Lời “tự thú” chân thành và đáng yêu của nhân vật trữ tình trong “Người chơi cát thế gian

Nguyễn Văn Hoà

15/07/2022 08:45

Theo dõi trên

Nhân đọc tập thơ Người chơi cát thế gian của Khánh Chi (Nhà xuất bả Hội Nhà văn).

nguoi-choi-cat-the-gian-1657846200.jpg
Người chơi cát thế gian.

 

Người chơi cát thế gian là tập sách gây sự chú ý với người đọc,bởi nhà thơ Khánh Chi đã “xuất hiện” trở lại trên thi đàn sau một thời gian khá dài, hơn 20 năm, chị không in tập thơ mới nào (tính từ tập Những tình yêu và cát).

50 bài trong Người chơi cát thế gianchủ yếu được viết bằng thể thơ tự do. Sự linh hoạt ở thể thơ tự do, với độ dài ngắn của từng câu thơ, bài thơ tạo điều kiện để nhà thơ gửi gắm, luận giải những vấn đề phức tạp của thế giới tinh thần một cách rốt ráo nhất. Ở đó, Khánh Chi đã dựng lên ngổn ngang bao nỗi đời, nỗi người, nỗi mình, nỗi nhân tình thế thái.Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những lời giãi bày, “tự thú” chân thành và đáng yêu về chính bản thân trong các chặng đường đời mà chị đã từng đi qua và nếm trải. Vì thế xuyên suốt trong Người chơi cát thế gianvẫn nhất quán giọng điệu đồng cảm yêu thương, sự sẻ chia sâu sắc với mọi người. Có thể tẩy trên bản đồ một địa danh?/ Có thể tẩy trong ngày tháng một con số?/ Có thể tẩy trong ký ức một kỷ niệm?/ Có thể tẩy trong tim một nỗi đau?/ Ta biết rằng chỉ có thể làm như thế/ Khi ta là Chúa Trời/ Khi ta là Đức Phật/ Khi ta là người xoay vần cả vũ trụ/ Khi ta là người chơi cát - thế gian/ Nên thôi đành, thôi đành cúi đầu/ Gánh (Gánh).

 Giờ đây, nhà thơ Khánh Chi đã không còn trẻ nữa, hành trình cuộc đời chị với nhiều ngã rẽ, lắm nạn ách, tai ương. Vì thế, Khánh Chi nhìn lại quãng đời đã qua với cái nhìn đầy tiếc nuối, bởi những năm tháng tuổi trẻ chị đã “đánh mất” quá nhiều thứ. Và tình yêu là thứ mà nhà thơ đã trả giá đắt nhất. Để đến tuổi xế chiều, chị vẫn còn bẽ bàng và xa xót.

Tôi đang gõ những thanh âm cầu xin,/ van nài, run rẩy, hồi hộp/ Vào quá khứ của tôi/ Vào tuổi thanh xuân của tôi/ Vào những buồn vui, sướng khổ, hạnh phúc, đắng cay/ Của một thời thanh xuân xa tít tắp/ Đằng sau cánh cửa đó là tôi/ Là tôi, hơn ba mươi năm trước, đang ở trong đó/ Tôi đang khóc ngất, gục đầu vào cửa, nước mắt chảy thấm nền simili lạnh ngắt/ Vì tan vỡ những niềm tin đầu tiên, tình yêu đầu tiên, hạnh phúc đầu tiên/... Tôi, con bé Khánh Chi ngày ấy từng thơ ngây, tin tưởng và hiền lành/ ... Trái tim tôi đau quằn quại/ Những nhịp rung/ Những co thắt/ Bồi hồi/ Tôi không gõ nữa/ Chỉ tha thiết gọi thầm/ Khánh Chi ơi!!!  (535,535,535).

Khánh Chi là người luôn có trái tim khát sống, khát yêu nên dù trong bất kỳ tình huống nào chị vẫn là người đàn bà giàu đức tin và rất bản lĩnh. Dẫu đôi lúc, Khánh Chi cũng tỏ ra yếu đuối. Nhưng vượt lên tất cả, tình yêu và sự sống trong thơ chị vẫn luôn sinh sôi, nảy nở bất chấp mọi quy luật nghiệt ngã của thời gian. Ngay trong chính cuộc sống thường nhật, chị cũng biết điều tiết để tạo sự cân bằng nhất có thể. Và một thời/ Tôi tưởng tượng ra mùa xuân/ Bằng những kiến thức phổ thông ai ai cũng biết/ Rằng hết mùa hạ, hết thu, hết đông/ Mùa xuân sẽ đến/ Trái đất không bao giờ lộn ngược vòng quay/ Trái đất không có đôi mắt/ Để ngoái nhìn, hối tiếc những mặt trời đi qua/... Tôi thu mình những khoảnh khắc giọt sương long lanh/ Tôi tìm mặt trời trong những nhỏ nhoi bất chợt/ Tôi lượm lặt mùa xuân giữa mênh mông vũ trụ/ Cái mùa xuân ôm được để mà yêu/... Để khi tất cả tan vào thinh không/ Khi chỉ còn tôi nhận ra cái vệt tôi mờ nhạt/ Tôi bỗng tìm thấy mùa xuân/ ở trong đáy trái tim mình/ Lẫn giữa đắng cay/ Lẫn giữa hân hoan/ Giữa những tầng hạnh phúc của yêu thương và chia sẻ (Nơi ở của mùa xuân).

Tình cảm của nhà thơ trào dâng khi viết về người tri kỷ mới, lời thơ đầy tha thiết, yêu thương, sâu nặng nghĩa tình. Phải thật sự yêu thương, đồng điệu cả về thể xác lẫn tâm hồn mới viết nên những vần thơ ngọt ngào và mặn nồng đến vậy. Khánh Chi đã dồn nén tất cả tình yêu bấy lâu nay để dành cho anh - người đàn ông sẽ cùng đi với chị ở chặng đường hiện tại này. Chị quả quyết “anh” chính là nơi trú ẩn đầu tiên và cuối cùng của đời chị, sau bao nhiêu giông bão, dối lừa mà chị đã nhận lấy. Em trốn vào anh/ Em nép vào anh/ Em lẩn tránh trong anh/ Và khi đó, chỉ một nụ cười của anh/ Cái nắm tay của anh/ Nụ hôn nhẹ phớt lên trán em của anh/ Và thậm chí, cả lời mắng yêu của anh/ Cũng mang đến cho em một nơi chốn trú ẩn an toàn và bình yên nhất/ Để em có thể quên hết những bạc bẽo, dối lừa và độc ác của con người/ Để em có thể tạm quên đi rằng cuộc sống này đang thiếu/ vắng tình người, nhân cách, niềm tin, lương tâm/ Để em có thể sống sót cho đến cuối cùng thời khắc của mình/ và tin đến cuối cùng niềm tin thơ dại của mình/ Rằng cuộc sống này luôn sẽ có những hồi sinh từ tình yêu.

Trong con mắt của người đang yêu nồng nhiệt như chị, người yêu đầy bao dung và hào phóng, có thể là chỗ dựa vững chắc cho chị sau bao nhiêu năm tháng cô đơn. Nhà thơ Khánh Chi rất vô tư, hồn nhiên, ấp ủ niềm tin và bao dự định tốt đẹp ở tương lai phía trước.Những ngày mới này trong em rực nỗi hoan ca/ Những thì thầm của tim hé cánh cửa/ hứa một niềm vui bất tận/ Và dẫu nghĩ về nhau vẫn còn đầy nghi ngại/ Ta học lại bài học đầu đời:/ cứ 24 tiếng sẽ lại có một bình minh!/ Ừ, thì anh nhé mình nhắc nhau - mỗi lần thấy bình yên/ Cứ sống trọn một ngày hôm nay - tin tưởng/ Để dẫu mai này có lạc nhau trong dâu bể/ Vẫn nhớ rằng ta đã từng tinh khiết - ở trong nhau (Nhắc nhau).

Nét độc đáo trong thơ Khánh Chi là chị khai thác tâm trạng của chính mình và thể hiện nó một cách chân thực vào thơ. Vì thế mạch thơ Khánh Chi tuôn chảy rất tự nhiên, mọi khía cạnh của tâm hồn lần lượt được thổ lộ. Nhà thơ luôn sống gần gũi, hòa đồng với mọi người nên mọi buồn vui đều được chị chia sẻ không hề giấu giếm. Nhưng cũng chính điều này làm cho tứ thơ của Khánh Chi thường trở nên đơn giản!

Trái tim đa cảm của người thi sĩ cứ muốn hiến dâng mà đời người lại ngắn ngủi trước bước đi của thời gian. May thay Khánh Chi còn lại tình yêu với những người thân thiết, nhất là đứa con trai. Quá khứ đã qua, tình yêu bất thành, trái tim rỉ máu, nhưng chính đứa con là niềm vui, là chỗ dựa để nhà thơ vững tin sống, vững tin yêu với quãng đời còn lại ở phía trước.  Nhà thơ cho rằng: “Trái đất này được cứu bởi những nụ hôn”.Cả trái đất hình như đang bốc hỏa, lửa của mặt trời./ Đêm qua mẹ ngủ vùi bên cạnh chiếc máy tính, ngay dưới/ phòng khách, nơi mát nhất của nhà mình/ Và sáng thật sớm, mẹ thức dậy bởi nụ hôn của con,/ chàng trai cao lớn, mạnh mẽ và ấm áp của mẹ.

Cái tôi tự vấn, tự thoại, đối chất một cách thẳng thắn và quyết liệt với chính mình. Đó là cách để Khánh Chi bộc bạch nỗi cô đơn trước những bủa vây khắc nghiệt của cuộc đời. Tôi không tin vào những người đàn bà/ Trong khu vườn của mình chỉ có những đứa trẻ thò lò lỗ mũi/ Người đàn bà nuôi những đứa trẻ bằng rau cỏ tưới nước cống rãnh/ Tôi tin vào hoa trái trong khu vườn của mình/ Tôi tin vào phì nhiêu của mình/ Tôi tìn vào hữu cơ của những tưới tắm tình yêu// Bà già khổ đau trồng những cây rau còi cọc/ Nuôi những đứa trẻ còi cọc/ Tôi trồng hoa, trồng quả/ Chăm chút bằng mọi cảm xúc mang chứng chỉ an toàn/ Nhưng chỉ thấy lá xanh ngút ngàn/ Vườn tắt/ Âm ỉ khói ướt sũng trong màu xanh vô sinh của lá (Vườn tắt).

Đôi lúc, nhà thơ lại có lời đề nghị khẩn thiết:Này, con người ơi, đừng khóc nữa. Trái đất đã quá dư thừa nước mắt rồi”. Khánh Chi đưa ra lời đề nghị này là có cơ sở, bởi chị đã quan sát, đã nghiền ngẫm, đã dõi theo hành trình cuộc đời bằng con mắt và trái tim người đàn bà từng nếm trải những đắng chát và cả những dư vị ngọt ngào:  Đã bao nhiêu ngàn năm rồi con người khóc?/ Tôi thường tự hỏi mình như thế, khi nhìn những đại dương mặn chát, bao la/ Người ta ca ngợi nước mắt/ Người ta tin vào nước mắt/ Người ta dựa vào nước mắt/ Và rồi người ta rất nhiều khi giấu mình sau màn nước mắt/ Nên trái đất này đầy ngập những mặn chát đau thương.

Đọc những câu thơ trong bài:Này, con người ơi, đừng khóc nữa. Trái đất đã quá dư thừa nước mắt rồi”,bất giác lòng tôi chùng xuống, rưng rưng. Này, con người ơi đừng khóc nữa./ Trái đất đã quá dư thừa nước mắt rồi/ Mà đâu có đủ làm trôi/ Đâu có đủ rửa sạch/ Đâu có đủ sát trùng/ Đâu có đủ thay đổi/ Xin đừng nói nữa, rằng tôi thương lắm, tôi tiếc lắm, tôi buồn thật nhiều/ Hãy để nước mắt dành cho những điều dịu êm và hạnh phúc/ Để trái tim được dịu dàng mềm yếu/ Chảy nước mắt khi thấy những điều cao thượng đẹp đẽ của con người.Nằm sâu trong lớp vỏ của ngôn từ, những câu thơ của Khánh Chi biểu lộ cảm xúc của một hồn thơ nhạy cảm trước hiện thực cuộc sống. Chị đã phát huy cao độ vốn sống, vốn văn hóa và sự hiểu biết để ngẫm ngợi, suy tưởng, chiêm nghiệm với đời.

Nhà thơ nói nhiều đến tình yêu để khẳng định rằng sự thủy chung và chân thành trong tình yêu cùng với cái đẹp sẽ bất biến với thời gian. Vì thế, Khánh Chi đã tự đúc rút và đưa ra “Tuyên ngôn về tình yêu”.Bình minh đuổi bóng đêm/ Tôi chẳng thanh minh gì/ Rằng đó là hoàng hôn/ Cái đẹp của sự bắt đầu/ Cái đẹp của sự kết thúc/ Tên gọi bí mật ấy, tôi giữ cho tôi/ Như khi một tình yêu bắt đầu/ Như khi một tình yêu kết thúc/Sẽ luôn đẹp/ Nếu ta biết giữ gìn/ Những bí mật tận cùng/ Đâu cần nói ra/ Dừng đâu đó/ Ở trước chút cay đắng cuối cùng/ Cười nhẹ nhàng/ Tôi yêu cái đẹp/ Hơn mọi sự/ Kể cả tình yêu.

Khi đã hiểu được quy luật trước cuộc sống vốn nhiều bất trắc và đầy cạm bẫy, Khánh Chi vẫn dành cho mình một khoảng lặng để yêu. Đó là thứ tình yêu chân thành, không vụ lợi: nóng bỏng những cơn khát, dồn dập những đam mê. Bởi sau đổ vỡ, mất mát trong tình yêu, chị cũng đã tìm cho mình được bến đỗ bình yên vào những năm tháng khi đã đứng tuổi. Niềm vui như vỡ òa, hạnh phúc có người đàn ông về chung một mái nhà đã phần nào làm nguôi đi những nỗi đau xưa cũ. Do đó tình yêu trong thơ chị vẫn tha thiết, trẻ trung, vẫn hừng hực tâm thế của một người “trẻ”.Nhưng chỉ khác ở chỗ là tình yêu giờ đây trở nên chín chắn hơn, nồng nàn hơn so với thời trẻ. Chúng mình chỉ đứng dậy khi cơn mưa/ Bắt đầu cuộn lòng phố/ Khi cơn gió mạnh hất đổ bình hoa đỏ/ Bám vào tay anh em nuối tiếc ra về// Bàn tay em chạm vào khuôn lưng anh, lạnh ngắt/ Chạm vào khuôn lưng anh ướt đẫm/ Mới hay anh che hết cho mình/ Mới hay cơn gió mùa đông bắc dừng lại phía lưng anh/ Phía em núp trong lồng ngực anh/ Thật ấm!// Ngày mai, em bay về phương nắng/ Bắt đền anh, em chưa biết gió mùa!(Tín hiệu của gió mùa đông bắc). Nhà thơ ví von hình ảnh “Chuyện tình đá và nước”, gây bất ngờ trong nhận thức người đọc và tạo nên sức biểu cảm lớn: Anh là đá/ Em là nước/ Em tạc anh/ Thành long lanh/ Thành dáng hình/ Thành hang động/ Thành kỳ ảo/ Em tạc anh thành/ Tình Yêu.

Thơ Khánh Chi là tiếng thơ của một người đàn bà có nhiều trải nghiệm, chị đã đi qua những năm tháng thăng trầm của thời cuộc và với cả bản thân nên tiếng thơ ấy có sự chắt lắng, triết luận để lại trong lòng bạn đọc những dư ba. Ta mổ xẻ cào cấu trái tim mình để mong có một ngày lấy ra/ cho hết những bệnh hoạn buồn đau/ Rồi hóa trị, rồi xạ trị nhưng phần còn sót lại, để mong giữ/ được một phần nào những mạch máu hồng hào nuôi sự sống/ Và âm thầm chảy trong tôi những ngày tháng tàn lụi/ Nhưng độc dược của con người ngăn cho tóc nảy mầm xanh/ Ngăn cho nụ cười thênh thang những niềm vui mới/ Tôi đã cố gắng tuyệt vọng/ Đã âm thầm gào thét tuyệt vọng/ Và đã gục ngã trong chính mình, vì tuyệt vọng/ Thế mà rồi, bỗng chỉ một ngày, một cơn gió qua rất nhẹ/ Chợt thổi bay đi những gánh nặng/ Chợt cuốn hết đi những đau buồn/ Và tôi chợt hiểu ra rằng, những gánh nặng đó, những đau/ thương đó, không phải bắt nguồn từ tôi, không phải do tôi/ Có những điều không phải cố gắng nào cũng dỡ bỏ nổi// Vậy thì, nếu nó đến, hãy để một ngày kia nó tự đi/ Sẽ có một bàn tay nhân từ, nhẹ nhàng, dịu dàng... của tự nhiên này/ Nhắc nó khỏi trái tim mình/ Và một giọng nói êm ái bảo tôi rằng/ “Những thử thách con mang đó, đã đủ rồi, giờ thì hãy nghỉ ngơi, bình yên đi” (Gánh nặng).

Xin mượn lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi nhận xét về thơ Khánh Chi để kết thúc bài viết này. “Những câu thơ của Khánh Chi đã dựng lên một thế gian ngổn ngang, giả dối, đầy bất trắc, đầy nước mắt nhưng ngập tràn yêu thương khắc khoải và những vẻ đẹp mong manh. Và trên thế gian ấy, một người đàn bà mang tên Khánh Chi vừa đi vừa cất lên những câu hỏi về ý nghĩa của đời sống thế gian và tự trả lời những câu hỏi ấy. Khánh Chi là một người đàn bà của đắm đuối, một người đàn bà của run rẩy, của những giấc mơ xa xôi, của những dày vò đau đớn, của những yêu thương đến kiệt sức, của những suy tưởng... Những câu thơ chị viết là bản lý lịch chính xác nhất của tâm hồn chị. Chị tự nguyện viết bản lý lịch đó và cũng là người xác nhận bản lý lịch đó trong một cảm giác của đau đớn và kiêu hãnh”.

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Lời “tự thú” chân thành và đáng yêu của nhân vật trữ tình trong “Người chơi cát thế gian" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn