Những ngày gần tết Mẹ tôi xoay qua nghề tráng bánh. Bánh tráng để bán tết coi vậy chứ cũng đa dạng lắm, ngoài loại bánh tráng trắng (bánh nhúng) Mẹ còn tráng thêm bánh tráng ngọt, bánh tráng mè đen... Nhưng nghề làm hủ tíu tại chợ Cái Vồn (Bình Minh - Vĩnh Long) là người em gái Út của Mẹ là Dì Út Lình (Nguyễn thị Út).
Những năm đầu thập niên 60, sau những năm bôn ba gia đình Dì về nhà Bà Ngoại ở bên khu chợ Cái vồn. Dì nâng cấp lò bánh tráng của Bà Ngoại thành một cơ sở sản xuất hủ tíu lớn nhất nhì ở chợ thời đó. (bên kia sông xã Đông thành có lò bún + hủ tíu của chú Hà Dậu) Dượng Út là một thợ máy người Trung Quốc nên ông Công nghệ hóa hết các công đoạn thủ công. Xay bột bằng máy Yamaha bánh hủ tíu cắt bằng mô tơ điện.
Bánh hủ tíu thay vì xắt bằng dao như xắt thuốc thì cơ sở được trang bị máy cắt bánh bằng 2 trục răng bằng 2 ống ru lô, mỗi răng 4 li có thể cắt bằng tay hay bằng điện tùy theo ít hay nhiều, vì vậy nên bánh rất đẹp, từ từ lò hủ tíu của Dì Út dần dần thu hút các nơi khác đến lấy bánh đem đi bỏ mối ở Trà ôn, Vĩnh long, Bắc Mỹ Thuận, Bắc Bình minh, Chợ Bà và cả Chợ Mỹ Tho.
Mỗi ngày Lò hủ tíu tráng bình quân 10 giạ gạo cũ, loại gạo trắng tinh phải đặt mua của bạn hàng ruột nên bánh lúc nào cũng giữ chất lượng tốt nhất. Khoảng 4 giờ sáng thì bắt đầu nhóm lò, lò xây bằng gạch có hai nồi nước to như nồi nấu bắp, chụm bằng trấu và lò không xây bằng xi măng mà phải xây bằng đất bùn sình nhồi đạp bằng chân với tro trấu. Mỗi lần xây lò thì phải rước thợ là chú Chệt Khôi từ bên xóm rẫy. Hỏi chú sao không xây lò bằng xi măng cho đẹp và dễ xây?
Chú Chệt Khôi cười hề hề nói bằng giọng lơ lớ của người Hoa:
- Hề hề... cái nhiệt độ trong lò nó lớn lắm nị ơi. Xây bằng xi măng sao chịu nổi chớ? Chỉ vài ngày nóng quá là nứt nẻ xì hơi tùm lum thì cái lò đâu đủ nóng mà chín cái bánh.
Bùn non được đạp với tro trấu cả tiếng đồng hồ, khi đạt được độ dẽo còn phải trộn vô một ít mật đường để tăng độ dính, đây là một bí quyết gia truyền mà chú Chệt Khôi là người duy nhất đi xây lò mà bà con phải đến mời rước đợi chờ theo lịch sắp xếp của Chú.
Lúc đó tôi mới biết hèn chi cái lò tráng bánh tráng, cái lò nấu cơm của nhà mình chú Khôi cũng xây bằng bùn với công thức như vậy.
Dì Út phơi bánh không bằng vỉ phơi đương bằng lá dừa mà dì đặt mua lưới cước bằng ny lon loại người ta làm ghế bố, khung phơi đóng bằng cây ba phân vuông, tuy mắc tiền nhưng phơi bánh dính không sợ rớt và khi lột cái bánh ra nhìn nó rất đẹp. Bánh hủ tíu của Dì và cả xứ Bình minh tầm hơn 3 cái bánh là đúng một ký. Bánh tráng bằng bột gạo ngâm cách đêm nên hủ tíu dễ ăn hơn hủ tíu Long xuyên, Sa Đéc. Loại hủ tíu bột lọc dai nhách khó mà nhai. Bây giờ tuy gần 40 năm ở xứ Long xuyên cái thứ tôi chưa bao giờ ăn lần thứ hai là hủ tíu bột lọc.
Hủ tíu bột gạo nó khác cái bánh phở là nó phải đem ra phơi nắng chừng 4 tiếng còn bánh phở thì chỉ để ráo một chút là ăn được rồi.
Thời đó, Chợ Bình Minh chỗ nào cũng có tiệm hủ tíu ngon, hủ tíu chú Sáu Xí Xồi, hủ tíu Dì Xủ, hủ tíu Chú Năm Xèo, hủ tíu Dì Năm Hoa, hủ tíu Dì Bảy... trên xóm Đình thì có hủ tíu Anh Ba Cà Nhỏng mỗi ngày bán ít nhất cũng trên 40 k. Nhân công trong quán anh Ba sau này ra tiệm bán hủ tíu gần đó như nấm. Nhưng ngoài quán anh Thổ hớt tóc có hương vị gần giống nguyên bản giá lại rẻ hơn nên khách cũng đông.
Trở lại chuyện tráng bánh tại nhà Dì Út tôi. Nhóm lửa lò tầm 40 phút nước sôi bắt đầu tráng bánh, nhân công tráng bánh thay phiên nhau tráng mỗi ca chừng 2 giờ, khoảng 4 ca thì hết bột cũng tầm hơn 1 giờ trưa. Nguyên liệu đốt lò thời đó chỉ xài bằng trấu.
Ngoài bánh hủ tíu thì Dì Út còn gói Giá để bán kèm theo, mỗi ngày giở 4 cần xé lớn, Giá gói bằng mạt cưa nên cọng Giá trắng tinh, ú nu mà không bị úng. Đúng 5 giờ sáng Dì dọn hàng ra bán và phân phối Bánh hủ tíu, Giá cho các tiệm hủ tíu trong khu vực chợ. Đến thập niên 70 Dượng Út còn trang bị thêm hai cái máy xay bột khô. Loại bột cho bà con làm bánh in nên gần tết là trước sân trong nhà bà con đến xay bột như hội Tầm Dương, ghe xuồng đậu kín bến chợ trước nhà Dì Út.
Nhân công trong lò khoảng chục người, đa số là con cháu ruột thịt của Dì. Là con cậu Ba, con cậu Tám... nhiều người đã ở lò hủ tíu của Dì Út và khi trưởng thành Dì cũng là người lo dựng vợ gả chồng. Dì rất thương con cháu kể cả dâu hay rể Dì cũng thương (kể cả tôi) tuy nhiên không ít người đã làm cho Dì buồn phiền.
Sau 1975, các con Dì lần lượt đi vượt biên và khoảng năm 1984 cả nhà Dì được bảo lãnh sang CHLB Đức. Cái nhà Dì ký giấy tặng cho Nhà nước... cái thương hiệu Hủ tíu Út Lình cũng mất đi từ đó.
Nối nghề Dì mở lò hủ tíu là chị Bảy Đẹp, anh Ba Cẩu con Cậu Ba, Anh hai Chệt Văn, anh Tư Tỷ... nhưng không ai trụ nổi với nghề. Cái nghề làm hủ tíu tuy thấy dễ nhưng cực lắm nên sau này con cháu nghe nhắc tới cái nghề làm hủ tíu là ai cũng sợ.
Bây giờ hiện đại hơn xưa bánh tráng bằng máy, xong đem vô lò sấy khô không cần phơi phải lo canh trời mưa trời nắng như ngày xưa thiệt là sướng. Con trai cả của Dì là A Hỏi từ CHLB Đức hay gọi điện về hỏi thăm tôi và ao ước:
- Tôi mong có ngày trở về Việt Nam khôi phục lại cái lò bánh hủ tíu của bà già...
Mong uớc của A Hỏi là vậy nhưng bây giờ cái thương hiệu lò Hủ tíu Út Lình của Dì Út tôi ngày đã một xa lắc lơ rồi phải không các bạn ./.