Bài viết của ông Hoàng Tuấn Công cho biết Từ điển Chính tả tiếng Việt (PGS. TS. Hà Quang Năng chủ biên, Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội, 2017) viết sai quá nhiều, chẳng hạn “xử án” thành “sử án”, “sa trường” thành “xa trường”, “sóng soài” thành “xóng xoài”, “khinh suất” thành “khinh xuất”, “sứ bộ” thành “xứ bộ” và nhiều nữa (xem https://nld.com.vn/van-nghe/tu-dien-chinh-ta-sai-chinh-ta-nhieu-loi-nang-den-kho-tin-20200607224718991.htm). Thật không tưởng tượng được một cuốn Từ điển CHÍNH TẢ lại sai đến như vậy!
Nhân đây, xin thêm rằng, không chỉ một mà có khá nhiều từ điển viết sai và không cập nhật hoặc chỉnh sửa khi tái bản, đặc biệt các Từ điển dành cho học sinh. Sau đây chỉ xin dẫn ra các ví dụ ở hai cuốn từ điển có tiếng, thông dụng, được thấy trên giá sách của nhiều cơ quan và gia đình.
1. Từ điển Anh-Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nhà xb TP. HCM, tái bản lần thứ ba, 2001, trang 2096 – 2097 (Hình 1) viết, ví dụ:
• “1 km = 0,6214 mile or about 8 mile”.
Không hiểu sao lại có “hoặc bằng 8 dặm”!
• Các đơn vị cubic inch, cubic foot, cubic metre xếp vào loại đo khối lượng.
Thực ra, cả ba đều dùng để đo thể tích hay dung tích: inh khối, fut khối và mét khối;
• “Tốc độ trên một dặm biển trong một giờ gọi là hải lí”
Hải lí (dặm biển) là đơn vị đo chiều dài (1 hải lí = 1,852 km), sao lại đo tốc độ! Đúng ra, tốc độ 1 hải lí trên giờ phải gọi là 1 knot.
Đến lần tái bản năm 2009, cuốn từ điển này của Nhà xuất bản Khoa học xã hội vẫn còn nguyên các lỗi đó.
2. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên
• Ở trang 744 trong cuốn do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học ấn hành năm 1998 (Hình 2) giải nghĩa “phân – Đơn vị cũ đo khối lượng, bằng một phần trăm của lạng, tức khoảng 0,378 gram. Ví dụ; Năm phân vàng”.
Điều này không đúng. Theo luật pháp hiện hành ở nước ta, 1 lạng (lượng) vàng bằng 37,5 gam. Trong thực tế cũng vậy, trên mỗi miếng vàng 1 lượng trong mua bán hiện nay đều ghi 37,5 gam. Giải nghĩa sai về “phân” kéo theo sai nghĩa của “chỉ”, “lượng” và “cân” vàng trong Từ điển
Gọi đây là đơn vị cũ cũng không đúng. Chỉ/đồng cân, phân, lượng là những đơn vị pháp định hiện hành của nước ta để đo khối lượng vàng, bạc, đá quý. Chúng có từ xa xưa và truyền lại đến ngày nay. Vậy tên gọi đúng phải là “đơn vị cổ truyền” hoặc “đơn vị truyền thống” (xem giải nghĩa các từ cũ, cổ truyền, truyền thống trong chính Từ điển này).
Từ gram trong từ điển cũng không đúng. Theo Luật đo lường của nước ta, khi chuyển sang tiếng Việt, từ này phải viết là gam.
Có thể sai sót này dẫn đến việc sách giáo khoa Vật lí 6 trước đây cũng viết: “1 chỉ vàng có khối lượng là 3,78g”, và ở quyển Bồi dưỡng cũng viết: “1 đồng cân = 3,78g”. Sau khi nhận được góp ý, từ lần xuất bản thứ 8 về sau, câu này mới được loại bỏ khỏi sách giáo khoa.
• Cũng trong cuốn Từ điển tiếng Việt này, ở trang 853, mục từ tải trọng được giải thích có hai nghĩa: “tải trọng” 1 Lực (hay ngẫu lực) từ bên ngoài tác dụng lên một vật, xét về mặt sức bền cơ học của vật đó. Ví dụ: Kim loại chịu được tải trọng lớn. 2 x. trọng tải”.
Giải nghĩa 1 là hoàn toàn đúng; còn ở giải nghĩa 2, chữ x. là viết tắt của “xem”, để chuyển chú một hình thức chính tả này sang một hình thức chính tả khác được coi là chuẩn hơn hoặc phổ biến hơn. Ở đây có nghĩa là tải trọng cùng nghĩa với trọng tải, nhưng viết trọng tải là chuẩn hơn.
Từ điển này cũng giải nghĩa: “trọng tải – Khối lượng có thể chở được của phương tiện vận tải. Ví dụ: trọng tải của xe là năm tấn”. Đúng vậy, trọng tải còn gọi là sức chở, như nói hạ thủy tàu 10 000 tấn, gọi một xe 7 chỗ, mua xe tải 4 tấn, lắp một thang máy 800 kg, vv. Những con số đó đều là trọng tải hay sức chở được đặt ra từ đầu trong thiết kế và chế tạo, không phải là khối lượng đang chở và không bao gồm khối lượng bản thân phương tiện.
Trở lại giải nghĩa 2 của từ tải trọng. Giải nghĩa này là không đúng, bởi theo giải nghĩa 1, tải trọng là lực hay ngẫu lực nên được đo bằng các đơn vị lực (như niutơn, N, hay niutơn mét, Nm). Ta vẫn thường gặp các từ đúng, như trong “tải trọng gió”, “tải trọng tĩnh”, “tải trọng uốn”, “tải trọng thiết kế”, vv. Trong khi đó, trọng tải lại là khối lượng được đo bằng kilôgam, kg, hay tấn, t. Hai đại lượng lực và khối lượng là hoàn toàn khác nhau.
Hậu quả của sai lầm này có thể nhận thấy, ví dụ, ở nhiều văn bản pháp quy về giao thông đường bộ, trong đó ta thường gặp những cụm từ như “tải trọng xe”, “trạm kiểm tra tải trọng”, “xe quá tải trọng”, vv. Thực ra, chúng đều là khối lượng, đo bằng tấn, nên đúng ra phải lần lượt là “khối lượng xe”, “trạm cân xe”, “xe quá trọng tải” (hay ngắn gọn là “xe quá tải”).
Thậm chí nhiều chỗ còn viết “tải trọng của đường bộ”, “tải trọng ... là một phần của trọng tải...”. Đến đây thì không thể hiểu chúng có nghĩa là gì!
Nguyên nhân của sai lầm này trong các từ điển có thể là do từ khâu điều tra thu thập thẻ mục từ. Từ tải trọng có tần suất khá cao trong ngôn ngữ dân dã là do thói quen của số đông. Người biên soạn, thường lấy lí do là “sinh ngữ” mà đưa vào từ điển, nhưng họ đã coi nhẹ chức năng quan trọng của từ điển là hướng dẫn người đọc sử dụng đúng từ ngữ, loại bỏ thói quen sai, phi khoa học, mà không “chạy theo số đông”, để gìn giữ sự trong sáng, chính xác của tiếng Việt.
Các lỗi tương tự như trên trong các từ điển có thể tránh được, nếu trong biên soạn có sự cộng tác của những nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực kĩ thuật, và nếu cần thiết, từ điển được chỉnh lí khi tái bản.