Lũ Quét

Nếu đời cần bước qua trở ngại, thì cái anh gặp hôm nay đó phải gọi là "Lũ quét"... Anh đã đi qua trận "lũ" ấy dù tổn thương khôn tả.
lu-quet-1638090389.jpg
 

 

"Cuối làng Thiếu tá mải mê chăn gà"

Ông ngâm ngư, tâm đắc lắm.

Chuồng gà ông tự làm đẹp thật, là ông tự nhận xét thế. Con gà nào được qua tay ông chắc phải may mắn lắm. Mua từ khi bằng nắm tay, nuôi nhốt hai tháng rồi thả ra rừng keo cạnh nhà. Trứng ngon, thịt ngọt, được giá. Vợ yên tâm giao cả đàn gà cho ông.

Ôi xời, giao à? Có mà ông không khiến bà thì có. Tiền thì bà cầm cả đi, chứ bà xa đàn gà ra hộ ông. Lính mà, làm gì cũng ra làm.

Chưa xa là thời lính oai hùng. Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Sau năm 75 ông thành chỉ huy. Chiến trường Tây Nam ông còn góp phần thiết kế nên trận đánh ấy chứ. Dùng địa bàn xác định vị trí đang đứng trên bản đồ, đêm cho lính đi trinh sát, xác định vị trí đóng quân, bố trí căn cứ của địch, đó là đại đội hay tiểu đoàn? v. v... Lên phương án, cần lực lượng bao nhiêu? Đơn vị nào mũi chính? Đơn vị nào tạt sườn? Đơn vị nào vu hồi? Xác định toạ độ nơi địch ở gọi pháo cấp trên bắn lúc mấy giờ? Bắn bao nhiêu quả? Mấy giờ cho cối đơn vị bắn vào? Khi nào dừng hoả lực cho bộ đội xuất kích? Rồi công tác chính trị, tinh thần để đảm bảo trận đánh thắng lợi. Công tác thương binh liệt sĩ...

Ra quân mới lấy bà, bà không biết tài ông là phải.

Mới hôm qua cả ngày bận họp trên Huyện tối mịt mới về mà sáng nay ra thăm gà ông đã không vừa ý. Quày quả rồi cũng xong việc, ông ngồi lôi thuốc ra hút.

Cũng muốn bỏ cái anh thuốc lá đi lắm mà chưa bỏ được. Là bởi cái thèm thuốc hồi là lính Tây Nguyên ám ảnh. Thèm lắm, chia đôi điếu thuốc , thậm chí mỗi thằng rít một hơi, ngắn thôi để còn nhường nhau. Khẩu phần Tết mỗi thằng bốn điếu Tam Đảo, qua miền Trung đỏ lửa, qua Trường Sơn đại ngàn , trên vai TNXP, đến tay lính đã mốc mốc... gần meo rồi. Vẫn quý như vàng.

Mà vàng có gì mà quý. Đánh thắng đồn xong nhặt được là bình thường. Nộp lên đơn vị, thế là được tuyên dương, sướng. Thứ lính nào cũng cầm về, là thuốc và chỉ thuốc thôi. Rubi thơm ngát, thằng nào ở sau chiều gió hít phải là ... phải chạy đến mà xin. Mất mát sau mỗi trận đánh, biết làm sao, người còn vẫn chỉ biết chuẩn bị cho trận tới. Trước mỗi trận đánh lính thường viết thư, và đó sẽ là di vật gửi về gia đình nếu chẳng may, chút suy tư thôi chả ảnh hưởng gì. Lính mà. Còn sau trận đánh là tận hưởng chiến thắng bằng cách ngồi rít hơi Rubi, nhìn vỏ bao có dòng chữ "hàng dành cho quân tiếp vụ", in hình thằng nguỵ mũ sắt, súng AR15 đang nhảy chân sáo mà cười khẩy: "chúng mày chờ đấy".

Nhớ lần đầu tập tọng hút thuốc là sau trận đánh đầu. Được mấy hơi là sặc sụa rồi nửa ngày say đứ đừ. Đã thế anh Trung đội trưởng lại còn phết một câu: "cho mày chết". Ôi nhắc đến anh ấy lại lặng ngắt tận tim. Nằm cùng hầm anh ấy cứ ôm ông ngủ, chắc anh ấy nhớ vợ, làm ông ngượng. Mà khi anh ấy hi sinh rồi thì trống vắng vô cùng. Lúc quả pháo ấy rơi xuống hai anh em, bằng bản lĩnh kinh nghiệm anh ấy đã nhận ra và trong tích tắc đạp ông ngã xuống, anh hứng cả quả đạn ấy...

Lại nằm cùng hầm với ông là thằng lính gan dạ ông coi như em, cũng chiến đấu luôn cạnh nhau nhưng lần này Trung đội trưởng là ông đã không làm tròn trách nhiệm như người anh của mình, nó chết trong vòng tay ông... Không bao giờ nguôi ngoai được.

Gần 4 năm trong rừng Tây nguyên, ngót hai tháng từ lúc ra khỏi rừng, là 30/4. Trung đội từ 15 còn 5 người.

di-pig-1638090466.jpg
Tác giả bài viết

Chỉ trong một ngày Toàn quân mừng Chiến thắng ông nhận dồn dập sự đãi ngộ của Quân đội : phong hàm sĩ quan , kết nạp Đảng và được bầu là một trong bốn Chiến sĩ thi đua của Trung đoàn. Khi ấy ông tròn 20 tuổi.

Thế mà suýt cơn "Lũ quét" cuốn đi tất cả...

Bộn bề công việc sau chiến tranh. Đón cái Tết Hoà bình thứ hai, anh bộ đội là ông mới được về thăm nhà.

Tay xách cái khung xe đạp huyền thoại thời ấy, trong ba lô lép kẹp là bộ quần áo cho bố và mẹ. Nhà anh như có loạn. Nhìn mẹ già đi nhiều lắm, cứ khóc rồi cười, anh xót xa cho mẹ những người Liệt sĩ. Anh trai ông là lính chống Pháp thấu hiểu nhất niềm tự hào này, anh cầm khẩu súng ngắn (sĩ quan mới có đấy) bắn lên trời cả băng đạn. Hàng xóm mỗi lúc một đông. Bố và anh trai đi mổ lợn.

Sau tiếng lợn kêu chút xíu thôi là hai người khách: Công an xã và anh văn thư, người quen cả. Chào mừng người lính trở về, mân mê mấy cái cát tút vàng óng và xin đút vào túi, rồi giở sổ ra: gia đình thịt lợn khi chưa nộp đủ nghĩa vụ nhà nước. Phạt 15 đồng. Ôi...

Mẹ chạy khắp bản để mượn tiền, yêu cầu nộp ngay và luôn.

Gia đình đang rất vui, và bố mẹ anh vốn hiền lành. Bữa ăn đón anh vẫn vô cùng xúc động.

Ai cũng hỏi tin tức về con em mình. Chiến trường rộng lắm biết trả lời sao? Thương nhất một bà mẹ mà anh không thể nói là người con đã hi sinh. Cũng giống như có lần anh cũng được chị TNXP đưa cho cây thuốc Trà Khúc của người em gửi cho anh mình, mà người được gửi không thể nói ra anh ấy đã hi sinh rồi.

Bao người lính không trở về và chẳng ai muốn là người báo tin.

Người lính trở về là ngày hội. Khuya lắm anh mới ngủ . Nằm trên cái giường xa năm năm trước, thoáng nghĩ về người anh Trung đội trưởng đã hi sinh như kể với anh niềm vui về nhà. Rồi anh ngủ thiếp đi.

Nếu đời cần bước qua trở ngại, thì cái anh gặp hôm nay đó phải gọi là "Lũ quét"... Anh đã đi qua trận "lũ" ấy dù tổn thương khôn tả.

Anh còn cống hiến nhiều trận đánh nữa trên nước bạn Campuchia. Mà chẳng nghĩ đến có ngày về.

Và còn chịu đôi lần "Lũ quét" nữa, và lại vượt qua. Để tuổi xế chiều, vẫn trên mảnh đất bố mẹ để lại, ông CCB thương binh ấy lại ngâm ngư: "Cuối làng Thiếu tá mải mê chăn gà".