“Liveshow Kịch 2023 - Từ nhà ra tòa” là chuỗi sự kiện hoạt động vì cộng đồng, được tổ chức bởi Đội Văn nghệ Xung kích dưới sự chỉ đạo của Đoàn thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Qua sự kết hợp tài năng diễn xuất và sự duyên dáng đến từ các thành viên trong đội Kịch, liveshow mang đến một cách tiếp cận bình dị và chân thực đối với cuộc sống. Những vụ xét xử được tái hiện qua những tình huống thực tế đời thường xoay quanh các vấn đề của trẻ vị thành niên như tình cảm, học đường, giáo dục giới tính, tệ nạn xã hội… nhưng lại chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về tình người và giá trị nhân văn được đan xen truyền tải một cách khéo léo.
Lắng đọng với câu chuyện về những vụ xét xử của một “tòa án vị thành niên”
Vụ xét xử thứ nhất xoay quanh vụ việc nhân vật Nghĩa đâm đơn kiện ông bà Hòa Hợp (bố mẹ của Trang) để giữ lại đứa bé - con cặp đôi Nghĩa -Trang. Nghĩa và Trang yêu nhau được 8 tháng, trong thời gian đó xảy ra chuyện ngoài ý muốn khiến Trang mang bầu. Bố mẹ Trang biết được và khuyên đi phá thai vì Trang còn nhiều dự định trong tương lai.
Đặc biệt, trong vụ án thứ nhất, câu thoại của Trang đã lấy đi nước mắt của khán giả: “Những lần con không thể chịu được mẹ, con rất cần sự giúp đỡ của bố nhưng bố đều nói “Nghe mẹ đi con”, bố có thật sự quan tâm đến con không? Con đang sống cùng bố mẹ mà con cứ cảm giác là không có ai ở bên cạnh mình. Bây giờ con còn có thai nữa bố mẹ lại càng đay nghiến con hơn. Bố mẹ muốn con và đứa bé này biến mất đi mới vừa lòng đúng không?”. Câu thoại này khiến người xem cảm nhận được sự cô đơn và bất mãn của Trang khi cô không nhận được sự giúp đỡ và chia sẻ từ bố mẹ. Mỗi khi gặp khó khăn, cô luôn mong có sự hỗ trợ từ bố, nhưng bố lại chỉ dặn dò cô nghe lời mẹ. Điều này tạo nên một cảm giác mất mát, khiến Trang cảm thấy không có ai ở bên cạnh cô trong cuộc sống hàng ngày.
Vụ xét xử thứ hai nói về Ngô Gia Phú là con trai của đại gia Ngô Gia Hưng và Kiều Cao Quý. Gia đình Phú giàu lên là nhờ nhà cũ của Hưng được Nhà nước đền bù và sau đó bố Hưng kinh doanh bất động sản. Mẹ Quý chỉ cần ở nhà nội trợ nên ít được tiếp xúc với xã hội bên ngoài và không có tiếng nói trong nhà. Phú vì được mẹ nuông chiều nên sinh hư, ham chơi và lười học. Phú vướng vào lô đề và bị vỡ nợ 5 tỷ. Phú biết đến Tòa án vị thành niên là một nơi bảo vệ quyền lợi cho trẻ vị thành niên nên đã lợi dụng hoàn cảnh gia đình: bố ngoại tình, không được phụ huynh dành thời gian quan tâm để tố cáo bố mẹ đòi tiền bồi thường.
Bản thân họ đã trải qua những cung bậc cảm xúc từ sự tranh cãi đến những lời tâm sự chân thành và cuối cùng tình yêu gia đình vẫn tồn tại, mạnh mẽ. Cũng như sự công tâm từ tòa án mà mỗi nhân vật đều rút ra bài học là hãy học cách yêu thương và lắng nghe từ chính những người thân trong gia đình nhiều hơn, không để khoảng cách thế hệ trở thành rào cản giữa cha mẹ với con cái. Cha mẹ cần học cách thấu hiểu và tôn trọng quyền riêng tư của con cái, nhưng cũng không quên sự trách nhiệm và vai trò hướng dẫn. Con cái cũng cần biết lắng nghe và thể hiện tình yêu và sự biết ơn đối với cha mẹ, để tránh rào cản trong giao tiếp và duy trì tình cảm gia đình.
Cứ ngỡ là xong, nhưng một đơn kiện với sự xuất hiện mang đến những yếu tố bất ngờ, chính đứa con của thẩm phán Phạm Từ Tâm đệ đơn tố cáo chính người mẹ của mình. Lý do cậu bé nộp đơn là muốn đòi lại quyền riêng tư vì bị mẹ kiểm soát quá mức. Từ bé, Tâm đã đặt ra những quy tắc trong nhà và yêu cầu đứa con phải làm theo. Những quy tắc được sửa đổi theo từng năm nhưng cho đến thời điểm hiện tại vượt quá giới hạn chịu đựng như khi đi ra ngoài, không được tự lái xe mà phải sử dụng những phương tiện công cộng, hoặc mẹ đưa đi; trước khi đi ngủ phải nộp điện thoại cho mẹ; không được khóa cửa phòng riêng; phải ăn tối ở nhà, nếu có việc phải đi ra ngoài vào buổi tối, báo với mẹ trước một tuần và có việc đột xuất mà rất quan trọng thì mẹ sẽ đi cùng.
Các quy tắc mà Tâm đặt đã vượt quá giới hạn chịu đựng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và tự do cá nhân của người con. Mặc dù có thể có những quy định nhằm bảo đảm an toàn và giáo dục nhưng quá mức kiểm soát, hạn chế có thể gây tổn thương tinh thần và cản trở sự phát triển của con; chính điều đó đã thức tỉnh Tâm. Qua đó cho thấy, gia đình cần tạo ra một môi trường hỗ trợ và đồng thời tôn trọng quyền riêng tư và sự tự do cá nhân của con cái, giúp trẻ phát triển sự độc lập và tự tin trong quá trình trưởng thành.
Với các màn trình diễn xuất sắc và diễn đạt tình cảm chân thành, liveshow Kịch 2023 - Từ nhà ra tòa đã gửi gắm đến khán giả những cảm xúc mạnh mẽ và khó quên. Những câu chuyện nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đã mở ra cửa sổ tâm hồn của khán giả, đồng thời thúc đẩy sự suy ngẫm về giá trị cuộc sống và tình người trong xã hội hiện đại.