăn kịp xuống hào, thoát chết! Và cũng chính cậu ta khi bắn đạn thật AK bia số 4, điểm xạ ngắn mà chỉ có 1 viên trúng bia vì khi súng đã văng ra khỏi bệ mà tay vẫn còn dính vào cò! He he.

dh3a3-1668048529.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhưng hôm nay tôi sẽ kể một câu chuyện của chính mình, khi còn là một anh lính vừa qua tân binh, lần đầu tiên giáp mặt với đạn bom.

Phần1. ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG

Khi mới về đơn vị, mà là một Đơn vị anh hùng, ông Chính trị viên bảo “các đồng chí hãy xứng đáng là chiến sỹ của một Đơn vị anh hùng”, tôi thấm nhuần ghê gớm lắm, và luôn tự nhủ “mình phải anh hùng, dũng cảm mới được”! Khi máy bay Mỹ từ ngoài biển bay vào và tiếng kẻng phòng không của các chốt quan sát khua từng hồi gấp gáp, bọn chúng nhào xuống hầm cả, riêng tôi vẫn đứng dỏng tai nghe và mắt dõi lên bầu trời quan sát máy bay. Gã đội trưởng đội Cơ động tức quá dúi tôi vào hầm kèm theo câu chửi:

-Tổ cha bay, mi muốn chết à?

Nhìn sang thằng Tạ Đình Nam (lính sinh viên Văn khoa Tổng hợp), gã quát:

- Thằng ni mới là thằng biết, bọn bay phải học hắn!

Thì ra thằng Nam là dân Quảng Bình, suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại thời Giôn Xơn, nó đã nếm nhiều bom đạn nên rất tinh khôn, chỉ có những thằng dân Hà Nội, chúi mũi đi sơ tán là chẳng biết gì.

Đêm nằm ngẫm nghĩ “liệu hành động khi chiều có được coi là anh hùng”?

Mấy hôm sau, nhằm ngày chủ nhật, tôi và thằng Sáng (lính 72 người Vĩnh Phú, cùng về Đồn một ngày) rủ nhau đi tắm biển. Phải nói thật, cho đến lúc ấy, tôi còn chưa biết biển là gì ngoài đọc trong sách. Đang đi, bỗng nghe có tiếng gọi và thấy có mấy người dân đang cày bừa dưới ruộng khoát tay ra hiệu, rồi một người trong số họ hớt hải chạy lên bờ đến nói trong hơi thở:

- Các chú Công an Đồn ơi, đằng kia có mấy vật chi lạ lắm, bọn tui không dám làm ở đó nữa, các chú đến xem hộ với!

Tôi và Sáng tới nơi, theo tay họ chỉ thì thấy ngay đó là mấy quả bom hình quả dứa, nhưng có vẻ rất lạ, lạ nhất là nó có mấy cái cánh như cánh quạt và đầu có một mũi nhọn dài khoảng 10 cm. Khi tân binh, chúng tôi cũng đã được học một số loại bom mìn nhưng quả là không có loại nào như thế này.

Tôi và Sáng bàn nhau và chẳng hiểu sao là cả 2 thằng đều nhất trí là phải xử lý ngay, không thằng nào sợ sệt mà có ý bàn chùn cả, có lẽ vì đều thấm nhuần lời huấn thị của Chính trị viên chăng? Tuy đều là lính mới nhưng tôi nhiều tuổi hơn vì đã học qua 2 năm Đại học nên được Sáng tôn làm anh và dĩ nhiên tôi là người có tiếng nói quyết định trong vụ này. Tôi nói:

- Bây giờ tao sẽ vào tìm cách gom mấy quả này vào một chỗ để lấy ruộng cho dân canh tác, tao nghĩ ra cách rồi, nó có mấy cái cánh, tao sẽ giữ nguyên mấy cái cánh đấy là được! Nhưng nếu tao có làm sao thì mày báo cáo về đơn vị và nhớ báo về cho gia đình tao ở phòng …nhà… tập thể… nhớ đấy nhé, nhắc lại địa chỉ gia đình tao xem nào?

Sáng lí nhí nhắc lại. Sau khi bảo Sáng cùng tất cả mọi người lui ra và nằm xuống. Tôi cởi hết quần áo, mặc mỗi quần đùi, thận trọng tiến vào (chuyện gần 50 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in).

Trước tiên tôi bò sát vào quả bom, thấy nó cắm xuống ruộng theo chiều nghiêng khoảng 60 độ, đưa tay huơ huơ lên nó, thấy không động tĩnh gì chứng tỏ nó không phải là từ trường hay điện trường gì cả, nhìn mấy cái cánh, tôi nghĩ ngay đến kỹ thuật vô hiệu hóa lựu đạn mỏ vịt và loại mìn vướng, “cần phải giữ nguyên hiện trạng và cố định vị trí giữa các bộ phận của chúng với nhau”! Thận trọng đưa cả 2 tay, một tay tóm cánh, một tay nắm thân quả bom rút từ từ theo phương đang cắm xuống. Nhấc lên khỏi mặt đất, rồi lại giữ nguyên như thế, tôi di chuyển thật chậm đến một cái hố góc ruộng phía xa, rồi lại thận trọng đặt nó nằm im xuống đáy hố, từ từ bỏ 2 tay ra và bật thật xa, nằm thật nhanh úp mặt xuống ruộng chờ…chết! Nhưng chẳng có gì xẩy ra, Tôi thở phào sung sướng, nhoẻn cười và ngoái lại thấy Sáng và mấy người dân đang vỗ tay. Tiếp đà, vẫn theo bài cũ tôi đã dần dần gom tất cả số bom nằm trên ruộng được thêm 4 quả nữa.

Xong việc, dặn dò mấy người dân nếu lần sau gặp nữa thì báo về Đồn, rồi chúng tôi chia tay và tiếp tục đi …tắm biển. Lúc này vẫn chưa hết căng thẳng, tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng như đang đi trên mây. Từ xa, nhìn thấy biển lặng và bao la, tôi chạy xuống mép nước, vốc lên bỏ vào miệng, chỉ thấy một vị mằn mặn, chan chát.

Lúc trở về, Sáng hỏi:

- Lúc ấy anh có sợ không?

- Cũng sợ, nhưng không sợ mấy, bây giờ nghĩ lại mới thấy sợ thật mày ạ!

- Lúc ấy nếu có làm sao liệu có được liệt sĩ không?

- Ừ nhỉ, mình có được phân công nhiệm vụ đó đâu, như vậy là manh động, có khi còn bị phê bình, kỷ luật. Thôi nhé, chuyện này phải giữ kín, chỉ tao với mày biết thôi đấy!

Đêm về ngẫm nghĩ mới thấy hết cái dại của mình. Đây rõ ràng là bốc đồng, dại dột, muốn chứng tỏ ta đây yêng hùng. Đành rằng là gỡ bom, giải phóng đồng ruộng cho dân nhưng việc này có thực sự cần thiết? đây đâu phải là nhiệm vụ của mình? Hơn nữa mình có được học về loại bom này đâu mà dám liều lĩnh? Càng nghĩ càng ân hận vô cùng!

Mấy hôm sau, thấy ông Đại úy Đồn trưởng cứ nheo nheo mắt nhìn, lát sau lại gật gật cái đầu và cười rất trìu mến, rồi ông nói với Chính trị viên “Thằng này dũng cảm”! Tôi chợt hiểu là ông đã biết chuyện.

Vừa ngượng ngùng lại vừa sung sướng vì không bị trách phạt, tôi lẩm bẩm “Thủ trưởng ơi! Đây là điếc không sợ súng chứ dũng cảm gì đâu”!

Khoảng vài tháng sau, có Cán bộ công binh của Quân khu về tập huấn cho Đồn về một số loại bom địch đã sử dụng trên địa bàn. Thấy trên bàn đặt mấy quả bom giống như mấy quả mà tôi đã gặp và lúc ấy mới được biết đó là loại bom khoan, chuyên xuyên qua hầm và các kết cấu bê tông. Hầu hết năng lượng của nó tập trung vào cái đầu nhọn để phá hủy xuyên sâu. Bộ cánh quạt là để định hướng và điều khiển kích nổ. Những quả không nổ chủ yếu là do cánh quạt không làm việc. Nghe đến đây, tôi mới hú vía vì nhớ ra đúng là mấy quả mình thu gom đều bị gẫy từ 1 đến 2 cánh và mình đã làm đúng khi giữ cố định vị trí của cánh với thân nên bom đã không bị kích nổ khi di chuyển. Tư duy này không biết có phải Đại học Bách khoa đã dạy cho mình không?

May quá, đúng là điếc không sợ súng. Nhưng mà... có điếc lắm đâu nhỉ, He he!

Trái tim người lính